Luật sư Lê Công Định là ai?

Sau đây là tổng hợp một số bài viết có liên quan đến Luật sư Lê Công Định, người vừa bị bắt khẩn cấp trưa 13/6/2009. Nguồn được lấy nguyên văn từ các báo trong và ngoài nước, qua đó, ta có một cái nhìn rõ hơn về chân dung người Luật sư này.

Ra đi và mang về.... (Kỳ 7)
Vào cuộc cạnh tranh toàn cầu...

(Nguyễn Văn Tiến Hùng - Tuổi Trẻ Online ngày 25/2/2006)

TT - Thông tin mới nhất của luật sư (LS) trẻ này là anh đã tách ra khỏi một công ty luật hàng đầu của VN để thành lập một công ty luật mới với kế hoạch “trong sáu tháng nữa sẽ thành công ty luật mạnh và trong tương lai gần sẽ thành một tập đoàn LS mạnh trong khu vực”.

Ý tưởng mới nhất anh gửi cho tôi qua mail: “Sẽ chờ cơ hội lập một trường đại học luật tư nhân”... Lại thêm một câu chuyện khó tin từ LS Lê Công Định.

Từ tầng hầm của phòng chưởng khế Sài Gòn

LS Lê Công Định sinh năm 1968, cử nhân luật ĐH Quốc gia Hà Nội, cử nhân luật ĐH Tổng hợp TP.HCM, cao học luật ĐH Tổng hợp Tulane, Hoa Kỳ. Thành viên Đoàn LS TP.HCM, thành viên Hiệp hội LS Hoa Kỳ; thành viên hội đồng đại diện cho VN, Hiệp hội LS châu Á - Thái Bình Dương. Hiện đang giảng dạy về luật VN cho SV quốc tế trong chương trình trao đổi giữa khoa luật ĐH Cần Thơ và ĐH Tổng hợp Pantheon - Assas (Paris 2), hiện là LS thành viên Công ty DC Lawyers.
Năm 1989, Định mới ra trường, vào làm việc ở Phòng Công chứng số 1. Ngoài công việc phụ tá cho công chứng viên, Định biết tiếng Pháp nên được giao thêm việc thống kê sắp xếp kho tài liệu dưới tầng hầm của tòa nhà 89 Nguyễn Du. Đó vốn là trụ sở của phòng chưởng khế Sài Gòn trước 1975.

Sáng công tác chuyên môn, chiều làm trong kho tư liệu. Vừa làm vừa tò mò đọc xem thời trước người ta hành xử công việc pháp lý như thế nào. Càng đọc, Định càng sửng sốt khi những kiến thức của một cử nhân luật như mình lại không hiểu hết một văn bản pháp lý của nền hành chính cũ. Trong đầu Định một ý nghĩ lớn dần: trước đây VN từng có một nền văn minh pháp lý rất chuẩn mực.

Cũng thời điểm đó, LS Triệu Quốc Mạnh tập hợp những nhân vật rất giỏi luật của Sài Gòn mở lớp luật ở ĐH Tổng hợp TP.HCM với tiêu chí dạy “theo tinh thần pháp lý thế giới”. “Tôi nghĩ mãi rồi quyết định bỏ việc để đi học tiếp”. Lúc qua trường luật xin xác nhận điểm để miễn một số môn, một thầy giáo cũ biết chuyện tròn mắt hỏi: “Mày có khùng không mà đi học cái lớp vớ vẩn?”.

Nhưng trong cái lớp học ấy, LS Triệu Quốc Mạnh có những bài giảng nổi tiếng về tinh thần pháp lý thế giới; thầy Võ Phúc Tùng (tiến sĩ luật bảo vệ luận án cuối tháng 4-1975) làm Định say mê với “khế ước và nghĩa vụ” theo chuẩn mực của Pháp. Thầy Lương Văn Lý dạy rất hay về công pháp quốc tế... Đó là những giáo sư giỏi nhất chuyện “hạ đo ván” sinh viên trong các kỳ thi.

Càng học, Định thấy hiểu rõ hơn những gì anh đọc trong căn hầm của phòng chưởng khế hồi xưa. Thầy Tùng tạo một ấn tượng lớn từ kiến thức uyên bác cho tới tư cách trong cuộc đời. Có thời điểm khó khăn, phải đi sửa đồng hồ kiếm sống nhưng ông vẫn vô tư: “Học tiến sĩ khó cỡ nào còn học được thì nhằm nhò gì những cái đơn giản này!”. Ông nhận Định làm học trò dạy tiếng Pháp.

Suốt tám năm trời, hai thầy trò cặm cụi ba buổi tối mỗi tuần. Mỗi buổi học xong hai giờ ngôn ngữ, thầy trò lại xoay qua bàn chuyện văn chương Pháp với Victor Hugo, Alexandre Dumas... Có bữa cúp điện, hai thầy trò đốt đèn dầu, mồ hôi nhễ nhại. Chính cái vốn tiếng Pháp dưới ánh đèn dầu này đã tạo điều kiện cho Định vào làm ở văn phòng luật Coudert Brothers. Vị LS đại diện văn phòng này ở Sài Gòn vì mê tiếng Pháp của anh mà nhận vào. Năm đó Định 26 tuổi. Rồi một bước ngoặt mới: suất học bổng đi Pháp...

Đến Paris và Columbia…

“Trước những năm 1997, tôi nghiên cứu luật trong nước, thấy luật mình còn thiếu nhiều quá, muốn làm một điều gì đó nhưng kiến thức không có. Tôi thèm một chuyến đi du học Pháp. Nhưng hồi đó, những suất học bổng chỉ có cán bộ ngành tòa án hoặc người ngoài bộ mới được. Rồi năm 1997, lần đầu tiên người ta cho các đoàn LS dự tuyển các suất học bổng. Tôi bước chân ra khỏi đại sứ quán mà như bay trên mây với suất học bổng ngành luật của Trường đại học Tổng hợp Pantheon - Assas (Paris 2).

Vài tháng sau, một ngày đang lang thang ngao du ở châu Âu, có một tin vui không kém: tôi giành được học bổng Fulbright đi Mỹ. Thông tin này thay đổi nhiều thứ với tôi.

Sau vài tháng học ở Paris, tôi nhận ra đại học Pháp thời điểm đó vẫn là sự kéo dài của hệ thống thực dân cũ: trì trệ, bảo thủ. Năm 1998-1999 mà cả trường chỉ có hai máy photo, mượn một đống sách từ thư viện phải mất 3-4 giờ đồng hồ chờ đợi để photo. Giáo sư thì như một vị thánh trên giảng đường, bắt học thuộc lòng y như ở VN chứ không dạy về tư duy pháp lý.

Tôi tranh thủ học thêm một khóa triết của Trường đại học Sorbonre theo lời khuyên của thầy Tùng (“Phải biết căn bản triết học để hiểu nền luật pháp”), đến tháng 5-1999 tôi rời Paris, bỏ luôn những môn thi cuối cùng của bậc thạc sĩ (vào cuối tháng 6-1999) để sang Mỹ học cao học luật ở ĐH Tulane - Columbia”.

“Tôi ủng hộ án lệ!”

Đó là câu đầu tiên và là sợi chỉ xuyên suốt câu chuyện của LS Định. Anh mang ra hai quyển Quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao năm 2003 -2004 (đó là những bản án ở cấp giám đốc thẩm sửa sai các vụ án khó ở tòa cấp dưới và được xem như một ví dụ về việc áp dụng các điều luật khi xét xử những vụ án tương tự như vậy) rồi nói một cách tự hào: “Đây là một bước rất nhỏ của án lệ tại VN!”.

Do những đặc thù của VN, án lệ là một quãng đường đầy khó khăn và nhiều tranh cãi. Trong một bài viết trên bản tin đoàn LS tháng 7-2003, LS Định thẳng thừng: “Phán quyết của tòa án hiện nay thường thiếu chiều sâu và sự uyên bác trong nhận định và phân tích các vấn đề pháp lý cụ thể. Một số thẩm phán đôi khi phải đưa ra những lời giáo huấn đạo đức không cần thiết cho các bị cáo hoặc các bên tranh chấp nhằm khỏa lấp những khuyết điểm đó”. Cứ thế, cái cách nói đôi khi gay gắt của chàng LS trẻ này khiến không ít người khó chịu.

Và sự “nổi tiếng” của LS Định lại là sự “khùng”. Không ít lần anh từng bị các quan chức một bộ nhắn gửi: “Thằng đó khùng hay sao mà tuyên bố này nọ hoài”. Đó là khi anh truy đến cùng các nguyên nhân khiến luật chưa ra đời đã trở nên lạc hậu: “Bộ luật dân sự của Napoléon xây dựng cách đây 200 năm; Bộ luật dân sự Đức xây dựng cách đây 100 năm - không hề được sửa bởi trước đó những bộ luật này đã kế thừa được hệ thống luật bất thành văn của hàng ngàn năm trước và quan tòa, khi xét xử, nếu thấy không phù hợp thực tế bèn giải thích theo thực tiễn để thay đổi tinh thần của nó.

Đó là sửa luật theo án lệ. Tức nền tảng luật phải bắt nguồn từ cuộc sống và ở các nước, chỉ có quan tòa là người duy nhất giải thích luật, còn ở ta ai muốn giải thích cũng được cả. Nó làm cho luật pháp mất tính thống nhất và vị trí độc lập của quan tòa không cao. Chúng ta có quá nhiều luật nhưng nhiều khi “không xài được” hoặc vừa thông qua đã “chết” rồi vì thiếu tính thực tiễn. Tôi ủng hộ án lệ và chắc chắn luật về án lệ sẽ giải quyết được những điều mà trong thực tiễn chưa có.

Ở VN, người ta có thể trả lại đơn kiện và nói: luật chưa có, Quốc hội chưa ban hành, tôi không xử được. Nhưng ở nước ngoài, người ta sẽ kiện ngay quan tòa vì tội không ban phát công lý”.

Tạm gác giấc mơ tiến sĩ

“Hồi xưa tôi mê luận án tiến sĩ và từng sưu tầm hàng trăm cái ở Paris, từng được chọn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tulane nhưng rồi về nước, một đam mê khác lấn dần vào công việc hằng ngày của tôi: gầy dựng một công ty luật mình thích, góp phần gầy dựng tinh thần thượng tôn pháp luật từ cộng đồng tới doanh nghiệp và cả chính quyền. Tham gia các vụ việc với chính quyền thành phố hoặc các công ty lớn của Nhà nước... tôi thấy vui nhất là ý thức các vị đã có những thay đổi rất rõ. Vụ VN Airlines, vụ Liên đoàn Bóng đá bị thua kiện và mất tiền ở nước ngoài… đã làm người ta giật mình.

Mới đây, trong một cuộc họp của UBND TP.HCM, tôi ngồi nghe ông Nguyễn Văn Đua chỉ đạo: “Làm gì thì làm, phải tuân thủ những qui định pháp lý, tránh để bị kiện” mà thấy mừng. Đã có những vụ mà chính quyền không thể đơn thuần ra quyết định hành chính, ví dụ thành phố “thuê lại quyền sử dụng” công viên 23-9 từ nhà đầu tư nước ngoài. Mà chuyện đó đâu đơn giản: họ cử LS, quăng sách luật ra bàn, cãi nhau tóe lửa...

Tôi nhớ lại LS Đặng Khải Minh, một Việt kiều nhưng tinh thần của ông thì hết sức VN, tìm mọi cách nâng đỡ và vun vén cho LS Việt, ông khuyên chúng tôi phải chuẩn bị hết mọi điều kiện để LS VN mình có thể sánh ngang với khu vực và thế giới khi tham gia cạnh tranh toàn cầu. Chúng tôi vừa làm vừa học, vừa đào tạo những LS trẻ để họ nâng tầm. Giờ đây chúng tôi có thể sang Singapore hay bất cứ quốc gia nào tham gia các vụ kiện, có thể tranh cãi từng từ ngữ với các LS, buộc họ sửa cả văn bản tiếng Anh hay đưa ra các ý kiến pháp lý trong các hợp đồng mua bán, tài trợ... tầm quốc tế cho khách hàng VN.

