Một kỷ niệm về ngày 17/2/1979

17/2/2009,

Ngày này 30 năm về trước đã gắn liền với những kỷ niệm khó quên của một thời cắp sách.

Mùa xuân 1979, tôi còn là một cậu bé đang bước vào học kỳ II của lớp 5.
Con đường từ nhà đến trường chừng 2km, dĩ nhiên là chúng tôi đều đi bộ, vì thời ấy chiếc xe đạp là cả một gia tài của mỗi gia đình.

Đi bộ đến trường trên một quãng đường như thế quả là một món quà mà hoàn cảnh đã ban phát cho lũ "thứ 3 học trò" chúng tôi. Lúc nào cũng đi sớm cả tiếng đồng hồ, của đáng tội - chẳng phải vì chăm học đâu nhé! Trí tưởng tượng bày ra mọi trò có thể tiêu khiển trên suốt con đường đến trường. Lúc thì chia phe đuổi bắt, khi thì tận dụng những viên đất mới đào lên từ các hố chôn trụ điện để làm đạn chơi trận giả...

Nhẹ nhàng hơn thì chơi bắn bi, đánh đáo bằng nắp keng(1). Những chiếc nắp keng lúc bấy giờ khan hiếm đến nỗi chúng được trao đổi với giá 1 hào / 1 chục cái đã đập dẹp thành phiến tròn. Viên cái được làm công phu hơn bằng cách áp 2 miếng nắp keng vào giữa lớp nhựa đường. Sau này, chúng tôi dùng kỹ thuật cao hơn bằng cách nấu chì lấy từ các bình ắc-quy cũ, đổ vào khuôn làm bằng đế chén sành để có viên cái. Một viên cái như vậy có giá trị bằng 10 nắp keng, tức là 1 hào(2).

Ngày nào không có trò tiêu khiển thì ngày ấy là tai họa cho những nhà có vườn cây ăn trái dọc hai bên đường. Mùa nào thức ấy, khế - xoài - mít - vú sữa... đầu mùa luôn chào đón những vị khách không mời lẻn đến vào buổi trưa đứng bóng. Ở vào độ tuổi đang lớn với chế độ tem-phiếu thời ấy, nhu cầu năng lượng cho những trò quá hiếu động của chúng tôi thiếu thốn đến mức nào? Trong bọn cũng có vài đứa gia đình hơi khấm khá, thỉnh thoảng ba mẹ cho dăm hào ăn quà vặt. Thế cũng đủ bữa tiệc cho cả bọn: Một que kem cùng mút chung, đôi khi một cây kẹo kéo chưa cắn giáp vòng đã hết vì mấy đứa đầu ăn dày quá!

Trong những trò tiêu khiển dọc đường, không ít trò nguy hiểm đem lại cảm giác mạnh. Trong đó, trò đi nhờ xe kéo rơ-moóc được ưa chuộng hơn cả vì nó vừa có cảm giác, vừa rút ngắn quãng đường về nhà. Bắt đầu từ những lần chúng tôi vẫy đi nhờ những chiếc xe kéo bằng đầu máy MTZ(3), chuyên chở mủ cao-su. Hoặc những chiếc kéo bằng đầu máy cày loại Kubota(4) nhỏ chuyên chở củi ra chợ huyện bán, khi về chạy không tải. Gặp bác tài vui tính thì thuận lợi, vì đã đồng ý cho đi nhờ thì cũng cho xe dừng lại khi ngang qua khu tập thể nhà chúng tôi. Gặp chuyến xe bác tài đang bực bội hoặc khó tính, chúng tôi đành giở trò đeo bám. Lúc lên không đến nỗi khó khăn vì tốc độ trung bình của đầu máy kéo cũng ngang ngửa tốc độ chạy nước rút của chúng tôi. Khó khăn là khi xuống, lão tài xế không thèm đếm xỉa lũ nghịch ngợm học trò phía sau, không hề giảm tốc độ khi xe ngang qua khu nhà tập thể của nông trường. Lần đầu tiên tôi nhảy xuống xe đang chạy, và trả giá bằng 2 đầu gối trầy trụa máu để đổi lấy quy trình xuống xe như sau: Một tay ôm cặp sách, một tay bám chắc vào gờ rơ-moóc, khi chân tiếp đất là phải mở tốc hết tốc lực chạy theo một đoạn, cho đến khi bắt kịp quán tính của đầu kéo thì buông tay ra mới an toàn.

