Người phụ nữ sinh ngày 8/3

International Women's Day!
Tưởng cũng nên nhắc lại những tấm gương đào tơ liễu yếu, nhưng vai trò đóng góp cho lịch sử và văn hóa nước nhà không hề kém các bậc trượng phu. Trong số đó, xin được nói về một người phụ nữ Việt Nam có ngày sinh trùng với ngày Quốc tế phụ nữ.

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh sinh vào ngày 8/3/1864, tại An Đức, Ba Tri, Bến Tre. Tên thật của bà là Nguyễn Thị Khuê (có tài liệu ghi là Nguyễn Xuân Khuê, Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Nguyễn Xuân Hạnh). Là con gái thứ tư của cụ Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu) - trong gia tộc người miền Nam vẫn quen gọi là Năm Hạnh.

Bà là người có nhan sắc, lại rất hay chữ, giỏi thơ, đoan trang, tiết hạnh, nhưng lập gia đình trễ so với thời bấy giờ. Trên 25 tuổi bà mới kết hôn, sinh được một gái thì chồng chết. Bà ở vậy nuôi con, vui với thơ văn, lấy bút hiệu là Sương Nguyệt Anh (nghĩa là người sương phụ, là Nguyệt Anh góa chồng)

Gương tỏ đời nay trong tiết phụ
Lâu dài tiếng tốt tạc non sông


Năm 1906, hưởng ứng lời kêu gọi của cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du, bà đã bán cả ruộng vườn để giúp học sinh xuất dương du học.

Năm 1917, bà được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ Nữ Giới Chung nghĩa là “Tiếng chuông của phụ nữ”. Đây là tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam, số đầu tiên ngày 1 tháng 2 năm 1918. Chủ trương tờ báo là đấu tranh cho vấn đề bình đẳng nam - nữ.

Tháng 07 năm 1918, khi tờ Nữ Giới Chung bị đình bản, bà trở về Ba Tri dạy học, bốc thuốc và sáng tác thơ văn.

Ngày 20 tháng 01 năm 1921 bà tạ thế, hưởng dương 58 tuổi.

Thơ Sương Nguyệt Anh không đặc sắc, nhưng lời lẽ thanh thoát, dung dị và kín đáo. Hầu hết nói lên được tấm lòng yêu nước, quan tâm đến thời cuộc của bà.

Một số giai thoại

Ngay từ nhỏ, bà nổi tiếng là người thông minh, tài sắc và có hiếu với cha mẹ. Thuở ấy, bà là đối tượng nổi bật nên có nhiều chàng theo đuổi. Một hôm có hai anh học trò ở cùng tổng nổi tiếng học giỏi ghé nhà thăm chơi. Muốn đuổi khéo hai anh chàng, cô bèn ra câu đối:

Đằng tiểu quốc, sự Tề hồ, sự Sở hồ?
(Đằng là nước nhỏ ở giữa Tề và Sở, thờ nước nào?)

Một chàng đáp:
Ngũ đại trượng, phạt Quách hĩ, phạt Sở hĩ!
(Gậy ta dài, ta đánh Quách, lại đánh Sở)

Nghe xong cô Năm đỏ bừng mặt, bỏ vào trong nhà và sai đứa em đưa cho khách tờ giấy có viết hai câu thơ:

Chiêu Quân nhan sắc nghe mà uổng
Tây Tử phong lưu nghĩ lại buồn!


Ngụ ý rằng: nàng Chiêu Quân lẫn nàng Tây Thi là cô Xuân Khuê đã chê cả hai chàng! Đành bảo nhau ra về.

Đường tình duyên của cô Năm không may mắn. Chàng thư sinh năm xưa từng đến nhà đối nhau với cô, sau đó thi đậu cử nhân, được bổ về làm tri phủ Bến Tre. Theo đuổi cô Năm mãi không được nên ngài tri phủ tìm cách trả thù.