VN hiện tại chỉ có khoảng hai văn phòng luật đủ mạnh để làm chuyện đó. Tình trạng cạnh tranh cũng đang làm cho LS VN yếu thế thay vì phối hợp để nâng tầm trên trường quốc tế. Ước mơ lớn nhất của tôi là mở một trường đại học luật tư thục đào tạo kiến thức hiện đại và thực tế phục vụ cho phát triển. Nó sẽ hoạt động theo xu hướng như một trung tâm nghiên cứu sản sinh ra các học thuyết pháp lý - chuyện rất quen thuộc ở nước ngoài. Ta không làm mà khoanh tay nhìn là muộn lắm đó!...”.

Nhiều người đã ra đi và nhiều người đã trở về, với một hành trang đầy đặn và một khát vọng về các cuộc chơi lớn cùng bạn bè quốc tế. Mỗi người trong họ đi trên những con đường khác nhau để cùng gặp nhau trong một nỗ lực.

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

(Kỳ cuối: Rạng danh đất Việt)

-------------------------------

Trả lại hào khí Diên Hồng
(Lê Công Định - Pháp Luật TPHCM ngày 5/3/2006)

Lịch sử Việt Nam là lịch sử thăng trầm của một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây.

Những khoảng khắc hòa bình hầu như ngắn ngủi. Sau 1975 niềm vui độc lập và thống nhất, với biết bao máu và nước mắt vô tội đổ xuống, đã không kéo dài bao lâu. Đất nước triền miên rơi vào khủng hoảng, hết khủng hoảng kinh tế, đến khủng hoảng đạo lý và bây giờ khủng hoảng niềm tin. Điều đó suy cho cùng có nguyên nhân nội tại từ chính sự nhu nhược của mỗi con người chúng ta.

Bốn ngàn năm lịch sử đã kết nối từng cá nhân thành một dân tộc, hun đúc nên khát vọng Đại Việt, đưa chúng ta đi hết chiến thắng này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập tự chủ và thống nhất giang sơn về một mối. Thành tựu ấy có được là do sự quật khởi của hào khí Diên Hồng qua các thời đại.

Tiếc thay khi chuẩn bị bước vào nền thái bình thịnh trị, sự nhu nhược đã thế chỗ cho tinh thần quật khởi! Kẻ thì bỏ nước ra đi, trốn tránh. Người thì ở lại nhẫn nhục, muộn phiền. Bọn cơ hội thừa dịp thi thố sự đồi bại, biến giang sơn chung thành món mồi riêng tư béo bở.


Vì nhu nhược, chúng ta không dám phản kháng thói hạch sách, nhũng nhiễu của lớp quan lại mới, chấp nhận dùng tiền vượt qua trở ngại. Đến khi nhìn lại, quốc nạn tham nhũng và quan liêu đã lan tràn, bất trị.

Vì nhu nhược, chúng ta che tai không dám nghe lời nói ngay thẳng, mặc nhiên dung túng sự dối trá và xu nịnh. Đến khi bừng dậy, đạo đức đã suy đồi, khó sửa.

Vì nhu nhược, chúng ta hài lòng với những gì đang có, cố tin vào sự ổn định giả tạo, đắm mình vào những lễ hội vô nghĩa liên miên. Đến khi nghĩ lại, xung quanh đã đầy dẫy ung nhọt, không còn thuốc chữa.

Vì nhu nhược, chúng ta bịt mắt trước những bước đi vũ bão của các dân tộc láng giềng. Đến khi tỉnh ngộ, sự tụt hậu quá rõ ràng, không còn cơ may rút ngắn khoảng cách.

Để che giấu mặc cảm do nhu nhược, khắp nơi người ta kể nhau nghe những bài vè châm biếm hoặc lớn tiếng dè bỉu chuyện cung đình tồi tệ, nhưng lại trong … quán nhậu! Chí khí kiểu “sĩ phu Bắc Hà” ấy liệu sẽ giúp ích được gì cho công cuộc chấn hưng đất nước đang lúc cần hào khí Diên Hồng năm xưa?

Muốn chấn hưng đất nước trong vận hội ngàn năm có một này cần phải rũ bỏ sự nhu nhược đó. Muôn người xin hãy nắm tay lại, chế ngự sự sợ hãi, cùng tiến về phía trước, may ra khát vọng Đại Việt mới có cơ may biến thành hiện thực. Xin đừng để sự nhu nhược của những cá nhân trở thành sự bạc nhược của cả một dân tộc.

-------------------------------

Diễn đàn "Vươn ra biển lớn": Tầm vóc thuyền trưởng, tầm vóc dân tộc
(Lê Công Định - Tuổi Trẻ Online ngày 15/12/2006)

TT - Nước Việt có một bờ biển dài nhìn ra Thái Bình Dương trải từ Bắc chí Nam. Trong lịch sử đầy sóng gió của mình, người dân Việt hẳn nhiên nhiều lần vượt đại dương. Nhiều người thành đạt nơi xứ người, trong số đó có thể kể đến dòng họ Lý ở Hàn Quốc và cộng đồng người Việt tại Âu - Mỹ hiện nay.

Họ ra đi trong bối cảnh lịch sử có nhiều biến động khác nhau. Hiện tất cả đang trở về để cùng cả dân tộc vươn mình ra một đại dương khác rộng lớn hơn, đó là thị trường thương mại-tài chính-chính trị toàn cầu trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với những nền văn hóa và tập quán khác biệt song được vận hành bởi một hệ thống qui tắc ứng xử thuần nhất.

Chúng ta chưa bao giờ có những đội thương thuyền hoặc lực lượng hải quân hùng mạnh đủ khả năng tiến xa hơn ra biển Đông. Thêm vào đó, do chính sách “bế quan tỏa cảng” của một số triều đại trong quá khứ, người dân Việt vẫn chưa có nhiều dịp sống trong sự giao thoa giữa những nền văn hóa và suy nghĩ dị biệt mặc dù khả năng thích ứng với môi trường mới của họ rất cao. Thời-đại-WTO sẽ là một cơ hội lớn để biến những tiềm năng đó thành hiện thực.

Tâm trạng hiện thời của hầu hết mọi người là háo hức, muốn hành động ngay để tranh thủ cơ hội ngàn năm có một này hầu phát triển đất nước và tạo dựng đời sống tốt đẹp hơn cho cá nhân và cộng đồng. Quả thật, kể từ năm 1945, thời điểm VN chính thức ghi tên trên bản đồ địa - chính trị thế giới hiện đại, chưa bao giờ chúng ta đứng trước một vận hội lớn lao như vậy. Nếu lớp trẻ ngày nay không có dịp chứng kiến ngày độc lập của đất nước hơn 60 năm về trước, thì giây phút VN trở thành thành viên toàn diện của cộng đồng thế giới rõ ràng là thời khắc lịch sử mà họ có quyền tự hào đã trải qua.

Trong chờ đợi và hi vọng, tôi bỗng nghĩ đến hình ảnh WTO như một anh chàng khổng lồ hùng dũng và nhanh nhẹn bước vào ngôi nhà nhỏ bé của chúng ta, vươn hai cánh tay to lớn chộp lấy rồi lôi xệch mọi người theo. Va vấp và bị kéo tuột đi là điều không tránh khỏi. Chắc chắn nhiều người sẽ bị rơi lại và buộc phải rời khỏi cuộc đua tốc độ này. Song nếu được chuẩn bị tốt và thích ứng nhanh chóng trong môi trường cạnh tranh mới mẻ, chúng ta có thể bớt va vấp, thậm chí hòa nhập dễ dàng vào cuộc tranh đua, từ đó vững vàng lao tới phía trước.

Người ta nói nhiều đến những giải pháp đối phó và kịch bản có thể xảy ra trong tương lai. Song dường như chỉ tập trung vào phía người dân hoặc doanh nghiệp, tức khu vực tư của nền kinh tế mà thôi. Khu vực công, tức nhà nước, ít được quan tâm đúng mức. Thật ra, vấn đề quan trọng nhất suy cho cùng là làm sao có được vị thuyền trưởng và đội ngũ chuyên viên đủ đẳng cấp để lèo lái con tàu trong chuyến hải hành xuyên đại dương này. Nói cách khác, cần phải có một thuyền trưởng, tức Chính phủ, đủ tầm vóc để lãnh đạo con tàu đất nước. Cách thức điều hành của không ít quan chức hiện nay, từ trung ương đến địa phương, chưa đủ để làm người dân yên tâm.

Thách thức lớn nhất của thời-đại-WTO là Chính phủ có đủ dũng khí thực hiện những thay đổi cần thiết nhằm tự nâng mình và nâng cả dân tộc lên một tầm cao mới hay không. Hơn bao giờ hết, chúng ta thật sự cần những nhà kỹ trị trong bộ máy lãnh đạo quốc gia. Không có họ, khó có thể có được một chính quyền chuyên nghiệp, quản trị quốc gia một cách khoa học. Trở ngại ở đây là lề lối lựa chọn nhân sự cho vị trí lãnh đạo các cơ quan công quyền.

Nếu hiền tài được lựa chọn trên cơ sở cạnh tranh công bằng và dân chủ trong phạm vi cộng đồng dân tộc, thì khi ấy chúng ta không sợ rằng Chính phủ không đủ bản lĩnh để lèo lái con tàu quốc gia vì hiền tài chắc chắn sẽ được đề bạt vào những vị trí then chốt có thể giúp đất nước đương đầu mọi thử thách, ít va vấp. Tuy nhiên, có được bản lĩnh như vậy thật sự không dễ dàng vì điều này đòi hỏi tầm vóc của thuyền trưởng.

Các thuyền trưởng lưu danh trong lịch sử hàng hải luôn là những người, ngoài trí tuệ vượt trội của mình, biết đặt sinh mạng của cả con tàu lên trên quyền lợi cá nhân của họ và của những người thân cận. Chỉ khi ấy tiếng nói của vị thuyền trưởng mới đủ trọng lượng điều hành từng người trên tàu làm việc một cách tự nguyện, bất vụ lợi.

Dù vậy, thiếu những nhà lãnh đạo lớn cũng không phải là điều đáng lo ngại. Bởi lẽ trong mọi trường hợp, tầm vóc của nhà lãnh đạo cũng không thể thay thế được tầm vóc của một dân tộc. VN là dân tộc có tầm vóc, điều này hiển nhiên đã được minh chứng bởi lịch sử. Đối với vận hội lớn lao như thế của đất nước, cần lắng nghe tiếng nói của cộng đồng dân tộc.

Vì vậy, nên chăng tổ chức một hội nghị Diên Hồng hiện đại để bàn về những vấn đề có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến vận mệnh đất nước trong thế kỷ này? Năm 2007 sẽ là thời điểm thích hợp để triệu tập một hội nghị Diên Hồng với ý nghĩa đó. Trở thành thành viên chính thức của WTO thật ra chỉ mới mở được cánh cửa cơ hội, mọi việc tốt hoặc xấu hãy còn ở phía trước. Đừng để đất nước trễ thêm bất kỳ chuyến tàu lịch sử nào nữa!

-------------------------------

Tại sao không nên sợ 'đa nguyên'
(Lê Công Định - BBC ngày 13/4/2006)

Hai chữ “đa nguyên” từ lâu là điều húy kỵ đối với xã hội và hệ thống chính trị ở Việt Nam. Liệu đa nguyên thực sự ghê gớm đến nỗi mỗi khi nói đến ai cũng phải e dè?

Đã khi nào chúng ta nghiêm túc phân tích thế nào là đa nguyên và ảnh hưởng của một hệ thống đa nguyên chưa?

Hãy bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế

Trước thời kỳ đổi mới và mở cửa năm 1986, xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã là hai chủ thể duy nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Nay chúng ta, hơn 80 triệu đồng bào trong và ngoài nước, đang đứng trước một vận hội mới - một thời cơ vàng - ngàn năm có một để chấn hưng đất nước.
Thời ấy, hai chữ “tư doanh” được đồng nghĩa với điều xấu xa tồi tệ, bởi lẽ người ta luôn tin tưởng, một cách thiếu cơ sở, rằng khu vực tư doanh chỉ toàn bọn gian thương, bóc lột, và nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ bị “lật đổ” nếu tư nhân được phép sở hữu tư liệu sản xuất và hưởng giá trị thặng dư.

Nhắc đến kinh tế tư nhân chẳng khác gì âm mưu “đảo chính” và “lật đổ” nền kinh tế quốc dân!

Sau Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua cái bóng của chính mình khi chấp nhận cho tư nhân tham gia vào hoạt động kinh tế. Công nhận nền kinh tế nhiều thành phần thực chất là thừa nhận đa nguyên kinh tế.

