Vĩnh biệt GS Hoàng Minh Chính

Những trăn trở, nguyện ước của Giáo sư Hoàng Minh Chính trước lúc qua đời

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Giáo sư Hoàng Minh Chính, nguyên Tổng thư ký đảng Dân chủ Việt Nam, từng là Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, một người đã dấn thân quên mình cho lý tưởng tự do dân chủ tại Việt Nam đã từ giã cõi trần hôm mồng một Tết tại Hà Nội.

Là một nhà cách mạng tiên phong, đã từng có lúc ông Hoàng Minh Chính phải chịu cảnh ngục tù do chính những người cộng sản từng “nằm gai nếm mật” với ông ra lệnh.

Trong câu chuyện với Việt Hùng của đài chúng tôi, từ Hà Nội cô Trần Thị Thanh Hà, trưởng nữ của giáo sư Hoàng Minh Chính nói về sự ra đi của thân phụ cô.

Trần Thị Thanh Hà: Cha tôi mất vào lúc 23 giờ 8 phút đêm ngày mùng 1 Tết, rạng sáng ngày mùng 2 Tết. Cụ bị ung thư nên lúc cụ đi cụ rất tỉnh. Ngày buổi sáng ngày mùng 1 Tết khi tất cả con cháu đến chúc Tết cụ thì cụ vẫn nhận ra. Khi cụ đi lúc nào gia đình cũng có người ở bên cạnh. Gia đình chúng tôi vẫn động viên cụ ráng ở lại để cho Phong trào Dân chủ ở Việt Nam có chỗ dựa.

Hôm trước ngày cụ mất một ngày do cụ không nghe được, phải truyền Oxygen qua cuống họng, ăn bằng thông nên cụ không nói được, chỉ có thể giao tiếp với cụ viết ra giấy. Gia đình tôi đã viết ra giấy nói là cụ cố gắng kéo dài thời gian sống để làm chỗ dựa cho Phong trào Dân chủ thì cụ gật đầu và chớp chớp mắt…

Cụ đã chiến đấu rất kiên cường, các bác sĩ ở đây họ nói cụ là người rất có bản lãnh và kiên cường thì mới có thể kéo dài sự sống được đến như vậy, chứ còn như nhiều người khác thì họ buông xuôi và đi rồi. Gia đình thì cũng đã được chuẩn bị tinh thần trước rồi nên gia đình cũng không bị đột ngột về chuyện này.

Việt Hùng: Biết rằng đời người sẽ có lúc ra đi nhưng sự ra đi của giáo sư Hoàng Minh Chính để lại một khoảng trống cho các nhà dân chủ ở tại Việt Nam cũng như cho phong trào dân chủ chung…

Cả đời một đời đấu tranh cho dân tộc

Trần Thị Thanh Hà: Tôi chỉ nghĩ là cha tôi đã mấy chục năm nay đã chiến đấu cho phong trào dân chủ tại Việt Nam. Trong tâm tư của cụ, cụ mong muốn Việt Nam có một nền dân chủ, vì thế cụ bảo là cụ đã hi sinh để tái lập lại sự hoạt động của Đảng Dân chủ Việt Nam.

Chúng tôi đã phải bịt ống thở để cho cụ nói, theo di chúc của cụ, cụ dặn dò, có Tổ quốc thì mới có gia đình và có gia đình thì mới có chúng ta, vì thế các con và gia đình phải biết hi sinh cá nhân mình cho Tổ quốc.

Qua lời dặn dò của cụ thì chúng tôi trong gia đình cũng cố gắng sống theo tinh thần của cụ đã dặn lại trước lúc ra đi là mong muốn phong trào dân chủ Việt Nam phát triển trên tinh thần bất bạo động, dân chủ ôn hòa để đưa đất nước Việt Nam phát triển lên thì dân tộc Việt Nam mới giàu mạnh được. Đấy là nguyện vọng của cụ và gia đình rất mong là sẽ thực hiện được điều đấy.

Việt Hùng: Theo như cô nói trước lúc ra đi giáo sư Hoàng Minh Chính không có nói được nữa, vậy lúc trước giáo sư có dặn dò điều gì hay không?

Trần Thị Thanh Hà: Thời gian trước thì cụ không nói được, nhưng bịt ống dẫn thở lại thì cụ nói được, nghe vẫn hiểu được, vẫn nói được thành tiếng do đó thời gian đó cụ nói gì chúng tôi vẫn ghi lại, lúc nào cụ không nói được thì cụ lại viết ra.

