VIỆT NAM SỬ CA (LỤC BÁT SỬ)

|

1. LỜI GIỚI THIỆU

Với Việt Nam lục bát sử, nữ tác giả đa tài Ngọc Thiên Hoa lại đem đến cho độc giả một bất ngờ thú vị. Bất ngờ vì lâu lắm rồi mới lại có người để mắt tới Sử ca, bằng một tác phẩm đồ sộ vào loại bậc nhất thuộc thể loại này. Không kể đến những tác phẩm diễn ca từng đoạn lịch sử hay từng nhân vật, mà hãy đem so sánh với Đại Nam quốc sử diễn ca, một công trình quy mô của rất nhiều người, qua nhiều đời để cuối cùng được cho là của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, xuất bản bởi hiệu Trí Trung Đường tại Hà Nội năm 1870 cũng chỉ với 2054 câu lục bát.

Trong khi đó Việt Nam lục bát sử, của riêng Ngọc Thiên Hoa, có độ dài tới gần 5000 câu lục bát. Biên niên sử trong Đại Nam quốc sử diễn ca từ thời Hồng Bàng đến hết đời vua Lê Chiêu Thống. Trong khi đó Việt Nam lục bát sử cũng từ thời Hồng Bàng kéo dài cho đến khi thực dân Pháp hoàn thành việc biến toàn cõi Việt Nam thành thuộc địa của họ những năm đầu thế kỷ XX, tức là dài hơn khoảng gần 300 năm.

Nhưng dài ngắn chưa phải là điều đáng nói.

Bám sát vào nguồn sử liệu là cuốn Việt Nam sử lược (VNSL) của Trần Trọng Kim, điểm đáng nói nhất của Việt Nam lục bát sử chưa phải là hàng ngàn câu lục câu bát rất nhuần nhuyễn về vần điệu, mà trước hết là ở khả năng tải theo các sự kiện lịch sử của những câu thơ có vần rất dễ nhớ ấy. Cũng nhằm diễn ca lịch sử, nhưng khi đọc Đại Nam quốc sử diễn ca người ta thấy giá trị sử học quá mờ nhạt so với giá trị văn học. Các sự kiện trong đó - có thể do mục đích sáng tác của các tác giả - chỉ là cái cớ. Vì thế nhiều khi chúng bị kéo dãn hoặc dàn mỏng ra, đóng vai trò thứ yếu. Chúng ta không bàn điều đó là hay hay dở, nhưng với mục đích truyền bá kiến thức lịch sử bằng văn học (cụ thể là bằng thơ lục bát) thì có thể khẳng định ngay rằng Việt Nam lục bát sử hiệu quả hơn, tiện dụng hơn cho người muốn nhớ sử. Tức là văn học đựơc sử dụng như một phương tiện để tải lịch sử. Có thể vì thế mà trong Việt Nam lục bát sử các sự kiện lịch sử được dồn nén, cô đọng tới mức tối đa, để trong một câu 6 hay 8 chữ, cung cấp được nhiều tư liệu nhất - và đó cũng là điểm độc đáo thú vị của cuốn sách. Chẳng hạn một đoạn rất dài trong VNSL như sau:

Nhà tiền Lý (544-602): 1 - Lý Nam Đế; 2 - Triệu Việt Vương; 3 - Hậu Lý Nam Đế.