Sự đa nguyên này không những không làm mất đi “độc lập chủ quyền” về kinh tế của đất nước, mà còn làm Việt Nam ngày càng ít lệ thuộc hơn vào viện trợ từ khối xã hội chủ nghĩa.

Kết quả hẳn nhiên ai cũng thấy: chế độ chính trị của Việt Nam vẫn đứng vững trong khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã.

Trong khuôn khổ luật pháp, các công ty nhà nước cạnh tranh lành mạnh và luôn ở thế thượng phong so với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư trong nước.

Sự đa nguyên kinh tế tiến thêm một bước khi các công ty nước ngoài “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh mới này, thế chủ động ở những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia vẫn do chính các công ty nhà nước nắm giữ, tất nhiên cũng trong khuôn khổ do luật pháp ấn định.

Kết quả sau hai mươi năm Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách cải tổ nền kinh tế, mà thực chất là đa nguyên kinh tế, là chúng ta có được một nền kinh tế đang chuyển mình vươn ra thị trường quốc tế với những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu mà sản phẩm chất lượng cao “made in Vietnam” đã làm không ít đối thủ nước ngoài phải e ngại ngay chính sân nhà của họ.

Gạo, cà phê, cá basa, tôm, giày da … là những minh chứng hùng hồn. Như vậy, đa nguyên không đáng ngại, mà trái lại rất cần thiết nếu biết điều tiết thích hợp.

Đa nguyên chính trị đã và đang hiện hữu

Nói đến đa nguyên trong lĩnh vực chính trị ai cũng giật mình lo ngại, bởi lẽ từ lâu người ta vẫn luôn tin tưởng, một cách thiếu cơ sở, rằng nền chính trị nhiều đảng phái tất yếu dẫn đến sự tranh giành quyền lực và làm suy yếu chủ quyền của đất nước.

Đa nguyên, một lần nữa, là điều húy kỵ, là “diễn biến hòa bình” đe dọa độc lập chủ quyền dân tộc. Vậy phải chăng ở Việt Nam chưa từng có đa nguyên chính trị?

Hãy bình tâm nhìn lại lịch sử. Mặt trận Việt Minh là một tập hợp thành công các đảng phái chính trị cho mục tiêu giành độc lập dân tộc từ 1941 đến 1945.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng là một tập hợp thống nhất các chính khách và trí thức yêu nước ngoài Đảng Cộng sản ở miền Nam trong cuộc chiến chống lại chính quyền Sài Gòn từ 1960 đến 1975.

Cho đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, hai đảng Dân chủ và Xã hội vẫn sát cánh cùng Đảng Cộng sản trong suốt quá trình tranh đấu giành độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Hai đảng này chỉ chấm dứt hoạt động vào năm 1987.

Hiện nay Mặt trận tổ quốc vẫn là diễn đàn hiến định dành cho người ngoài Đảng Cộng sản phát biểu chính kiến của mình trong việc xây dựng đất nước. Như vậy, đa nguyên chính trị đã và đang vẫn hiện hữu ở đất nước chúng ta và Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập và điều tiết thành công nền chính trị đa nguyên đó.

Nay chúng ta, hơn 80 triệu đồng bào trong và ngoài nước, đang đứng trước một vận hội mới - một thời cơ vàng - ngàn năm có một để chấn hưng đất nước.

Sự thành công của đa nguyên kinh tế đang đòi hỏi một mô hình khác của đa nguyên chính trị. Liệu Đảng Cộng sản dám chấp nhận thách thức của thời đại, vì quyền lợi chung của dân tộc, đưa nền chính trị đa nguyên hiện tại dấn thêm một bước?

Làm được điều đó là vượt qua cái bóng của chính mình và sẽ để lại tiếng thơm muôn đời. Bản lĩnh và trí tuệ của một đảng cầm quyền là nhận thức được bước ngoặc lịch sử này để quyết đoán đề ra và thực thi một sách lược thích hợp.

Ngược lại, nếu cứ cố thủ trong những thành trì lý luận lung lay sẽ càng chuốc thêm thất bại tất yếu của lịch sử, mà có khi phải trả giá bằng máu của biết bao nhiêu người.

Mô hình nào cho đa nguyên chính trị?

Đa nguyên là động lực của sự phát triển, điều đó miễn bàn cãi. Vậy mô hình nào sẽ phù hợp? Nên nhớ rằng khi tiến hành đa nguyên về kinh tế, một bài toán hóc búa đã được đặt ra là liệu các thành phần kinh tế tư nhân, nhất là giới đầu tư nước ngoài, có thể câu kết nhau lũng đoạn nền kinh tế quốc gia hay không?

Bài toán này sau đó đã có lời giải đáp hữu hiệu: dù thuộc thành phần kinh tế nào các doanh nghiệp cũng đều mang tư cách pháp nhân Việt Nam, và được thành lập và hoạt động trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam.

Các điều kiện để được cấp phép và nghĩa vụ nộp thuế là hai trụ cột điều tiết sự tham gia của giới đầu tư tư nhân vào những thành phần khác nhau của nền kinh tế. Điều này hoàn toàn có thể ứng dụng vào lĩnh vực chính trị.

Có thể nói mẫu số chung của hơn 80 triệu đồng bào trong và ngoài Đảng Cộng sản là: thứ nhất, mọi người Việt Nam đều có cùng nguyện vọng chấn hưng Tổ quốc chung của tất cả, không phân biệt đảng phái, tín ngưỡng, thành phần và giới tính; thứ hai, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là mục tiêu tối hậu của mọi chính sách kinh tế, chính trị và xã hội trong tương lai.

Từ mẫu số chung đó, vấn đề còn lại sẽ là đảng nào có thể giới thiệu được người tài để lèo lái con thuyền đất nước. Sự cạnh tranh giữa các đảng phái đương nhiên phải công bằng và trong khuôn khổ luật pháp.

Tất nhiên, lịch sử sẽ sòng phẳng với công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Mô hình chính trị đa nguyên tương lai nên bảo đảm rằng người do Đảng Cộng sản giới thiệu sẽ chiếm một tỷ lệ chi phối nhất định tại quốc hội và các cơ quan công quyền.

Điều này cũng giống như khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ cổ phần chi phối dành cho cổ đông là nhà nước luôn được duy trì. Ngoài ra, việc điều tiết nền chính trị đa nguyên phải bảo đảm rằng các “bộ sức mạnh” như bộ quốc phòng, bộ công an, bộ tư pháp, các lực lượng vũ trang … vẫn thuộc quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản do công lao bất hủ của Đảng này trong công cuộc tranh đấu cho nền độc lập của dân tộc và do sứ mệnh của Đảng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Những bộ ngành liên quan đến kinh tế, thương mại, tài chính, giao thông … nên mở rộng cửa để các nhà kỹ trị có tài kinh bang tế thế giúp dân giúp nước.

Mô hình mới của nền chính trị đa nguyên như vậy chắc chắn sẽ tạo sức bật mạnh mẽ đưa đất nước vào cuộc tranh đua thành cường quốc kinh tế trong khu vực, chữa được quốc nạn tham nhũng và rửa được quốc nhục nghèo hèn.

Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục vai trò lịch sử của mình một cách tâm phục khẩu phục từ phía nhân dân và bạn bè quốc tế. Kẻ đối nghịch sẽ mất đi lý do để chỉ trích.

Kết luận: chuyện xứ Campuchia

Thay cho lời kết luận, tôi xin kể một mẩu đối thoại giữa tôi và anh bạn đồng nghiệp người Campuchia khi tôi có dịp sang Phnom Penh làm việc năm ngoái.

Trong lúc chuyện trò, được biết anh bạn này và một người bạn của anh ta đều là thành viên Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia của Thủ tướng Hun Sen - cả hai là luật sư gốc Campuchia, cùng tốt nghiệp luật khoa tại Mỹ và đang giữ những chức vụ quan trọng trong Chính phủ Hoàng gia Cambodge, một người hiện là Thứ trưởng Bộ thương mại - tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì hai người “Campuchia kiều” tại Mỹ này lẽ ra phải là đảng viên Funcipech của Hoàng thái tử Ranaridth.

Người đồng nghiệp của tôi giải thích rằng Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia là một đảng được tổ chức tốt và tập hợp nhiều nhân tài nên phần lớn trí thức Campuchia đều lựa chọn đảng này để tham gia xây dựng đất nước. Lời giải thích này khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về một lẽ đời đơn giản như vậy …

-------------------------------

Trách nhiệm đối với Quốc gia
(Lê Công Định - BBC ngày 30/5/2006)

Loạt bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ những ngày gần kỳ nghỉ lễ cuối tháng Tư năm nay về câu chuyện xung quanh 16 tấn vàng của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trước ngày Sài Gòn thất thủ đã giải đáp nhiều nghi vấn về vấn đề này suốt 31 năm qua.

(Ảnh minh họa)
16 tấn vàng của Việt Nam Cộng hòa nay được kết luận vẫn còn ở trong nước
Sự thật câu chuyện đã đặt dấu chấm hết cho những tranh luận về số phận khối tài sản khổng lồ vẫn còn nguyên vẹn sau cuộc chiến tranh, nhưng đồng thời cũng đặt ra những vấn đề cần được làm sáng tỏ khác.

1. Công lao to lớn trong việc bảo toàn nguyên vẹn 16 tấn vàng có thể nói thuộc về Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo (cựu Phó Thủ tướng VNCH).

Nếu không có lòng yêu nước thương nòi và tinh thần trách nhiệm cao đối với quốc gia, ông đã không hành động như vậy. Trong khi sự lựa chọn đương nhiên và hợp lý của nhiều người vào thời điểm ngặt nghèo đó là rời bỏ đất nước để lánh nạn, ông đã ở lại tìm cách đóng góp cho quốc gia một cách có ý nghĩa nhất.

Trong tầm nhìn của ông, khác với những quân nhân ôm súng lao mình vào cổng Dinh Độc Lập lúc đó, nhu cầu khôi phục nền kinh tế quốc gia thời hậu chiến là điều cần phải thực hiện ngay và 16 tấn vàng rõ ràng là khối tài sản đắc dụng cho mục đích này.

2. Câu chuyện thêu dệt, bất kể vì dụng ý gì, về việc cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu “đánh cắp” 16 tấn vàng đã kết thúc. Người trong cuộc đã được giải oan, ít nhất ở khía cạnh tham nhũng và ăn cắp của công.

Nếu biết được từ sau 1975 đến nay rất nhiều ấn phẩm trong nước đã thay nhau đổ tội và kết án ông Thiệu trong “vụ án” bịa đặt này với những “bằng chứng” chắc chắn như thể chính các tác giả đều tận mắt trông thấy, thì mới hiểu báo Tuổi Trẻ đã làm được một việc thiện như thế nào, xét từ góc độ lương tri.

Người ta cũng dễ dàng tự hỏi rằng: Sau 1975 toàn bộ 16 tấn vàng đó đã được sử dụng như thế nào?
Tôi đã từng đặt nhiều nghi vấn mà không biết làm sao giải đáp cho chính mình về câu chuyện 16 tấn vàng này, chẳng hạn làm sao người ta có thể mang 16 tấn kim loại ra khỏi Việt Nam một cách dễ dàng vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến như thể chỉ mang trong vali cầm tay 16 gram … giấy (?). Hoặc chẳng lẽ cả bộ máy chính quyền Sài Gòn, vẫn còn đó nhiều trí thức một lòng một dạ với non sông này, không còn một ai đủ lương tri đến nỗi sẵn sàng thỏa hiệp hoặc làm ngơ cho một ông tổng thống không còn quyền chức tha hồ vơ vét tiền quốc gia một cách công khai hơn cả các quan chức đương quyền trong vụ PMU 18 hay sao (?). Những câu hỏi đó giờ đây đã được báo Tuổi Trẻ giải đáp thỏa đáng.

3. Đương nhiên sau khi biết rằng khối tài sản quốc gia khổng lồ ấy đã được bảo toàn và chuyển giao nguyên vẹn từ chính quyền cũ sang chính quyền mới, người ta cũng dễ dàng tự hỏi rằng: Sau 1975 toàn bộ 16 tấn vàng đó đã được sử dụng như thế nào?

Lẽ nào số trữ kim to lớn ấy không giúp ích gì cho quốc gia để đến nỗi 10 năm sau 1975 nền kinh tế đất nước phải rơi vào khủng hoảng liên tục và đồng tiền mất giá không kìm hãm được? Liệu có vụ tham nhũng kinh khủng nào theo kiểu PMU 18 đối với 16 tấn vàng hay không?

Rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp. Kẻ tham nhũng tất nhiên có thể đã xa chạy cao bay để tránh né sự trừng phạt của luật pháp, song như một định mệnh ở khắp nơi, nhân dân và lịch sử rồi cũng sẽ lôi tuột họ trở lại để đòi hỏi công lý dù sau 10, 20 hay 30 năm chăng nữa! Đời cha không trả thì đời con phải trả. Lưới trời lồng lộng.

-------------------------------

Bài học Miến Điện
(Lê Công Định - BBC ngày 1/10/2007)

Sự kiện quân đội Miến Điện sử dụng vũ lực đàn áp những cuộc tuần hành hòa bình dẫn đầu bởi các vị sư dũng cảm một lần nữa minh chứng hùng hồn tính xác thực của lý thuyết bạo lực cách mạng của Lenin, người thầy vĩ đại của Cách mạng Nga 1917.

Lenin nhận định rằng giai cấp thống trị ở mọi thời đại không dễ dàng chấp nhận từ bỏ quyền lực, dù họ đang ở thế yếu chăng nữa, trừ phi quần chúng dùng bạo lực cách mạng thách thức và lật đổ địa vị thống trị ấy.

Lenin cũng xác định rằng chính quyền là mục tiêu của mọi cuộc cách mạng và chỉ bằng cách giành chính quyền, thành quả cách mạng mới được bảo đảm. Gần 100 năm trôi qua, lý thuyết đó vẫn là bài học lớn về cách mạng và vận động quần chúng làm cách mạng.

Quyền lực chính trị thường gắn liền với lợi ích kinh tế. Chỉ nhờ vào quyền lực, giai cấp thống trị mới có thể khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia theo ý riêng của mình. Dù đóng vai trò chính trong quy trình tạo lập của cải xã hội, đại đa số quần chúng bị trị vẫn không thể can dự vào công việc hoạch định chuyện quốc kế dân sinh và phân chia lợi tức thu được từ hoạt động sản xuất chung của toàn bộ nền kinh tế.

Số đông người làm công nghèo khổ vẫn vật vã với đời sống khó khăn chồng chất trong khi giới cầm quyền và đám con ông cháu cha thì sống xa hoa và hưởng thụ. Từ phân tích thực trạng xã hội như vậy của nước Nga và tranh thủ sự bất mãn tột cùng của người dân Nga nghèo khổ, Lenin đã nhanh chóng tập hợp được lực lượng cách mạng và tiến hành thành công cuộc Cách mạng 1917 lừng danh.

Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ ở Bắc Âu vào thời ấy. Giới vua chúa của những nước này đã chấp nhận chia sẻ quyền lực và tạo điều kiện cho các tầng lớp xã hội khác nhau cùng tham chính thông qua hiến pháp dân chủ và quốc hội đa thành phần. Mọi giới, không phân biệt quý tộc, địa chủ, tư sản hay thợ thuyền, thông qua các đảng phái khác nhau, đều có cơ hội đóng góp ngang bằng cho quốc gia, mà không cần dùng đến bạo lực cách mạng, vì chính quyền là của chung.

Dẫu người dân Miến Điện vừa vuột mất thêm một cơ hội lịch sử để tạo lập nền dân chủ vĩnh cửu cho mình, song ngày chiến thắng cuối cùng của họ tất phải đến.
Tất nhiên, chia sẻ quyền lực luôn là quyết định đau đớn của giai cấp thống trị, vì ở Bắc Âu vương quyền đã tồn tại hàng trăm năm, không thể chuyển giao trong phút chốc dù họ là những bậc minh quân cấp tiến chăng nữa. Đã có những cuộc tranh luận nảy lửa và thương lượng sóng gió, nhưng cuối cùng tư tuởng dân chủ của thời đại vẫn chiến thắng. Các chế độ quân chủ độc đoán nhờ vậy đã chuyển mình nhẹ nhàng sang thể chế dân chủ pháp trị, ít khốc liệt và ít trả giá hơn nếu so với nước Nga và thậm chí một số nước Tây Âu đương thời.

Bài học về chia sẻ quyền lực ấy đã được nhiều nước học hỏi, đặc biệt sau Đệ nhị thế chiến.

Nhật Bản là một ví dụ về sự thành công của việc chuyển đổi từ thể chế chính trị chuyên chế sang dân chủ. Tầm vóc và tầm nhìn của giới lãnh đạo Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn được lưu truyền và ca tụng đến tận ngày nay vì chính họ đã anh minh quyết định chia sẻ quyền lực kịp thời, giúp tạo mọi nguồn lực đưa nước Nhật đến địa vị siêu cường kinh tế từ hơn 5 thập kỷ qua.

Tiếc thay chính quyền độc đoán ở Miến Điện đã không còn đủ sáng suốt để nhận biết và học hỏi kinh nghiệm chuyển giao quyền lực trong hòa bình đáng quý nói trên ở Bắc Âu và Nhật Bản mà lại chọn giải pháp đàn áp bằng bạo lực thường thấy ở những thể chế độc đoán. Tất nhiên người dân Miến Điện rồi đây cũng sẽ được sống trong tự do dân chủ, song cái giá mà dân tộc Miến Điện phải trả sẽ khó lường và e rằng không nhỏ.

Bạo lực chỉ chuốc lấy oán hận. Oán hận chồng chất sẽ tạo nên những cơn địa chấn cách mạng không lường truớc, có thể làm sụp đổ bất kỳ vương triều nào, dù thoạt trông có vẻ vững chắc nhất. Dẫu người dân Miến Điện vừa vuột mất thêm một cơ hội lịch sử để tạo lập nền dân chủ vĩnh cửu cho mình, song ngày chiến thắng cuối cùng của họ và những người yêu chuộng tự do dân chủ trên toàn thế giới tất phải đến vì dân chủ là nhịp thở của thời đại, là mạch đập của hàng triệu trái tim nhân loại và, quan trọng hơn, đó là lòng dân. Vấn đề chỉ còn là thời gian …

-------------------------------

Bàn về 'Chính danh' trong thể chế pháp trị
(Lê Công Định - BBC ngày 4/7/2006)

Không cần phải chờ đến kết quả “bầu cử” vào ngày 26 và 27 tháng 6/2006 vừa qua tại Quốc hội, ngay từ lúc bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X, ai cũng biết Ủy viên Bộ Chính trị nào sẽ đảm nhận những chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ.

Dư luận không hề ngạc nhiên khi biết các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng lần lượt được “tấn phong”vào những vị trí then chốt đó. Điều đáng tiếc là không một ứng cử viên nào khác xuất hiện để tranh cử và hòa thêm vào dàn đồng ca dân chủ tại diễn đàn nghị viện mặc dù đã có nhiều ý kiến đề nghị như vậy.

Trước khi Quốc hội bỏ phiếu chọn Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng thậm chí còn thừa nhận đã dành phần lớn thời gian trước đó cho công việc nghiên cứu lý luận và “chưa hiểu biết nhiều về công tác lập pháp và hoạt động nói chung của Quốc hội”, và để trấn an các đại biểu của dân, ông cam kết sẽ có “quyết tâm cao và phương pháp đúng” để làm tròn trọng trách của người đứng đầu cơ quan lập pháp tối cao.

Đối với hoạt động nghị viện dân chủ trên thế giới, điều này quả nhiên lạ lùng, bởi lẽ Chủ tịch Quốc hội là một chức vụ chính trị, rất nhiều người muốn “tranh dành”, các ứng viên phải vận động tranh cử và tìm cách chứng minh mình có nhiều kinh nghiệm nghị trường và, quan trọng hơn, có đủ khả năng điều hành một quốc hội đa thành phần đại diện nhiều lợi ích khác nhau trong xã hội. Họ không thể là người “khiêm tốn”, tự thừa nhận mình thiếu kinh nghiệm và không cần vận động gì cả, mà vẫn được … “bầu” với tỷ lệ đa số hầu như tuyệt đối.

Dân chúng choáng váng khi nghe các bộ trưởng biện minh cho yếu kém bằng cách viện dẫn các quyết định của Đảng.
Ở khía cạnh khác, trong những phiên họp chất vấn bộ trưởng trước diễn đàn Quốc hội vừa qua, dân chúng một phen choáng váng khi nghe các bộ trưởng, sau khi trả lời quanh co một số vấn đề mà đại biểu của dân cần được giải đáp thỏa đáng, đã biện minh cho sự yếu kém trong quá trình thực thi chức trách của mình bằng cách viện dẫn các quyết định của Đảng, thay vì nêu ra cơ sở pháp lý thuyết phục.

Rõ ràng họ, và không chỉ có họ, luôn cố tình quên rằng luật pháp và lợi ích dân tộc là điều duy nhất cần phải được thượng tôn. Thiếu vắng tinh thần thượng tôn luật pháp và mất đi sự tín nhiệm của cộng đồng dân tộc, thì dù có cầu viện đến bất kỳ khiêng mũ che chắn nào chăng nữa và dẫu có tại vị lâu đến đâu chăng nữa, người dân vẫn không tâm phục và nhìn nhận những chức phận kiểu như vậy.

Thể chế hiện hành

Cơ chế bầu cử nhiều tầng trước các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó những đại biểu “ẩn danh” (tại Đại hội X con số này là 1.176) mặc nhiên “đại diện” quốc dân chọn ra các nguyên thủ quốc gia, là một thực tế lịch sử, dù muốn hay không, từ nhiều năm nay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Khoan bàn đến ưu điểm và nhược điểm của một cơ chế bầu cử như vậy. Trước hết hãy nhìn khía cạnh “chính danh” của quy trình lựa chọn các thành viên trong bộ máy lãnh đạo quốc gia hiện nay. Đối với một thể chế nhà nước pháp trị, sự “chính danh” gắn liền với tính hợp hiến, nghĩa là việc bầu cử nguyên thủ quốc gia để quốc dân “chọn mặt gửi vàng” phải được minh định trong Hiến pháp, chứ không từ bất kỳ văn kiện chính trị nào khác.

Theo Hiến pháp Việt Nam, Điều 84.7, Quốc hội - vốn do toàn dân bầu ra - có quyền “bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ”.

(Luật sư Lê Công Định và vợ là Hoa hậu Ngọc Khánh)

Trên thực tế, có thể nói thẳng, ai cũng biết Quốc hội chỉ “hợp thức hóa” kết quả lựa chọn tại các kỳ Đại hội Đảng. Đặc biệt gần đây, khi dư luận gây áp lực buộc Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đào Đình Bình từ chức, thậm chí còn đề nghị cách chức ông này, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải đã “tiết lộ” rằng việc cách chức hoặc miễn nhiệm một bộ trưởng thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chứ không phải của Thủ tướng.

Ai cũng biết Quốc hội chỉ “hợp thức hóa” kết quả lựa chọn tại các kỳ Đại hội Đảng.
Tất nhiên, Hiến pháp hiện hành không cho phép Thủ tướng cách chức một bộ trưởng, nhưng cũng không trao thẩm quyền đó cho Ban Bí thư. Theo Điều 84.7 nêu trên, chỉ Quốc hội có quyền phê chuẩn việc cách chức bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng. Như vậy, tuy thực quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức bộ trưởng thuộc về Ban Bí thư, song thẩm quyền này không “chính danh” vì không được hiến định.

Rộng hơn, không chỉ riêng việc bổ nhiệm, miễn nhiệm hay cách chức này, mà toàn bộ quy trình thông qua quyết định cũng như đề cử cán bộ cho hoạt động nhà nước trong và ngoài các kỳ Đại hội Đảng, cũng đều không chính danh như vậy.

Việc điều hành hệ thống quản lý nhà nước với cơ chế thông qua những quyết sách quan trọng và bầu chọn nguyên thủ quốc gia, mà trên thực tế do một đảng chính trị quyết định, dù là đảng cầm quyền, một lần nữa cho thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, đang cai trị quốc gia. Thể chế chính trị như vậy, trong ngành chính trị học, được định danh là “đảng trị”, chứ không phải “pháp trị”.

Tiến đến thể chế pháp trị thực sự

Trong xu thế dân chủ hóa hoạt động của Đảng và xã hội sau Đại hội X, cần phải từ bỏ thể chế “đảng trị” nói trên để chuyển sang thể chế “pháp trị”, đặt đảng cầm quyền và mọi hoạt động của đảng này dưới sự giám sát minh bạch của luật pháp.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất hiện nay tại Việt Nam. Vai trò lãnh đạo này đã được quy định trong Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động của Đảng, vốn ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước và vận mệnh dân tộc, lại không được luật pháp chi phối cụ thể và do vậy khiếm khuyết tính chất chính danh như đã nêu trên. Danh không chính thì ngôn không thuận.

