Phụ Nữ Việt Nam

Phụ nữ chiếm phân nửa nhân loại, đôi lúc bị xem là phái yếu, lắm khi được đề cao là phái đẹp…

Còn Thượng đế thì bảo: - Này Adam, ta lấy bớt của ngươi cái xương sườn để nặn thêm một người cho ngươi bầu bạn nhé!

Eva có một nguồn gốc hơi bị lép như vậy, nên thế giới chọn ra một trong 365¼ ngày để tôn vinh họ.

Ngày 8/3 năm nay đến trong những biến động không ngừng của thời cuộc. Có ai đó đã nói: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ”. Thế mới biết vai trò hậu phương quan trọng thế nào.

Còn cao hơn vai trò hậu phương và nội trợ, không ít liệt nữ thời nay đã tiếp nối truyền thống quật cường từ ngàn xưa, dũng cảm đứng lên tranh đấu cho công bằng xã hội, cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Dù trước mắt phải đối diện với bất công và tù đày, họ cũng gióng được một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều đấng nam nhi vẫn còn đang mê muội hưởng thụ vật chất, cúi đầu trước bạo quyền.

Ngoài những người công khai như luật sư Lê Thị Công Nhân, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, biết bao người con gái Việt Nam vẫn đang ngày đêm âm thầm hy sinh những năm tháng quý giá của cuộc đời, chung tay tranh đấu cho một nền dân chủ thực sự, cho sự hưng thịnh của cả dân tộc. Đáng trân trọng và ngưỡng mộ thay!

Trái lại, không ít người vẫn còn lối sống cầu an, đặt lợi ích cá nhân, gia đình lên trên sự tồn vong của đất nước. Họ quên mất một điều: Tổ quốc này hưng vong thế nào thì con cháu họ chính là một trong những người thừa hưởng.

Hơn lúc nào hết, tinh thần quật khởi của người phụ nữ Việt Nam cần phải được tôn vinh và nhân rộng.

Bài lục bát trong lịch sử tôi học đã ngót 30 năm, chỉ nhớ đến câu 12 - hay sách sử lúc đó (thời 1977-79) chỉ có vậy tôi cũng không nhớ rõ lắm. Nay nhờ Internet lưu trữ và phổ biến phiên bản đầy đủ hơn:

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là bá vương
Uy danh động tới bắc phương
Hán sai Mã Viện lên đường tấn công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi địch với anh hùng được sao!
Cẩm Khê kiếp nạn năm nào
Hai Bà tuẫn tiết xác đào máu sông(1)
Trước là nghĩa, sau là trung
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.

Ảnh: Diễn hành tưởng niệm Hai Bà Trưng đầu thế kỷ XX
(Nguồn: http://vi.wikipedia.org)

Đó là nhị vị liệt nữ oai hùng đầu tiên của dân tộc (thường gọi chung là Hai Bà Trưng), từ những năm 40 trước CN - cách nay đã 2048 năm. Thế mới hay, văn minh nhân loại có thể chế tác nhiều vật dụng tối tân kỳ thú, nhưng hun đúc cho một tinh thần quật khởi oai nghi không phải dễ.

Sử gia Ngô Sĩ Liên đã viết:

Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khách anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư?

Kế tục truyền thống này, biết bao vị nữ nhi hào kiệt đã múa giáo vung gươm, điểm tô thêm những nét son thắm trong lịch sử và văn hóa dân tộc. Trong số đó, tưởng cũng nên nhắc lại câu nói mang đầy khí phách nam nhi của Bà Triệu (tức Triệu Thị Trinh hay còn gọi là Nhụy Kiều Tướng quân):

Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở bể Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì làm thiếp người ta!