Cụ cứ bảo đưa giấy bút cho cụ, chúng tôi đọc những gì cụ viết chúng tôi hiểu được cụ muốn nói gì. Cụ dặn dò mọi việc, phải đấu tranh cho nhân dân như thế nào để đưa phong trào dân chủ đến thành công cho Tổ quốc, đó là điểm chính mà cụ muốn nói.

Những trăn trở, nguyện ước cuối đời

Việt Hùng: Nguyện ước của giáo sư Hoàng Minh Chính là phục hồi sự hoạt động của Đảng Dân chủ Nhân dân và chuyển tiếp cho thế hệ mai sau.

Trần Thị Thanh Hà: Chuyện này thì ba tôi không quyết định được vì sức cụ yếu, tâm tư của cụ là đảng Dân chủ Việt Nam phải trở thành một chính đảng tốt để có thể cùng với các đảng phải chính trị khác lãnh đạo đất nước để cho đất nước Việt Nam không chỉ có một đảng nữa mà phải đa đảng, đó là ý nguyện của cụ.

Sự nghiệp của cụ thì cụ chỉ đủ sức để thành lập và phục hồi đảng họat động trở lại, phần còn lại là do quyết định của ban lãnh đạo mới. Giai đoạn cuối thì cụ cứ trăn trở, nhưng gia đình thì không muốn cụ làm việc nữa, chỉ mong là cụ nghỉ còn việc điều hành lãnh đạo thì Ban thường vụ Trung ương đảng Dân chủ Việt Nam sẽ lo vì đảng Dân chủ này đã có một Ban lãnh đạo rồi.

Việt Hùng: Trở lại thời gian khi giáo sư Hoàng Minh Chính còn điều trị tại Bệnh viện, ghi nhận tinh thần chăm sóc của các bác sĩ, y tá như thế nào?

Trần Thị Thanh Hà: Về cơ bản thì tôi thấy các bác sĩ và y tá rất tận tình. Trong lần ông Đại sứ Hoa Kỳ đến thăm cụ tại Bệnh viện thì chúng tôi cũng đã nói rồi, một phần cụ khỏe mạnh cũng là do sự tận tình của các bác sĩ và y tá. Họ tận tình chăm nom cho cụ.

Ngoài ra còn phải kể đến sự chăm sóc quan tâm của gia đình và bạn bè nữa. Gia đình thường xuyên túc trực bênh cạnh cụ, bạn bè thì thường xuyên tới thăm hỏi cụ, động viên tinh thần và vật chất cho cụ rất lớn, còn bệnh viện thì về thuốc và nhiệt tình và quí trọng cụ.

Việt Hùng: Cho đến bây giờ gia đình đã có quyết định về ngày phát tang chưa thưa cô?

Trần Thị Thanh Hà: Hiện gia đình đang bàn, nhưng có lẽ là sẽ vào ngày mùng 10 âm lịch của Viêt Nam, hôm nay là mùng 2 Tết, vì ở Việt Nam có tập tục đi xem ngày, vì ngày đó là ngày tốt và cũng thuận cho Tết ta hơn nên mọi người cũng thư thả thời gian hơn cho nên nhiều khả năng sẽ vào ngày mùng 10 Tết âm lịch.

Việt Hùng: Trước khi chia tay quí vị thính giả của đài cô có điều gì chi sẻ về sự ra đi của thân phụ cô?

Trần Thị Thanh Hà: Tôi chỉ nghĩ là cha tôi mất đi là một tổn thất lớn đối với gia đình. Với con cháu trong gia đình thì cụ là một tấm gương lớn. Là con là cháu, chúng tôi rất quí trọng và phục cụ về những việc làm của cụ.

Đối với phong trào dân chủ nói chung thì đây cũng là một sự mất mát. Tôi nghĩ niềm mong muốn lớn nhất của cụ là Phong trào dân chủ Việt Nam làm sao phát triển được để mọi người cùng được hưởng nền dân chủ và nhân quyền của mình.

Qua tâm tư của cụ, chúng tôi con cháu trong gia đình chỉ mong là đất nước Việt Nam phải làm sao thực hiện những điều như vậy thì chúng tôi mới cảm thấy thỏa mãn, thỏa đáng được mong muốn của cụ đích thực là người Việt Nam ngẩng cao đầu với tất cả các nước trên thế giới.

Đó cũng chính là ý nguyện của cụ và cũng là mong muốn của gia đình chúng tôi.

Việt Hùng: Xin cám ơn cô Trần Thị Thanh Hà, thay mặt quí thính giả của đài xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình.

(Nguồn: RFA)



◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!