Người Tây Tạng chưa bị đồng hóa!

Trước đây, Tây Tạng được biết đến như một quốc gia độc lập nằm ở Trung Á. Phần lãnh thổ Tây Tạng tọa lạc trên vùng đất khá cao, với cao độ trung bình gần 5000 m so với mực nước biển, nó xứng đáng với tên gọi “nóc nhà của thế giới”. Phiên âm theo tiếng Ả Rập và tiếng Ba Tư, Tây Tạng nghĩa là “các độ cao” (*)

Suốt một thời kỳ dài từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX, Tây Tạng chịu sự giằng xé giữa các nước lớn như Mông Cổ, Anh, Nga và Trung Quốc.

Năm 1907, đế quốc Anh, Nga và Trung Quốc cùng ký thỏa ước công nhận quyền bảo hộ của Trung Quốc đối với Tây Tạng.

Nền móng quyền lực bắt đầu được Trung Quốc thiết lập từ năm 1910. Nhưng chỉ một năm sau đó, cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc buộc họ phải rút hết quân đội về nước. Vị Đạt Lai Lạt Ma lúc bấy giờ giành lại quyền kiểm soát Tây Tạng.

Năm 1913, Mông Cổ và Tây Tạng ký hiệp ước, ra tuyên bố chung công nhận lẫn nhau và không dính dáng gì đến Trung Quốc.

Năm 1914, tại Ấn Độ, các đại diện của Trung Quốc, Anh và Tây Tạng thỏa thuận và đi đến ký hiệp định Simla. Theo đó, quyền thống trị của Trung Quốc lên Tây Tạng và Khu tự trị Tây Tạng đều được công nhận.

Đệ nhất Thế chiến và cuộc nội chiến Trung Hoa bùng nổ đã làm cho các thế lực Tây phương và Trung Quốc không còn tâm trí cho việc kiểm soát Tây Tạng. Nhờ vậy, Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 của Tây Tạng lên nắm quyền mà không bị cản trở. Trong thời gian này, Tây Tạng kiểm soát tất cả Ü-Tsang (Dbus-gtsang) và miền Tây Kham (Khams) - trùng hợp một cách ngẫu nhiên với các biên giới của vùng tự trị Tây Tạng ngày nay.

Năm 1950, Quân đội Nhân dân giải phóng Trung Quốc tiến vào Tây Tạng. Quân đội non trẻ của Tây Tạng đành chịu chung số phận hủy diệt cùng với khoảng 6000 chùa chiền.

Năm 1951, một hiệp ước được ký dưới áp lực của Trung Quốc lên các người đại diện của Đại Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma, đặt nền thống trị kết hợp bởi Trung Quốc và Tây Tạng.

Năm 1956, cuộc kháng chiến ở miền Đông Kham và Amdo nổ ra và lan rộng đến các vùng lân cận. Được ủng hộ từ phía chính phủ Hoa Kỳ, có lúc ảnh hưởng của cuộc kháng chiến đã lan đến tận Lhasa.

Năm 1959, cuộc kháng chiến bị dẹp tan và hàng chục ngàn người Tạng đã bị giết. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và những người chủ chốt trong chính quyền đào thoát sang Ấn Độ, nhưng sự kháng cự riêng lẻ còn tiếp diễn trong Tây Tạng cho đến năm 1969.

Trung Quốc đã đặt Ban Thiền Lạt Ma, một người được cộng đồng quốc tế xem là tù nhân ảo, làm nhân vật lãnh đạo Lhasa, và tuyên bố rằng ông ta là người đứng đầu hợp pháp của chính quyền Tây Tạng với sự vắng mặt của Đạt Lai Lạt Ma, ngưòi lãnh đạo truyền thống của chính phủ.

Năm 1965, phần đất U-Tsang và miền Tây Kham vốn thuộc quyền điều khiển của Đạt Lai Lạt Ma từ thập niên 1910 đến 1959 đã được đặt thành vùng tự trị.
Trong thời gian diễn ra cách mạng văn hóa, Hồng vệ binh đã hủy hoại nhiều di sản văn hóa trong toàn nước CHND Trung Hoa, bao gồm cả các tài sản Phật giáo ở Tây Tạng. Trong số hàng ngàn tu viện, chỉ còn một ít nguyên vẹn không bị hủy hoại; hàng ngàn tăng ni Phật giáo đã bị giết hoặc bị cầm tù.

