LÀM SAO KHÉP LẠI QUÁ KHỨ

Vừa nghe xong bài cuối trong loạt bài tường thuật buổi hội thảo về chiến cuộc Huế - Mậu Thân 1968, tôi rùng mình: "2800 nạn nhân bị giết tập thể, bị chôn sống! Khoảng 3000 người mất tích!".

Bây giờ, qua các số liệu cụ thể, qua các chứng nhân lịch sử thì bức tranh về cuộc thảm sát ở Huế đã rõ ràng và chi tiết hơn. Nhưng bản chất của nó thì đã ở trong tiềm thức của tôi từ rất lâu rồi. Thuở nhỏ, thỉnh thoảng ba dắt tôi đi thăm bạn bè, người thân.

- Vòng tay thưa bác đi con!
- Dạ thưa bác!
- Giỏi! Năm nay cháu nó mấy tuổi rồi?
- 68 Mậu thân đó anh!
- Ồ!

Thế là câu chuyện của họ bị cuốn theo những hồi ức cũ. Tôi chạy chơi với mấy đứa trẻ cùng trang lứa, hoặc cặm cụi với các món đồ chơi ở góc nhà, nhưng vẫn nghe lõm bõm các mẩu đối thoại của họ: "VC", "chôn sống", "chết quá chừng"... Kiến thức còn non nớt của một thằng bé lên 9, 10 không giúp gì ngoài khái niệm mơ hồ: "Năm tôi được sinh ra đã gắn liền với 1 chuyện gì đó thật ghê gớm, kinh sợ đến rợn người".

Dịp tết Mậu Tý 2008 vừa rồi, CSVN lại tưng bừng kỷ niệm 40 năm "Tổng tấn công và nổi dậy...". Có nhiều kẻ hò reo ăn mừng, cũng không ít người nén vào lòng giọt lệ uất hận. Ai đó đã cầm mẩu gạch vỡ viết lên dòng chữ tố cáo tội ác ở Khe Đá Mài - nơi tìm thấy hơn 400 xác người bị chôn tập thể! Tội ác theo thời gian khó có thể làm vơi đi lòng thù hận nếu thủ phạm không bày tỏ một chút ăn năn.

Xem cảnh bà thủ tướng Merkel đọc lời xin lỗi trước nhân dân Israel chiếu trên CNN tuần trước, tôi thật sự khâm phục cách ứng xử của người Đức. Bà Merkel hoàn toàn không cần phải làm như thế, vì bản thân bà cũng như hàng chục người tiền nhiệm đâu phải là đảng viên đảng phát-xít! Đối với bà Merkel và dân Đức nói chung, phát-xít Hitler cũng là kẻ thù. Nhưng đối với dân Israel, đảng phát-xít đã một thời thống trị nước Đức, nên lời xin lỗi chứng tỏ bà Merkel coi trọng danh dự Tổ quốc đến dường nào! Đáng ngưỡng mộ thay!

CSVN thì sao? Những kẻ gián tiếp hoặc trực tiếp chỉ huy cuộc thảm sát Mậu Thân hẳn đang còn sống. Có thể giờ này họ đang đọc những tư liệu về tội ác năm xưa. Theo bản chất hướng thiện trong tâm hồn mỗi con người, chắc hẳn họ rất muốn thốt lên lời ăn năn tạ lỗi(*). Lòng can đảm từ tâm có thắng được nỗi sợ hãi để họ làm được một điều thiện tối thiểu hay không? Nỗi dày vò này, nếu có, âu cũng là một sự trừng phạt! Còn nếu không có chút gì để dày vò ray rứt, thì sự trừng phạt quá khủng khiếp: Tạo hóa đã tước đi bản chất đặc trưng nhất của CON NGƯỜI trong tâm hồn họ!

Còn bao nhiêu sự thật đau lòng tôi chưa được biết? Bao nhiêu tội ác ghê tởm chưa bị phơi bày?

Theo cách ứng xử của chính quyền với sự kiện Hoàng Trường Sa, với chuyện rước đuốc Beijing-2008; tôi chua chát nhìn nhận sự thật: "Bạo quyền và dối trá vẫn đang tái diễn trên mảnh đất này, vào thời điểm nhân loại đã bước sang năm thứ 8 của thế kỷ 21".

