NGHE NGƯỜI NÓI VỀ MÌNH

Hôm 8/5/2009, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đọc bài tường trình về tình trạng nhân quyền của Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneve, Thụy Sỹ. Bài đọc dài khoảng một giờ đồng hồ, là phần rút gọn của bản báo cáo dài khoảng 100 trang.

Đại diện Việt Nam đọc báo cáo Nhân quyền trước Hội đồng Nhân quyền LHQ

Sau khi Việt Nam đọc xong báo cáo, cuộc kiểm điểm kéo dài 4 giờ đồng hồ đã diễn ra, với phần phát biểu của các quốc gia thành viên.

Các nước thuộc nhóm cực quyền (Axis of Sovereignty) đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam, cụ thể là các nước Miến Điện, Ai Cập, Nga, Lào, Cuba, Sudan, Syria, Libya.

Đặc biệt, Trung Quốc còn thêm rằng, Việt Nam nên san bằng khoảng cách giàu nghèo.

Ngoài ra, Iran còn khuyên Việt Nam nên có những biện pháp mạnh mẽ hơn để cải tiến hệ thống luật pháp, chống tham nhũng và chống các đường dây bán dâm.

Ấn Độ, Sri Lanka, Algeria thì khen quan điểm nhân quyền của Việt Nam như cuộc tranh đấu giành độc lập dân tộc.

Biểu tình trước trụ sở Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geveve,
lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền. (Ảnh: RFA)

Ngược lại, các quốc gia khác tỏ vẻ quan ngại về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam, đã bày tỏ thông qua các chất vấn và khuyến cáo.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Ba Lan, Hungary, Lebanon, Anh Quốc, Tân Tây Lan... bày tỏ mối quan tâm về vấn đề tự do tôn giáo. Đặc biệt, Ý và Tân Tây Lan đề xuất: Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm tự do tôn giáo phải đến điều tra Việt Nam. Đức nêu cao vai trò của các tôn giáo trong đời sống xã hội tại Việt Nam.

Hoa Kỳ yêu cầu đẩy nhanh tiến trình đăng ký của các giáo hội, yêu cầu phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, độc lập với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tức giáo hội Phật Giáo nhà nước, cũng như cho các giáo phái Hoà Hảo và Cao Đài.

Lãnh vực tự do báo chí được nhiều nước quan tâm như Na Uy, Thuỵ Sĩ, Phần Lan, Thuỵ Điển, Canada, Hà Lan, Úc Đại Lợi, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Đức...

Các khuyến cáo đưa ra trên lãnh vực báo chí là yêu cầu xét lại luật báo chí tương hợp với Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị của Liên Hiệp Quốc, yêu cầu công nhận tự do ngôn luận và bãi bỏ những điều hạn chế.

Phần Lan bày tỏ mối e ngại rằng, luật báo chí mới mà Việt Nam đang chuẩn bị sẽ cho phép nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn trước.

Canada, Anh Quốc, Na Uy và Thuỵ Điển khuyến cáo Việt Nam nên cho phép ra đời báo chí tư nhân và độc lập.

Thuỵ Điển, Canada và Na Uy yêu cầu Việt Nam chấm dứt việc kiểm soát Internet và Blog.

Phần Lan yêu cầu gửi báo cáo viên Liên Hiệp Quốc đặc nhiệm tự do ngôn luận đến Việt Nam điều tra.

Đặc biệt, Canada yêu cầu Việt Nam ban hành luật tin liệu nhằm bảo vệ các nhà báo phanh phui nạn tham nhũng sẽ không bị bắt.

Một vấn đề khác được quan ngại và lo âu là các điều khoản an ninh quốc gia trong bộ luật hình sự.

Canada tuyên bố rằng nhiều khi luật pháp tại Việt Nam dùng để kết tội những ai biểu tỏ ôn hoà các quan điểm chính trị, đồng thời hạn chế tự do lập hội.

Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam huỷ bỏ các điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia, như điều 88 (bộ luật hình sự) về tội tuyên truyền chống nhà nước, điều 258 về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.

Hoa Kỳ là nước duy nhất nêu đích danh tù nhân vì lương thức và yêu cầu trả tự do cho họ là Linh mục Nguyễn Văn Lý, hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, cũng như nêu đich danh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để yêu cầu Việt Nam phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho giáo hội này.

