Lớp 2 trường làng, lớp 3 trường xã

Trong những ngày biến động trước 30/4/1975, tôi đang ở độ tuổi quá non nớt để hiểu được thời cuộc, thế sự là gì. Tôi chỉ cảm nhận được tâm trạng lo lắng của người lớn qua những câu chuyện giữa họ, đến nay chỉ loáng thoáng nhớ được vài từ "chạy giặc", "tản cư"...

Một ngày giữa tháng 4/1975, tôi cùng mẹ, chị và các em vô Sài Gòn trên chiếc vận tải cơ C-130 cất cánh từ Quy Nhơn. Ba tôi ở lại thu xếp rồi sẽ vô sau bằng chính chiếc Ford của Ty Canh Nông cấp cho ông vẫn dùng để đi công vụ. Đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác ngồi trên máy bay, tự mình đi lại được mà không cần người lớn bồng ẳm như những lần đáp Air VN đi Đà Nẵng trước đó. Những lần ấy, trí nhớ chưa có chức năng record nên tôi không có chút manh mối gì ngoài những lời kể của ba mẹ và người thân. Kết hợp với những gì được xem trên TV, trong trí tôi phác họa hình dáng của chiếc Boeing dân dụng màu trắng, cầu thang có bánh xe di chuyển được để cho hành khách lên xuống. Nó hoàn toàn khác biệt với chiếc C-130 Hercules này, đây là loại vận tải quân sự nên có màu xám, người đi lên bằng cánh cửa hạ xuống phía sau đuôi rất ngộ. Sau này xem lại các phim tài liệu, tôi mới biết lối đi ấy thích hợp hơn cho các loại xe cơ giới.

Đi máy bay ngoài 2 lần khó chịu lúc cất và hạ cánh phải nhét bông gòn vô lỗ tai để tránh bị ù do thay đổi độ cao, còn một điều chán ngán nữa là không được ngắm cảnh quang xung quanh. Nhìn qua cửa kính mấy lần chỉ thấy mây trời rồi lại trời mây mà thôi. Tôi lò dò đi về phía ca-bin nhưng bị chặn lại, thế là ý định quan sát thao tác của các chú phi công lái máy bay coi như phá sản.

Trong những lần đi Đà Nẵng thăm bà Ngoại trước đó, tôi luôn quan sát thao tác lái xe của ba tôi và tự nghĩ: "Lái xe cũng dễ ợt. Đầu tiên là vặn chìa khóa và chân phải đạp cần ga (là cái bàn đạp dài dài nằm bên phải), nghe máy nổ rồi thì chân kia đạp côn (là cái bàn đạp vuông ở giữa) tay trái giữ vô-lăng, tay phải gạt cần số. Vô số xong thì thả chân đạp côn ra, hờm sẵn trên thắng (cái bàn đạp vuông vuông nằm bên trái)". Quy trình là thế, nhưng nếu tôi đụng chân được vào các bàn đạp thì đầu mới đụng vào vành dưới cái vô-lăng, không thể nhìn thấy gì phía trước xe cả! Chưa kể là sức lực tuổi lên 6 có quay nổi vô-lăng không nữa! Thời ấy làm gì có tay lái trợ lực như bây giờ! Biết công dụng các các bàn đạp cũng có cái lợi. Một lần dừng xe xuống mua phim chụp hình, ba tôi sơ ý sao mà chiếc xe bỗng nhiên trôi từ từ, trong khi mấy anh em tôi đang ngồi trên xe. Có ai đó phát hiện và la lên, tôi áp dụng mớ kiến thức về các loại bàn đạp mình học lỏm được lâu nay, nhào qua đu người trên vô-lăng đạp mạnh vào bàn thắng. Ba tôi cũng mất thêm mấy giây để chạy từ tiệm bán phim vòng sau đuôi xe ra phía ngoài để mở cánh cửa lên ca-bin. Mọi thứ đều rất hợp với tư duy logic của tôi thời đó, chỉ có một điều tôi cứ thắc mắc trong lòng là tại sao cái cần số họ làm dích dắc quá. Sao không làm theo kiểu rõ ràng như cái thước chia vạch: một đoạn thẳng từ trước ra sau, đầu tiên là số mo, rồi tiếp theo là 1, 2, 3... có phải dễ lái không. Mỗi lần thấy ba tôi vô số phải lắc qua, lắc lại mấy cái mới được. Nhìn vị trí cần số tôi cũng chịu chết luôn, nên thỉnh thoảng lại hỏi:
- Mình đang chạy số mấy vậy ba?
Mãi đến mấy chục năm sau này, khi học về nguyên tắc hoạt động của bộ ly hợp, hộp số, về cơ chế đảo chiều của động cơ... tôi mới thấy cái khó khăn thực tế của kỹ nghệ chế tạo nhằm đáp ứng tiện ích cho người dùng...

