Đi học mẫu giáo

Trước 1975, chỉ có mình ba tôi đi làm. Ông phụ trách một phòng thuộc Ty Canh nông Bình Định, lương tiền cũng tạm đủ cho cuộc sống gia đình viên chức bình dị.
Mẹ tôi ở nhà với công việc nội trợ nên tôi không đi nhà trẻ hoặc mầm non như mấy đứa cháu bây giờ.
Trước khi đến trường mẫu giáo thì tôi cũng thuộc hết 24 chữ cái và đánh vần được những từ thông dụng, theo lối vừa chơi vừa học với hộp chữ bằng nhựa ba tôi mua cho.
Nền nhà xi măng mẹ tôi luôn lau láng bóng là tấm bảng đủ rộng cho tôi mặc sức viết, vẽ tùy thích. Chủ yếu tôi vẽ các món đồ chơi của mình, dù người xem đôi lúc không biết tôi vẽ cái quái gì. Đặc biệt, tôi rất thích vẽ hình con chuột theo kiểu biến dạng từ các chữ cái c - h - u - o - t. Lâu quá, tôi không còn nhớ ai đã dạy mình lúc đó. Có thể ba mẹ, dì, chị gái hoặc mấy người bạn của ba tôi... Và tôi cũng không thể nhớ chi tiết từng nét vẽ ra sao, chỉ có điểm chắc chắn là nét vẽ bắt đầu bằng chữ c biến cách cho tương ứng với cái mũi nhọn của con chuột. Từ căn cứ đó, tôi phác lại bức hình con chuột như trên.

Chữ thì tôi ưa viết - đúng hơn là vẽ - chữ nổi[1] như trên các bảng hiệu mà tôi để ý thấy trong những dịp đi chơi phố.
Thỉnh thoảng, tôi lại cắc cớ đổi nét bóng nghiêng xuống hoặc xéo sang trái, mặc dù người lớn nói vẽ vậy không đúng với chữ trên phố. Mãi đến vài chục năm sau này, khi học đến môn Vẽ kỹ thuật, tôi mới hiểu việc mình đổi hướng nghiêng như thế cũng không sai, thực chất là thay đổi góc nhìn mà thôi. Có lẽ vì thế sau này tôi khoái môn hình học không gian hơn so với các môn toán khác chăng? Nói đến các môn toán năm 12 thì tôi ghét cay ghét đắng môn tích phân, chẳng hiểu tại sao thích hình không gian bao nhiêu thì chán học tích phân bấy nhiêu. Cũng may thời tôi thi đại học, tích phân luôn nằm trong phần tự chọn của đề thi môn toán! Thế mà về sau khi vào ĐH, một lần làm đồ án đụng phải chuyện tính diện tích của hình không quy cách, tôi mới thấy giá trị của món tích phân. Thật đúng là cảm tính thường hại người!

Trở lại chuyện đi học mẫu giáo. Ngôi trường đầu tiên trong đời học sinh của tôi là trường Mai Xuân Thưởng ở Quy Nhơn. Lớp mẫu giáo thời đó đối với tôi thật dễ chịu. Cả khi lên lớp 1 cũng vậy, không hề bị áp lực về thứ hạng như sau này khi tôi học lớp 5. Về sau thậm chí tôi không mảy may ấn tượng gì về thứ hạng trong lớp lúc ấy. Nhưng tôi biết nó cũng không tệ, nhờ vào một trong hai kỷ niệm còn in sâu trong đầu mà tôi sắp kể ra đây.

- Kỷ niệm thứ nhất là về chuyện rác. Thời ấy, tôi được căn dặn rất kỹ về chuyện giữ vệ sinh công cộng. Một lần, trong giờ chơi tôi dùng giấy xếp máy bay và cắt thành những mẩu hình vớ vẩn. Khi chuông vào lớp thì tôi không kịp mang đến các thùng rác nằm ở góc cầu thang. Vậy là tôi cho hết vào túi quần định bụng lúc ra về sẽ bỏ vào thùng. Đến lúc tan trường thì quên béng đi, mãi đến lúc mẹ tôi giặt đồ mới phát hiện ra! Từ đó về sau, nó trở thành giai thoại khôi hài của tôi mà thỉnh thoảng lại bị đem ra kể cho bà con, bạn bè...