Ba Lan khuyến cáo Việt Nam huỷ bỏ pháp lệnh 44 về quản chế hành chính cho phép giam giữ 2 năm ở các trại tạm giam, quản thức tại gia hay đưa vào nhà thương điên.

Thông qua phát biểu của 60 quốc gia thành viên, điều lưu tâm nhất là khuyến cáo Việt Nam mời các báo cáo viên Liên Hiệp Quốc đặc nhiệm trên các lãnh vực tôn giáo, tự do ngôn luận, bắt bớ trái phép...

Pháp, Tiệp Khắc và Latvia nói thẳng rằng sau chuyến đi điều tra của Báo Cáo Viên LHQ Đặc Nhiệm Tự Do Tôn Giáo đến Việt Nam năm 1998 thì không còn ai được phép viếng thăm dù hiện có 6 báo cáo viên LHQ đã xin đi.

Trong số các quốc gia không được phát biểu gồm có các quốc gia dân chủ như Tiệp (Czech) hiện đóng vai trò Chủ Tịch Liên Hiệp Châu Âu (EU), Ireland, Vương Quốc Bỉ, Luxembourg, Hungary, Latvia, vân vân, nên các nước này đành gửi tới Hội Đồng bản văn viết lời phát biểu. Ireland đã đại biểu cho 15 nước lên tiếng phản đối như sau:

"Nhân danh những người ghi danh nhưng không được phát biểu, tôi thành thật biểu tỏ sự thất vọng trước quá trình kiểm điểm hôm nay mà theo lẽ được căn cứ trên nguyên tắc bình đẳng, thế nheng đã có nhiều quốc gia bị gạt ra, không cho pháp biểu. Đây là điều Hội Đồng Nhân Quyền LHQ phải xét lại."

Quy trình kiểm điểm thường kỳ toàn diện sẽ được tam đầu chế Canada, Nhật Bản và Burkina Faso làm báo cáo tổng kết trình Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vào khoá họp ngày 12/5/2009.

* * *

Trên Talawas, Đinh Từ Thức đã làm một bản so sánh giữa 2 báo cáo của Việt Nam và Hoa Kỳ như sau:

Việt Nam báo cáo:

Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra với các chức năng lập hiến, lập pháp, hoạch định chính sách phát triển đất nước và giám sát các hoạt động của Nhà nước. Mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong đó có Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát và kể cả của Chủ tịch nước đều chịu sự giám sát của Quốc hội.


Hoa Kỳ báo cáo:

Các cuộc bầu cử gần đây nhất để lựa chọn các thành viên của Quốc hội đã được tổ chức vào tháng 5, 2007. Các cuộc bầu cử đã không tự do và cũng không công bằng, do toàn bộ các ứng viên đều do MTTQ lựa chọn và đề cử. Mặc dù ĐCSVN đã thông báo trước đấy rằng một số lượng lớn ứng cử viên “độc lập” (những người không liên kết với một tổ chức hoặc một nhóm nào) sẽ được tham gia ứng cử, tỉ lệ ứng cử viên tự do chỉ hơi cao hơn lần bầu cử năm 2002. ĐCSVN đã đồng ý cho 30 ứng cử viên “tự đề cử”, gồm những người không có sự ủng hộ của chính phủ nhưng được phép ứng cử. Đã có báo cáo đáng tin cậy rằng cán bộ Đảng đã gây áp lực để nhiều ứng cử viên tự đề cử từ bỏ ý định tranh cử hoặc viện ra lý do là họ “không đủ điều kiện” để tranh cử.

Việt Nam báo cáo:

Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng việc bảo đảm cho mọi người dân quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do họ lựa chọn. Tỷ lệ cử tri đi bầu cao (hơn 99%) tại kỳ bầu cử Quốc hội khoá XII, tháng 5/2007, cho thấy người dân ngày càng ý thức rõ hơn về quyền của mình và vai trò quan trọng của Quốc hội trong việc thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân.


Hoa Kỳ báo cáo:

Theo chính phủ, đã có hơn 99% của 56 triệu cử tri đủ tư cách bầu cử đã tham gia bỏ phiếu, một con số mà các nhà quan sát quốc tế đã cho rằng quá cao và thiếu cơ sở. Cử tri được chính quyền cho phép bỏ phiếu hàng loạt giùm cho các người khác, và chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo đảm tất cả các cử tri đủ điều kiện đi bầu phải tham gia bằng cách tổ chức bầu theo nhóm và toàn bộ cử tri trong khu vực được ghi nhận là đã bỏ phiếu. Việc làm này được xem là làm mất đi sự minh bạch và công bằng của quá trình bầu cử.