Các nguồn tin đưa ra về số người Tây Tạng bị giết từ 1950 rất khác nhau. Con số ước tính thấp nhất là của Warren W. Smith làm từ các báo cáo dân số cho là vào khoảng 200.000 người Tây Tạng đã mất tích.

Năm 1980, cuộc đổi mới đã bắt đầu sau cuộc viếng thăm của Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung quốc Hồ Diệu Bang đến Lhasa. Tự do tôn giáo gần như đã bắt đầu chính thức phục hồi, nhưng một số sư và ni cô vẫn còn bị bỏ tù, và hàng ngàn người Tạng lúc đó còn tiếp tục bỏ trốn hàng năm.

Chính phủ Tây Tạng lưu vong cho rằng hàng triệu người Trung Hoa nhập cư vào vùng tự trị Tây Tạng là để đồng hóa người Tạng thông qua văn hóa và các cuộc hôn nhân dị chủng. Các nhóm Tạng lưu vong nhận định: Mặc dù có nỗ lực bề ngoài để phục hồi văn hóa nguyên thủy Tây Tạng nhằm thu hút khách du lịch, nhưng lối sống truyền thống của người Tạng bây giờ đã hoàn toàn biến đổi.

Năm 2008, Trung Quốc đăng cai tổ chức Thế Vận Hội. Ý thức về màu cờ sắc áo, tinh thần dân tộc của người Tây Tạng như được khơi dậy sau bao năm lắng dịu. Nỗi khao khát được đứng trong đấu trường Olympic dưới một màu cờ riêng đã thúc giục người Tạng khắp nơi trên thế giới đứng lên đòi độc lập.

10/03/2008: Một trăm người Tây Tạng tỵ nạn đã bắt đầu một cuộc biểu tình tuần hành từ Ấn Độ qua biên giới đến Tây Tạng để phản đối sự cai trị của Trung Quốc trên đất nước họ. Cuộc biểu tình tuần hành bắt đầu vào lúc nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, nói rằng Tây Tạng tiếp tục chứng kiến sự đàn áp và đối xử tàn ác ngày càng gia tăng dưới ách cai trị của Trung Quốc.

11/03/2008: Chính phủ Trung Quốc thừa nhận đã vây bắt trên 60 nhà sư Tây Tạng biểu tình ở Lhasa hôm 10/3. Đây là cuộc biểu tình nhằm kỷ niệm cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng.

14/03/2008: Bạo động xảy ra với những đám cháy đã bùng phát ở trung tâm thủ đô Lhasa của Tây Tạng. Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang sống lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma, cùng với các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tự chế. Chính phủ lưu vong Tây Tạng có căn cứ tại Ấn Độ loan báo rằng có ít nhất 30 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình này. Những nguồn tin khác nói rằng có tới 100 người Tây Tạng đã bị giết.

15/03/2008: Trung Quốc ban hành lệnh giới nghiêm ở Lhasa. Hàng chục người Tây Tạng sống lưu vong tại Ấn Độ đã phát động một cuộc đi bộ mới tới quê hương của họ là nơi đang xảy ra các vụ bạo loạn. Những người Tây Tạng sống lưu vong và những người ủng hộ họ trên khắp thế giới đang thực hiện các cuộc mít-tinh để tỏ tình đoàn kết với những cuộc biểu tình tại thủ đô Lhasa. Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới cũng kêu gọi Trung Quốc tự kiềm chế sau khi có tin cho biết là chính quyền Trung Quốc đã sử dụng bạo lực để đàn áp những người biểu tình tại thủ đô Tây Tạng.

16/03/2008: Tại Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nepal và Ấn Độ cảnh sát đã xô xát với những người Tây Tạng xuống đường bày tỏ sự thông cảm với các cuộc biểu tình ở Tây Tạng. Cảnh sát New York cho biết cả hai bên đều có người bị thương trong một vụ xô xát, sau khi những người biểu tình ném đá vào Lãnh Sự Quán của Trung Quốc.

17/03/2008: Lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đang sống lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma, và chính phủ của ông ở Ấn Độ lên tiếng yêu cầu cộng đồng quốc tế thực hiện một cuộc điều tra về những vụ biểu tình phản kháng đang tiếp diễn ở Tây Tạng.

Mong muốn đồng hóa dân tộc Tây Tạng của người Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khi Bắc kinh đang là tâm điểm chú ý của cả thế giới, và thời điểm khai mạc Thế Vận Hội 2008 đã gần kề.

===============================
(*) Behr, W. Oriens 34 (1994): 557-564


Tài liệu tham khảo:
- vi.wikipedia.org
- Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ

.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!