Lá thư từ Manila

Đây là lá thư ngỏ được đăng trên báo Manila Times ngày 17/11/2008
(Một ngày trước khi tuần dương hạm Trịnh Hòa ghé thăm Đà nẵng)
.

Biển Đông có đường biên bao quanh bởi các quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei. Đây là vùng biển rất quan trọng về kinh tế, giao thông và an ninh đối với những quốc gia này. Trên bình diện quốc tế, Biển Đông là tuyến hàng hải xung yếu; nó mang ý nghĩa sống còn cho sự phồn vinh của Đông Nam Á, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan cũng như tất cả các quốc gia có quan hệ thương mãi.

Do đó, tranh chấp trên Biển Đông là mối quan tâm của tất cả chúng ta!

Trong số những quốc gia cùng tranh chấp, Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất cho tất cả các nước còn lại.
Thứ nhất, trong khi hầu hết các xung đột quyền lợi đều xoay quanh chủ quyền của các đảo nhỏ, bãi ngầm, bãi đá nổi... thì Trung Quốc là nước duy nhất tuyên bố chủ quyền gần như trên toàn bộ Biển Đông!
Thứ hai, Trung Quốc có quân đội lớn nhất và có tốc độ phát triển nhanh nhất so với các nước trong vùng.
Thứ ba, Trung Quốc là nước có lịch sử dùng võ lực để chiếm các đảo của các nước khác đang ở tình trạng tranh chấp.
Tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông có thể ví như lời tuyên bố của một anh gàn rằng: Toàn bộ lượng oxygen có trong không khí là của anh ta!

Lời tuyên bố này không những thiếu căn cứ pháp lý và thiếu công bằng, mà nếu như nó thành hiện thực, thì cả vùng ĐNÁ sẽ bị lệ thuộc vào Trung Quốc; đồng thời, các quốc gia khác cần lưu thông trên Biển Đông cũng bị áp đặt trong tình trạng xung đột.
Vì lẽ đó, điều tối hệ trọng lúc này là làm thế nào để Biển Đông KHÔNG trở thành lãnh hải hay một cái ao nhà của Trung Quốc.

Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, Trung Quốc và ASEAN cũng như tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều có quyền trên vùng biển quốc tế này theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, ASEAN và các quốc gia liên quan khác phải cùng nhau hành động để bảo vệ những quyền này, chống lại tham vọng phi lý của Trung Quốc.

Chúng tôi kiến nghị công dân và chính phủ các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei hãy gác lại các bất đồng để cùng nhau hành động, đề ra một giải pháp cho biển Đông trên tinh thần của UNCLOS - theo các nguyên tắc dưới đây. Chúng tôi cũng đề nghị các quốc gia có liên quan cổ vũ và hỗ trợ một giải pháp tương tự.

1. Các yếu tố đặc thù trên Biển Đông như các đảo, đá ngầm và bãi đá nổi không nhô lên một cách tự nhiên khỏi mặt thủy triều ở mức cao thì không được dùng làm căn cứ để tính vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

2. Các yếu tố đang có tranh chấp nhô lên một cách tự nhiên khỏi mặt thủy triều mức cao chỉ được dùng để tính vùng lãnh hải 12 hải lý, nhưng không được dùng để tính vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa bên ngoài 12 hải lý. Quốc gia được coi là có chủ quyền sau cùng đối với một đối tượng hiện đang bị tranh chấp cũng sẽ có chủ quyền trên vùng lãnh hải xung quanh đối tượng đó, nhưng sẽ không được dùng nó để đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa bên ngoài 12 hải lý.

3. Khu vực Biển Đông nằm ngoài vùng lãnh hải của các đối tượng có tranh chấp sẽ được quy định là các vùng lảnh hải (theo Phần II - UNCLOS), vùng đặc quyền kinh tế (theo Phần V - UNCLOS) và thềm lục địa (theo Phần VI - UNCLOS) thuộc về Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.

4. Các đường cơ sở được sử dụng cho việc phân chia nói trên sẽ tuân theo UNCLOS (Điều 5, 6, 7 - đặc biệt chỉ riêng trường hợp của Philippines và Indonesia theo Điều 47).

5. Tại các nơi có tranh chấp do sự phủ chồng của các vùng biển thì các tranh chấp sẽ được giải quyết công bằng và nhất quán theo luật quốc tế.

6. Quyền của các quốc gia khác được UNCLOS công nhận sẽ được bảo đảm.

Các đối tượng đang bị tranh chấp, bao gồm Spratlys (Quần đảo Trường Sa), Paracels (Quần đảo Hoàng Sa) và Scarborough Shoal không được dùng làm căn cứ để tính các vùng đặc quyền kinh tế hay là thềm lục địa. Do đó, việc phân chia các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không phụ thuộc vào vấn đề chủ quyền trên các đối tượng có tranh chấp. Sự phân chia này vẫn có thể tiến hành cho dù vấn đề tranh chấp chủ quyền của các đối tượng nói trên vẫn chưa được giải quyết. Việc phân chia này đảm bảo quyền và an ninh của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và tất cả các quốc gia khác.

Nếu Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia tiếp tục bảo lưu các tuyên bố của từng quốc gia mà không tương trợ lẫn nhau hoặc không có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, thì Biển Đông sớm muộn cũng trở thành lãnh thổ Trung Quốc, hay chí ít cũng trở thành cái ao nhà của nước này. Cơ hội tốt nhất để chúng ta có thể ngăn chặn được nguy cơ nói trên là phải có tiếng nói chung trên trường quốc tế, cùng nhau hành động trên cơ sở công bằng cho tất cả các nước theo tinh thần UNCLOS, cùng nhau tương trợ và cùng tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

-------------------------------
Nguồn: http://www.seasfoundation.org

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!