Việt Nam báo cáo:

Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý tổng thể mọi lĩnh vực đời sống xã hội cũng như đảm bảo việc thực thi Hiến pháp và pháp luật. Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật cũng như mọi lĩnh vực đời sống xã hội của địa phương thông qua cơ quan chấp hành là Ủy ban Nhân dân do Hội đồng Nhân dân bầu ra.


Hoa Kỳ báo cáo:

Tất cả quyền hành và quyền lực chính trị đều nằm trong tay ĐCSVN, và Hiến pháp đã công nhận quyền lãnh đạo của ĐCSVN. Những phong trào đối kháng hoặc các tổ chức chính trị đều không hợp pháp. Bộ Chính trị ĐCSVN hoạt động như một cơ quan công quyền tối cao mặc dù đúng ra phải chịu sự giám sát của Uỷ ban Trung ương ĐCSVN.


Việt Nam báo cáo:

Với các chức năng tư pháp, Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.


Hoa Kỳ báo cáo:

Luật pháp qui định tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm viên nhưng trên thực tế ĐCSVN điều khiển hệ thống toà án ở mọi cấp một cách hiệu quả bằng cách nắm quyền bổ nhiệm thẩm phán và những cơ cấu liên quan. Trong rất nhiều vụ án ĐCSVN là người quyết định bản án. Hầu hết, nếu không nói là tất cả, các thẩm phán đều là đảng viên ĐCSVN và được đề bạt một phần là dựa trên quan điểm chính trị của họ. Trong những năm vừa qua, hệ thống pháp lý đã bị lũng đoạn rất nhiều do ảnh hưởng chính trị, việc tham nhũng cục bộ và thiếu khả năng. Ảnh hưởng của ĐCSVN đặc biệt nổi bật trong những vụ án lớn trong đó bị cáo bị truy tố là thách thức hoặc gây tổn hại đến ĐCSVN và nhà nước.


Việt Nam báo cáo:

Tính minh bạch và dân chủ của hệ thống Nhà nước cũng được tăng cường thông qua vai trò phản biện xã hội của hệ thống báo chí, truyền thông và các đoàn thể nhân dân. Báo chí Việt Nam trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân và là lực lượng quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan Nhà nước, góp phần mạnh mẽ vào quá trình chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam…

Quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân đã có sự đổi mới tích cực. Từ 2006 đến 2008, tỷ lệ giải quyết tố cáo khiếu nại của các cơ quan hành chính đạt 83,2%; các cơ quan thi hành án dân sự địa phương 92,5%. Pháp luật cũng quy định việc đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho những người bị oan sai.


Hoa Kỳ báo cáo:

Luật pháp qui định tội hình sự đối với quan chức thức tham nhũng; tuy nhiên chính phủ đã không luôn thực hiện các luật định một cách hiệu quả và đôi khi cán bộ tham nhũng được bao che. Tham nhũng vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng…

Bộ luật chống tham nhũng cho phép công dân được công khai khiếu nại về sự làm việc thiếu hiệu quả của chính phủ, thủ tục hành chính, tham nhũng, và chính sách kinh tế. Trong những lần trao đổi trực tuyến qua mạng với lãnh đạo cấp cao của chính phủ, công dân đã đặt thẳng những câu hỏi về những nỗ lực chống tham nhũng. Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục xem việc công khai chỉ trích chính trị là phạm pháp, trừ khi những lời chỉ trích đã được kiểm soát bởi chính quyền. Nỗ lực tổ chức những người có khiếu nại để tạo điều kiện làm việc có hiệu quả đã được xem như là hoạt động chính trị trái phép và và có thể bị bắt bớ…

Có rất nhiều báo cáo về tham nhũng trong giới chức trách và chính phủ thường thiếu minh bạch trong cách thức tịch thu đất đai và dời dân để sửa soạn cho những công trình hạ tầng cơ sở. Theo luật pháp, người dân phải được bồi thường khi họ bị dời chỗ ở vì những công trình này, nhưng đã có nhiều than phiền ngay cả từ Quốc hội là việc bồi thường không đầy đủ hoặc chậm trễ. Sau những vụ biểu tình về quyền đất đai năm 2007, chính phủ thành lập một nhóm chuyên trách để thanh tra vài tỉnh miền Nam, nhưng ít có trường hợp của người đi kiện được giải quyết.


