Hiện tượng hồi ký và ngụy biện "lề phải"

Gần đây, cư dân mạng liên tục chứng kiến nhiều vụ việc đình đám, cụ thể là chuyện xuất hiện ngày càng nhiều các hồi ký, tự truyện của những người "trong cuộc".
Tạm gọi "trong cuộc" vì các đối tượng này hầu hết là những người đang (hoặc đã từng) đứng trong hàng ngũ của đảng Cộng sản Việt nam.
Chính vì ở vào vị trí đặc biệt đó, câu chuyện của họ càng có trọng lượng. Vì sao? Nguyên thủ Hoa kỳ, danh nhân thế giới... viết hồi ký cũng không cuốn hút dân Việt đến vậy?
Có gì bí mật, kỳ thú trong những điều được bày tỏ?

Chỉ đơn giản là sự thật. Rất nhiều sự thật, gần gũi đến hiển nhiên, nhưng từ bấy lâu nó đã nghiễm nhiên trở thành thứ bí mật ghê gớm. Nó tựa như chuyện "phạm húy" trong thời phong kiến khi ai đó vô tình nói hoặc viết những từ gần giống với tên vua, tên hoàng hậu.
Chỉ khác là chuyện "phạm húy" nghe có vẻ nực cười vì nó gần như vô hại đối với vua chúa, còn chuyện "lề trái" có lẽ nghiêm trọng hơn vì phơi bày sự thật sẽ đụng chạm đến quyền lợi của một nhóm người đang nắm quyền sinh sát của nhiều người khác. Sự vi phạm này trước đây có thể ví với luật im lặng trong các băng đảng mafia. Bởi lẽ, vi phạm đồng nghĩa với việc đối mặt với sự sống còn, với sinh mạng của những người có liên quan. Chính vì cái luật im lặng đáng sợ đó, hàng triệu triệu tiếng nói ngay thẳng, xuất phát tự đáy lòng đã phải ngậm ngùi chôn theo bụi thời gian. Ẩn giấu sự thật để mưu sự sanh tồn, âu cũng là điều mai mỉa chua chát cho phận làm người!
Những suy nghĩ sau đây có lẽ đã tồn tại trong đầu không ít đảng viên cộng sản, nhưng ít người dám bày tỏ tường minh như cố trung tướng Trần Độ đã viết trong Nhật ký Rồng Rắn:

Bộ máy quản lý xã hội thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính.
Đó là chuyên chính tư tưởng, sự chuyên chính tư tưởng được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là những “lưu manh tư tưởng”. Chuyên chính tư tưởng định ra những điều luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói … Những điều luật quy vào các tội: có hại cho lợi ích cách mạng, không lợi cho sự nghiệp cách mạng, nói xấu chế độ, nói xấu lãnh đạo vv… để đàn áp tàn khốc mọi tiếng nói.
Nền chuyên chính tư tưởng này đang làm cho tất cả trí thức không dám suy nghĩ gì, hoặc ít nhất cũng không muốn suy nghĩ gì, nói năng gì. Thực ra, nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần của nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ, giáo điều. Nó làm cho nền giáo dục khô cứng, làm cho các hoạt động văn học nghệ thuật nghèo nàn, mất hết cơ hội sáng tạo và mất hết hào hứng, nó làm cho các hoạt động khoa học bị khô cứng và nô dịch.
Nó tạo ra và nó bắt buộc nhân dân phải có một tâm lý lệ thuộc, lệ thuộc vào nhà nước, lệ thuộc vào Đảng, lệ thuộc vào cán bộ, và một tâm lý phải tuân phục, kể cả người cao nhất cũng phải tuân phục một cái gì bí và hiểm.
Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thuỷ Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài.
Nó tàn phá cả một dân tộc, huỷ hoại tinh anh của nhiều thế hệ.
Xét đến cùng, đó là tội nặng nhất về sự vi phạm nhân quyền. Vì không phải nó chỉ xâm phạm đến quyền sống cuả con người mà nó huỷ hoại cuộc sống rất nhiều người, đó là cuộc sống tinh thần, cuộc sống tư tưởng của cả dân tộc.
Nó đang làm hại cả một nòi giống.

