Câu chuyện ngôn từ

Học ăn, học nói, học gói, học mở
Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

(Ca dao - Tục ngữ Việt Nam)

Tiếng nói, câu chữ đã song hành cùng nhân loại ngót hai mươi thế kỷ. Chừng ấy thời gian cũng chưa đủ để con người hài lòng với sự phát triển của ngôn từ. Và có lẽ, sẽ không bao giờ nhân loại tự thỏa mãn để thôi cải biến cái được mệnh danh là linh hồn trong giao tiếp xã hội.
Theo đà tiến hóa của lịch sử, ngôn từ dần dần được cải hóa sao cho phù hợp với tư duy và tâm lý của con người.

BẤT CẬP
Ngôn từ của mỗi dân tộc, dưới mỗi chính thể đều có phong thái và đặc thù riêng biệt. Nhất là dưới các chế độ độc tài, việc khống chế truyền thông và thông tin càng làm cho sự phát triển của ngôn từ bị gò theo một phạm vi chủ quan. Hơn ba mươi năm sống dưới chế độ này, tôi chợt nhận thấy việc sử dụng ngôn từ có quá nhiều bất cập.

Dài dòng lãng phí
- Một hôm, ngồi trên xe đang dừng chờ trước trạm thu phí giao thông, tôi bỗng có ý nghĩ ngồ ngộ là tiền đồng mất giá quá, làm các bảng điện tử phải tốn thêm chi phí cho 4 con số zero vô duyên. Trong các văn bản, sổ sách, giấy tờ... cũng vậy, việc đọc các món tiền hơi có giá trị một chút rất là mệt mỏi. Nhưng đó là chuyện kinh tế và lạm phát, trở lại vấn đề chính là chuyện lãng phí trong ngôn từ. Cái dài dòng lãng phí nhiều nhất là cái quốc hiệu hiện nay của nước mình. Trong tất cả các văn bản pháp quy đều phải có 2 dòng:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Từ khi có máy vi tính, với chức năng copy-paste hoặc việc định nghĩa các khuôn mẫu (templates) thì vấn đề thời gian nhập liệu không đáng kể. Nhưng chi phí để đọc và in là không hề nhỏ. Viết ra thì phải có người đọc, tuy nhiên theo cảm nhận của cá nhân tôi hầu hết mọi người đều vô cảm với 2 dòng tiêu đề này. Theo tôi, trong đó chỉ có vỏn vẹn hai từ có giá trị là Việt Nam. Những từ còn lại hoặc dư thừa, hoặc không đúng ý nghĩa trên thực tế. Trong một văn bản thông dụng trung bình cỡ trang giấy A4 thì số ký tự cho những từ lãng phí này khoảng 5%. Ta làm một con tính nhỏ lấy giá tiền một 5% của hộp mực in Laser nhân với số văn bản thông dụng lưu hành trên cả nước sẽ cho một con số đáng kinh ngạc!

- Chuyến xe lại tiếp tục trên con đường liên tỉnh. Thấp thoáng những tấm bảng khổ lớn với dòng chữ: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM. Câu này cũng được sơn trên các tấm biển lớn trong các cơ quan, trường học... Tôi tự hỏi "Học theo tấm gương đạo đức HCM" và "Học làm Người" như ông cha dạy dỗ bao đời nay có điều gì khác biệt chăng? Nếu có ai biết điểm ưu việt nổi bật nhất của tư tưởng và đạo đức HCM so với đạo làm Người từ xưa đến nay, xin vui lòng tóm tắt càng gọn càng tốt, tôi xin đa tạ. Thực tình là tôi cũng không biết, mà tìm thì chưa thấy.

- Thỉnh thoảng lại được nghe vài người nước ngoài khen rằng dân Việt Nam ta thông minh, cần cù chịu khó, đánh giặc mưu trí này nọ, cũng thấy ... nở mũi một tí. Nhưng chỉ một chút cho vui thôi, chứ nhìn lại thì trên tất cả các lãnh vực văn hóa, khoa học kỹ nghệ... mình chưa có gì đáng kể so với thế giới cả. Thế mà, lắm người cứ vênh vanh "đỉnh cao trí tuệ", nghe phát rợn người! Dân gian xưa có tục rất hay mà ta quen gọi là trộm vía. Thấy đứa trẻ bụ bẫm hoặc lanh lẹ hơn người thì họ cũng gọi trệch đi như là "xí quá", "kháu nhỉ"... tức là những từ rất dân dã ngắn gọn, có phần giảm nhẹ cái hay, cái tốt của nó như là sợ thói hợm hĩnh sớm lây vào người con trẻ!

Tránh xa sự thật
- Cái từ gây ấn tượng nhất cho tôi từ hồi thơ ấu là Việt cộng. Trước 1975, tôi chỉ mới học lớp 1 và được biết từ này khi TV chiếu những cảnh tổn thất do bị pháo kích, giật mìn... Sau 30/4/1975, tôi bước vào lớp 2 và bỗng dưng người lớn cấm ngặt không được nói đến từ này! Và ở tuổi đó, tôi chỉ biết là từ cấm kỵ như phạm húy vậy. Về sau mới biết đó là nói vắn tắt của cụm từ Cộng sản Việt Nam cũng như Trung cộngCộng sản Trung Quốc. Vậy có gì mà không được nói hả trời? Cách gọi vừa ngắn gọn vừa đúng sự thật như vậy sao lại cấm? Hay họ sợ nhận mình là người cộng sản? Sau này, tôi nhận ra còn rất nhiều cụm từ dở hơi, dài dòng, đi vòng qua sự thật như sau:

- Biểu tình thì lại gọi là khiếu kiện đông người. Cái này hoàn toàn sai về ngữ nghĩa. Khiếu kiện là hành vi ở mức độ thấp hơn, khi người ta ghi những bất công oan trái của mình ra giấy và yêu cầu luật pháp can thiệp. Biểu tình là hành vi bày tỏ quan điểm mạnh mẽ hơn, có biểu ngữ, có tụ tập và hô khẩu hiệu. Thường biểu tình thường chỉ xảy ra sau khi khiếu kiện không được giải quyết thỏa đáng.

