Cảm nhận trước ngày Phật Đản 2552

Rằm tháng Tư âm lịch hàng năm được xem là ngày đản sanh Đức Phật Thích Ca.
Năm nay, Việt Nam đăng cai lễ hội tam hợp Vesak của Liên Hợp Quốc. Không khí chào đón ngày Đấng Giác Ngộ xuất thế có phần quy mô và long trọng hơn.

Như bao phật tử khác, tôi cũng có cảm nhận của riêng mình về ngày Rằm Tháng Tư và Phật giáo nói chung.

1. Giáo lý Đạo Phật mang thông điệp của triết lý và khoa học

Theo lý thuyết Phật học, không có sự tồn tại của thế giới nhị nguyên. Nói cách khác là không có ranh giới rõ ràng giữa hai trạng thái 0 và 1, đen và trắng,… Đây chỉ là những qui định mang tính ước lệ do tâm lý của con người tạo ra. Vạn vật trong thế giới tự nhiên không có sự tách rời phân biệt. Trạng thái có hoặc không chỉ là cách mô tả một thực thể.
Điều này có một chút gì đó tương đồng với môn khoa học Lý thuyết mờ (Fuzzy logic) đang được ứng dụng rất rộng rãi trong đời sống hiện nay?

Sự tồn tại của một sự vật, hiện tượng (pháp) bất kỳ phải gắn liền với môi trường (duyên) đã tạo ra và tác động lên nó.
Mọi sự vật, hiện tượng (các pháp) không thể tồn tại độc lập - mà luôn chịu sự tương tác lẫn nhau. Tương tự như vậy, ta thấy sự liên hệ mật thiết theo luật hấp dẫn giữa các hành tinh trong Thái Dương hệ và trong vũ trụ nói chung.

Vật chất trong Phật học được cấu thành từ 4 thành tố cơ bản (tứ đại), bao gồm:
- Đất: để mô tả mọi dạng thể rắn
- Nước: để mô tả mọi dạng thể lỏng
- Gió: để mô tả mọi dạng thể khí
- Lửa: để mô tả sự chuyển hóa năng lượng

Chúng không tồn tại vĩnh cửu mà chịu sự tương tác, chuyển hóa theo thuyết Vô Thường. Vì Phật giáo không thừa nhận thế giới nhị nguyên nên quan niệm rằng mọi vật đều có giác tánh, và đó là đặc tính phổ quát cho vạn vật.

Mãi đến đầu thế kỷ XX (hơn 2400 năm sau ngày Đức Phật đản sanh), khoa học hiện đại mới phần nào lý giải được câu hỏi về sự hình thành của vật chất qua phương trình nổi tiếng:
E = mc²

Nếu diễn đạt công thức này theo khía cạnh triết học thì: Vật chất chỉ là một hình thức tích tụ năng lượng. Và, một lần nữa chúng ta sẽ có một chút so sánh giữa định luật bảo toàn & chuyển hóa năng lượng của khoa học hiện đại với "Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh":
...
Thể mọi pháp đều không
Không sanh cũng không diệt
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt
...

Hơn 2000 năm trước, Đức Phật đã tiên đoán nhiều điều kỳ diệu, vượt qua lịch sử khoa học của nhân loại. Chẳng hạn, trong một bài giảng Người có nói một câu đại ý rằng: Trong một giọt nước có thể chứa hàng vạn sinh linh. Vài ngàn năm sau, khi phát minh ra kính hiển vi, con người mới chứng thực được lời tiên đoán này!

Hoặc quan điểm của Phật giáo về vũ trụ như: Toàn bộ vũ trụ chỉ nằm gọn trong một hạt bụi (Theo Kinh Liên Hoa) cũng rất gần gũi về giả thuyết nguyên tử và vụ nổ Big Bang - nguyên nhân kiến tạo vũ trụ. Lý thuyết Phật giáo so sánh số lượng thế giới như chúng ta tồn tại nhiều như "cát sông Hằng" - thực tế là khoa học hiện đại vẫn chưa thể biết được giới hạn vô cùng của vũ trụ này.

Dựa vào nhiều điểm tương đồng rất thuyết phục đó, nhà bác học thiên tài nhất thế kỷ XX - Albert Einstein - đã thốt lên rằng:

"Nếu tồn tại một tôn giáo có thể song hành với khoa học đương đại, thì đó chính là Phật Giáo". (If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism)

2. Đạo của giác ngộ

Một trong những đặc điểm của đạo Phật là "hiện chứng thể nghiệm". Xin trích nguyên văn từ http://www.buddhismtoday.com/viet/triet/009-dacdiem.htm :

Đức Phật chỉ hướng dẫn chúng ta, chứ chân lý không diễn giải tường minh cho người thấy được. Đức Phật là đạo sư, nhưng tri giác không phải là thứ ai dạy khôn cho ai. Cho nên đối với chân lý tối cao, ta phải tự lực thể nghiệm. Sự tự lực thể nghiệm ấy, không những áp dụng với tinh thần tự lực giải thoát mà thôi, mà còn đặc biệt chú ý đến sự hiện chứng.

Thế nào gọi là sự hiện chứng? Ví dụ con đường đi đến Mai thôn có mười đoạn. Người đi không ham, không thể ham nhảy vọt đến Mai thôn mà không qua mười đoạn đường, mà phải đi từng bước, bước từng đoạn, được một đoạn là đến Mai thôn một đoạn. Con đường vô thượng giác cũng vậy, nương theo lời Phật chỉ dẫn, ta phải bước từng bước, hiện chứng đến đâu thể nghiệm chân lý đến đó, cho đến khi toàn giác.

Đức Phật tạo cho ta cái thang, nhưng không kéo giàn hoa xuống hay đẩy thẳng ta lên được. Ta phải tự lực mà trèo từng nấc thang lên giàn hoa thiên lý. Trèo được nấc nào là tự thể nghiệm chân lý nấc ấy. Đối với chân lý chưa hiện chứng, chúng ta chỉ nói học, không nói biết. Tinh thần tu chứng đạo Phật là thế.


3. Chứng nghiệm bản thân

Để thấu hiểu tường tận lý thuyết Phật học đối với mỗi người quả là điều không tưởng. Nhưng điều căn bản là thực hành ngay những điều ta chứng ngộ được. Và quan trọng nhất là phải có thành tâm, không gượng ép.

Thiếu lòng thành trong tín ngưỡng là con đường ngắn nhất đưa ta đến thế giới đọa đày!

-------------------------------------
Tư liệu tham khảo:
http://www.buddhismtoday.com
http://vi.wikipedia.org
http://www.thuvienhoasen.org
http://thuvien-ebook.com

.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!