...Những chuỗi ngày bụi bặm ấy đột ngột chấm dứt khi tôi được gọi vào đội tuyển học sinh giỏi văn của huyện. Điều này thực sự quá bất ngờ, vì tôi không hề yêu thích môn Tập-làm-văn chút nào cả. Công bằng mà nói, tôi chẳng thích môn học nào ngoài các môn đá banh, bơi lội, đánh trận giả, cờ quân sự(5)... toàn những môn không hề có trong thời dụng biểu. Trong lớp, tôi cũng không thuộc loại xuất sắc nhất, vị thứ hàng tháng thường là 2, 3. Hình như chỉ có một tháng xếp thứ 1. Nói chung là không được xuống quá vị thứ 5 trong lớp, nó gần như luật bất thành văn giữa ba tôi và tôi. Thuở ấy, tôi ăn đòn như cơm bữa.

Không phải vì kết quả học tập, mà phần lớn các trận đòn đều do thói ham đá banh của tôi gây ra. Cái máu mê túc cầu này còn đem lại cho tôi nhiều kỷ niệm cười ra nước mắt, xin đề cập đến trong một dịp khác. Bây giờ trở lại chuyện vào đội tuyển học sinh giỏi văn của huyện.

Tạm biệt những trò nghịch ngợm, ngày ngày tôi mang theo trong cặp một lon guigoz cơm. Một buổi học chính khóa, một buổi học lớp bồi dưỡng văn của huyện nên tôi ở lại trường buổi trưa luôn cho tiện. Lúc này phải chuyển sang trường cấp II của thị trấn Buôn Hồ, xa hơn trường cũ một đoạn. Con đường đến trường của tôi giờ đây phải băng qua quốc lộ 14, và nhờ đó tôi đã tận mắt quan sát các đoàn xe chở bộ đội, sờ mó những khẩu đại bác 105, 175... Sau này tôi mới biết đó là những lần chuyển quân cho chiến trường Tây-Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc.

Thầy Xê là người Huế, da trắng và hiền khô. Ông đã giúp chúng tôi cải thiện rất nhiều khả năng viết văn của mình. Những bài giảng của ông đã lôi cuốn được những cái đầu nghỗ nghịch, chuyên nghĩ ra các trò quái đản. Có lần, trong tiết dạy về phép ẩn dụ, ông đã hỏi chúng tôi rằng để chỉ ước mơ, hoài bão lớn của con người nên ví nó với cánh chim gì?
- Chim đại bàng
- Chim cắt
- Chim ưng
- Chim hải âu
...
Tất cả những phán đoán của chúng tôi đều sai:
- Chim bằng!
Chúng tôi cắm cúi ghi vào vở học, biết thêm một loài chim nữa. Cánh chim bằng đã nâng cánh ước mơ cho tôi trong suốt quãng đời còn lại.

Cuối khóa học, tôi nằm trong số những đứa được chọn tiếp vào lớp bồi dưỡng của tỉnh Daklak. Nhà tôi ở cách Buôn-ma-thuột trên 50km, nên lại phải khăn gói lên thành phố, trọ ở nhà bà cô ruột để học tiếp.


Vẫn mang cơm theo ở lại trưa, ngày học 2 buổi. Nhưng, các buổi học bồi dưỡng môn văn đối với tôi bây giờ nhạt nhẽo và vô vị làm sao! Khi học bồi dưỡng ở huyện, thầy Xê thường cho chúng tôi mượn đọc các quyển sách rất lý thú về lứa tuổi thiếu niên, truyện kể về các anh hùng lịch sử... Bây giờ, ở cấp tỉnh hầu như chúng tôi chỉ sử dụng duy nhất một loại tư liệu là báo Nhân Dân!