Thần thánh hóa lãnh tụ để thao túng quyền lực tưởng chỉ có trong chế độ phong kiến. Sự thật, chủ nghĩa cộng sản còn lạm dụng nó nhiều hơn và tinh vi hơn. Những câu chuyện phóng đại, thổi phồng quá đáng, che giấu đời tư về HCM có lẽ không lạ gì trong xã hội VN mấy chục năm qua. Nhưng mô tả có vẻ chân thực thẳng thắn thế này thì rất hiếm, xin dẫn một đoạn trong cuốn hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh:
Một hôm được tin Hồ Chủ Tịch về Bắc Ninh. Tôi và mấy bạn học được nhà trường cử đi đón. Mỗi đứa được phát một lá cờ nhỏ bằng giấy, hễ Hồ Chủ Tịch đến thì vẫy cờ và hô khẩu hiệu chào mừng.
Chúng tôi đứng xếp hàng trước cửa phòng thông tin thị xã, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới.
Đợi một lúc thì có một chiếc xe ôtô con đỗ ngay mép đường, trước cửa phòng thông tin. Tôi thấy có hai anh cảnh vệ vọt ra trước, cầm lăm lăm tiểu liên, nhẩy lên đứng trên hai cái trụ của bức tường hoa thấp trước phòng thông tin. Hai anh lia mũi súng sang trái, sang phải, vẻ mặt căng thẳng.
Hồ Chí Minh bước ra sau. Quần áo kaki. Giầy vải. Cầm batoong. Người gầy, đen. Râu tóc cũng đen. Ông đứng lại ngay sát chúng tôi, nhưng không để ý gì đến bọn trẻ con này cả, tuy chúng tôi ra sức phất cờ và hô “Hồ chủ tịch muôn năm!”
Đứng lại một lát, liếc nhìn chung quanh một chút, mặt đầy cảnh giác, rồi ông đi rất nhanh vào phòng thông tin. Lưng rất thẳng, gầy nhưng cứng cáp, cử chỉ lanh lẹn – ấn tượng của tôi về Hồ Chí Minh là như thế.
. . .
Tôi nghĩ Hồ Chí Minh thực bụng, không hề coi mình là ông thánh, nghĩa là chỉ muốn được là người với những nhu cầu như của mọi người bình thường. Cũng có thể trong tư cách nhà chính trị lại khác. Vì nhu cầu chính trị, có khi Hồ Chí Minh cũng phải “diễn” những điều trái với bản chất của mình. Vì thế tôi nói, thực bụng ông Hồ không thích làm thánh nhân chút nào. Thí dụ, mệt cũng muốn nghỉ. Tố Hữu có lần đi với ông, thấy một khẩu hiệu trên tường: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”, ông nói: “Hồ Chí Minh chỉ muốn nằm!”
Ông Hồ cũng thích hút thuốc lá. Và chỉ quen hút thuốc lá ngoại, thuốc lá Mỹ. Ông đã bị chi bộ phê bình và bắt hút thuốc nội. Sau thấy ông ho quá, lại cho hút thuốc ngoại như cũ. Anh Hoàng Tuệ kể với tôi chuyện này: hồi kháng chiến chống Pháp, đi công tác ban đêm, tình cờ anh đi cùng với một đoàn người chở thuốc lá ngoại từ vùng tề ra cho cụ Hồ, có bộ đội đi kèm để bảo vệ.


Nỗi sợ hãi khi nói lên sự thật cứ đeo bám cuộc đời của những người đã trót theo con đường của đảng. Chưa biết sự thật trong hồi ký Tôi là một thằng hèn trần trụi đến đâu, chỉ biết tác giả của nó từng trăn trở như thế này:
Đây là cuốn hồi kí có tên là “Hồi kí của một thằng hèn” tớ viết từ những ngày mới về hưu, xa rời mọi quy định, mọi phán xét của mọi tổ chức. Tớ phải viết trong tình trạng khó khăn như thế nào thì hãy đọc bài giới thiệu của nhà báo Lê Phú Khải. “Viết thì cứ viết mà run thì cứ run”… cho nên khi hoàn thành vào năm 2007, cuốn hồi kí, trước khi gửi đi, đã được tớ bổ sung thêm một chương “Lời phi lộ viết sau cùng” vì lí do: khi đọc lại tớ vẫn thấy cuốn hồi kí còn sặc mùi “hèn”. Và thế là, tớ lại viết thêm một chương “Tôi đã hết hèn”. Cuốn hồi kí trong USB được một “đồng chí” cũ của tớ, khi nhân danh “khúc ruột ngàn dặm” trở về Tổ Quốc, mang sang Mỹ thì... quả thật tớ vẫn còn “sợ” nên dặn ông bạn: - Chờ đến khi tớ chết hãy cho ra mắt. Y như Nguyễn Khải mà tớ đã viết trong một entry trước là “chẳng thể nào đánh được một xác chết” nữa, nghĩa là: Nguyễn Khải chỉ dám “hết hèn” khi mình đã chết, đã hưởng đủ mọi quyền lợi không ai có thể đòi lại được nữa!

