Ngày mai tòa xử giáo dân

Gia đình tôi theo đạo Phật.
Hồi nhỏ, có lần tôi đọc theo một câu đồng dao của đám trẻ ngoài đường tự chế: "Đức chúa Jesu đánh đu gãy cẳng...", lập tức bị Ba Mẹ tôi mắng cho 1 trận:
- Không được như vậy, mình theo đạo mình, họ có đức tin của họ! Đạo nào cũng dạy người ta ăn ở hiền lành, làm việc thiện...

Càng lớn, càng tiếp xúc với nguồn tri thức xã hội, tôi càng nhận ra giá trị của tôn giáo trong đời sống.
Xã hội phát triển, kèm theo đó sẽ là những hiệu ứng phụ không mong muốn. Gần đây, ai cũng thừa nhận rằng tệ nạn trong xã hội ngày càng gia tăng.
Hồi trước, khi nghe đến từ "ăn cướp", tôi thường liên tưởng đến những từ như hột xoàn, tiệm vàng, nhà băng... Tức là đối tượng bị cướp thường là rất giàu có.
Những năm gần đây, trên báo thi thoảng lại xuất hiện những vụ cướp nghe rất dã man: Anh xe ôm bị đâm chết, tài sản bị cướp là chiếc Wave tàu giá 7 triệu VNĐ! (Nếu kẻ cướp bán lại chỉ cỡ 3 triệu VNĐ)...
Thôi đừng kể đến tội phạm cấp thấp kiểu giang hồ và xã hội đen như thế, vì nó nhiều vô kể.
Xét đến dạng tội phạm cấp cao hơn, tạm gọi là tội phạm tri thức, có bằng này bằng nọ. Thì than ôi, nó cũng nhiều vô số kể. Thử tìm riêng một lĩnh vực bằng giả, tôi nhận được các kết quả sơ bộ sau đây:

- Chủ tịch Công đoàn Công ty Cao su dùng nhiều bằng giả
- Trưởng ban Tư tưởng Trung ương Đoàn "chạy" bằng giả
- Triệt phá đường dây làm bằng giả lớn nhất từ trước tới nay
- Thầy giáo 'chạy' bằng giả
- Con gái hiệu trưởng dùng bằng giả để đi dạy

Gần đây nhất là vụ PCI dẫn đến cái tát nhục nhã ODA. Nên biết những kẻ dính dáng đến vụ tham nhũng tầm cỡ quốc tế này đều phải có vị trí cao trong bộ máy quyền lực của nhà nước.

...

Tất cả những sự kiện nêu trên cho thấy gì? Câu trả lời ai cũng có thể nói được: -Nền tảng đạo đức xã hội băng hoại nghiêm trọng ở mọi lĩnh vực, tầng lớp!
Ngay cả người ngoại quốc cũng nhận thấy điều này: "Thế nhưng đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc."(Trích trong Chuyện trò với nhà toán học số một Việt Nam)

Vì đâu ra nông nỗi này?
Tôn giáo chưa có tầm ảnh hưởng đủ rộng đến đời sống dân chúng, trong khi nền giáo dục chính thống xơ cứng, giáo điều, và tệ hại nhất là nó quá giả dối!
Ngay cả ở những nước phát triển, có nền giáo dục tiên tiến, chính phủ cũng luôn coi trọng (một cách thực sự) vai trò của các tổ chức tôn giáo. Nghĩa là họ cùng bắt tay nhau để níu kéo từng tâm hồn lương thiện. Bởi vì lằn ranh giữa Thiện | Ác quá mong manh, mà cám dỗ và ma lực của cái Ác luôn hiện hữu, luôn biến hóa.
Tâm lý con người lại là một phạm trù phức tạp. Để hướng cuộc đời một ai đó về con đường lương thiện - đôi khi gia đình, trường học không thể làm được - nhưng tôn giáo lại làm được. Còn nhiều chuyện để bàn trong phạm trù tâm linh và tín ngưỡng, xin hẹn lại một dịp khác.

Ngày mai tòa xử giáo dân...
.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!