Tuy không nói ra, nhưng rõ ràng rất nhiều người đã không tâm phục khẩu phục khi bị buộc phải mặc nhiên trao quyền “đại diện” cho 1.176 đại biểu tham gia Đại hội X - mà họ không được biết danh tính - thay mặt họ thông qua các quyết sách quan trọng, trong đó có việc lựa chọn nguyên thủ quốc gia. Hiến pháp không thể mặc nhiên bị các văn kiện của Đảng “qua mặt” và Quốc hội không thể bị những quyết định của Đảng đặt trước “việc đã rồi” trên thực tế.

Chuyện của một đảng cầm quyền không chỉ là chuyện riêng của đảng ấy, và chuyện của 83 triệu dân không chỉ là chuyện riêng của thiểu số 3 triệu người.
Đối với một nhà nước pháp trị, mọi hoạt động liên quan đến quốc gia đều phải minh bạch. Chuyện của một đảng cầm quyền không chỉ là chuyện riêng của đảng ấy, và chuyện của 83 triệu dân không chỉ là chuyện riêng của một nhóm thiểu số 3 triệu người, thậm chí 1.176 người.

Để củng cố vị trí lãnh đạo của mình trong hiện tại, thay vì phải cầu viện đến lập luận thiếu thuyết phục về sự “lựa chọn của lịch sử” trong quá khứ, cần phải chính danh hóa mọi hoạt động của Đảng Cộng sản bằng luật pháp, đồng thời trao cho người dân thực quyền thách thức năng lực của những ứng viên do Đảng giới thiệu, thậm chí đề cử những ứng viên ngoài Đảng tham gia hoạt động nghị trường và điều hành quốc gia.

Nói cách khác, phải chuyển từ thể chế đảng trị sang pháp trị để đạt được “ngôn thuận” trong nhân dân.

-------------------------------

Thế giới ảo và hiệu quả của chính phủ
(Lê Công Định - BBC ngày 5/2/2007)

Gia nhập WTO không chỉ có cơ hội mà còn đầy rẫy thách thức; phút hồ hởi ban đầu sẽ nhanh chóng qua đi, vần đề quan trọng bây giờ và cả sau này là chuẩn bị gì và như thế nào để đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt trên một thị trường đã liên thông với hầu hết những thị trường tự do khác trên thế giới.

Để tiếp tục sống còn và phát triển, các doanh nghiệp trong nước phải tìm cách cung cấp sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với giá thấp nhất và chất lượng tốt nhất. Nói cách khác, tính hiệu quả là một ưu tiên.

Giải pháp quản trị

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tính hiệu quả của doanh nghiệp là cải tổ cách thức quản trị.

Giải pháp quản trị này có hai mặt, thứ nhất tự thân doanh nghiệp thay đổi và, thứ hai, chính phủ với tư cách là người hỗ trợ doanh nghiệp cũng phải thay đổi.

Sự hiệu quả của chính phủ ngay từ lúc này được đo lường bằng những luật lệ và chính sách tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh và tăng lợi nhuận.

Chuyện game online gặp khó khăn với các cơ quan quản lý ngành bưu chính - viễn thông đang là vấn đề thời sự trước, trong và sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO
Ngày nào vẫn còn lời than phiền của doanh nghiệp về những cản trở từ phía chính phủ, dù hợp pháp dưới danh nghĩa luật lệ hay chính sách, đối với hoạt động kinh doanh của họ, thì ngày đó chúng ta vẫn chưa có được một chính phủ hiệu quả.

Thử phân tích một trường hợp thực tế để thấy được sự kém hiệu quả của chính phủ ảnh hưởng như thế nào đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Chuyện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online) gặp khó khăn với các cơ quan quản lý ngành bưu chính - viễn thông đang là vấn đề thời sự trước, trong và sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO chính thức thứ 150.

Case study về Game online

Dịch vụ game online là một ngành kinh doanh mới đầy tiềm năng mà luật pháp Việt Nam chưa có nhiều quy định chi tiết mặc dù trên thực tế một số doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh ngành này.

Một chính phủ hiệu quả sẽ thấy ngay đây là cơ hội để phát triển một ngành kinh doanh triển vọng mà giới doanh nhân có thể thu nhiều lợi nhuận và nhờ đó nộp thuế nhiều hơn cho ngân sách nhà nước, mà suy cho cùng chính chính phủ là người đầu tiên được hưởng lợi.

Luật lệ nếu được ban hành sẽ chỉ nhằm mục đích tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp yên tâm kiếm tiền và đóng thuế.

Vì thiếu khả năng tiên liệu sự phát triển nhanh chóng của game online và do vậy thiếu luật lệ về game online, nên ngày 1/6/2006 các Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính - Viễn thông và Bộ Công An đã cùng ban hành Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA (Thông tư 60) với mục đích quản lý ngành kinh doanh này bằng các điều kiện chặt chẽ khác nhau.

Trong một nhà nước pháp trị có hệ thống luật pháp minh bạch được xây dựng trên những tiêu chuẩn mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đòi hỏi, cơ quan hành pháp không được tự tiện ấn định các quy tắc hạn chế hoặc tước đoạt quyền kinh doanh chính đáng của công dân mà Hiến pháp đã công nhận.



Tư duy luật

Lẽ ra do được ban hành sau khi các doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động hợp pháp từ trước, Thông tư 60 không đương nhiên ấn định những điều kiện phi lý có thể cản trở hoạt động kinh doanh đã hiện hữu, nói chi ngang nhiên đặt ra các chế tài buộc doanh nghiệp ngưng hoạt động nếu không đáp ứng các điều kiện “hậu sinh” ấy.

Một chính phủ hiệu quả sẽ vừa giải quyết những vấn đề xã hội có thể phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình
Phân tích Thông tư 60 người ta dễ dàng thấy rõ “não trạng” của các cơ quan hành chính Việt Nam trong cách thức họ quản lý quốc gia.

Điều 5 của Thông tư 60 đặt ra các điều kiện để kinh doanh game online, trong số đó có “điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ”.

Điều 7 của Thông tư 60 liệt kê hàng loạt điều kiện kỹ thuật và nghiệp vụ, mà đáng kể nhất là “biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý giờ chơi cài tại các máy chủ”.

Ai cũng biết quản lý giờ chơi game là một giải pháp khắc phục những hậu quả có thể xảy ra về mặt xã hội đối với người chơi game mà chủ yếu là giới trẻ còn đang đi học.

Một chính phủ hiệu quả sẽ vừa giải quyết những vấn đề xã hội có thể phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình.

Vấn đề não trạng

Có như vậy, quan chức của chính phủ đó mới xứng đáng được tiếp tục tại vị và nhận đồng lương và bổng lộc từ thuế mà các doanh nghiệp nộp.

Tuy nhiên, xem kỹ cách thức ràng buộc điều kiện này người dễ dàng nhận ra rằng các cơ quan hành chính đang muốn đá “quả bóng trách nhiệm” giải quyết những vấn đề xã hội cho doanh nghiệp, thay vì chính mình phải chu toàn trách nhiệm ấy.

Khi đặt ra biện pháp quản lý giờ chơi, lẽ ra các cơ quan chức năng phải là người hiểu hơn ai hết tính khả thi và khó khăn về kỹ thuật của những biện pháp đó khi ứng dụng trên thực tế, và lẽ ra chính cơ quan chức năng phải là nơi cung cấp các biện pháp kỹ thuật như vậy cho doanh nghiệp.

Chỉ khi nào họ không tuân thủ và áp dụng những biện pháp kỹ thuật đã được cung cấp sẵn thì mới xem đó là sự vi phạm cần phải trừng phạt.

Nếu thực tâm muốn giải quyết những vấn đề xã hội thì bản thân các cơ quan chức năng phải tìm được giải pháp khả thi và khôn ngoan trước khi ban hành luật, chứ không phải cứ nhắm mắt đưa ra những yêu cầu mà chính mình cũng không biết về mặt kỹ thuật liệu có thể đáp ứng được hay không.

Phân tích

Lẽ thường ở đời, hễ vô trách nhiệm thì cách hay nhất là đẩy trách nhiệm cho người khác, nên sẽ không ngạc nhiên nếu hết doanh nghiệp này đến doanh nghiệp kia bị tuyên bố là vi phạm để bị trừng phạt bằng cách buộc ngưng hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, luật sai và bất khả thi thì phải ngưng áp dụng ngay lập tức để hủy bỏ hoặc sửa đổi vì đó là lỗi của các Bộ liên quan, chứ không phải lỗi của doanh nghiệp.

Không thể cứ nhắm mắt thi hành và, nói như ông Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông TPHCM, “trước mắt vẫn phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trừ khi có lệnh sửa đổi các quy định tại Thông tư 60”.

Nói như vậy là bất chấp những khó khăn thực tế mà doanh nghiệp phải đương đầu, là vô trách nhiệm đối với sự tồn vong của doanh nghiệp do sự bất khả thi của luật pháp.

Không thể biến sự kém hiệu quả của chính phủ thành lỗi của doanh nghiệp để rồi trừng phạt họ.

Càng ngẫm nghĩ càng thấy tội nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam, vừa phải đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ trên thương trường, vừa phải đương đầu với sự kém hiệu quả của chính các quan chức chính phủ của mình.

So sánh

Khác với xứ ta, ở Singapore, chính phủ họ bày tỏ công khai sự khuyến khích tinh thần doanh nhân sẵn sàng gánh chịu rủi ro trong kinh doanh bằng cách long trọng cam kết tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển và in đậm những cam kết đó trên bức tường mặt tiền của tòa đô chính thành phố.

Trong khi Chính phủ Việt Nam đang cùng cả dân tộc ra biển lớn WTO, thì vẫn còn đâu đó dưới lòng biển thuộc vùng lãnh hải của Việt Nam những chiếc cọc mà các cơ quan hành chính và quan chức nhà nước cắm sẵn hoặc “quên” nhổ để sẵn sàng đâm thủng không thương tiếc tàu bè của doanh nghiệp Việt Nam hưởng ứng lời kêu gọi ra biển ấy.

Xem ra việc thay đổi cách suy nghĩ của các quan chức chúng ta trong việc điều hành một nền kinh tế thị trường chuyên nghiệp còn khó khăn hơn là tôn trọng các cam kết WTO.

-------------------------------

Nâng cao tính khả thi của luật pháp và chính sách
(Lê Công Định - Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày 10/9/2008)

Cách thức ban hành luật pháp và hoạch định chính sách ở nước ta từ trước đến nay luôn gây nhiều tranh cãi, thậm chí gây phản ứng từ đối tượng mà luật và chính sách chi phối hoặc ảnh hưởng. Lẽ thường, luật lệ và chính sách trước tiên phải xuất phát từ nhu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ, sau đó là cân nhắc khả năng thực thi chúng trong tương lai.

Ở đâu cũng vậy, sự thành công của Nhà nước được đo lường bằng những luật lệ và chính sách tạo điều kiện tối đa cho nhân dân yên ổn sinh sống và làm ăn.
Trên thực tế, yếu tố thứ nhất không hẳn đúng vì luật và chính sách hầu như chỉ “chạy” theo thực trạng xã hội để đối phó, nhưng có thể tạm chấp nhận vì dù sao cũng phản ánh được phần nào sự phát triển kinh tế - xã hội trong một giai đoạn cụ thể. Yếu tố thứ hai, đáng tiếc, ngày càng không còn, đơn giản là vì luật và chính sách thiếu dần tính khả thi, đa phần do những nguyên nhân sau đây.

Thứ nhất, việc soạn thảo luật và chính sách thiếu khoa học, không dựa trên sự khảo cứu thấu đáo và lắng nghe nghiêm túc ý kiến đóng góp từ giới chuyên môn.

Có thể thấy điều này ở các luật về thuế. Chẳng hạn, luật cần phải quy định một hệ thống thu thuế hợp lý và công bằng để người dân vui lòng nộp thuế và luôn cân nhắc giữa cái giá phải trả cho rủi ro từ việc trốn thuế với số tiền bỏ ra để nộp thuế.