1. Lý Nam Đế (544-548): "Năm Tân Dậu (541) là năm Đại Đồng thứ 7 đời vua Vũ Đế nhà Lương, ở huyện Thái Bình có một người tên là Lý Bôn, tài kiêm văn võ, thấy nước mình, trong thì quan lại Tàu làm khổ, ngoài thì người Lâm Ấp cướp phá, bèn cùng với những người nghĩa dũng nổi lên, đánh đuổi Tiêu Tư về Tàu, rồi chiếm giữ lấy thành Long Biên. Lý Bôn, có người gọi là Lý Bí, vốn dòng dõi người Tàu. Tổ tiên ở đời Tây Hán phải tránh loạn chạy sang Giao Châu, đến lúc bấy giờ là bảy đời, thành ra người bản xứ. Khi chiếm giữ được đất Giao Châu rồi, ông sửa sang mọi việc, định lập nghiệp lâu dài. Qua năm Quý Hợi (543) quân Lâm Ấp lại sang phá quận Nhật Nam, Lý Bôn sai tướng là Phạm Tu vào đánh ở Cửu Đức (Hà Tĩnh), người Lâm Ấp thua chạy về nước. Năm Giáp Tý (544) đời nhà Lương bên Tàu, ông Lý Bôn tự xưng là Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức, rồi phong cho Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, và Phạm Tu là tướng võ. Năm Ất Sửu (545) vua nhà Lương sai Dương Phiêu sang làm thứ sử Giao Châu, và sai Trần Bá Tiên đem quân sang đánh Nam Việt. Lý Nam Đế thua phải bỏ thành Long Biên chạy về giữ thành Gia Ninh (huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên). Trần Bá Tiên đem quân lên vây thành Gia Ninh, Lý Nam Đế chạy về giữ thành Tân Xương, tức là đất Phong Châu cũ thuộc tĩnh Vĩnh Yên bây giờ. Nhà Lương lại tiến lên đuổi đánh, Lý Nam Đế thấy thế mình yếu, chống không nổi, mới rút quân lên đóng ở động Khuất Liêu (thuộc đất Hưng Hóa), để đợi thu xếp được quân sĩ lại ra đánh. Được non một năm, Lý Nam Đế đem hai vạn quân ra đánh nhau với Trần Bá Tiên ở hồ Điển Triệt (?), lại thua. Lý Nam Đế bèn giao binh quyền lại cho tả tướng quân Triệu Quang Phục chống nhau với quân nhà Lương rồi trở về Khuất Liêu. Triệu Quang Phục là con quan thái phó Triệu Túc người ở Châu Diên (Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên) theo cha giúp Lý Nam Đế lập được nhiều công, nay đem quân chống cự với nhà Lương được ít lâu, rồi sau thấy thế quân Tàu còn mạnh, địch không nổi, bèn rút quân về Dạ Trạch. Dạ Trạch là chỗ đồng lầy, chung quanh cỏ mọc như rừng, ở giữa có bãi cát làm nhà ở được. Triệu Quang Phục vào ở đấy, ngày nấp ẩn, tối thì cho lính chở thuyền độc mộc ra đánh quân của Trần Bá Tiên, cướp lấy lương thực về nuôi quân sĩ. Trần Bá Tiên đánh mãi không được. Người thời bấy giờ gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương" (tusach.vietnhim.com).

Đã được Ngọc Thiên Hoa tóm lại trong một đoạn thơ rất dễ nhớ:

NHÀ TIỀN LÝ 前 李 (544-602)

1. Lý Nam Đế (544-548):

Giao Châu thóc chín lưng chừng
Thân trâu, kiếp ngựa vang lừng trống khua.
Ngoài biên, giặc Tống hơn thua
Bên trong, Lâm Ấp vào mùa phá ranh.
Bên Tàu, lưỡng thổ phân tranh
Tề vừa phế Tống, Lương thanh toán Tề.
Tham tàn thái thú, người ghê
Hùng tâm, Lý Bí giương cờ diệt gian.

“Vạn Xuân” thoát cảnh lầm than
"Thái bình thiên đức", xua tan bóng tà.
Bình minh chiếu sáng sơn hà
Thanh bình tự chủ như là đến phiên!

Nghe qua, Lương Đế đảo điên
Xua quân lấn chiếm, Bá Tiên phụng quyền.
Thua đi, thắng lại truân chuyên
Lý Bôn quyết định trao quyền Triệu Vương.

