Kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền

Ngày 10 tháng 12 năm 1948, bản tuyên ngôn quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc là Bản Tuyên Ngôn về Nhân Quyền đã được viết ra bởi 50 luật sư của nhiều quốc gia và bản tuyên ngôn này đã đuợc dịch ra tất cả mọi ngôn ngữ trên Trái Đất.

Hôm nay, thứ Tư 10-12-2008, kỷ niệm đúng 60 năm ngày ra đời của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Mặc Lâm tìm hiểu các ý kiến của những nhà hoạt động nhân quyền hay đấu tranh vì dân chủ để ghi nhận những thành tựu cũng như các nổ lực tranh đấu cho quyền tối thượng này.

Quyền con người

Hàng năm vào Ngày 10 Tháng 12 là ngày kỷ niệm Quốc Tế Nhân Quyền. Từ khi bản tuyên ngôn được viết ra cho tới nay đã đúng 60 năm và trong sáu mươi năm đó loài người đã đổ biết bao mồ hôi, máu và nước mắt để tranh đấu, bảo vệ hay tuyên dương những quyền hạn tối thượng này.

Nhân Quyền hay nói cách khác là quyền con người. Đối với các nước có nền tự do dân chủ cao thì mặc nhiên được xem như một quyền được mọi thành phần trong xã hội thừa nhận và tôn trọng, nhưng đối với những nước toàn trị thì quyền này chưa được thực hiện đúng với tinh thần mà Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đưa ra.

Từ Ba Lan, cái nôi của cuộc cách mạng làm thay đổi cả một chế độ cộng sản, ông Lê Diễn Đức, một nhà hoạt động dân chủ nhân quyền nguyên chủ biên tờ báo Đàn Chim Việt Online cho biết những ghi nhận của ông:

Ông Lê Diễn Đức: Nhân dịp 60 năm ngày Công Ước Quốc Tế Về Nhân Quyền với lại sự việc Ba Lan long trọng tổ chức 25 năm trao giải Nobel Hoà Bình cho thủ lĩnh Công Đoàn Đoàn Kết, một tổ chức đã góp phần tích cực nhất làm sụp đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan và từ đó gây phản ứng dây chuyền để tất cả các nước cộng sản Đông Âu và sau đấy Liên Xô đều sụp đổ.

Tôi là người đã từng chứng kiến chế độ cộng sản trong thời gian học đại học ở đây và từ năm 1989 sau khi chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ thì tôi cũng là người chứng kiến sự chuyển hoá chế độ từ chế độ toàn trị độc tài cộng sản sang chế độ dân chủ tự do.

Tôi là một nhân chứng và thấy rằng việc người dân Ba Lan thực hiện rất là nồng nhiệt. Tất nhiên đây là một nền dân chủ non trẻ nên vẫn còn có những khiếm khuyết và người ta còn phải học hỏi rất nhiều, nhất là những chính khách trên sân khấu chính trị.

Nhưng mà trên thực tế nền báo chí tự do, truyền thông tự do, quyền đi lại tự do, quyền được phát biểu trên đất nước Ba Lan mà tôi là người đang sống ở đây nên được chứng kiến, điều đó đã làm cho người dân Ba Lan thấy rõ cái giá trị của con người được chế độ dân chủ bảo vệ ra sao.

Tại Đức, ông Vũ Quốc Dụng cũng là một người hoạt động không mệt mỏi cho nhân quyền nhận xét về thành quả mà nước này đã nỗ lực khi thành lập toà án xét xử về các tội vi phạm nhân quyền.

Ông Vũ Quốc Dụng: Chúng ta biết rằng Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời năm 1948 đã thể hiện cái ước muốn của thế giới là muốn tránh khỏi cái thảm nạn mà cuộc Đệ Nhị Thế Chiến đã gây ra. Và từ đó cho đến nay chúng ta thấy có rất nhiều những văn bản, những công ước về nhân quyền để triển khai và bảo vệ những nhân quyền căn bản này.

Chúng ta biết rằng sau Đệ Nhị Thế Chiến thì quốc tế đã lập ra toà án hình sự để xử các tội phạm chiến tranh của Đức Quốc Xã ở tại Nuremberg. Đó là cái nôi đầu tiên về vấn đề tài phán trong các vấn đề tội phạm chiến tranh.