Tất nhiên, trốn thuế sẽ bị trừng phạt, nhưng nếu người dân cảm thấy nộp thuế theo cách luật ấn định là bất hợp lý hoặc bất công, thì họ thà chọn rủi ro còn hơn phải nộp thuế vì không muốn mất tiền cho sự bất hợp lý. Ngày nào người dân, sau khi cân nhắc thiệt hơn, vẫn chọn giải pháp trốn thuế, thì Nhà nước cần phải xem xét lại cách làm luật của mình.

Một ví dụ khác, hầu hết các doanh nghiệp đều khốn khổ về chuyện “hóa đơn đỏ”. Những người phát minh ra “công cụ” ấy, tưởng rằng đó là cách kiểm soát chi tiêu hợp lý của doanh nghiệp và triệt tiêu khả năng giấu thu nhập khi khai nộp thuế của kẻ gian lận, nhưng lại tạo ra sự nhiêu khê cho bộ máy hành chính - thuế lẫn phiền hà cho người làm ăn ngay thẳng.

Thế nhưng, công cuộc chống gian lận thuế vẫn không đạt được kết quả như mong đợi, trái lại còn phát sinh thêm loại tội phạm mới là mua bán hóa đơn tài chính, trong khi tiền từ ngân sách dành cho công việc in hóa đơn, kiểm tra sử dụng hóa đơn lẫn chi phí xã hội của mọi thành phần kinh tế dành cho “phát minh” ấy có thể còn cao hơn cả tiền mà kẻ gian lận trốn thuế!

Các chuyên gia về thuế khắp thế giới cũng ngạc nhiên về cái gọi là “VAT Invoice” hay “Red Invoice” của Việt Nam mà không hiểu nổi cơ sở khoa học của nó ở đâu.

Thứ hai, hầu hết cơ quan chấp bút soạn thảo luật đều tập trung vào khía cạnh thủ tục thực hiện luật sao cho tiện lợi đối với cơ quan công quyền, hơn là tính đến quyền lợi hoặc những khó khăn của đối tượng mà luật áp dụng. Luật do vậy thường quy định nhiều thủ tục rườm rà cùng với những biện pháp chế tài khi người dân vi phạm hơn là giúp người dân dễ dàng áp dụng luật mà không vi phạm.

Có nhiều ví dụ như vậy trong luật lệ về kinh doanh. Chẳng hạn lĩnh vực xuất nhập khẩu, các loại giấy tờ và chứng thực mà hải quan yêu cầu luôn là nỗi ám ảnh đối với nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu ở các doanh nghiệp. Thời gian và công sức của họ lẽ ra nên được khuyến khích tập trung vào những công việc làm ra nhiều lợi nhuận hơn để đóng thuế cho Nhà nước, chứ không phải để chạy theo quy trình phức tạp của nền hành chính nặng nề.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp cũng vậy, nhà đầu tư bị hành hạ vì những chuyện không đáng, như giải trình nguồn vốn góp, tính khả thi của dự án và thậm chí cả tên gọi. Ai từng tranh cãi với cán bộ đăng ký kinh doanh về cách đặt tên công ty đều thấy rõ sự vô lý và cửa quyền của họ.

Luật chỉ nêu ra một số điều nên tránh khi đặt tên, nhưng họ lại “đẻ” thêm các quy tắc khác, như tên không được viết tắt vì trong tiếng Việt không có nghĩa(!), nếu viết tắt thì phải từ bốn chữ cái trở lên, giữa mỗi chữ phải có dấu chấm(!), tên tiếng Việt và tiếng nước ngoài phải hoàn toàn đồng nghĩa với nhau…

Điều bất ngờ là cơ quan đăng ký kinh doanh ở các nước xung quanh ta chẳng bao giờ quan tâm đến điều mà Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành của Việt Nam đòi hỏi. Bởi lẽ đối với họ, điều quan trọng là tinh thần doanh nghiệp cần được khuyến khích để gia tăng lợi tức cho quốc gia và người dân thông qua sự giảm thiểu các thủ tục hành chính.

Ở đâu cũng vậy, sự thành công của Nhà nước được đo lường bằng những luật lệ và chính sách tạo điều kiện tối đa cho nhân dân yên ổn sinh sống và làm ăn.

Thứ ba, đã xuất hiện một khuynh hướng đáng ngại từ nhiều năm nay trong hoạt động lập pháp và lập quy, đó là sự chi phối và ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đối với việc ban hành luật pháp và chính sách của Nhà nước. Quyền lợi kinh tế của các nhóm lợi ích này.

Chẳng hạn, việc cấp phép hàng loạt các ngân hàng và công ty quản lý quỹ gần đây cho thấy chính sách tài chính - ngân hàng có thể đã bị sự tác động của các nhóm lợi ích.

Bởi, trong khi nền kinh tế cần tập trung nguồn lực để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của người dân, tức phát triển khu vực sản xuất, thì lại chuyển hướng vào lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, tìm kiếm lợi nhuận qua những giao dịch “bong bóng”. Điều này tất nhiên không có lợi cho đất nước, nhưng lại là cơ hội của các nhóm lợi ích khác nhau.

Đặc tính cơ bản của luật pháp là vô tư và công bằng. Nếu chỉ thỏa mãn quyền lợi của một nhóm nhất định thì sẽ tạo ra bất công cho những thành phần khác trong xã hội. Luật pháp thiết lập nền tảng giải quyết vấn đề tương lai thông qua việc thỏa mãn hợp lý nhu cầu chung hiện tại.

Quản lý nhà nước mà không lưu tâm đến những yếu tố nêu trên, thì không những không thể tạo được sức bật cho nền kinh tế quốc gia trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, mà còn tự tạo ra nhiều khó khăn nội tại đối với sự ổn định và phát triển bình thường của đất nước.

-------------------------------

Chuẩn mực văn minh cần tôn trọng
(Lê Công Định - BBC ngày 9/3/2009)

Gần đây những cuộc đột nhập văn phòng luật sư để tịch thu tài liệu và máy tính hoặc khám xét hành lý của các luật sư tại phi trường ở Việt Nam đã dấy lên mối quan ngại về sự công khai xâm phạm bí mật nghề nghiệp luật sư, một trong những chuẩn mực văn minh mà bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới cũng tôn trọng.

Luật sư chỉ có thể làm tròn bổn phận đối với khách hàng, dù biện hộ hay tư vấn, khi khách hàng biết rõ và chắc chắn rằng mình có thể nói hoặc gửi gắm với luật sư mọi tình tiết của vụ việc liên hệ mà không lo ngại người thứ ba biết, vì luật sư tiết lộ hay thất thoát bởi lý do khác. Điều này gắn liền với khái niệm bí mật nghề nghiệp luật sư, vốn định hình và phát triển theo chiều hướng văn minh hóa của nhân loại, trên cơ sở mở rộng quyền tự do cá nhân và thu hẹp quyền lực nhà nước.

Luật sư Lê Công Định nói quyền giữ bí mật nghề nghiệp của luật sư phải được tôn trọng.
Ở những xã hội còn chưa văn minh, nhà chức trách thường nhân danh trật tự công cộng và đề cao ổn định xã hội để dành cho mình độc quyền tìm hiểu mọi sự việc diễn ra trong đời sống xã hội, gọi là "thực tế khách quan", qua đó can thiệp vào các tương quan dân sự và pháp lý, bất chấp tự do cá nhân của công dân có bị xâm phạm hay không.

Công cuộc tranh đấu cho tự do cá nhân trên toàn thế giới từ thế kỷ XVII đến XX đã đưa đến kết quả thu hẹp đáng kể quyền lực nhà nước, đồng thời xác lập nên những chuẩn mực văn minh, thành văn và bất thành văn, trong việc cai trị và quản lý xã hội, trong đó có sự công nhận quyền giữ bí mật nghề nghiệp luật sư.

Văn phòng luật sư, cũng như phòng mạch của bác sĩ, được ví như phòng xưng tội của nhà thờ, phải là nơi tuyệt đối an toàn, mọi bí mật phó thác cho luật sư phải được luật pháp bảo đảm để không bị tiết lộ dưới áp lực của bất kỳ uy lực nào. Nói cách khác, sự bất khả xâm phạm của văn phòng luật sư là nền tảng của quyền giữ bí mật nghề nghiệp luật sư mà nhà chức trách ở quốc gia văn minh nào cũng tuân thủ vô điều kiện.

Trong một số trường hợp giới hạn vì nhu cầu trật tự công cộng và nhằm phục vụ tiến trình điều tra một vụ án nhất định, nhà chức trách có thể khám xét văn phòng luật sư, nhưng phải luôn tôn trọng quyền giữ bí mật nghề nghiệp của luật sư. Hai vấn đề quan trọng sau đây cần lưu ý trong khi tiến hành khám xét:

Thứ nhất, thư từ trao đổi giữa luật sư và khách hàng hoặc giữa các luật sư với nhau tuyệt đối không thể bị tịch thu dù có thể liên quan đến vụ án. Đây là nguyên tắc không có ngoại lệ bất kể nhà chức trách muốn tìm hiểu "sự thật khách quan". Do vậy việc tịch thu máy tính hoặc phương tiện mà luật sư sử dụng để soạn thảo và lưu trữ thư từ và tài liệu khách hàng là hành vi không thể chấp nhận xét cả về phương diện pháp lý lẫn văn minh tối thiểu.

Thứ hai, nhà chức trách muốn tịch thu tài liệu như tang vật có trong văn phòng luật sư thì phải thông báo trước cho ban chủ nhiệm đoàn luật sư nơi văn phòng luật sư tọa lạc, để vị chủ nhiệm hoặc một thành viên ban chủ nhiệm khác được ủy nhiệm đến chứng kiến. Trong mọi trường hợp việc tịch thu tang vật phải được tiến hành với sự hiện diện của luật sư có văn phòng bị khám xét. Đột nhập văn phòng của luật sư khi vắng mặt họ là hành động phỉ báng công lý nghiêm trọng.

Ở các nước, thủ tục thu thập chứng cứ từ hồ sơ của văn phòng luật sư như nêu trên phải do công tố viên, chứ không phải cảnh sát, thực hiện. Thủ tục ấy diễn ra theo trình tự sau đây:

Văn phòng luật sư phải là nơi tuyệt đối an toàn, mọi bí mật phó thác cho luật sư phải được luật pháp bảo đảm để không bị tiết lộ dưới áp lực nào.
Công tố viên phải chứng minh khả năng có chứng cứ trong một hồ sơ cụ thể để chủ nhiệm đoàn luật sư xem xét và cân nhắc về sự cần thiết trao cho nhà chức trách tài liệu liên hệ. Chứng cứ đó phải liên quan trực tiếp đến một sự việc cụ thể và việc cung cấp dứt khoát không làm tiết lộ hồ sơ về vấn đề khác hoặc của khách hàng khác.

Chỉ khi nào phát hiện dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi luật sư cố tình che giấu chứng cứ, thì chủ nhiệm đoàn luật sư mới trao "chứng cứ" ấy cho công tố viên, nhưng phải niêm phong và lập thành biên bản chặt chẽ. Không ai có quyền tự ý lấy đi bất cứ hồ sơ nào từ văn phòng luật sư mà không tuân thủ trình tự nêu trên.

Ngày nay, những điều sơ đẳng đó đã được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới, kể cả ở chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, bởi lẽ luật sư cũng là một định chế, cùng với tòa án, công tố viện và cảnh sát, tạo nên trụ cột tư pháp của ngôi nhà quyền lực nhà nước. Nếu trụ cột này thiếu vắng các bộ phận vận hành đúng vai trò và thực chất, thì nhà nước pháp quyền chỉ là một viễn cảnh xa vời hoặc là mỹ từ để tuyên truyền mà thôi.

Tất nhiên, để đạt được sự công nhận các giá trị phổ quát ấy, nhân loại đã phải tranh giành từng milimet tự do từ tay các thể chế quân chủ và độc tài trong suốt lịch sử lắm gian nan nhưng đầy vinh quang của mình hàng trăm năm qua, để từng bước hình thành các chuẩn mực văn minh mà mọi thể chế dân chủ pháp quyền hiện tại đều luôn tôn trọng.

-------------------------------

Đọc sử để nhìn nhận hôm nay
(Lê Công Định - BBC ngày 2/5/2009)

Từ khi bắt đầu vào đại học lúc 17 tuổi đến nay, tôi vẫn giữ thói quen đều đặn hàng năm dành khoảng hơn một tháng đọc sách vở và tài liệu viết về đề tài Việt Nam, quá khứ cũng như hiện tại, chủ yếu nhằm giúp trao dồi vốn kiến thức hạn hẹp của tôi về lịch sử nước nhà.