Có người sẽ hỏi rằng tại sao tôi nhìn tương lai đất nước với một ánh mắt thiếu lạc quan đến vậy. Đánh giá hiện tại và quá khứ là điều không dễ nếu không căn cứ trên các tư liệu xác thực và góc nhìn khách quan. Dự đoán tương lai càng muôn phần khó khăn. Đúng hoặc sai, ít hoặc nhiều, nhưng người ta hoàn toàn có thể dựa trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm và suy luận logic. Các chuyên gia giáo dục, các nhà kinh tế học, xã hội hội học... đều có những luận cứ xác đáng theo từng lãnh vực của họ. Tôi thì nghĩ đơn giản: "Xã hội nào được xây dựng trên nền tảng của sự tàn bạo và dối trá thì sớm muộn cũng sẽ sụp đổ. Nó tồn tại càng lâu thì đống đổ nát càng lớn và tất nhiên, gánh nặng cho thế hệ đi sau càng khủng khiếp".

Tàn bạo ra sao? Chỉ cần lên NET search theo các từ khóa "Cải cách ruộng đất", "Thảm sát Mậu Thân", "Đánh tư sản", "Trại cải tạo", "Thuyền nhân", "Dân oan"... rồi đọc và tự mình đánh giá! (À quên, một điều quan trọng là phải biết cách vượt tường lửa nhé!)

Giả dối thế nào? Vì sao bài viết "Tôi tự hào mình được gọi là phản động!" được nhiều người đánh giá cao đến vậy? Tôi xem lại thì thấy không có gì đặc sắc hoặc mới mẻ. Điều duy nhất giành được sự ủng hộ, đồng cảm của độc giả là DÁM NÓI THẬT TRƯỚC CÔNG LUẬN. Mỉa mai thay! Chúng ta đang sống giữa xã hội mà SỰ THẬT trở nên khan hiếm đến khó tin. Cũng dễ hiểu, vì hầu hết mọi người - nhất là giới công chức - từ nhiều năm qua đã xem kim chỉ nam để tiến thân trong xã hội là:

Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt
Luồn lách lươn lẹo lại lên lương

Tất nhiên, thời buổi nào cũng cần phải có sự cạnh tranh để vươn lên trong cuộc sống. Chính nó là động lực cho sự tiến hóa của xã hội loài người.
Nhưng khôn ngoan không phải là giả dối và chân thật không thể đồng nghĩa với ngu ngốc!

Thử tìm hiểu trong 100 người thuộc hệ thống công quyền hiện nay đi học lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ vì mục đích gì? Có được bao nhiêu người thực sự vì mục đích nâng cao kiến thức?

Đọc qua một số luận án thạc sỹ, tôi tự hỏi: Người ta bỏ ra từng ấy tiền bạc, ngần ấy thời gian để thu được cái gì? Xét về công ích xã hội, nó còn thua xa một đoạn VBA mà anh giáo viên dạy toán nọ đã viết để giúp người ta xếp alphabet cho tiếng Việt trong Excel! Xét về đóng góp khoa học, thì chẳng đề ra được một lý thuyết gì mới, chẳng mở ra được một hướng đi cụ thể cho người đi sau tiếp tục nghiên cứu. Quá chán!

Quá khứ chưa thể khép lại, hiện tại là những đoạn đường lầy lội và tăm tối. Hướng về tương lai chỉ còn góc nhìn của nhà văn viết truyện viễn tưởng!

=============================
(*)...Trong hồi ký của tướng Lê Minh, ông tỏ ra vẫn còn có lương tâm, khi ông viết về những cái chết vô tội của người dân Huế, rằng: Dù sự chết chóc của dân không thể tránh được trong chiến tranh, nhất là một cuộc tổng khởi nghĩa, nhưng những kẻ gây tội ác với dân phải bị trừng trị,; nhiều người dân đã bị kết án và giết oan, và dù nguyên do thế nào, thì trách nhiệm cũng thuộc về cấp lãnh đạo chỉ huy ở mặt trận, trong đó có cả bản thân ông... (Trích nguồn: RFA)

.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!