Ngày Sinh viên Việt Nam 9/1

Hỡi các bạn trẻ! Tương lai Việt Nam nằm trong tầm tay các bạn! Vận mệnh đất nước tùy thuộc vào trái tim và khối óc của các bạn! Đây vừa là niềm vinh hạnh cao quý vừa là trách nhiệm rất nặng nề. Để ý thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình, các bạn nên nhận thức thời cuộc thật tỉnh táo và khách quan. Chúng ta đã có gì và còn hạn chế, thiếu sót những gì?

Thế mạnh hiện hữu:
* Truyền thống văn hóa hơn bốn ngàn năm, với một bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng.

* Dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng không ương hèn. Con người Việt Nam có trí tuệ không hề thua kém thiên hạ. Đức tính cần cù chịu khó, cộng với truyền thống đạo đức nhân ái từ ngàn xưa là yếu tố quan trọng giúp giới trẻ hình thành động cơ tư duy tích cực.

* Đất nước đã hòa bình, thống nhất trong một khoảng thời gian khá dài (1/3 thế kỷ).

* Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí địa lý có vai trò chiến lược trong vùng Đông Nam Á cũng là một lợi thế không nhỏ.

Thực tế đau lòng:
- Việt Nam vẫn còn nằm trong danh sách các nước nghèo, tụt hậu trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, quốc phòng, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật…

- Những công trình kiến thiết cơ bản hiện nay đều chịu ảnh hưởng rất lớn của đầu tư ngoại quốc. Trước mắt, chúng ta thấy đó là những thành tựu rất đáng tự hào. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ tiềm ẩn mối nguy nan giải:

  • Vay nợ nước ngoài của Việt Nam đang vượt ngưỡng 20 tỷ USD! Đây là gánh nặng mà các thế hệ kế tiếp (trong đó có các bạn) phải gồng mình chống đỡ!
  • Nếu là nguồn viện trợ không hoàn lại thì chúng ta sẽ phải chịu thiệt thòi, lép vế trong đàm phán, thương thảo ở các lĩnh vực khác. Người xưa vẫn nói: “Ơn nghĩa mắc hơn mua”. Và thực tế trước mắt chúng ta đang thấy là bài học về Hoàng Sa và Trường Sa.
Hỡi các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, trong các giảng đường đại học, và tất cả các bạn thanh niên chưa có điều kiện học tập! Hãy ý thức thật rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình! Có bao giờ các bạn cảm thấy tủi thân khi hầu hết những vật dụng có giá trị quanh ta đều mang nhãn hiệu Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn, Đức, Pháp, Phần Lan…? Tôi biết chắc rất nhiều bạn có cùng trăn trở và mong muốn đưa tên tuổi Việt Nam thăng hoa, nhưng câu hỏi khó nhất là “Làm như thế nào và cách nào là tối ưu, hiệu quả nhất ?”

Thời đại chúng ta là thời đại của thông tin và tri thức. Hãy nắm lấy thông tin bằng mọi giá, dùng mọi cách để vượt tường lửa. Tôi tin tưởng một ngày không xa, nhà nước sẽ nhận thấy sai lầm này(1) cũng không khác gì so với chính sách “cấm chợ ngăn sông” thời bao cấp 30 năm trước! Nhưng nếu chúng ta cứ ngồi chờ 20 năm sau nữa thì e rằng quá muộn, đất nước đã tụt hậu quá xa không gì cứu vãn nổi!

Tôi không cổ súy, suy tôn Internet. Tôi chỉ muốn các bạn nhận ra nguồn thông tin vô giá và vô cùng phong phú trên Internet. Hầu hết các nguồn thông tin trên mạng đều không có bảo chứng, vả lại trên đời đâu có gì hoàn thiện tuyệt đối? Câu chuyện anh hùng lịch sử Lê Văn Tám(2) trong sách giáo khoa của NXB GD suốt mấy chục năm qua chỉ là hư cấu đấy thôi!

Như vậy, việc tiếp nhận thông tin trên mạng lưới toàn cầu đòi hỏi các bạn cần phải có tư duy nhạy bén. Đây chính là bản chất 2 mặt của tự do thông tin. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải có khả năng nhận định, lượng giá sau khi tổng hợp các nguồn thông tin thu thập được.

Nhân ngày truyền thống 9/1, tôi chỉ có vài tâm sự cá nhân muốn chia sẻ cùng các bạn trẻ. Mong nhận được các ý kiến phản hồi. Mong rằng mỗi bạn trẻ ngày nay là một Nguyễn Trường Tộ(3) của thế kỷ 21. Hồn thiêng của ông nơi chín suối chắc chắn phò trợ cho hậu duệ đạt thành ước nguyện.

Cuối cùng, tôi muốn truyền tải tinh thần vô úy trong đạo Phật đến tất cả các bạn trẻ. Vì rằng, trong khoa học cũng rất cần lòng dũng cảm – như câu nói bất hủ của nhà bác học Nicolas Copernic trước lúc lên giàn hỏa: “Dù sao thì Trái đất vẫn quay!”.

Ngày 9/1/2008
PVH
----------------------------------------------------------------------
(1) Hiện tại, một số nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam vẫn dùng tường lửa ngăn chận trang blog này. Một số bạn có gởi email thắc mắc vì họ không biết cách vượt tường lửa. Đây là việc ngoài ý muốn và khả năng, tôi thành thật xin lỗi các bạn.

(2) Theo giáo sư sử học Phan Huy Lê (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì nhân vật Lê Văn Tám là không có thật, và được Trần Huy Liệu, lúc đó là bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, dựng lên. Theo một nguồn khác thì nhân vật Lê Văn Tám vốn được đạo diễn phim Phan Vũ sáng tác cho một phim truyện nhưng sau đó được dùng cho mục đích tuyên truyền.
Trong một cuộc họp báo vào tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê “nhớ lại”: “Tôi còn một món nợ với anh Trần Huy Liệu mà đến nay chưa trả được. Ðó là lúc anh Liệu làm bộ trưởng bộ tuyên truyền (sau cách mạng tháng Tám 1945, Trần Huy Liệu làm bộ trưởng bộ tuyên truyền và cổ động), anh Trần Huy Liệu tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè”.

(3) Nhà chí sĩ yêu nước Việt Nam thế kỷ 19. Liên tục trong 8 năm (từ 1863 đến 1871), Nguyễn Trường Tộ đã kiên trì dâng 14 bản điều trần canh tân đất nước lên vua Tự Đức. Tiếc thay, nhà vua chỉ nghe theo lời xàm tấu xu nịnh của bọn hủ nho muốn duy trì quyền lực – nên thẳng tay bác bỏ các kế hoạch cải cách của ông. Tệ hơn, triều đình Tự Đức còn áp dụng chính sách bế môn tỏa cảng, quy phục sự ảnh hưởng của Trung Quốc, duy trì lối học từ chương, ngâm vịnh tiêu khiển. Cái chết của nhà chí sĩ lỗi lạc vào năm 44 tuổi (1871) cũng chính là sự suy vong của cả quốc gia suốt gần một thế kỷ.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!