Tôi thường chọn thời gian làm công việc nhẹ nhàng, nhưng đầy hào hứng này vào độ trung tuần tháng 3 đến cuối tháng 4 mỗi năm. Đó cũng là khoảng thời gian của một năm thường gợi nhớ trong tôi nhiều biến cố vui buồn lẫn lộn, vừa hào hùng nhưng cũng vừa bi thương, của dân tộc.

'Vai trò Tây Nguyên'

Năm nay, trong số những sách vở và tài liệu tôi đọc có một quyển sách đặc biệt mà năm 18 tuổi tôi đã có dịp xem qua, đó là tập hồi ký "Bên dòng Lịch Sử, 1940-1965" của Linh mục Cao Văn Luận, nguyên Viện trưởng Đại học Huế và Giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn. Hơn 20 năm trước tôi đọc quyển sách mang tính chất sử liệu này chủ yếu với ý định tìm hiểu các diễn biến lịch sử, mà vì nhiều lý do khác nhau thầy cô "dạy sử" của tôi ở trường trung học và cả những nhà "nghiên cứu" sử học sau 1975 tránh đề cập đến hoặc cố tình diễn giải sai lệch.

Tuần vừa rồi có dịp mượn lại "Bên Dòng Lịch Sử" từ người bạn lớn tuổi để tra cứu một số chi tiết cần cho công việc nghiên cứu cá nhân, tôi xem lại tập sử liệu một cách say mê, bởi lẽ lần đọc này mang đến cho tôi tâm trạng khác trước, gần như là khám phá mới lạ. Quả thật Linh mục Cao Văn Luận có nhiều cơ hội tiếp xúc và đối thoại với các nhân vật lịch sử khác nhau của Việt Nam ở hai bên chiến tuyến trong giai đoạn từ 1940 đến 1965, nhờ vậy thiên hồi ký của ông đã dẫn dắt người đọc đi qua các biến cố lịch sử trọng đại của đất nước một cách sinh động và lôi cuốn.

Trong phần kể về cuộc gặp gỡ và trò chuyện lần đầu tiên với cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm vào nửa đầu năm 1948 tại Đà Lạt, mà Linh mục Cao Văn Luận gọi là "câu chuyện bên lò sưởi năm 1948" (xem từ trang 165 đến 171 của bản in năm 1972), ông có nhắc đến một chi tiết lý thú trong nội dung câu chuyện mà tôi nghĩ ít nhiều liên quan đến một sự việc nghiêm trọng gần đây ở nước ta.

Khi được Linh mục Cao Văn Luận hỏi về chính sách của mình đối với Pháp trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954), ông Ngô Đình Diệm lúc ấy là nhà cách mạng khả kính tại Việt Nam, đã đề cập đến vấn đề Tây Nguyên như sau: "... ít người để ý là người Pháp lập ra Hoàng Triều Cương Thổ, để biến tất cả vùng cao nguyên Trung và Nam Phần thành đất thuộc địa trực tiếp của Pháp." Linh mục Cao Văn Luận không khỏi ngạc nhiên vì Cụ Ngô Đình Diệm dường như xem Tây nguyên là chuyện hệ trọng đối với chủ quyền quốc gia, mà khi ấy dù chưa cầm quyền ông vẫn trăn trở về vận mệnh đất nước trước ý đồ của thực dân Pháp.

Linh mục Cao Văn Luận tường thuật tiếp:

"Ông Diệm trầm ngâm một lúc. Tôi vẫn im lặng. Những lời ông nói ra nửa như suy tư, nửa như phân trần với tôi:

- Vùng Cao Nguyên này có một tầm quan trọng lớn về chiến lược và kinh tế. Về chiến lược, nó nằm ở giữa ba quốc gia Việt Miên Lào. Ai chiếm giữ được Cao Nguyên này có thể gây áp lực được đối với cả ba quốc gia đó. Người Pháp gọi vùng Cao Nguyên là Hoàng Triều Cương Thổ chỉ là một lối trá hình trên thực tế, chủ tâm của họ là biến vùng này thành thuộc địa Pháp. Về mặt kinh tế, thì vùng Cao Nguyên hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai. Ở đó chắc chắn có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều khoáng sản chưa được khám phá và khai thác, nhưng chúng ta cần phải bảo vệ cho Việt Nam. Rồi còn vấn đề thể diện quốc gia, chủ quyền quốc gia nữa. Không thể bỗng dưng nhường cho Pháp một vùng đất quan trọng như thế, nằm ngay giữa lãnh thổ quốc gia, người Việt Nam nào muốn lên lại phải xin thông hành!

"Ở đó chắc chắn có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều khoáng sản chưa được khám phá và khai thác, nhưng chúng ta cần phải bảo vệ cho Việt Nam."

Ngô Đình Diệm, theo lời kể của LM Cao Văn Luận
Tôi (tức là Linh mục Cao Văn Luận) chợt nhớ đến một cuốn sách khảo luận về địa dư Đông Pháp (tức là Đông Dương thuộc Pháp), không nhớ rõ tác giả, và tôi đem những ý kiến được nêu lên trong tập sách này trình bày lại với cụ Diệm:

- Cụ nói đúng. Tôi có đọc một cuốn sách viết đại ý rằng Pháp muốn ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt Nam về phía tây, muốn để dân tộc Việt Nam dừng lại ở các miền duyên hải, còn Pháp thì phải giữ vững vùng Cao Nguyên Trường Sơn, vừa để ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt Nam, vừa canh phòng phía Lào. Như vậy khi lập Hoàng Triều Cương Thổ, đặt trực thuộc Pháp, thì Pháp đã bắt đầu thi hành đúng cái chính sách đó rồi."

Tiếp theo, tại trang 194 và 195, Linh mục Cao Văn Luận kể rằng vào năm 1953 khi ông gặp cụ Ngô Đình Diệm lần thứ hai ở Paris, cụ Diệm một lần nữa nhắc lại vấn đề Hoàng Triều Cương Thổ với nhiều ưu tư và lo lắng hơn, khiến mọi người có mặt lúc ấy đều tỏ ý trách cứ cựu hoàng Bảo Đại mải mê ăn chơi mà không lưu tâm đến bảo vệ chủ quyền quốc gia, đã vậy còn trao hết cho người Pháp toàn quyền khai thác Tây nguyên.

Sử học trung thực

Đọc sử giúp người đời nay có được cơ hội "ôn cố tri tân", học hỏi điều hay lẽ phải của đời trước để làm điều hữu ích cho dân tộc.
Đọc xong những đoạn đối thoại quan trọng này trong "Bên Dòng Lịch Sử", tôi hạ quyển sách xuống với tâm trạng bàng hoàng. Chuyện của hơn 60 năm trước đây thật chẳng khác lắm so với vấn nạn của ngày hôm nay. Có điều những nhân vật lịch sử ngày ấy, như cụ Ngô Đình Diệm chẳng hạn, xem chừng rất quan tâm đến lợi ích, chủ quyền và thể diện của quốc gia. Họ trăn trở về điều này và xem Tây Nguyên thực sự là vấn đề ưu tiên trong chính sách của các chính quyền miền Nam thời bấy giờ, nhất là giữa bối cảnh có nhiều kẻ mang dã tâm xâm lược Việt Nam dù công khai hay ẩn ý.

Thật đáng trân trọng biết bao cách viết sử trung thực, tất nhiên theo nhãn quan và hiểu biết tối đa của tác giả, trong đó lối diễn đạt và sử dụng ngôn ngữ chừng mực, thể hiện sự tôn trọng dành cho mọi nhân vật của một thời đã qua, đặc biệt với cả những người không cùng chính kiến với mình. Chính vì vậy, đọc các công trình khảo cứu của giới học giả ở miền Nam trước đây, nhất là trong lĩnh vực sử học mà tôi yêu thích, kẻ hậu sinh ở lứa tuổi tôi thường cảm thấy an tâm và có thể đặt phần lớn niềm tin vào những thông tin và kiến thức mà mình tiếp nhận. Bởi lẽ ít ra các tác giả đó không có gì phải lo sợ khi muốn viết sự thật và trình bày nhận định thật của mình.

Cái hay của sử học trung thực là giúp người đời sau hiểu được các diễn biến lịch sử trong quá khứ, bác bỏ lối đánh giá sai lệch với dụng ý bôi nhọ những nhân vật lịch sử ở bên kia chiến tuyến. Song điều quan trọng hơn cả, đọc sử giúp người đời nay có được cơ hội "ôn cố tri tân", học hỏi điều hay lẽ phải của đời trước để làm điều hữu ích cho dân tộc hầu lưu tiếng thơm muôn đời.

Tất nhiên, không chỉ có gương tốt, lịch sử còn đặc biệt răn dạy người đời sau bằng cả gương xấu. Trong lần đọc lại sử sách nước nhà năm nay, không hiểu vì sao tôi lại quan tâm nhiều đến các nhân vật "thân bại danh liệt" như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống và Hoàng Cao Khải, rồi tự hỏi không biết 30 năm nữa, nếu còn sống, tôi sẽ biết thêm những cái tên nào tương tự như vậy trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Bất giác tôi cầu mong điều đó đừng xảy ra...

===================================

(Luật sư Lê Công Định trong ngày bị bắt khẩn cấp 13/6/2009)



MỘT THẾ HỆ DẤN THÂN
Luật sư Lê Công Định

Tặng các bạn thanh niên tham gia hai cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 và 16/12/2007 tại Hà Nội và Sài Gòn

và Gửi ông Võ Văn Thưởng
(Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh)

Trong khi tin tức về hai cuộc biểu tình biểu dương lòng yêu nước ngày 9/12/2007 và 16/12/2007 tại Hà Nội và Sài Gòn tràn ngập các blog cá nhân và trang web báo đài ngoại quốc, thì báo chí trong nước vẫn giữ thái độ im lặng lạ lùng. Thậm chí trong nội dung bài phỏng vấn ông Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đăng trên báo Tuổi Trẻ hôm nay, 17/12/2007, tức là một ngày sau khi các cuộc biểu tình lần thứ hai diễn ra tại hai thành phố lớn nhất nước, ông Thưởng vẫn không một lời nhắc đến các thanh niên yêu nước 9/12/2007 và 16/12/2007. Tuy vậy, ông vẫn đủ tự tin, và cả … đức tin, để tuyên bố rằng: “Đoàn sẽ sát cánh cùng thanh niên (!)”

Hãy nhìn cách mà giới sinh viên học sinh xuống đường bày tỏ sự bất bình đối với chính sách xâm lấn lãnh thổ và gây hấn ngoại giao của nhà cầm quyền Bắc Kinh những ngày qua trong sự vô cảm của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản, thì có thể hiểu được sự mỉa mai đáng nể mà báo Tuổi Trẻ dành cho ông Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn trước ngày khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, 18/12/2007.

Không biết báo Tuổi Trẻ có cố tình mỉa mai ông Thưởng hay không, nhưng tôi thì tự hỏi bằng cách nào Đoàn sẽ sát cánh cùng thanh niên? Xung quanh tôi, nhiều bạn trẻ thậm chí còn nói đùa với nhau rằng Đoàn không chỉ vô cảm mà còn … vô cản, bởi lẽ ai cũng biết chuyện nhiều quan chức lãnh đạo Đoàn đã đến nơi biểu tình ngày 9/12/2007 để ngăn thanh niên thể hiện lòng yêu nước thiêng liêng của mình và cản trở họ hành xử quyền bày tỏ ý nguyện cá nhân bất khả xâm phạm của công dân.

Những cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 và 16/12/2007 quả thật là liều thuốc thử khắc nghiệt và cuối cùng đối với sự tín nhiệm vốn đã xói mòn từ lâu của thanh niên dành cho một tổ chức luôn vỗ ngực xưng là đại diện nguyện vọng của toàn thể thanh niên Việt Nam. Điều may mắn cho dân tộc là khi lòng tự trọng quốc gia bị xâm phạm chúng ta tìm thấy được một thế hệ biết dấn thân, không sợ hãi. Dấn thân để làm việc nghĩa, không sợ hãi vì biết đang làm việc nghĩa. Thế hệ dấn thân ấy cần chi đến sự sát cánh vướng víu của một tổ chức lỗi thời? Thế hệ đó cũng không quá ngây thơ để tin vào lời xúi giục như được cảnh báo, trái lại họ có đủ tri thức để nhận diện động cơ của những ai rêu rao sáo ngữ “vì dân vì nước”. Tôi tự hỏi không tin vào suy nghĩ và hành động độc lập của thanh niên, làm sao có thể sát cánh cùng họ? Không cần nói nhiều, ai cũng hiểu từ lâu Đoàn Thanh niên Cộng sản muốn sát cánh cùng ai.