Theo dòng văn minh của lịch sử nhân loại, phái đẹp ngày nay không nhất thiết phải tả xung hữu đột, lên voi xuống ngựa, cưỡi sóng đạp gió như ngàn năm trước. Sức mạnh của truyền thông và mạng lưới toàn cầu là một vũ khí mới và vô cùng hữu hiệu. Chính nghĩa và lẽ phải hầu như ai cũng tỏ, trở ngại lớn nhất là ngọn lửa kiêu hùng còn chưa bắt kịp vào những tư tưởng cầu an, quen cam chịu suốt mấy chục năm khuất phục bạo quyền.

Hơn 20 năm nội chiến và kế tiếp 12 năm kinh tế sai lầm đã đưa con người đến tận cùng của sự đói nghèo. Người phụ nữ trong mỗi gia đình lúc bấy giờ phải chịu áp lực nặng nề như thế nào trong cuộc chiến mưu sinh. Có lẽ vì cái khốn khó triền miên vừa được cởi bỏ, mà họ nhất thời bằng lòng với những giá trị phù du giả tạo. Những giá trị được đánh bóng suốt ngày đêm bằng hệ thống truyền thông một chiều. Do đó, cũng chẳng lấy gì làm lạ khi còn không ít người ngoảnh mặt thờ ơ, thậm chí phê phán sự nghiệp tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền đang sôi sục giữa lòng đất nước.

Dù thế nào, nhân ngày “đàn ông bị tước đoạt xương sườn” cũng đặt một lẵng hoa tươi thắm qua Internet cho tất cả phụ nữ Việt Nam(2). Những ai đáng vinh danh sẽ cảm nhận hương vị ngọt ngào của nó, những ai còn cảm thấy chưa xứng đáng cũng không sao - vì trước mặt là quãng đường tuy không dài - nhưng vẫn đủ cho ai muốn làm hậu duệ của Hai Bà Trưng, Bà Triệu(3)…


===========================
(1) Nguyên văn trên http://vi.wikipedia.org :
Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà thất thế cùng liều với sông!
Tuy nhiên, tôi thấy hai câu này chưa khớp vần và từ “liều” dùng chưa chuẩn xác lắm. Người ta thường nói: liều với giặc, quyết liều mình với kẻ thù… chứ không ai liều với dòng sông vô tội cả. Mạo muội sửa lại như trên, mong nhận được sự chỉ giáo của quý vị.

(2) Tất nhiên, bao gồm cả những phụ nữ không còn mang quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn mang trong mình dòng máu Lạc Hồng bất diệt, ngày đêm một lòng hướng về sự biến đổi, thịnh suy nơi đất mẹ. Ngoài ra, còn một số phụ nữ không xuất thân từ giòng dõi Tiên Rồng nhưng cảm nhận được vẻ đẹp của Tiếng Việt, thấu hiểu và chia sẻ cho từng niềm vui và nỗi đau của dân Việt, đơn cử trường hợp chị Ỷ Lan - phát ngôn viên Ban Việt Ngữ của Đài RFA.

(3) Danh sách những liệt nữ oai hùng của nước Việt còn rất nhiều: Thái Hậu Dương Vân Nga, Nguyên Phi Ỷ Lan, Công Chúa Huyền Trân, Công Chúa An Tư, Công Chúa Ngọc Hân, Công Chúa Ngọc Vạn, Nữ Tướng Bùi Thị Xuân, Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm, Nữ Sĩ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Thái Hậu Từ Dũ, Bà Tú Xương, Bà Sương Nguyệt Anh, Bà Ba Đề Thám, Bà Phan Bội Châu, Bà Ấu Triệu, Cô Bắc - Cô Giang, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Nàng Tô Thị…

.

◄◄ Home

1 comments:

mythanh said...

Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai bà thất thế cùng liều với sông.

Tôi lại thích hai câu này lắm. Vần, âm, tương đối gần, và "liều với sông" rất là tượng hình. Đối với tôi trong thi ca, không cần nghĩa phải thật chỉnh, miễn là từ mạnh, gợi hình. "Liều với sông" tôi có thể tưởng ra cảnh dòng sông chảy xiết, và hai bà tới bước đường cùng, sau lưng là giặc, không còn cách nào hơn là liều thân trong dòng nước.

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!