Ba tôi cùng một số bạn bè, người thân vô Sài Gòn trong một chuyến xe kinh hoàng sau đó. Tôi được nghe kể lại rằng do tình hình quá lộn xộn, chiếc xe phải bỏ lại ở ngoại ô, mỗi người tự túc tìm cách vào thành phố. Tôi buột miệng:
- Sao uổng quá? Từ nay về Đà Nẵng chơi bằng xe ka (xe đò) à?
Người lớn chẳng ai bận tâm đến thắc mắc trẻ con của tôi. Về sau, có người kể lại một chi tiết mà cả nhà tôi nghe xong đều rùng mình: Số là trên đoạn đường lái xe từ Quy Nhơn vô Sài Gòn, ba tôi mệt quá nên mượn một cái xách áo quần của họ để kê phía sau đầu dựa cho đỡ mỏi. Khi về nhà mở xách ra thì áo quần bị thủng lỗ chỗ, toàn là vết đạn! Lúc ấy, xe đang chạy qua vùng giao tranh nên đạn bay tứ tung, trên xe ba tôi chỉ có một người bị thương ở chân, ngoài ra đều bình yên vô sự.

Sài Gòn ngày 30/4/1975 trong ký ức tôi là một buổi sáng không mấy ấn tượng. Đứng trên ban công nhà bà Ngoại Tám trên đường Bà Hạt, tôi nhìn thấy con phố phía trước ngập tràn đồ đạc, quân trang, quân dụng... của người chạy loạn vứt bỏ; của người còn ở lại nhưng không muốn rước phiền toái khi sở hữu những đồ của "ngụy". Hình ảnh các "bộ đội giải phóng quân" đập vào mắt tôi đầu tiên trên những chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm, đội nón cối, mang dép râu đến tiếp quản khu phố. Người lớn căn dặn chúng tôi tuyệt đối không được nói "Việt cộng", phải nói là "bộ đội" hoặc "quân giải phóng". Cho đến tận bây giờ, tôi cũng không tài nào lý giải được vì sao họ lại dị ứng với những từ như vậy? Mùa hè 2008, trong lần làm việc với CA Khánh Hòa, một viên sỹ quan đã nhăn nhó: "...blog của anh dùng toàn từ nhạy cảm, nào là Trung cộng..." Tôi cũng pó-tay với ông ta luôn! Việt cộng (VC) là cách nói vắn tắt của Cộng sản Việt Nam, Trung cộng tương ứng với Cộng sản Trung Quốc. Cách nói ngắn gọn nhưng chính xác như thế có gì phải giãy nãy khi nghe thấy nó? Hay là họ không ưa gọi tên sự vật theo đúng định nghĩa xác thực? Họ sợ sự thật? Hay bây giờ họ không muốn nhận mình là Cộng sản nữa? Gần đây nhất là chuyện 4 quốc gia CS đồng loạt cắt bỏ cụm từ CNCS trong bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống B. Obama. Chuyện Hoa Kỳ kình địch với CNCS và CN phát-xít có gì lạ trong lịch sử? Làm như thế thì dân chúng càng thấu hiểu thực chất và thực lực hiện nay của Cộng sản mà thôi!

Giã biệt Sài Gòn, gia đình tôi trở về cố hương, về xứ Huế thơ mộng. Đây là lần đầu tiên tôi được đi tàu hỏa. Không có ấn tượng gì lắm ngoài cảnh hành khách nằm ngồi lộn xộn trên sàn tàu, vẻ mặt ai cũng lo lắng và mệt mỏi. Dư âm chiến tranh còn phảng phất đâu đó khi mọi người nhoài mình qua cửa sổ, chỉ trỏ bàn luận về một chiếc tăng nằm chết gí bên vệ đường. Quang cảnh hai bên vắng vẻ hơn so với những lần tôi được đi bằng xe hơi. Có một điều mới mẻ khi đoàn tàu đi qua hầm Hải Vân, người lớn dặn chúng tôi không được lò đầu ra ngoài, và rồi bóng tối bao trùm trong mấy phút. Âm thanh trên tàu như chùng hẳn xuống, chỉ còn nghe tiếng bánh sắt rít ken két trên đường ray.

Làng Thượng An nằm cách thành phố Huế chừng 20 km về hướng bắc. Vượt qua sông Bồ trên cầu An Lỗ, rẽ trái theo con đường làng nhỏ, đi về nhà Nội chúng tôi chừng 10-15' đi bộ. Ngôi nhà xây bằng táp-lô, mái tôn nằm giữa vườn cây trái chủ yếu là bưởi, thanh trà, chuối, thơm... Bên hông nhà có 2 cây quýt khá sai quả. Ngay trước sân là cây ổi, thông thường phải dùng sào để hái. Chúng tôi còn nhỏ, vả lại quen sống ở thành phố nên chưa biết leo trèo. Nhớ cái lụt đầu tiên trong cuộc đời, ngồi trên giường được kê lên bộ sập gụ cao ngất, chúng tôi rất khoái chí khi nhìn thấy người cùng làng chèo ghe đến trước sân nhà với tay ngắt cho mấy trái ổi. Con nít thì vui thích chơi nước lụt, ba mẹ thì lo mệt phờ... Phía trước ngõ có cây đào lâu niên, chắc là lớn nhất trong làng. Người làng đồn thổi trên cây đào này có ma, cũng như trong bụi lồ-ô ở góc vườn, họ nói hồi chiến tranh có một người bị thương lết vào rồi chết luôn ở đó. Tôi chưa hề nhìn thấy ma, nhưng đêm tối chẳng bao giờ dám léo hánh đến những chỗ đó.