Còn đây là một đoạn khác trong VNSL:

Lịch Triều Lược Kỷ: 1. Nam-triều Bắc triều; 2. Trịnh Nguyễn phân tranh

"Nước Nam ta từ khi Ngô Vương Quyền đánh đuổi được quân Nam-Hán, vua Đinh Tiên-Hoàng dẹp yên được loạn Thập-nhị Sứ-quân lập thành một nước tự-chủ, đời nọ qua đời kia kế truyền được non 600 năm. Đến đầu thập-lục thế-kỷ, bởi vì vua nhà Lê hoang dâm vô độ, bỏ việc chính-trị đổ-nát, cho nên trong nước loạn-lạc, nhà Mạc nhân dịp mà làm sự thoán-đoạt. Nhà Lê tuy đã mất ngôi, nhưng lòng người còn tưởng nhớ đến công-đức của vua Thái-tổ và vua Thánh-tông, cho nên lại theo phò con cháu nhà Lê trung- hưng lên ở phía nam, lập ra một Triều-đình riêng ở vùng Thanh-hóa, nghệ- an để chống nhau với nhà Mạc. Ấy là thành ra Nam-triều và Bắc-triều; hai bên đánh nhau trong năm sáu mươi năm trời. Đến khi nhà Lê nhờ có họ Trịnh giúp rập, dứt được nhà Mạc, tưởng là giang-sơn lại thống-nhất như cũ, ai ngờ họ Trịnh và họ Nguyễn lại sinh ra lòng ghen-ghét, gây nên mối thù-oán, rồi mỗi họ hùng-cứ một phương, chia nước ra làm hai mảnh: họ Nguyễn giữ xứ Nam, họ Trịnh giữ xứ Bắc, mỗi họ chiếm-giữ một Xứ để làm cơ-nghiệp riêng của mình. Từ đó giang-sơn chia rẽ, Nam Bắc phân tranh, ấy là một thời-đại riêng trong lịch-sử nước ta vậy. Nhà Hậu-Lê từ khi trung-hưng lên, con-cháu vẫn giữ ngôi làm vua, nhưng quyền chính-trị ở cả họ Trịnh. Còn ở phía nam thì từ sông Linh-giang trở vào là cơ-nghiệp của họ Nguyễn. Tuy vậy, hai họ chỉ xưng chúa, chứ không xưng vua, và bề ngoài vẫn tôn-phù nhà Lê. Sau này ta hãy chép tóm cả các đời vua và các đời chúa để cho rõ sự kế truyền. Còn những công-việc về thời bấy giờ thì ta sẽ bàn riêng rẽ từng mục cho rõ-ràng" (tusach.vietnhim.com).

Khi chuyển sang Việt Nam Lục Bát sử của Ngọc Thiên Hoa, trở thành:
NHÀ HẬU LÊ 黎 後

Thời phân tranh (1533-1788)

Chương I:

Lịch triều lược kỷ.

Nước Nam một cõi biển Đông
Ngô Vương đuổi Hán uy phong lẫy lừng.
Tiên Hoàng dẹp loạn sứ quân
"Quan quang thượng quốc" vào chừng sáu trăm.

Hậu triều Lê quá hoang dâm
Để cho họ Mạc ngấm ngầm cướp ngôi.
Phục hưng Lê cũ xa rồi
Lê Trung Hưng mới chia đôi nước nhà.

Lẽ dĩ nhiên mỗi loại hình có ưu thế và hạn chế riêng của nó, không thể cái này thay thế cái kia. Nhưng chỉ riêng việc nỗ lực làm cho người đọc hào hứng học lịch sử, khơi gợi ở họ những cảm hứng và nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về quá khứ cũng đủ thấy tấm lòng của tác giả đối với lịch sử nước nhà, với thế hệ trẻ nhất là khi dạy và học lịch sử đang trở thành vấn nạn của hệ thống nhà trường phổ thông hiện nay.