Việt Nam báo cáo:

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến năm 2008, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ, 68 đài phát thanh, truyền hình của trung ương, cấp tỉnh và đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất (đài truyền hình Việt Nam phủ sóng đến 85% hộ gia đình Việt Nam), 80 báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử trên mạng Internet, 55 nhà xuất bản. Báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Người dân Việt Nam ngày càng tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là Internet, với khoảng 20 triệu người truy cập, chiếm 23,5% dân số, cao hơn mức trung bình của châu Á (18%). Ngoài hệ thống thông tin, báo chí, truyền thông trong nước, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn khác.


Hoa Kỳ báo cáo:

Luật pháp cho phép quyền tự do ngôn luận và báo chí; tuy nhiên, chính phủ vẫn tiếp tục giới hạn những quyền tự do này, nhất là đối với những phát biểu chỉ trích những nhân vật lãnh đạo nhà nước, quảng bá chính trị đa nguyên hay dân chủ đa đảng, hoặc đặt vấn đề về những chính sách mang tính nhạy cảm như nhân quyền, tự do tín ngưỡng, hoặc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Lằn ranh giữa ngôn luận cá nhân và công cộng vẫn tiếp tục được giải thích một cách tuỳ tiện…

ĐCSVN, chính phủ và những tổ chức quần chúng do Đảng kiểm soát đã kiểm duyệt tất cả các hình thức ấn loát, phát thanh, truyền hình, và báo điện tử. Qua Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT), chính phủ kiểm soát và bổ sung quyền hành với những điều lệ của Đảng và điều luật an ninh quốc gia lớn mạnh để bảo đảm báo chí trong nước tự kiểm duyệt một cách hữu hiệu…

Mặc dù với sự tiếp tục tăng trưởng của những trang blog trên mạng, việc đàn áp tự do báo chí toàn khắp vẫn tồn tại trong suốt năm với kết quả là nhiều biên tập viên cao cấp bị đuổi và hai phóng viên bị bắt. Những hành động này làm dập tắt phong trào phóng sự điều tra xông xáo trước đó…

Chính phủ cấm dân chúng truy cập vào mạng qua những công ty cung cấp dịch vụ mạng ngoại quốc, họ cũng bắt các công ty cung cấp dịch vụ mạng trong nước lưu trữ tất cả những dữ kiện, tin tức gửi qua mạng trong ít nhất 15 ngày và đòi hỏi các công ty này cung cấp giúp đỡ kỹ thuật và văn phòng cho công an để họ dò xét các hoạt động trên mạng…

Trong khi dân chúng tận dụng việc truy cập mạng đang tăng trưởng chưa từng thấy, chính phủ vẫn kiểm soát thư điện, lục soát và dò xét những từ nhạy cảm và chặn những địa chỉ trên mạng có nội dung chính trị hay tôn giáo mà chính quyền cho là “phản cảm”…

Nhà chức trách dùng điều khoản 88 của luật hình sự về việc “phân phát tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước” để cấm dân chúng không truyền tải và phổ biến những tài liệu từ mạng mà chính phủ cho là vi phạm.

Nhà cầm quyền tiếp tục giam giữ và cầm tù những nhà bất đồng chính kiến đã dùng mạng Internet để phát biểu ý tưởng về nhân quyền và chủ nghĩa đa nguyên…


Việt Nam báo cáo:

Quyền lập hội của người dân được bảo vệ bằng các đạo luật quan trọng và nhiều văn bản dưới luật liên quan, cụ thể là tại Điều 69 Hiến pháp 1992, và tại Nghị định số 88/ 2003/NĐ-CP ngày 30/07/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Ở Việt Nam hiện có 380 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên tỉnh, thành phố (so với 115 vào năm 1990); 18 tổ chức công đoàn ngành, 6.020 tổ chức ở cấp địa phương, và hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội.


