TẾT MẬU THÂN 1968

Ngày tôi cất tiếng khóc chào đời đã gần được 40 năm. Hiểu theo Tứ diệu đế của đạo Phật, tiếng khóc lúc chào đời hàm ý: Vốn dĩ cuộc đời này là một bể khổ vô biên. Có lẽ đúng vậy! Tuy nhiên, tiếng khóc chào đời của tôi lúc ấy dường như đã chìm ngất trong hàng vạn, hàng triệu tiếng khóc than ai oán của dân chúng hai miền Nam, Bắc Việt nam.



Khói lửa chiến tranh đã cướp đi sinh mạng biết bao người dân vô tội, thiêu rụi bao nhiêu mái ấm gia đình. Tiếng pháo giao thừa hòa lẫn trong tiếng đại bác tầm xa, rồi chẳng mấy chốc bị nhấn chìm trong tiếng reo hò cận chiến. Tiếng kinh cầu nguyện xin thay cho những lời chúc tụng đầu năm!

Một mùa xuân tang thương trên đất Thần kinh!
Một cái tết của khăn xô và áo trắng!

“…Chiều đi qua Bãi Dâu,
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Trên con đường người cha già ôm con lạnh giá…”
(Trịnh Công Sơn)

Huế Mậu thân 1968. Chiến sự nổ ra muộn hơn so với những nơi khác một ngày nhưng lại vô cùng khốc liệt.

Tôi chỉ cảm nhận được sự tàn khốc này qua các cuộn phim tư liệu, qua lời kể của những người trong cuộc. Trong đó, có lời kể của mẹ tôi. Ngày đó, do ba tôi đã chuyển công tác vô Hội an, nên gia đình tôi không phải lâm vào cảnh “chạy giặc” như người dân ở Huế. (Tôi dẫn nguyên văn từ “chạy giặc” mà đa số dân chúng miền Nam trước 1975 vẫn dùng để chỉ những lần tản cư của họ. Bây giờ nếu không để nó trong ngoặc kép sẽ bị quy là “phản động”! – Riêng cái từ “phản động” này cũng là một câu chuyện dài nhiều tập, tôi sẽ đề cập đến trong một dịp khác).

Khi tôi hỏi mình sanh ra lúc mấy giờ, mẹ tôi chỉ nhớ trời còn chưa sáng hẳn, tiếng súng vẫn đang nổ râm ran ở khắp nơi.

Vậy đó, cho dù chiến sự ở Huế diễn ra rất ngắn (quân đội miền Bắc chỉ nắm quyền kiểm soát trong 25 ngày) nhưng sau đó giao tranh vẫn còn tiếp diễn trên khắp mọi miền đất nước.

Lịch sử tôi được học chủ yếu nói nhiều về thắng lợi và ý nghĩa của “Cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân dân miền Nam vào Tết Mậu thân 1968”. Nhưng từ nhiều năm nay, tôi đã không còn niềm tin vào môn lịch sử ấy nữa rồi! Tôi phải tự mình tìm kiếm tư liệu, tự dạy lại mình môn lịch sử qua Internet, qua ký ức, qua mối quan hệ xã hội hay bất cứ điều gì có liên quan!

Xót xa cho số phận của đất nước vào thời ly loạn! Theo tôi, cuộc nội chiến giữa 2 miền thực chất là một hình ảnh thu nhỏ của Chiến tranh lạnh lúc bấy giờ. Liên sô và Trung quốc muốn mở rộng ảnh hưởng của phe XHCN xuống vùng Đông Nam Á. Đối lại, Hoa kỳ và các nước đồng minh bằng mọi giá ngăn chặn làn sóng đỏ. Thế là AK.47 và lương khô cung cấp cho Hà nội, M.16 và cơm sấy viện trợ cho Sài gòn…

“…Hai mươi năm nội chiến từng ngày,
Gia tài của Mẹ để lại cho con,
Gia tài của Mẹ - một nước Việt buồn…”
(Trịnh Công Sơn)

Đau buồn hơn, một số người quá thiển cận, đã đặt lợi ích quốc gia thấp hơn niềm kiêu hãnh của ý thức hệ. Điều này dẫn đến sự thụt lùi của toàn dân tộc Việt Nam trong một khoảng thời gian khá dài.

Trên quan điểm của một người tìm hiểu lịch sử, tôi không xem cuộc chiến Mậu thân 1968 có kẻ thắng, người bại. Tôi nghĩ rằng cả 2 miền Nam, Bắc đều mất mát quá nhiều để đổi lấy một điều không mấy giá trị. Bỏ qua những tang tóc, đau thương mà chiến cuộc đã để lại suốt chiều dài đất nước, chỉ xét đến kết quả cuối cùng: Ngày 30/4 lịch sử.

Dù thế nào cũng phải thừa nhận, ngày này chỉ mang ý nghĩa thống nhất về mặt lãnh thổ! Vĩ tuyến 17 trên bản đồ đã không còn, nhưng một vĩ tuyến 17 khác lại âm thầm dựng lên trong lòng người Việt. Nó lớn đến nỗi hàng triệu người bỏ lại sau lưng đất nước hòa bình thống nhất, phần mộ tổ tiên, bà con ruột thịt… quyết liều mạng với bão tố đại dương, với hải tặc để tìm một miền đất lạ làm quê hương thứ hai của mình!

Rồi đây, chúng ta sẽ nói với các thế hệ được sinh ra và lớn lên trên khắp thế giới thế nào về nguồn gốc của chúng? Cắt nghĩa thế nào cho chúng hiểu về từ “thuyền nhân” mà lòng không khỏi quặn đau?

Tôi không muốn gợi lại những niềm đau dĩ vãng, nhưng hiện tại cứ như những cơn mưa đá không ngớt quất vào mặt tôi rát buốt. Qua đó, tôi thấy những em sinh viên, những văn nghệ sĩ trí thức hay những những cựu chiến binh… đã bị sách nhiễu, khủng bố tinh thần ra sao – chỉ vì họ đặt lợi ích quốc gia cao hơn lợi ích cá nhân mình!

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào quá khứ và chấp nhận vai trò khách quan của lịch sử. Nếu cứ để cuộc nội chiến trong lòng dân Việt cháy âm ỉ mãi thế này, e rằng lịch sử nước nhà vẫn được tô bởi những gam màu buồn lạnh.


◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!