GUARDIAN

“So Others May Live”

Một cuốn phim hay! Tôi không tiếc mấy tiếng đồng hồ để xem lại lần thứ 2 trên StarMovies.

Kịch bản đơn giản, mô tả về cuộc sống của những người cứu hộ bờ biển Hoa kỳ. Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ thầy-trò, sau đó là đồng nghiệp của Randall và Fisher.

Nó có ý nghĩa đặc biệt với hiện tình đất nước, khi nền giáo dục quốc gia đang trên đà tuột dốc và số phận bi thương của những người đánh cá Việt Nam trên biển Đông đang trở nên hẩm hiu hơn bao giờ hết.


Rất đáng xem và suy ngẫm.

Phần đầu phim nói về cuộc sống của những học viên đang dấn thân vào nghề cứu hộ trên biển. Gian khổ, khắc nghiệt và đòi hỏi tinh thần quả cảm vô biên. Trong đó, nổi bật hơn cả là anh chàng Fisher với bản chất háo thắng của một kẻ sớm giành được thành tích ở tuổi 16. Lời tuyên bố sẽ phá mọi kỷ lục của ông thầy Randall - một con cá kình lão luyện với vô số huyền thoại về cứu nạn trên biển - đã gây nên một không khí đua tranh lành mạnh trong khóa học.

Môi trường đặc thù của nghề cứu hộ trên biển đã góp phần tạo nên những tình tiết gay cấn và thú vị trong phim. Bài học dưới nước đầu tiên, Randall đã đạp thẳng vào mặt Fisher khi anh chàng vừa ngóc đầu lên khỏi mặt nước. Đó chính là đặc thù của nghề nghiệp, như nguyên tắc bất cứ ai cũng biết khi cứu người dưới nước: phải túm lấy tóc của họ mà kéo lên. Nếu xem đó là hành động bất nhân, để kẻ bị nạn ôm lấy mình thì rất dễ dẫn đến cả 2 đều chết! Tương tự như vậy, anh chàng trợ giảng của Randall đã nén nỗi đau đớn khi miệng và mũi đầy máu, cầm tay kẻ đã đấm mình giơ cao chúc mừng: Anh đã vượt qua kỳ thi!

Các tình tiết gay cấn đều dồn vào phần cuối phim. Mắc sai lầm trong một lần tác nghiệp, Randall dường như nhận thấy tuổi tác đã không còn đồng hành với ông trên con đường cứu nạn. Từ giã đội cứu hộ, chia tay người bạn đời mà ông đã để chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Lời xin lỗi chân thành bằng cách kể lại câu chuyện về đôi vợ chồng gặp nạn trên biển: “… Sau bao nhiêu năm qua, anh mới nhận ra mình chính là người đàn ông kia…” là một minh chứng rất thực về đức tánh khiêm nhường, chịu nhận trách nhiệm của một người đàn ông chân chính.
Khi Fisher tò mò muốn biết thực sự về số người mà ông đã cứu sống là 200 hay 300, Randall đã nói 22! - Chỉ thế thôi ư? Không phải là 200, 300 người như người ta vẫn truyền khẩu! Đúng, nhưng 22 là số nạn nhân mà ông đã không thể cứu được. Là cứu tinh của hàng trăm mạng người, nhưng Randall không hề nhớ đã cứu được bao nhiêu, bao năm đã qua trong lòng ông vẫn day dứt con số mà mình đã để mất! Đó là một thực tế không thể chối bỏ, dù thế nào cũng chấp nhận mất mát. Randall đã nói với học trò: Nghề nghiệp chúng ta là một sự lựa chọn! Khi Fisher hỏi về nguyên tắc lựa chọn, ông trả lời rất đơn giản: Chọn người yếu nhất và gần mình nhất rồi bơi đến thật nhanh, mọi việc còn lại tùy thuộc vào biển cả.

Quan trọng nhất là bạn phải sống! Vì bạn là người cứu hộ! Nếu bạn còn sống thì ít nhất 1 người có cơ may được cứu sống, ngược lại họ không còn chút hy vọng nào.

Fisher đã không làm được điều này trong lần cứu hộ kế tiếp. Vì không muốn mất người đầu tiên trong sự nghiệp của mình, suýt nữa anh đã chết cùng với viên thuyền trưởng dưới hầm tàu. Cho đến phút cuối, cuộc đua tranh về lập các kỷ lục xem ra vẫn còn gay cấn và thú vị. Fisher quyết không buông tay, nhưng sợi cáp treo tính mạng của 2 cứu hộ không đủ bền để tham gia cuộc đua. Randall đã chọn giải pháp tối ưu nhất, để Fisher kế tục sự nghiệp cứu hộ với một bài học cuối cùng, trả giá bằng cả tính mạng của người thầy và cũng là đồng nghiệp của mình!

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!