Phải thừa nhận văn minh đương đại với sự bùng nổ của IT và mạng lưới toàn cầu đã góp phần đáng kể vào việc truyền bá tư tưởng tự do.
Blog, website, email... truyền tải thông tin theo tốc độ sóng điện từ đã trở thành người bạn, người thầy, người hỗ trợ thân thiết cho các chiến sỹ tự do trên toàn cầu. Cuốn hồi ký Đối mặt của Vi Đức Hồi - từng là trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trường đảng, thường vụ huyện ủy huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn - tuy chưa hoàn tất (hiện có 24 kỳ) nhưng đã được lưu hành trên Internet.

Song song với sự xuất hiện ngày càng nhiều các cuốn hồi ký tự truyện không ngại đề cập đến những chuyện được coi là "tế nhị", nhiều tờ báo cũng chấp nhận thương đau để bảo vệ sự trong sáng của nghiệp cầm bút. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến, blogger Điếu Cày phải ngồi tù; một loạt báo thay tổng biên tập... gần đây nhất là vụ báo Du Lịch bị đình bản 3 tháng.

Xem ra cái "lề phải" không được tôn trọng lắm. Có điều gì nghịch lý chăng? Ở đời ai cũng chuộng công lý, lẽ phải, sao lắm người thích đi "lề trái" thế? Thời trung học, môn toán của tôi cũng thường thường không xuất sắc gì lắm. Nhưng tôi đặc biệt thích các loại toán vui, toán đố về thực tế, và loại toán chứng minh ngụy biện. Bài toán "lề phải" được chứng minh là ngụy biện như sau:
- Trong bối cảnh giao thông lộn xộn là thảm trạng của các đô thị lớn hiện nay, đưa ra lý thuyết "lề phải" nghe rất hợp lẽ, vì thiếu ý thức là một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông. Đây là thủ thuật đánh vào yếu tố tâm lý. Nhưng bình tâm lại, xét đoán một cách logic thì lý thuyết "lề phải" áp dụng vào đây được không? Lề phải chỉ có ý nghĩa khi đường lưu thông được hai chiều. Bạn thử chạy ngược xe vào đường một chiều rồi cãi với mọi người rằng mình đang đi bên phải xem sao! Rõ ràng, việc đề ra quy định "lề phải" cho báo chí trong xã hội độc tài cũng giống như việc cho tất cả các con đường trong thành phố lưu thông một chiều. Thử hình dung thực trạng sẽ ra sao?

Sự thật trong truyền thông cũng cần thiết như ánh nắng cho lá cây. Che chắn ánh sáng mặt trời không thể uốn nắn thân cây theo hình dạng mong muốn, ngoại trừ việc làm cho nó cằn cỗi đi.

.
◄◄ Home

2 comments:

Anonymous said...

Dong y voi nhung y kien tren nhung vi com ao gao tien nen chi co khi ho sap tu gia cuoc doi nay moi ra mat hoi ky?

Patriot said...

Họ, những người lãnh đạo đất nước này cũng chi là đại diện cho đất nước không có gì phải thần thánh hóa. Đến lúc nào đó lịch sử sẽ phán xét và con cháu họ sẽ phải hứng chịu. Nhiều người đã cho con đi học hay gưi tiền ơ Ngân hàng nước ngoài phòng khi có biến. Nhưng chế độ này với bộ máy bảo vê sẽ còn tồn tại lâu dài vì đa số người dân vẫn bị ru ngủ, số người hiểu biết và dũng cảm dược là bao??? Thương thay cho kiếp người "sinh, lão, bệnh, tử cũng không thoát khỏi"cơm, áo, gạo, tiền" và trách nhiệm với người thân và gia đình.... Than ôi!!!

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!