Một điểm đáng nói khác là tác giả cho người đọc hình dung bao quát về một đất nước Việt Nam ở tất cả các yếu tố tạo ra nó, chứ không chỉ ở việc liệt kê các sự kiện lịch sử như trong phần lớn tác phẩm diễn ca khác, kể cả Đại Nam quốc sử diễn ca.

Tuy nhiên, Việt Nam lục bát sử không chỉ có vậy. Chẳng hạn trong suốt gần 5000 câu, ta luôn phải sống với nhiều trạng thái tình cảm: Niềm tự hào, nỗi thán phục, sự phán xét nghiêm khắc, niềm thích thú hoặc buồn đau cũng như những mỉa mai cay đắng...tương ứng với các sự kiện lịch sử hay cuộc đời của những nhân vật. Tức là tác giả đóng luôn cả vai trò “Thái sử công” bằng vị thế của một thi sĩ! Và những lời bình ấy thường lại là những gì khiến độc giả thấy thú vị nhất vì tính sắc sảo và hóm hỉnh. Nó cho thấy tác giả rất giỏi làm “sống lại thời cuộc” cũng như khả năng cao tay khi sử dụng ngôn ngữ đầy biến hoá. Nhưng trong khuôn khổ một bài giới thiệu, chúng tôi không thể lạm dụng làm mất thì giờ quý báu của bạn đọc. Vả lại chính bạn đọc sẽ nhanh chóng kiểm nghiệm điều đó. Xin cảm ơn tác giả và xin vui mừng giới thiệu Việt Nam lục bát sử - mà theo chúng tôi là một cuốn sách quý - với xa gần.
Ban biên tập



VIỆT NAM LỤC BÁT SỬ

LỜI MỞ:
Đây lời sông núi, hồn dân tộc
Bài học muôn đời nhắc cháu con.
Dòng thời gian trôi qua. Bánh xe lịch sử đã, đang và sẽ mãi quay trong đẫm đầy nước mắt lúc chia cắt hay xiết đổi vui mừng khi xum họp. Ai đã từng được sinh ra và lớn lên trên đất nước hình chữ S, dù đi đâu hay ở nơi phương trời xa xôi nào đó thì trong mình vẫn chảy chung dòng máu Lạc Hồng. Lịch sử là nhân chứng. Lịch sử là những dòng ngậm ngùi... Mỗi thời đại đi qua, người ta có cách nhìn, cách đánh giá khác nhau về những giai đoạn lịch sử. Lịch sử Việt Nam thấm đầy xương máu anh em, cho ta xót xa cảnh "nhồi da xáo thịt", "cốt nhục tương tàn". Bên cạnh đó, lịch sử Việt Nam là những trang hào hùng, bất khuất chống ngoại xâm dưới bất cứ hình thức nào, phương diện nào. Lịch sử Việt Nam là bản trường ca bất tận về dân tộc Việt Nam hơn bốn ngàn rưỡi năm. Những gì thuộc về lịch sử sẽ mãi mãi bất tử.

"Việt Nam sử lược" (VNSL) được Trần Trọng Kim (TTK) viết bằng chữ quốc ngữ năm 1919 (Nxb Trung Tâm Học Liệu - 1921, Nxb VHTT - 1999) là một trong hiếm cuốn chính sử đã dày công ghi lại tiến trình lịch sử trong 5 giai đoạn từ sơ khai - thời Hồng Bàng dựng nước 2879 trước Tây lịch đến khi thực dân Pháp toàn quyền bảo hộ Việt Nam năm 1902. Với cuốn sử này, TTK đã tham khảo tới 26 cuốn sử khác bằng chữ Nho, chữ Quốc ngữ và sách tiếng Pháp. Trong các chính sử chữ Hán, có "Đại Nam thực lục tiền biên" và "Đại Nam thục lục chính biên" là hai cuốn chính sử tạm cho là tương đối chân xác nhất về lịch sử Việt Nam. Vì thế, nhận định của nhà xuất bản VHTT về VNSL của ông: “cuốn sách được viết dưới chế độ thực dân phong kiến nửa thuộc địa nên không khỏi có đôi điều hạn chế về cách nhìn nhận cũng như thiếu sót về mặt sử liệu” (tr 5, sđd) là chưa chính xác. TTK đã bày tỏ rõ cách nhìn nhận lịch sử của mình: “Thời đại nào, nhân vật ấy và tư tưởng ấy” (sđd tr 11). Do đó, chúng ta không thể lấy tiêu chuẩn thời đại nay để đánh giá chuẩn mực giá trị của thời đại trước. Mục đích viết VNSL của tác giả TTK cũng khá rõ ràng: "ta hãy làm thế nào cho những thiếu niên nước ta ngày nay ai cũng có thể biết một đôi chút sự tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc hồn. Ấy là mục đích của soạn giả…” (sđd tr 12).