Hoa Kỳ báo cáo:

Chính phủ tuyệt đối cấm đoán việc tự do lập hội. Những đảng phái chính trị đối lập không được cho phép hoặc nhân nhượng. Chính phủ ngăn cấm tính hợp pháp của việc thành lập những tổ chức tư nhân độc lập và khuyến cáo người ta nên hoạt động trong những tổ chức quần chúng do Đảng lập sẵn, thường dưới sự che chở của MTTQ thuộc ĐCSVN. Tuy nhiên, đã có vài tổ chức bao gồm cả những nhóm tôn giáo không đăng ký đã có thể hoạt động ngoài khuôn khổ này mà không hoặc ít bị trở ngại với chính quyền…

Những thành viên của Khối 8406, một tổ chức chính trị chủ trương thành lập một chính quyền đa đảng đã tiếp tục bị sách nhiễu và giam cầm.


Việt Nam báo cáo:

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ về đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em. Bên cạnh Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001- 2010 đang được tích cực triển khai, việc bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em cũng được lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho trẻ em ngày càng được hưởng đầy đủ hơn các quyền của mình. Các chương trình khám chữa bệnh miễn phí, các biện pháp giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và suy dinh dưỡng đã được triển khai khá hiệu quả (khoảng 8,4 triệu trẻ, chiếm trên 90% trẻ em dưới 6 tuổi, được phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí). Tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ngày càng cao (năm học 2005 - 2006, tỷ lệ học sinh tiểu học đạt 95,04%, trung học cơ sở đạt 80,3%); tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần; nhiều chính sách quan tâm, ưu đãi được dành cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em di cư, trẻ em người dân tộc thiểu số… Cơ bản đã tạo được môi trường vui chơi giải trí an toàn, lành mạnh cho trẻ em (có khoảng 40% xã, phường và 80,3% số quận, huyện có điểm vui chơi cho trẻ em; 100% thư viện cấp tỉnh và 30% ở cấp huyện có phòng đọc dành cho trẻ em…). Trẻ em được tạo điều kiện bày tỏ ý kiến, tham gia vào hoạt động văn hóa, xã hội ở trường học và cộng đồng thông qua các diễn đàn quốc gia, quốc tế, Đội Thiếu niên Tiền phong, Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ…


Hoa kỳ báo cáo:

Các tổ chức quốc tế và các cơ quan chính phủ tiếp tục tường trình rằng mặc dù chính phủ vận động bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các tổ chức chính phủ và quốc tế báo cáo rằng trẻ em tiếp tục có nguy cơ bị bóc lột kinh tế.

Giáo dục cho trẻ em dưới 14 tuổi là bắt buộc, miễn phí và không phân biệt. Dẫu vậy, qui định này không phải lúc nào cũng được các nhà chức trách tôn trọng, đặc biệt là ở các vùng quê nông thôn, nơi công quỹ và ngân sách gia đình cho giáo dục rất hạn chế; thêm vào đó, ở các vùng kinh tế nông nghiệp, trẻ em là một nguồn lao động đáng kể.

Có dư luận cho rằng trẻ em bị lạm dụng, tuy nhiên thiếu thông tin về mức độ của sự lạm dụng đó.Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), có khoảng 23.000 trẻ bụi đời dễ bị lạm dụng, và số trẻ này đôi khi bị công an ngược đãi và quấy nhiễu. Có 2 trung tâm trực thuộc LĐTBXH giúp đỡ các trẻ em nghèo túng. Các tổ chức trẻ cũng phát động các phong trào thu hút dư luận về vấn đề này.

Ở các thành phố lớn có trình trạng mãi dâm trẻ em, đặc biệt là trẻ em nữ, nhưng cũng có trẻ em nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khá đông gái mại dâm dưới 18 tuổi. Một số trẻ em bị ép vào con đường mại dâm vì lý do kinh tế.


Việt Nam báo cáo:

Việt Nam luôn cam kết vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, coi đó là một công cụ quan trọng để tiến tới công bằng và phát triển bền vững…

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ về đảm bảo các quyền của phụ nữ. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội đạt 25,76% (nhiệm kỳ 2007-20011), đứng thứ 4 ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. 83% nữ giới trong độ tuổi lao động có việc làm. Phụ nữ có mặt ở hầu hết các cơ quan hành chính và doanh nghiệp Nhà nước, với 68,7% cán bộ công chức và 30% chủ doanh nghiệp là nữ. Phụ nữ còn tham gia tích cực trong các tổ chức chính trị-xã hội và chiếm khoảng 30% trong ban chấp hành các cấp. Phụ nữ được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/quyền sở hữu nhà ở cùng với người chồng, được hưởng quyền bình đẳng như nam giới trong vấn đề quốc tịch. Tỷ lệ biết chữ ở người lớn của nữ là 91%; 30% số người có trình độ sau đại học là nữ. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 73 trong khi nam giới là 70. Phụ nữ có quyền được nghỉ 4 tháng sau khi sinh con, hưởng nguyên lương và được phụ cấp thêm 1 tháng lương nữa.


