Lời nói dối tình cờ

Như đã nói, niềm ham mê môn túc cầu thời niên thiếu đã mang lại cho tôi lắm điều khốn khổ.
Đó là thời kỳ bao cấp, cuộc sống khốn cùng là điều mặc định, hầu như mọi gia đình đều phải đối diện.
Ba mẹ tôi là công nhân viên của một nông trường quốc doanh. Việc phải lo toan kinh tế cho cả nhà với bầy con nhỏ khiến ba tôi thường xuyên cáu gắt. Áp lực cuộc sống căng thẳng đến nỗi ông sẵn sàng trút những cơn thịnh nộ lên đầu chúng tôi vì bất cứ lý do vẩn vơ nào đó.

Trong số các anh chị em thì tôi là thằng chịu trận nhiều hơn cả. Phần vì độ tuổi 10-12 của tôi quá hiếu động, chị tôi là con gái còn mấy đứa em thì đang nhỏ.
Hễ đi làm về nghe chị tôi mét lại: - Nó đi đá banh mới về đó ba, là tôi đủ no đòn rồi! Có hôm tôi bị bắt tại trận khi ông bỗng dưng đi làm về sớm hoặc bất chợt ghé qua nhà. Vì sân banh nhỏ nằm ngay đoạn giữa cổng nông trường và khu nhà tập thể chúng tôi ở.
Bị đòn nhiều đến độ tôi lì ra. Dần dần, tôi có ý nghĩ kỳ cục là chấp nhận đánh đổi niềm ham thích trái bóng tròn với một trận đòn. Hôm nào may mắn thoát được thì coi như "lời to", còn nhỡ bị đòn thì cũng "huề vốn" vậy!
Tôi chỉ bị mẹ cho ăn đòn khi thật sự phạm lỗi. Ấy là những lần ham chơi quá quên gánh nước, lau nhà hoặc nấu cơm trễ... Bà không bạ cái gì cũng dùng làm roi như ba tôi, mà luôn chọn những cây vót mảnh, bắt tôi nằm sấp và vút thật đau vào mông kèm theo những lời răn xé óc.
Một lần sau bữa cơm trưa, trước lúc đi làm bà đưa tôi cuốn sổ và chiếc can nhựa 20 lít:
- Coi đi lên cửa hàng mua dầu hỏa nghe!
Cửa hàng mậu dịch xa hơn trường học chúng tôi một chút, tức là độ hơn 2 cây số. Quãng đường này đi ngang qua sân banh chính (không phải cái sân nhỏ ở ngay trước khu nhà tập thể chúng tôi thường chơi). Nơi đây chỉ diễn ra những trận giao hữu chính thức giữa các nông trường, huyện đội... Chúng tôi thỉnh thoảng cũng đụng độ với đám thiếu niên từ thị trấn Buôn Hồ xuống tại sân này. Ma xui quỷ khiến thế nào, đúng ngày hôm ấy chúng nó xuống. Dễ chừng 5-6 tháng mới có một trận thư hùng như vậy. Đám trẻ nông trường quốc doanh reo lên khi thấy tôi bỏ dép, dựng chiếc can nhựa vào trụ gôn. Chỉ chừng 2 giờ chiều nên trời nắng kinh khủng. Chúng tôi dường như không cảm nhận cái rát cháy da vì niềm phấn khích đang dâng trào. Mấy khi được đá trên sân có khung gỗ (khỏi cãi nhau như những trận xếp dép hoặc gạch đá làm trụ gôn). Bữa nay còn tươm tất hơn vì chúng nó thỉnh được một anh học lớp 9 làm trọng tài.
Những trận đấu này tôi luôn chơi đủ 2 hiệp, tàn cuộc thì đã hơn hơn 4 giờ chiều. Tôi vội vàng xách chiếc can nhựa vừa đi vừa chạy đến cửa hàng. Nỗi lo muộn giờ làm tôi quên bẵng cảm giác đau nhức do vết trầy trụa nơi đầu gối đang rỉ máu.
Thấy cô mậu dịch viên đang hí hoáy thu dẹp sổ sách, tôi vội tì gấp đôi tay còn bê bết bụi đất lên quầy hàng, chìa ra cuốn sổ:
- Cô bán dầu cho cháu với!
Bất chấp khuôn mặt tôi đang nhễ nhại mồ hôi, có lẽ trông rất thảm tệ sau trận banh và 2 cây số đi bộ, cô ta lạnh lùng:
- Hết giờ rồi!
Năn nỉ không ăn thua, tôi tiu nghỉu xách can không ra về, lòng dậy lên niềm thất vọng miên man. Cữ ngỡ rằng trận banh này thật đã vì thoát khỏi bị đòn, không ngờ lại xúi quẩy với chuyện mua dầu.
Đi làm về, nhìn thấy chiếc can rỗng không, mẹ tôi hỏi:
- Sao không có dầu?
Tôi đáp lí nhí trong cổ họng:
- Dạ cô bán hàng nói hết giờ rồi!
Đang chuẩn bị tinh thần ăn roi, thì tôi bỗng nén tiếng thở phào lặng lẽ khi nghe bà lẩm bẩm:
- Ông nội cha tụi nó, cô T. nói dầu mới về hôm qua đó mà... Chắc lại tuồn ra ngoài ăn chênh lệch rồi!
Thì ra tôi nói líu ríu quá nhỏ nên bà nghe lầm chữ "hết giờ" thành ra "hết dầu". Chắc bà không thể ngờ rằng vừa ăn trưa xong tôi đã le te xách can đi mua mà lên đến cửa hàng lại hết giờ! Chuyện các mậu dịch viên phe phẩy chân trong chân ngoài thời ấy là có thật, nhưng không phải lúc đó và chỗ đó. Tôi thoáng thấy một chút ray rứt vì cô bán hàng bị chửi oan, nhưng tôi không đính chính lại. Phần vì trả đũa thái độ cứng nhắc tàn nhẫn của ả lúc chiều, phần thì dại gì gánh lấy trận đòn mà không phải can tội nói láo? Là do mẹ tôi nghe nhầm chứ! Kkkkk kkkk, thế là phi vụ ấy tôi "hời to" nhờ một lời nói dối tình cờ!

.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!