Câu đối - một hình thái của toán học trong thi văn

Cứ mỗi độ xuân về, không khí ấm áp của đất trời làm hoa trái đâm chồi nẩy lộc. Văn nghệ sĩ cũng lấy đó làm niềm cảm hứng sáng tác.
Trong các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống vào ngày xuân, không thể nào bỏ qua câu đối. Thú vui tao nhã này đã có từ rất lâu, nó đi vào văn học và đời sống như một lẽ tự nhiên của đất trời:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

(Ca dao)

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

...
(Ông đồ già - Vũ Đình Liên)

Ngày xưa, câu đối có sự tham gia của yếu tố tượng hình. Đây cũng là điều dễ hiểu vì ảnh hưởng của chữ viết Hán-Nôm.
Từ khi chữ Quốc ngữ ra đời, chữ viết được la-tinh hóa đã ảnh hưởng phần nào đến sự chuyển hướng của nghệ thuật đối trong văn học.
Yếu tố tượng hình theo các đường nét không còn, nhưng thay vào đó là nghệ thuật tu từ, gieo vần, chơi chữ... rất đa dạng, phản ánh bản chất dí dỏm và thâm thúy của người Việt Nam.

Câu đối là gì ?

Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm diễn đạt ý tưởng, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một sự việc, hiện tượng nào đó trong đời sống xã hội. Nguyên thủy từ đối (對) ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi.

Câu đối được xem là chỉnh đối (hay đối cân) phải thỏa mãn hai nguyên tắc sau:
1. Ngữ nghĩa: Các từ sử dụng trong hai vế đối phải tương xứng nhau về các mặt:
- Luật bằng-trắc: Thanh bằng phải đối với thanh trắc và ngược lại
- Từ loại: Thực tự (như trời, đất, cây, tên người, địa danh...) phải được đối với thực tự. Hư tự (là các từ nối, từ đệm như thì, là, mà, nhưng...) phải được đối với hư tự. Danh/động/tính từ phải đối với danh/động/tính từ. Từ láy phải đối với từ láy.
- Xuất xứ: Nhằm tăng tính đa dạng và lắt léo, người ra đối thường sử dụng các điển tích văn học, thành ngữ ca dao, cách ngôn tục ngữ hoặc vấn đề thời sự... để đưa vào vế đối.
Người đối lại cũng phải đưa ra các điển tích, thành ngữ... tương ứng để đối.

2. Ngữ cảnh: Ý của hai câu phải tương xứng, có thể đồng điệu hoặc đối nghịch với nhau.

Hai nguyên tắc này có thể được diễn dịch nôm na bởi từ Đối: Đối xứng (Ngữ nghĩa) và Đối đáp (Ngữ cảnh).

Một ví dụ minh họa nổi tiếng cho câu đối Việt Nam gắn liền với giai thoại đối đáp giữa hai danh tướng thời Tây Sơn - Nguyễn Ánh (1)

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế


Câu đối lại của Ngô Thời Nhiệm rất chỉnh về từ ngữ mà đại ý lại thể hiện chí khí khẳng khái của anh hùng lúc sa cơ lỡ vận.

Thử đề ra công thức đo độ khó của vế đối

Dựa vào nguyên tắc số thứ nhất (Ngữ nghĩa), xin mạo muội đề ra công thức tính độ khó như sau:
- Gọi N là tổng số từ của vế đối
- Gọi x là tổng của các quy luật tìm thấy trong vế đối
- Độ khó (K) là tỷ số giữa tổng các quy luật (x) và tổng số từ (N) của vế đối: K = x/N

Ví dụ 1:
Xét vế đối của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm: "Da trắng vỗ bì bạch"
- Ta có N = 5
- Tính các quy luật:
Luật 1: Da <=> bì
Luật 2: Trắng <=> bạch
Luật 3: Bì bạch là từ láy (2)
Như vậy, x = 3.
Độ khó của vế đối này là:
K = 3/5 = 0.6

Ví dụ 2:
Xét vế đối của Đặng Trần Thường: "Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai"
N = 13
x1 = 4 (5 từ "ai", nhưng có 2 từ điệp lại trong "Ai công hầu, ai khanh tướng" chỉ được tính 1)
x2 = 1 (công hầu <=> khanh tướng)
x = 5
K = 5/13 = 0.38

Ví dụ 3:
Xét vế đối nhân dịp đón năm mới Kỷ Sửu 2009 của tiên sinh Hà Sĩ Phu: "Nghé cỏn chớ nghe ông nghẻ ông nghè mà đe hàng tổng"
N = 12
x1 = nghé + nghe + nghè = 3 (3)
x2 = thành ngữ "Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng" = 1
x = 4
K = 4/12 = 0.333