Hoa Kỳ báo cáo:

Pháp luật cấm mãi dâm, tuy nhiên việc áp dụng còn nhiều bất cập. Có nhiều những ước lượng khác nhau: báo cáo của chính phủ cho rằng có khoảng trên 30.000 gái mãi dâm trên toàn quốc, nhưng một số tổ chức phi chính phủ lại cho rằng con số này lên đến 300.000 trong cả nước, bao gồm gái mại dâm nghiệp dư hay làm theo thời vụ. Trong những năm trước, báo cáo cho rằng một số phụ nữ đã bị ép buộc vào con đường mại dâm, thường là nạn nhân của những hứa hẹn giả dối về những công việc có lương cao. Một số đông khác tự nguyện chọn con đường mại dâm vì tình trạng nghèo đói và thất nghiệp. Có một số trường hợp cá biệt bị cha mẹ cưỡng ép, hay đòi hỏi tiền bạc quá nhiều, buộc con gái mình phải làm mại dâm. Hội Phụ nữ, cùng với cái tổ chức phi chính phủ trong nước, đang tiến hành các chương trình giáo dục và cải tạo để ứng phó với các trường hợp lạm dụng này.

Mặc dù không bị kỳ thị trên pháp lý, nhưng phụ nữ vẫn tiếp tục bị kỳ thị ngoài xã hội. Mặc dù có rất nhiều điều khoản và qui định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong hôn nhân và ở nơi làm việc cũng như có nhiều điều khoản trong luật lao động bảo đảm ưu tiên cho họ, phụ nữ vẫn không đuợc đối xử công bằng.


Việt Nam báo cáo:

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề dân tộc là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ…

Việt Nam đang triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình Hỗ trợ Đất Sản xuất, Đất ở, Nhà ở và Nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Chương trình 134) và Chương trình Phát triển Kinh tế-Xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135). Việc triển khai các chương trình này đã góp phần nâng cao rõ rệt đời sống của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa; cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với khoa học, kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất, nâng cao ý thức trách nhiệm và đóng góp của người dân trong việc thúc đẩy phát triển và thu hẹp khoảng cách vùng miền. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đề ra các chính sách trợ cước trợ giá, cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ một số dân tộc thiểu số có số dân rất ít người, cấp miễn phí 18 loại báo, tạp chí cho người dân ở vùng khó khăn.


Hoa Kỳ báo cáo:

Mặc dù nhà nước chính thức cấm, nhưng xã hội vẫn tiếp tục kỳ thị những người thuộc dân tộc thiểu số. Cộng đồng dân tộc thiểu số hưởng được rất ít những thành quả tiến bộ của nền kinh tế đang phát triển mạnh.

Một số người thiểu số được cho là đã vượt biên sang Thái Lan và Campuchia để tìm cơ hội làm ăn tốt hơn, hoặc để tìm đường nhập cư qua những quốc gia khác. Nhân viên chính phủ theo dõi gắt gao một số sắc dân thiểu số, đặc biệt là ở vùng Cao nguyên miền Trung, với quan ngại rằng đạo Tin lành mà họ đang theo đuổi sẽ dẫn đến phong trào đòi ly khai của các sắc dân tiểu số.

Chính phủ đã tiếp tục dùng nhiều biện pháp an ninh ở vùng Cao nguyên miền Trung để đối phó với những quan tâm về những hoạt động ly khai của các dân tộc thiểu số có thể xảy ra. Theo một số báo cáo, công an đã đặc biệt quan tâm đến trường hợp một số người thiểu số đã điện thoại cho các cộng đồng của mình ở hải ngoại. Cũng có vài báo cáo rằng những người thiểu số đào thoát sang Campuchia đã bị công an Việt Nam, họat động trên cả hai phía biên giới, bắt về và sau đó bị đánh đập và câu lưu.

--------------------------
Nguồn tham khảo:
- http://www.voanews.com/vietnamese/2009-05-08-voa7.cfm?rss=asia
- http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VN-to-report-HumanRights-in-UN-YLan-05112009134724.html
- http://www.talawas.org/?p=3760

.
◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!