Sau khi tham khảo các cuốn sử khác, chúng ta có thể nhận thấy cách viết sử của TTK tương đối khách quan với nguồn tham thảo sử liệu phong phú được thể hiện qua kiến thức sử học và năng lực ngoại ngữ của tác giả có thừa. Từ lối văn xuôi của TTK, tôi mạn phép chuyển sang "Lục bát" là thể thơ truyền thống của văn học Việt Nam và có ít lời bình khi cần thiết. Quá trình chuyển thể từ sách sử phải bảo đảm theo tình tự, ngày tháng năm, chi tiết và cách hành văn của tác giả nên việc thể hiện văn phong lục bát là một sự mạo hiểm. Chúng ta thừa biết rằng: Thể "Lục bát" không đơn giản. Nó khó gieo vần chính suốt toàn bài. Vì thế, người ta phải vay mượn vần thông hay khi bí từ phải gieo lạc vận. Vay mượn vần thông như thế nào? Lượng tải lạc vận bao nhiêu? Hai ẩn số đó vẫn là bài toán văn học hóc búa cho những người làm lục bát.

Nói về thể "Lục bát", giáo sư Dương Quảng Hàm trong cuốn "Việt Nam văn học sử yếu" (Nxb HNV - 2002) trang 137 - 138 có nhắc tới luật:

bb/tt/bb
bb/tt/bb/tb


lệ (nhất tam ngũ bất luật, nhị tứ lục phân minh):

bb/tt/bb
bb/tt/bb/tb


Chữ in nghiêng (1-3-5) cho phép theo lệ. Như vậy, người làm lục bát đúng luậtthể thì bắt buộc chữ thứ 7 trong câu 8 phải là vần trắc (t) chứ không phải là (b) như chúng ta đã thấy trong lục bát ngày xưa và hiện nay có thể là đã sai luật. Trong quá trình bám nguyên tác cuốn VNSL để chuyển thể, Ngọc Thiên Hoa dù đã gieo toàn bộ bằng vần chính, có khi phải vay mượn một vài Vần thông, cố gắng không phạm vào Lạc vận - Cưỡng vận nhưng không tránh khỏi gieo trật vần ở chữ thứ 7 của câu 8.

Văn học không của riêng ai. Chúng ta thành tâm góp ý để bổ sung kiến thức cho nhau là một hành động chính nhân và một việc làm thiêng liêng. Xin trân trọng cám ơn cố tác giả Trần Trọng Kim và chân thành cám ơn sự khích lệ bằng tấm lòng yêu thương dân tộc của độc giả yêu thích Văn học - Sử Việt Nam dành cho người mạn phép chuyển thể./.

Tháng 9/24/2004
Chỉnh lại lục bát, tháng 1/2007.

Ngọc Thiên Hoa

--------------------------------------
Nguồn: Việt Nam Lục Bát Sử

Xem thêm:
- Phần I
- Phần II
- Phần III
- Phần IV
- Phần V
- Phần VI
- Phần VII

.
◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!