Tất nhiên, đây chỉ là một hình thức lượng giá sơ bộ.
Văn chương và thi pháp có độ uyển chuyển, có hồn chứ không thể khô khan cứng nhắc như toán học. Nếu đào sâu hơn có thể vận dụng lý thuyết mờ (Fuzzy logic) để việc lượng giá có độ chính xác cao hơn. Chẳng hạn, khi xét các luật, nếu xem thành ngữ = 1 thì có thể hơi ít so với độ khó thực của nó, nhưng nếu = 2 thì lại quá lớn. Vậy thì 1.x = bao nhiêu là vừa? Nếu chẻ nhỏ quá e rằng thi văn sẽ biến thành các bảng mạch điện tử mất.

Nhưng suy cho cùng, nền văn minh nhân loại đang tiến với gia tốc rất lớn. Nhật bản đã thử nghiệm thành công các robot có khả năng suy nghĩ, Anh quốc cũng vừa công bố một thí nghiệm lý thú về điều khiển học dựa trên các nơ-ron thần kinh lấy trong não chuột... Biết ra sao ngày sau?

Xin phép tạm dừng ở đây, rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ độc giả.

----------------------------------------
(1) Đặng Trần Thường có tài văn học, lúc Ngô Thời Nhiệm được vua Quang Trung trọng dụng thì Thường đến xin Nhậm tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Thì Nhậm thét bảo Thường:
- Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác.
Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về. Sau khăn gói vào Nam phụng sự chúa Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long), làm đến chức Bình Lộ Thượng Thư.
Khi thế vận xoay chiều, Đặng Trần Thường vì mối tư thù cá nhân trước đó, đã cho tẩm thuốc độc vào roi mà đánh Ngô Thì Nhậm. Sự việc xảy ra sau khi Nhậm đối lại Thường như trên. Có giai thoại kể rằng Thường bắt Nhậm phải sửa lại "thế đành theo thế" thì sẽ tha cho, nhưng Nhậm đã không chịu sửa lại.

(2) Ít người để ý đến luật từ láy trong vế đối. Vế "Da trắng vỗ bì bạch" đã có vài vế đối lại như sau:
a. Rừng sâu mưa lâm thâm
b. Quạ vàng đội kim ô (*)
c. Trời xanh màu thiên thanh
d. Tay tơ sờ tí ti
...
Rõ ràng, câu (b) chưa chỉnh vì "kim ô" không phải là từ láy!

(3) Chú ý ở đây Hà tiên sinh sử dụng đến 4 từ: nghé - nghe - nghẻ - nghè, nhưng từ thứ 3 (nghẻ) không có nghĩa nên không được tính (x1 = 3 chứ không thể là 4). Độ khó tất nhiên là không thể bằng khi từ "nghẻ" có nghĩa, bởi vì người đối lại chỉ cần tìm được 3 từ có nghĩa rồi thêm 1 từ đệm láy vô nghĩa vào là được.
Chẳng hạn, ta tìm được 3 từ: nhái - nhai - nhài có nghĩa rồi thêm vào từ đệm láy "hoa nhải hoa nhài" là được mà không cần quan tâm "hoa nhải" là hoa gì - vì "ông nghẻ" đâu có nghĩa gì đâu!

Người viết bài này chỉ tìm được 3 bộ từ để đối tạm, ngặt một nỗi cả 3 đều không được lịch sự cho lắm. Vì thú vui ngữ nghĩa, nhã hứng văn chương mà bỏ quá cho:
1. Nhái bén đừng nhai hoa nhải hoa nhài phun bãi cứt trâu (Bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu)
2. Tí tẹo sờ ti sư tỷ sư tỳ rồi đi ị bếp (Chưa bắt chuột đà lo ỉa bếp)
3. Súng nhỏ còn sung ướt sũng ướt sùng mà không sợ điếc (Điếc không sợ súng)

.

◄◄ Home

3 comments:

Anonymous said...

Tôi xem bài này từ trang ddth.com. Trong blog của bạn có nhiều cái hay nhưng hình như bạn không phải là một người Việt Nam thực thụ. Bạn viết blog nhằm mục đích khác còn mục đích gì chắc không cần nói. Tôi thấy tiếc vì đã xem blog này. Tệ thật.

Anonymous said...

- Thế nào là người Việt Nam thực thụ?
- Mục đích của trang blog này đụng chạm đến quyền lợi của 1 số ít kẻ đang hưởng lợi nhờ bộ máy độc tài, đúng không?

Anonymous said...

Đồ lũ phản quốc!

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!