Viết bao lời cũng không đủ, chỉ xin ngả mũ chào một THẾ HỆ DẤN THÂN mới và muốn dành tất cả sự ngưỡng mộ và kỳ vọng nơi các bạn.

.
◄◄ Home

15 comments:

H4ck3d by Qin Shi Huang Gr0up. said...

Phản đối "thông tin sai" về LS Lê Công Định
BBC phỏng vấn bà Đào Hường, trưởng văn phòng Luật sư DC Lawyer tại Hà Nội cho biết các báo đã thông tin sai lệch về việc LS Lê Công Công Định bị bắt, vì "anh Định đã tách ra thành lập một firm riêng, địa chỉ ở toà nhà 33 tầng, đường Tôn Đức Thắng" và cho biết thêm việc ông Lê Công Định rời khỏi hãng luật của bà diễn ra đã được nhiều tháng nay...

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/06/090613_dclawyer_reax.shtml

Hôm Thứ Bảy 13.06.2009, luật sư Lê Công Định bị bắt khẩn cấp theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.

Báo Công An Nhân Dân đưa tin "Lê Công Định hiện đang là Trưởng Văn phòng luật sư Lawyer, số 115 đường Nguyễn Huệ, Q.I, TP HCM".

Tuy nhiên, bà Đào Hường, trưởng văn phòng luật sư DC Lawyer tại Hà Nội cho BBC biết thông tin đó hoàn toàn sai lệch, vì "anh Định đã tách ra thành lập một firm riêng, địa chỉ ở toà nhà 33 tầng, đường Tôn Đức Thắng" và cho biết thêm việc ông Lê Công Định rời khỏi hãng luật của bà diễn ra đã được nhiều tháng nay.

Bà Hường cho biết hiện bà chưa biết liệu văn phòng của bà tại Thành Phố Hồ Chí Minh có bị lục soát trong vụ bắt ông Định hay không, nhưng nói nếu chuyện đó xảy ra thì "Công ty luật hợp danh DC Lawyer do ông Nguyễn Ngọc Bích làm giám đốc, tôi làm giám đốc chi nhánh ở Hà Nội. Nếu có vấn đề gì, khi vào kiểm tra thì họ phải được sự đồng ý của tôi và anh Bích."

Nói về việc báo đăng tin ông Lê Công Định "có hành vi cấu kết với các thế lực thù địch, chống nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam", bà Hường nói "Tôi nghĩ đó là thông tin sai lệch. Tôi khẳng định luật sư Lê Công Định là người giỏi. Mỗi người có một chính kiến khác nhau, anh Định có thể có những bài viết thể hiện chính kiến của mình. Còn về hoạt động của anh Định, chúng tôi nghĩ rằng anh Định không có thời gian để tham gia vào các hành vi như vậy."

Được biết DC Lawyer được thành lập hồi cuối năm 2005, mà luật sư Lê Công Định là một trong các sáng lập viên.

Nguyễn Phan said...

Tôi có đọc một bài trên tờ Tuổi Trẻ viết 3 năm trước về luật sư Lê Công Định, một số bài viết của anh và sự kiện anh đã "dám" đứng ra biện hộ cho hai đồng nghiệp là luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài trong phiên tòa hai năm trước.

LS Định là một trong những người tôi ngưỡng mộ, không phải chỉ vì tài cao, mà hơn hết là tấm lòng của anh đối với đất nước.

Từ lâu, anh đã ý thức rất rõ rằng "hệ thống" luật pháp ở Việt Nam chỉ là một mớ bòng bong, được diễn giải tùy tiện. Nói nôm na, là cán bộ đảng CSVN, ai cũng có thể ngồi ghế quan tòa để xử án, nhất là đối với những vụ án chính trị. Vì có cần kiến thức luật đâu! Đòi hỏi duy nhất ở quan tòa trong các phiên xử như xử hai vị luật sư khả kính LTCNhân và NVĐài chỉ là biết ... đánh vần để … tuyên án mà thôi!

Những nỗ lực tìm tòi, học hỏi những cái hay của nước ngoài để mong áp dụng cho nước mình của luật sư LCĐịnh thật rất đáng quý và đáng trân trọng.

Chắc ai cũng thấy, số lượng luật sư ở Việt Nam rất khiêm nhường so với những quốc gia khác trong khu vực. Có phải đây là một điều lạ lùng hay không, khi số người lên tiếng, dấn thân tranh đấu cho quyền làm người, cho một tương lai tươi sáng trong tự do của đất nước, lại đến từ giới luật sư?: Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Trần Luật, Nguyễn Bắc Truyễn, Trần Thùy Trang, Lê Công Định, …còn nhiều nữa mà tôi không nhớ hết tên.

Có phải là khi đi sâu vào lãnh vực „lẽ phải, công bằng, sự thật“, đạo đức trong mỗi con người có dịp trỗi dậy mạnh nhất, dễ thắng được sự sợ hãi cố hữu nhất, hơn các ngành nghề khác, kể cả văn chương?

Nguyễn Phan

PVH said...

Nhìn gương mặt trí thức phúc hậu của LS Lê Công Định, biết được tư tưởng của anh qua các bài viết, tôi thấy thương mến anh chỉ một phần, chín phần còn lại thấy lo lắng cho cái đất nước này:
- Không biết rồi sẽ ra sao khi nguyên khí quốc gia đang từng ngày bị hao tổn?
- Con thuyền Việt rồi sẽ đi về đâu khi ngoại bang hà hiếp dân mình ngay trên vùng biển của mình?

Anonymous said...

TKhoi

Trong anh phuc hau va day ban linh, nhung bai viet, danh gia va neu chinh kien cua anh rat hao khi va day nhiet huyet cho Nuoc Viet cua chung ta.

Chung ta cung la mot cong dan Viet, binh sinh trong hien tai nhung tu hao boi lich su Viet Nam. Dinh da neu len nhung chinh kien lam chung ta phai suy nghi rat nhieu, Chuyen Dinh co phan dong hay cau ket thu dich hay khong ? cung nen co thoi gian va chung cu minh bach tu Co quan bat giam Dinh.

Nhung chinh kien, suy nghi va tam nhin cua Dinh toi rat than phuc, tuy nhien chung ta nen cung gop phan lam cho dat nuoc giau dep hon bang nhung hanh dong cu the thiet thuc cho xa hoi. da so con vi quyen loi ca nhan va tham vong to lon cua minh,ma khong thay xa hoi va dan ta con qua kho khan va van hoa cua chung ta con qua kem...

Anonymous said...

Luật sư LCĐ bị bắt là tất yếu. Vấn đề là thời gian.
Trong một xã hội cưỡng quyền và u mê, lệ thuộc ngoại bang, những tư tưởng tiến bộ yêu nước thương nòi, đều không có chỗ đứng.
Chính quyền vn đã không đủ kiên nhẫn để chờ đợi những đòn trí tuệ từ ls LCĐ.
Qua chuyện này, chúng ta phải công nhận rằng: chính quyền vn rất yếu về lý lẽ và không có chính nghĩa, nên sẵn sàng bắt bớ tù tội và vu khống những con người chính trực.
Chúng ta phải sáng suốt cẩn thận bình tĩnh chống lại bọn lang sói đang dày xéo quê hương

Le Tung Chau said...

H ơi, bà con ơi, bọn VC lại tung một bản tin mới kìa, vào coi kỹ đi, không thể tin được. Thời buổi văn minh mà tụi này ăn nói tùy tiện vô bằng hèn hạ không chịu được.
Ngay cả nếu tôi bị chúng mò tới tôi cũng thiếu khối gì cách mắng tụi nó, thế mà chúng viết một bản tin nhập nhòe, nói Ls Định "nhận tội", "xin khoan hồng"
Dám chắc là SỰ THỰC việc hãm hại Ls Định có nguyên nhân, động cơ khác. Nhưng dẫu nếu anh có lập một công trình lật đổ VC thì nay nếu chúng mò tới, anh cũng sẽ không bao giờ nói thế.
Cứ coi Cha Lý, anh Đỗ Nam Hải, Nguyễn Khắc Toàn, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy.... mắng chúng như thế nào đến nỗi chúng phải bịt miệng (Cha Lý), hoặc dùng thân nhân gia đình khóc lóc (anh Hải), ném phân vào nhà (TKT Thủy), cho côn đồ tự xưng là "thương binh" đến phá phách khủng bố tinh thần (anh Toàn) v.v... thì nay làm gì có chuyện anh Định "xin khoan hồng" Thật là một lũ VC hèn hạ, tồi bại tận cùng !

PVH said...

Tôi cũng đã biết tin này chiều hôm qua. Buổi tối cái mạng EVN-Telecom cà giựt không online được bực quá. Đây là một bài học đắt giá cho những ai muốn xây dựng dân chủ, canh tân đất nước:
http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3862

Anonymous said...

cái đám phản động tui bay chết hết đi cho tao nhờ. Toàn bịa đặt, thằng Lê Công Định mà tài cán đíu gì. Một lũ tay sai, mở miệng nói giọng đạo lý.

Hiệp_khách_vô_tình said...

hehe... phản động thời bi giờ là yêu nước thương dân chống cộng sản, "phản động" mà chết hết thì đất nước Việt Nam nầy diệt vong sao hả?
về làm quận huyện cho tàu phù hé?

ER said...

anh 'hiep khach' chua biet ai tot ai xau,ma da an noi ham ho,toi tin chinh phu VN 35%

Anonymous said...

nhan quyen se co o vn vao 1 ngay ko xa,neu nhu vn ta co 1000 ls LCD...

manh phan said...

Một nhân tài hiếm thấy. nếu có thể em xin cắp sách theo anh để học và học...
phan phan

SeaFree said...

Dưới các chính thể độc tài CS thì những tinh hoa dân tộc sẽ chịu chung số phận như anh LCĐ mà thôi.
Ở Liên Xô và Ba Lan trước đây, mấy chục ngàn cán bộ tài năng, là những tinh hoa quý nhất của dân tộc họ cũng bị thảm sát bởi bàn tay CS :(

Unknown said...

hỡi những người nói xấu ĐCS, các người có biết các người đang sống trong hạnh phúc và hòa bình là nhờ công lao của ai không? Là nhờ vào Bác Hồ, ĐCS cùng xương máu của bao triệu đồng bào đã đổ xuống mà các người không biết sao? những người sống mà không biết công ơn như các người thì đừng nói chi đến cái gọi là vì dân vì nước. Lê Công Định cứ cho là người giỏi về kiến thức pháp luật nhưng cũng chỉ là người có tài mà không có đức. không có đức thì chỉ là người phá hoại
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM muôn năm

Anonymous said...

Tôi là 1 công dân VN thế hệ 8x, sinh ra và lớn lên ở Hà Nôi. Tôi rất yêu đất nước mình, nhưng gần đây, khi tiếp xúc với những thông tin đa chiều hơn, cùng với tìm hiểu về các nước tiến bộ trên thế giới, tôi thật sự buồn và cho ngại cho đất nước chúng ta, đang đc cầm quyền bởi đảng CSVN. Đất nước phát triển quá chậm, chính sách luật pháp yếu kém, thiếu dân chủ, nhân quyền, nhân dân không hề có tiếng nói của mình. Sờ dĩ mọi người cảm thấy hài lòng về cuộc sông của mình là do vẫn thiếu thông tin khách quan, bị bưng bít, và lí do quan trọng nhất là phần đông dân sô Việt Nam có trình độ dân trí chưa cao. Và có lẽ nhưng người nhận ra vân đề cũng ko dám ho he lên tiếng vì sẽ bị trù dập, xử lí ngay lập tức. Nhưng rồi 1 ngày nào đó, cái nhọt này, cái quả bóng này sẽ phải vỡ ra, theo đúng lẽ tự nhiên của nó, khi người VN đủ trình độ để nhận ra, mình đang thực sự chưa có dân chủ, nhân quyền!
Nhưng với tình hình như bài viết này thì ngày việc đó xảy ra sẽ khá lâu đây, cỡ hàng trăm năm không chừng. Nghĩ mà buồn ghê!

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!