Tháng 9 đến, tôi tiếp tục cuộc đời học sinh dưới chính thể mới. Đi học theo đúng nghĩa "lớp 2 trường làng", vì phòng học nằm ngay trong đình làng. Giờ chơi, chúng tôi đá banh, rượt bắt ngay trước sân đình. Tôi biết đá banh từ ngày ấy, bắt đầu bằng trái banh bưởi với lũ bạn cùng lớp. Trái thanh trà hoặc bưởi mới hái còn nặng và cứng, phải nhồi vô tường cho đến khi nó mềm nhũn, đá không bị đau chân. Chúng nó dân quê nhưng toàn xài tiếng Tây, có lẽ do bắt chước người lớn trong những dịp đi coi đá banh trên xã. Ném biên thì kêu là "nu" (???), phạt góc là "ne" (corner), chạm tay là "manh" (main), phạt đền là "manh-ty" (main-penalty), hậu vệ là "a-de" (arrière), thủ thành là "gôn" (goal), việt vị là "ọt-rơ" (hors-jeu)... Tôi vẫn còn nhớ câu đầu tiên mình nhận được với tư cách học việc trong cuộc đời làm cầu thủ nhí:
- Mi đá a-de, thủ ở nhà nghe chưa!

Cô giáo dạy lớp 2 của tôi tên Nguyệt, cũng là người trong làng. Không có kỷ niệm nào đáng kể ngoài chuyện làm thủ công, tức là môn cắt dán giấy màu. Thường thì cô giáo ra mẫu chữ nào nó, về nhà kẻ lên giấy màu, dùng kéo cắt và dán vào vở cho cô chấm điểm. Điều làm tôi bực mình là mẹ tôi đi chợ chỉ toàn mua loại giấy màu vàng, là màu bà yêu thích. Màu này khi dán lên giấy trắng dễ bị điệp màu, không đẹp.

Lên lớp 3, chúng tôi phải đi bộ xa thêm một quãng. Ngôi trường chỉ gồm một dãy phòng học nằm ở làng Phù Ninh bên cạnh. Cô giáo dạy lớp 3 của tôi tên Sen, dữ hơn cô Nguyệt năm trước nhiều. Lớp học bây giờ cũng đông hơn do học sinh từ các làng lân cận quy tụ về. Kỷ niệm của năm học này là chuyến đi xa bằng tàu hỏa (lên huyện hay tỉnh tôi không nhớ được) để biểu diễn văn nghệ. Có lẽ là đợt cổ động phong trào nhân dịp kỷ niệm truyền thống gì đó. Hầu hết học sinh trong đội trước đó chưa từng biết hát hay tự hát được một bài trọn vẹn. Cô giáo phải tập điệu bộ, dạy hát, kiêm luôn trang điểm cho các "ca sĩ" nhí. Mới học lớp 3 mà đám con trai chúng tôi đã biết mắc cỡ, ban đầu nhất định không chịu cho đánh phấn, tô môi để ra sân khấu. Sau cô phải dùng chiêu vừa dụ dỗ vừa dọa trừ điểm kỷ luật mới xong.

Ngoài giờ học, tôi thường ra thăm đồng, nếu thấy đất khô nứt thì tháo nước từ con kênh dẫn cho chảy vô ruộng của mình. Thời ấy, các gia đình trong làng phải tham gia hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, chia ra thành từng đội. Buổi tối, thỉnh thoảng lại có họp hành trên đội, mẹ tôi phải đi để nghe phổ biến tình hình, chính sách. Ba tôi không ở trong quân lực VNCH nhưng cũng thuộc diện "ngụy quyền" nên phải đi học mấy tháng. Những hôm đó, chị em chúng tôi ở nhà một mình vừa buồn, vừa sợ ma. Ngọn đèn dầu thường được vặn to hết cỡ, có lúc lửa bị bén cả ra ngoài bấc đèn, lại phải thổi tắt phụt đi, xuống bếp cời than thắp lại. Những năm ấy, ở vùng quê rất khan hiếm bật lửa và diêm quẹt. Mỗi gia đình đều phải "nuôi" ngọn lửa cho nhà mình, thường là cục than ủ kín trong tro. Đến giờ nấu ăn hoặc muốn thắp đèn buổi tối thì cơi nó lên, đặt vào giữa nùi rơm, thổi cho hòn than đỏ rực đến khi bắt lửa cháy vào rơm. Nhà nào sơ ý để than tàn mất, thì phải qua hàng xóm "xin lửa" về nhóm lại.

Lên lớp 4, tôi lại phải chuyển trường lên Daklak, bắt đầu một tuổi thơ gian khó và nghịch ngợm trên vùng đất đỏ Tây Nguyên.

.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!