- Kỷ niệm thứ hai là về chuyện phần thưởng. Cuối năm, tôi được cô giáo dẫn lên văn phòng. Thường thì văn phòng đối với lũ học trò chúng tôi thời ấy là con ngáo ộp to tướng. Những đứa nào ngỗ nghịch quá thì mới bị dọa đem lên văn phòng hiệu trưởng. Nhưng trường hợp của tôi không thuộc diện ấy. Khi lên đến nơi, tôi thấy một thằng bé trạc tuổi mình cũng đang ở đó. Đây là lần đâu tiên tôi gặp nó vì hai đứa học khác lớp. Thì ra cả hai đứa có chung điểm số, mà phần thưởng thì chỉ có một. Không biết nó ra sao chứ tôi thì không quan tâm đến chuyện phần thưởng lắm, như đã nói ở trên, chuyện thành tích học tập ở độ tuổi chúng tôi thời ấy chả nghĩa lý gì. Tôi chỉ băn khoăn liệu trong các món đồ thưởng ấy có chiếc máy bay nào bay được hay không? Vì món đồ chơi tàu bay lên dây thiều[2] ba tôi mua chỉ chạy được trên đất như xe hơi, chán chết.

Hội đồng thỏa thuận giải pháp rút thăm. Không hiểu lúc ấy họ chọn cách viết lên giấy có/không hay que tăm dài/ngắn, chẳng còn chút manh mối nào trong ký ức của tôi cả. Tôi chỉ còn nhớ mang máng đã chỉ vào một trong 2 nắm tay của giám thị, và may mắn đã mỉm cười với mình.

Buổi lễ phát thưởng sau đó thật trang trọng, có thể nói lần đầu tiên tôi được đứng trước đám đông người lớn như vậy. Khi tên mình được xướng lên, tôi thấy thấp thoáng trong gói phần thưởng bọc giấy kính có hình dáng một chiếc máy bay khá to. Tôi mừng rơn đón nhận gói quà từ tay ông hiệu trưởng, chỉ mong chóng về đến nhà để mở ra xem chiếc máy bay nó ra sao. Tiếng người dẫn chương trình nói oang oang trên loa phóng thanh rằng dường như gói phần thưởng quá nặng đối với em này, xin mời phụ huynh tiến lên bưng giúp!

Dù tâm trí tôi đang mường tượng đến cảm giác mân mê chiếc máy bay mới, những tiếng xì xào của những phụ huynh xung quanh kịp định nghĩa cho tôi tâm trạng của ba mẹ mình lúc ấy: hãnh diện.
Cái từ này tưởng chừng như đã chết gí trong nếp gấp của bộ não mình rất lâu rồi, vì sau ngày 30.4.1975, tôi đã quen dùng chữ tự hào theo sách vở đương thời. Cho đến một hôm vào mùa hè năm trước (2008), tôi tình cờ đọc thấy trên một website có đăng lại nguyên văn entry trong blog của mình, chỉ thay đúng một từ ở tiêu đề: Tôi tự hào... thành ra Tôi hãnh diện... Tôi dám cá 10 ăn 1 rằng, người biên tập này từng thụ hưởng nền giáo dục của VNCH trước 1975! Nó bất chợt đưa tôi về vùng ký ức xa xưa, và góp phần mang lại cảm xúc cho tôi viết entry này!

Về chuyện chiếc máy bay phần thưởng, thì ôi thôi mộng vỡ tan rồi! Khi đến nhà tôi thất vọng vô cùng vì đó chỉ là chiếc Boeing bằng nhựa, tuy to xác nhưng còn tệ hơn món ba tôi mua vì không có cả dây thiều! Đồ chơi bay được - Đó chỉ là mong ước tưởng tượng của tôi, chứ thời ấy làm gì có những loại mô hình bay được phổ biến đại trà, điều khiển bằng vô tuyến như bây giờ!

-----------------------
[1] chữ vẽ theo hình khối 3 chiều
[2] dây cót, một cơ cấu tích tụ năng lượng để chuyển thành cơ năng làm quay bánh xe.

.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!