Hầu hết các đề bài đều xoay quanh cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc hoặc ở chiến trường Tây-Nam. Đám học sinh lớp 5 chúng tôi làm gì được chứng kiến một trận đánh thật sự diễn ra, nên các đoạn miêu tả đều bê nguyên xi từ các bài xã luận trên báo. Đứa nào ma lanh thì sửa lại đôi chút, nhưng đọc vào cũng thấy rất gượng.

Tôi bắt đầu thấy chán nản, cảm giác xơ cứng đến nỗi không muốn động não viết mở bài nữa. Tôi cá với thằng bạn ngồi cạnh:
- Dù hôm nay cô ra đề bài là gì, tao cũng viết trước câu mở bài như thế này mà không bị hố: "Ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã xua quân..."
Và tôi viết luôn vào giấy làm bài. Sau khi cô đọc đề văn thì tôi thắng rõ! Nhưng bài văn ấy không bao giờ được nộp. Buổi học sau, tôi và thằng bạn bị thua cá độ trốn đi ăn bánh chuối. Chẳng biết sao dạo ấy tôi thèm ngọt kinh khủng, chắc do tiêu hao năng lượng nhiều quá!

Nhưng nỗi thèm đồ ngọt đã nhanh chóng bị các tấm bích chương quảng cáo dán ở rạp xi-nê đè bẹp. Tiền ba mẹ và các cô tôi cho để dành uống nước lần lượt chui vào các quầy bán vé xem phim! Chủ yếu là các bộ phim truyện màu chiến đấu, phim thần thoại của các nước Liên xô, Tiệp khắc, Ba lan, CHDC Đức...

Tôi bỏ học nhiều đến nỗi không đủ tiêu chuẩn tham dự buổi thi cuối khóa để chọn vào đội học sinh giỏi văn cấp quốc gia. Buổi thi ấy quả là một trong những ngày buồn nhất suốt quãng đời học sinh của tôi. Vì các cô tôi đều là giáo viên nên nắm rõ lịch học, thi của lớp bồi dưỡng. Tôi không dám nói sự thật rằng mình không được dự buổi thi cuối khóa, nên vẫn mang giấy bút đi, ngồi ngoài lề đường quan sát dòng xe cộ tấp nập mà lòng tôi trống rỗng.

Tôi chia tay lớp bồi dưỡng văn cấp tỉnh như thế, thấm thoát đã 30 năm trôi qua. Cuộc đời là vậy, với muôn ngàn lối rẽ nhưng không nằm ngoài câu kệ:
Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ
Thong dong tự tại vậy mà vui


-------------------------------
(1) Nắp chai bia, nước ngọt
(2) Lúc ấy đã đổi tiền nhưng vẫn lưu hành 1 loại giấy bạc 50 đồng cũ (phát hành tại miền Nam trước 1975, có hình mấy con ngựa màu xanh - Trong wikipedia có hình các tờ mệnh giá 5$, 10$, 200$, 500$ nhưng không thấy có hình tờ 50$ này). Hai tờ 50 đồng này ăn 1 hào hay 1 đồng lâu quá tôi không còn nhớ rõ.
(3) MTZ-50/52: Một loại máy cày 4 bánh của Liên xô (cũ), trong một số nông trường thời đó không dùng để cày bừa mà móc thêm vào sau 1 rơ-moóc để chuyên chở.
(4) Một loại máy cày 2 bánh cỡ nhỏ của Nhật, cũng dùng làm đầu kéo rơ-moóc.
(5) Một loại cờ cắt ra từ bìa tập, gấp thành hình chữ V ngược. Một mặt để trơn (hướng về phía đối thủ), một mặt vẽ hình đại diện cho các binh chủng bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân, phòng không, công binh... (hướng về phía người chơi). Hai bên không biết quân cờ đối phương là quân gì, vừa đánh vừa đoán... bên nào xâm nhập vào quân cờ có vẽ hình Thủ đô (ngửa mặt để hai bên cùng nhìn thấy) là bên giành phần thắng. (Tham khảo: Cờ quân sự)

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!