- Bất đồng chính kiến thì gọi là tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN.

- Tư thục thì gọi là xã hội hóa. Chẳng hạn, đừng nên nói họ mở trường tư, bệnh viện tư... mà nên nói rằng họ tham gia thực hiện công cuộc xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa y tế... !

- Dịch tả thì gọi là tiêu chảy cấp nguy hiểm. Từ xưa đến nay, chỉ cần nghe "dịch tả" là tôi đã hình dung những thân hình tiều tụy, do cơ thể bị mất quá nhiều nước, thần chết luôn lởn vởn đâu đó quanh người bệnh. Cho nên việc chua thêm cái từ "nguy hiểm" vào sau "tiêu chảy cấp" vừa dài dòng lại dư thừa lãng nhách.

. . .(Có lẽ còn thêm một số nữa ngoài tầm hiểu biết của mình)

Nói tóm lại, cách sử dụng ngôn từ cần nhất là rõ nghĩa và ngắn gọn.

TỪ HÁN-VIỆT, CÓ NÊN DÙNG KHÔNG?
Như đã nói, ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa, là căn bản của giao tiếp xã hội. Sự phát triển của ngôn từ phản ánh mức độ văn minh và quá trình tiến hóa xã hội. Thuở thế giới còn mông mụi sơ khai, con người sống thành những bầy đàn theo từng vùng. Mỗi nhóm này sẽ có tập quán, phong tục và thổ ngữ riêng theo chủng người. Về sau, xã hội tiến hóa phân chia thành các quốc gia riêng biệt, nhưng vẫn chịu sự ảnh hưởng của nguồn gốc ban đầu. Do đó, việc các quốc gia lân cận dùng chung một ngôn ngữ hoặc trong có những điểm giống nhau cũng là điều tự nhiên. Chẳng hạn, các quốc gia ở châu Âu như Đức, Áo và Thụy sĩ đều xài chung ngôn ngữ Deutsch. Tiếng Nhật cũng có một số chữ căn bản có nguồn gốc Hán ngữ...
Vì lẽ đó, sự xuất hiện của từ Hán-Việt là lẽ tự nhiên, nhất là Việt Nam đã từng chịu ngàn năm Bắc thuộc. Theo hoàn cảnh xã hội, tiếng Việt còn du nhập thêm nhiều từ gốc Latin khác như Pháp, Mỹ... Chẳng hạn, khi xe đạp phổ biến vào Việt Nam trong thời Pháp thuộc, thì những tên gọi phụ kiện của nó như sên, nhông, líp, gi-đông, ba-ga... đều phiên âm từ tiếng Pháp. Thời đại số, có những từ khi để nguyên bản tiếng Anh còn chính xác, dễ hiểu hơn tiếng Việt. Ví dụ, đối với phần đông cư dân mạng hiện nay, nói Internet sẽ tốt hơn nói mạng máy tính toàn cầu.

Như vậy, từ Hán-Việt vẫn nên dùng tùy theo ngữ cảnh, nhưng tránh lạm dụng. Việc sử dụng là một nghệ thuật, tùy thuộc vào hoàn cảnh và cốt yếu nhất đừng bị gò ép.
Sau 30/4/1975, từng có phong trào vận động dùng chữ thuần Việt nên mới có các cụm từ chiến sỹ gái thay cho nữ chiến sỹ, xưởng đẻ thay cho nhà hộ sinh... May sao nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Việc sử dụng từ Hán-Việt hay thuần Việt, xin được nhắc lại để nhấn mạnh là: tùy thuộc vào ngữ cảnh. Chẳng hạn, trên bảng hiệu không thể sơn chữ Xưởng đẻ mà nên dùng Nhà hộ sinh. Còn nếu có người hỏi: - Bà ấy đi đâu vậy?, thì câu trả lời - Bà ta đi sanh con (hoặc đẻ con), chứ chả ai nói - Bà ta đến nhà hộ sinh để cho đứa bé chào đời!

Tương tự, khi phát biểu trước công chúng, người ta thường dùng: - Kính thưa quý vị, chứ ít nghe ai nói: - Kính thưa mọi người đang nghe nhìn !
Ngày Quốc tế phụ nữ nghe vẫn ổn hơn Thế giới đàn bà con gái !
Ngược lại, có khách đến nhà thì chỉ cần nói: - Mời anh ngồi chơi! chứ chả ai nói: - Mời anh an tọa!

Từ Hán-Việt vẫn dùng bình thường, nhưng chủ quyền quốc gia thì không thể lẫn lộn. Hoa kỳ xài thuần túy Anh ngữ, nhưng biên giới Anh-Mỹ có dính dáng gì đâu?

(Còn tiếp)

.
◄◄ Home

1 comments:

English 2 said...

Blog dep lam xin cho hoi cach nao de thay doi lai ten blog vay cac ban. ai biet chi dum. http://engllish2.blogspot.com minh lo tao nham 2 chu ll roi.

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!