Nhà chồng của nữ sĩ ba đời làm thuốc Nam. Một hôm trong nhà hết thuốc, ông lấy ghe lên Chợ Lớn để bổ hàng. Đến lúc về, khi qua chợ Bình An thì bị tên tri phủ sai đàn em giả cướp đánh té sông chết.

Trong nỗi đau đớn tột cùng, nữ sĩ làm bài văn tế mà sau này lan rộng trong dân gian Nam Bộ. Cái đặc sắc của bài văn là tên các vị thuốc Nam được sử dụng rất tài tình thể hiện tấm lòng của cô Năm đối với người chồng quá cố:

Nhớ quân tử xưa Tướng mạo thung dung(*)
Tánh tình hậu phát
Thong thả con đường thanh đại
Bạn tần giao mấy gã đăng tâm
Tánh năng suy nghiệp huỳnh kỳ
Tài quán chúng nhiều người la bặc cả
Thương thay
Trướng hiệp quản rồi rã a giao tiếp phụ tử chia lìa
Chẳng hay đâu thảo khấu lăng loàn
Phải dự chi mà thấu lý quyền minh
Sao đến nỗi cốt bì tan nát
Ôi, xưa còn nấu thuốc linh đơn, này đã thác theo chòm mây bạc
Giọt nước mắt chảy dài trên má, ruột gan rối bời bời
Ai chẳng than tức tưởi, phận sử quân lược sa tiền
Thiếp nhỏ giọt châu sa thảm thiết!


Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh
Tranh phỏng theo lưu ảnh - BEKY USA'2004

Chồng chết, nữ sĩ thủ tiết thờ chồng và bút hiệu Nguyệt Anh của bà đã thêm chữ Sương ở đầu thành ra Sương Nguyệt Anh, có nghĩa là Nguyệt Anh goá chồng. Vậy mà “mẹ goá con côi” nào có ở yên với các đấng mày râu. Nhiều ông đã lớn tuổi cũng cố công đến chọc ngẹo ong bướm cùng bà. Bài tứ tuyệt của ông Bảy Nguyệt ở Mỏ Cày gửi cho bà được truyền tụng nhiều nhất thuở ấy:

Ai về nhắn với Nguyệt Anh cô
Chẳng biết lòng cô nghĩ thế mô?
Không phải vãi chùa toan đóng cửa
Đây lòng gấm ghé bắc cầu Ô


Không chút xao lòng, bà trả lời dứt khoát:

Chẳng phải Tiên cô, cũng đạo cô
Cuộc đời dâu bể biết là mô?
Lọng sườn dẫu rách còn kêu lọng
Ô bịt vòng vàng cũng tiếng ô

Phải thời cô quả chịu thời cô
Chẳng biết tuồng đời tính thế mô?
Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa
Ngọc lành chi để thẹn danh ô


Đọc thấy thái độ quyết liệt của bà, ông này lẳng lặng chuồn êm.

Chuyện thơ văn xướng họa giữa bà và các “đấng mày râu” no cơm rửng mỡ vẫn còn rất nhiều và tiếp tục một thời gian dài. Điều này chứng tỏ Sương Nguyệt Anh là người đàn bà tài hoa, có nhan sắc nhưng nhất mực “đứng giữa trời xanh tiết chẳng rời”.

Bà được mời làm chủ bút tờ “Nữ Giới Chung” - tiếng chuông của nữ giới. Đây là tờ báo đầu tiên dành riêng cho phụ nữ Việt Nam, do một nữ sĩ tài danh điều hành. Dân chúng Bến Tre tỏ lòng ngưỡng mộ bằng bài ca dao sau:

Đem chuông lên đánh Sài Gòn
Để cho nữ giới biết con cụ Đồ


Số đầu tiên ra mắt độc giả bốn phương vào ngày 1/2/1918 tại Sài Gòn. Tòa soạn đặt tại số nhà 15 đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du, Quận 1). Chủ nhiệm là ông Henri Blanquière, chủ bút là Sương Nguyệt Anh. Tờ báo phát hành định kỳ hàng tuần vào ngày thứ sáu, có 18 trang nội dung và 8 trang quảng cáo. Tờ báo có các chuyên mục là phần xã thuyết, phần văn nghệ, phần dạy gia chánh, phần học nghề, cùng các trang cách ngôn, lời hay ý đẹp và mẹ con nói chuyện. Có thể nói, "Nữ giới chung" là tờ báo đầu tiên ở nước ta thời đó chú trọng đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán những luật lệ khắt khe đối với nữ giới. Tờ báo chủ trương đấu tranh quyết liệt cho vấn đề bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Bà Sương Nguyệt Anh đã có nhiều bài viết in trong tờ báo với nhiều quan điểm tiến bộ mà có độc giả đã từng làm thơ khen:

Vang lừng nữ giới nặng dùi chuông,
Thúc bọn quần thoa thoát cửa buồng.


Tờ Nữ Giới Chung ra được nửa năm, phải đình bản vào ngày 19/7 vì nhiều lý do, trong đó có lý do Sương Nguyệt Anh bị đau mắt (có tài liệu cho rằng một phần vì độc giả mua báo dài hạn trả chậm và nhóm thương gia bảo trợ cắt tài chính), cánh nam giới ở Sài thành lúc ấy rất khoái. Tờ Công Luận có đăng một bài thơ như reo vui:

Nữ giới chung! Nữ giới chung!
Cớ sao bặt tiếng chẳng nghe rung
Hay là hụt vốn ta giùm nữa
Đặng sắm chày to dộng đến cùng!


Phạm Đình Chi, một viên chức làm cho Pháp, kiêm tư thương, sau khi thơ trên được đăng, đã đến "thăm" toà soạn Nữ Giới Chung lúc ấy đang... dọn dẹp nghỉ. Hắn ta có thái độ kiêu căng, bà Sương Nguyệt Ánh đã không tiếp hắn. Bà chỉ cho người trao cho hắn một mảnh giấy, ghi một câu đối ra, thách đối lại:

Đình làng tôi không dám phạm. Thưa ông, ông Phạm Đình Chi?

Xấu mặt nam nhi, Phạm Đình Chi không đối được.

=====================================
Tài liệu tham khảo:

* http://vi.wikipedia.org
* Hương Sắc Quê Mình (Lãng Nhân)
* Giai Phẩm Sương Nguyệt Anh - 2002 (Hồ Trường An)
* Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - chủ bút tờ báo Phụ nữ đầu tiên (Côn Giang)

(*) Các chữ in đậm trong bài thơ là tên những vị thuốc Nam.

.
◄◄ Home

3 comments:

mythanh said...

Thank you. Bài viết rất hay. Ngày xưa tôi học Bùi Thị Xuân, ngày nào cũng đi qua đường Sương Nguyệt Anh nhưng không hề biết về bà. Một lần nửa, cám ơn tác giả bài viết.

Sea Free said...

Rất trân trọng các comment của bạn.
Nhưng lời khen về bài này tôi không thể nhận, vì tôi không viết ra mà phần lớn là tổng hợp tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau (Bạn xem phần tham khảo ở cuối bài nhé).
Regards,

mythanh said...

Hihi, bạn thân mến, dĩ nhiên là bạn phải tổng hợp từ các bài viết khác vì bạn không thể tự viết ra các thông tin này. Bạn đâu thể biết bà SNA in person phải không nào? Thôi thì cũng đính chính lại cho chính xác với tinh thần khoa học của bạn. Xin cám ơn tác giả đã tổng hợp các thông tin về người phụ nữ đáng quý SNA.
Nếu có giờ thì bạn vào forum của Danchimviet đọc bài và góp ý cho vui nhé. Bài của bạn đang post trên đó chắc bạn biết? Và nhờ vậy tôi mới biết blog của bạn.
Regards,

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!