Trải qua bao nhiêu năm nước Đức đã học được bài học này và đã vận động tích cực cho việc thành lập Toà Án Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court - ICC) để đối phó với các vấn đề lớn về vấn đề nhân quyền. Và khi mà nước Đức vận động cho vấn đề này thì nước Đức đã phải đối phó với tất cả các nước bạn muốn ngăn cản cố gắng này.

Thế bây giờ chúng ta thấy là Toà Án Hình Sự Quốc Tế đã được thành lập và đã bắt đầu hoạt động, tuy rằng nó còn có những giới hạn nhưng mà ít nhất đó là cơ quan thẩm quyền quốc tế để xét xử các trọng tội vi phạm nhân quyền.

Và từ đây những thủ phạm vi phạm nhân quyền dù người đó có là quốc trưởng của một quốc gia thì họ cũng không thoát khỏi bị truy nã và bị những hình phạt đối với sự vi phạm của họ.

Ngoài ra thì chúng tôi thấy rằng là trong luật nước Đức bây giờ có một cái luật về tội phạm quốc tế thì cũng cho phép nước Đức bắt giữ và xử tất cả các tội phạm nhân quyền ở các quốc gia khác nếu những nguời đó đến nước Đức.

Nhân quyền ở Việt Nam

Tại Việt Nam, nơi đã có nhiều nhà tranh đấu cho nhân quyền, hoặc đang bị giam giữ, hoặc đang bị quản chế, nghĩ gì về ngày trọng đại này? Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cho biết suy nghĩ của ông:

TS Nguyễn Thanh Giang: Vấn đề dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam vốn là vấn đề phải được đặt ra đầu tiên của Đảng CSVN. Vào lúc đảng này ra đời thì trong những chủ trương đường lối của họ là có thấm nhiễm cái tinh thần của nhân quyền quốc tế và họ phấn đấu cho cái nhân quyền và dân chủ của dân tộc.

Tuy nhiên, sau khi đã giành được độc lập thì việc thực thi các nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam còn rất nhiều khiếm khuyết và còn xa mới đạt đuợc cái mặt bằng về nhân quyền và dân chủ trên thế giới.

Cuối cùng, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng hiện đang sống tại Mỹ, nơi được xem là mảnh đất mẫu mực của quyền làm người, đã cho biết cảm nghĩ của ông:

GS Đoàn Viết Hoạt: Nước Mỹ hay một số các nước khác mà đã tiến bộ và có dân chủ thì chúng ta thấy rõ điều này. Chúng ta sống ở Mỹ, chúng ta biết rằng nhân quyền thật sự ra cũng có đôi lúc bị chà đạp, thế nhưng vì chế độ dân chủ cho nên những cái chà đạp nhân quyền đó đã bị phanh phui bởi cả một hệ thống báo chí cũng như ngay cả các tổ chức bảo vệ nhân quyền được tự do hoạt động. Nếu không có dân chủ thì thực sự không có nhân quyền chân chính được.

Tất cả những chế độ độc tài đều tìm cách tránh né các vấn đề nhân quyền, và nếu khi vì các áp lực quốc tế hay là sự đòi hỏi của tình thế ngay ở trong nước mà họ phải cải thiện phần nào nhân quyền thì đó cũng chỉ là cải thiện để mà duy trì được quyền lực của họ mà thôi.

Thành ra theo tôi, tự do hoá đời sống của người dân ở ngoài xã hội là một trong những yếu tố quan trọng để đẩy tới dân chủ, và dân chủ hoá sẽ là một môi trường để cho nhân quyền thực sự được tôn trọng.

Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền là một bước ngoặc mới cho những nỗ lực không mệt mỏi của các cá nhân, tổ chức hay cộng đồng. Quyền con người khi nào còn được tôn trọng một cách triệt để thì khi ấy xã hội mới có thể thăng tiến một cách toàn diện và hiệu quả.

* Download:
- Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Tiếng Anh)
- Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Tiếng Việt)

-------------------------------------
Nguồn: LHQ kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền

.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!