Sứ mệnh lịch sử

19 / 1 / 1974,
34 năm đã qua đi, lịch sử đang từng bước khuấy mạnh đôi đũa khách quan thần kỳ của nó. Bức màn phủ lấp những sự kiện u uất của đất nước đang dần được hé lộ...

Tôi nhìn thấy gì ? Sự kiện lịch sử chúng tôi chưa bao giờ được học, nhưng dòng máu Việt Nam và linh hồn Hồng Lạc không cho phép tôi ngoảnh mặt. Tôi và tất cả chúng ta, những ai còn chút tinh thần dân tộc - đều cảm thấy có lỗi với tiền nhân - với biết bao tâm huyết cho sự nghiệp bảo toàn và mở mang bờ cõi.

Tôi muốn nói cho những ai chưa biết, không biết hay chưa bao giờ được biết:
Trận hải chiến Hoàng Sa 34 năm về trước: 19 / 1 / 1974


Diễn tiến:

Ngày 16 / 1 / 1974: Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt sau khi đưa một phái đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa phát hiện hai chiến hạm số 402 và số 407 của Hải quân Trung Quốc gần Cam Tuyền, đồng thời phát giác quân Trung Quốc chiếm đóng hoặc cắm cờ của họ tại các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc.

Sau khi cấp báo về Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng, HQ-16 dùng quang hiệu yêu cầu các chiến hạm Trung Quốc rời lãnh hải Việt Nam. Các chiến hạm Trung Quốc không rời vùng, và cũng dùng quang hiệu yêu cầu phía Việt Nam Cộng hòa rời lãnh hải Trung Quốc.

Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4)

Ngày 17 / 1 / 1974: Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đến Hoàng Sa đổ bộ một toán biệt hải và một đội hải kích xuống Cam Tuyền để nhổ cờ Trung Quốc. Sau đó các chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa rút trở lên tàu. Cùng trong ngày, các Liệp tiềm đĩnh số 271, 274 của Trung Quốc cũng xuất hiện.


Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5)

Ngày 18 / 1 / 1974: Đô đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải quân Việt Nam Cộng hòa bay ra Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng để trực tiếp chỉ huy trận đánh. Ông ban hành lệnh hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc. Lực lượng hành quân Hoàng Sa 1 được tăng cường thêm Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) làm soái hạm cho cuộc hành quân, và Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10). Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ-10 tham chiến với một máy bất khiển dụng, chỉ còn một máy hoạt động.

Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10)

Ngày 19 / 1 / 1974: Các nhóm biệt hải của Việt Nam Cộng hòa từ HQ-5 đổ quân lên mặt Nam đảo Quang Hòa, Hải quân Trung Quốc đổ quân xuống mặt Bắc đảo. Hai bên giao tranh và phía Việt Nam Cộng hòa có 3 chết và 2 bị thương. Do quân Trung Quốc quá đông, quân Việt Nam Cộng hòa rút trở lên HQ-5.

Ngay sau đó, chiến hạm hai bên triển khai đội hình gần đảo Quang Hòa. Từ soái hạm HQ-5, Phó Đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại phát lệnh khai hỏa trước để giành ưu thế. Hai bên chạm súng gần 1 tiếng đồng hồ. Cùng thời điểm đó, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa nhận được thông báo của Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn, cho biết radar Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số phóng lôi hạm (guided missile frigate) và chiến đấu cơ MIG từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa sau đó yêu cầu Đệ thất Hạm đội trợ giúp, nhưng không thành công. Các chiến hạm Việt Nam Cộng hòa được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa.

Tương quan lực lượng

Phía Việt Nam:

  • Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5),
  • Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16),
  • Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4),
  • Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10),
  • Một đại đội hải kích thuộc Hải quân Việt Nam Cộng hòa, một số biệt hải (biệt kích hải quân) và một trung đội địa phương quân đang trú phòng tại đảo Hoàng Sa.

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16)


Phía Trung Quốc:

  • 4 Liệp tiềm đĩnh số 271, 274, 281, 282,
  • 2 Tảo lôi hạm số 389, 391,
  • 2 chiến hạm số 402 và số 407 chở quân,
  • Tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 10 Thủy quân lục chiến,
  • 2 đội trinh sát.

Liệp tiềm đĩnh số 271 của Hải quân Trung Quốc

Kết quả

Theo tài liệu của Việt Nam Cộng hòa:

- Thiệt hại của TQ: 274 trúng đạn, tay lái bất khiển dụng phải ủi vào bãi san hô để thủy thủ đoàn đào thoát, 271 hoặc 389 bị chìm tại trận, 389 và 391 bị hư hại nặng.

- Thiệt hại của VNCH: HQ-10 trúng đạn vào pháo tháp bị chìm tại trận, HQ-16 bị hư hại nặng nghiêng 15 độ, HQ-5 và HQ-4 bị hư nhẹ. Gần 50 thủy thủ và hạm trưởng Ngụy Văn Thà của HQ-10 tử vong. Ngoài ra HQ-5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương. Hai ngày sau trận hải chiến, ngày 20 tháng 1, tàu chở dầu Hòa Lan "Kopionella" vớt được 23 người thuộc thủy thủ đoàn của HQ-10 đang trôi dạt trên biển. Đến mười ngày sau, ngày 29 tháng 1, ngư dân Việt Nam vớt được một toán quân nhân Việt Nam Cộng hòa gần Mũi Yến (Qui Nhơn), gồm 1 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan và 12 quân nhân thuộc lực lượng đổ bộ lên Quang Hòa, đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận hải chiến.

Theo một bài "Không thể chấp nhận được!" của Bùi Thanh đăng trên báo Tuổi Trẻ Online ngày Thứ Năm, 06/12/2007, 08:14 (GMT+7) "Trong trận hải chiến lịch sử và không cân sức này, 58 binh sĩ quân đội Sài Gòn đã ngã xuống nhưng không giữ được mảnh đất thiêng liêng của ông cha."

Theo tài liệu của Trung Quốc thì 274, 271, 389, 391 đều trúng đạn, 281, 282 và 402, 407 bị hư hại trung bình, HQ-10 bị chìm tại trận. Trung Quốc bắt giữ 48 tù binh, trong đó có một người Mỹ. Trung Quốc có trao trả tù binh sau đó tại Hồng Kông qua Hội Chữ thập đỏ.

Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ thời điểm này. Sau trận chiến, Việt Nam Cộng hòa đã ra nhiều tuyên bố cũng như trưng ra các chứng cớ lịch sử về chủ quyền của mình và đã được Chính phủ Pháp ủng hộ vì trước đây theo Hòa ước Pháp Thanh thì người Pháp đã thực hiện chủ quyền ở quần đảo này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của người Việt.

-------------------------------------------

Nguồn tham khảo:

◄◄ Home

1 comments:

btkhoa said...

Đả đảo bọn bành trướng Bắc Kinh.

Trả Tây Tạng cho Tây Tạng, trả Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam. Đưa Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc. Đả đảo bọn bành trướng Bắc Kinh

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!