Luật sư Cù Huy Hà Vũ kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ bauxite Tây Nguyên

I. ĐƠN KHỞI KIỆN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội 11/6/2009


ĐƠN KHỞI KIỆN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

Do đã ban hành trái pháp luật Quyết định số 167/2007/QĐ – TTg ngày 01/11/2007 phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 -2015, có xét đến năm 2025


Kính gửi: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội

Người khởi kiện: Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Luật
Quốc tịch: Việt Nam
HKTT: 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội

Người bị kiện: Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 1 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.


NỘI DUNG

Ngày 01/11/2007, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/2007/QĐ – TTg Phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 -2015, có xét đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Quyết định) trong đó có đề cập khai thác bauxit tại Tây Nguyên. Tôi thấy Quyết định này được ban hành trái pháp luật như trình bày sau đây.

I. QUYẾT ĐỊNH TRÁI LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 14 Mục 1 (Đánh giá môi trường chiến lược) Chương III Luật Bảo vệ môi trường quy định đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gồm:

1/ Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia;

2/ Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên quy mô cả nước;

3/ Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vùng...

Điều 15 Mục 1 (Đánh giá môi trường chiến lược) Chương III Luật Bảo vệ môi trường quy định: “1/ Cơ quan được giao nhiệm vụ lập dự án quy định tại Điều 14 của Luật này có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; 2/ Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là một nội dung của dự án và phải được lập đồng thời với quá trình lập dự án”.

Khoản 6 Điều 17 Mục 1 (Đánh giá môi trường chiến lược) Chương III Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Kết quả thẩm định báo cáo môi trường chiến lược là một trong những căn cứ để phê duyệt dự án”.

Điểm a Khoản 7 Điều 17 Mục 1 (Đánh giá môi trường chiến lược) Chương III Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với các dự án do Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Căn cứ vào các quy định trên của Luật Bảo vệ môi trường thì Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 -2015, có xét đến năm 2025 là đối tượng điều chỉnh của Điều 14 Mục 1 (Đánh giá môi trường chiến lược) Chương III Luật Bảo vệ môi trường, đồng nghĩa với việc Thủ tướng Chính phủ không thể phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 -2015, có xét đến năm 2025 nếu Quy hoạch này không có Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Thế nhưng Quy hoạch lại “chưa có một Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược” như Báo cáo số 91/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội về việc triển khai các dự án bô-xít thừa nhận.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 -2015, có xét đến năm 2025 trong khi Quy hoạch này không có Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức là trái Luật Bảo vệ môi trường!

II. QUYẾT ĐỊNH TRÁI LUẬT QUỐC PHÒNG, LUẬT DI SẢN VĂN HOÁ

Khoản 2 Điều 11 Luật Quốc phòng quy định: “Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu vực trọng điểm về quốc phòng phải được Bộ Quốc phòng và cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ phối hợp thẩm định”. Như vậy, Luật Quốc phòng là một căn cứ để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định.

Khoản 1 Điều 4 Luật Di sản văn hoá quy định “lối sống, nếp sống” thuộc di sản văn hoá phi vật thể được Nhà nước bảo vệ và phát huy. Việc khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit được triển khai trên diện rộng ở Tây Nguyên chắc chắn dẫn tới việc di dời một số đáng kể đồng bào dân tộc khỏi nơi sinh sống truyền thống của họ, dẫn tới “lối sống, nếp sống” của đồng bào rất có thể bị thay đổi. Để nói Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit nhất thiết phải có sự thẩm định của ngành văn hoá nhằm đảm bảo di sản văn hoá phi vật thể ấy không bị mất đi, đồng nghĩa Luật Di sản văn hoá phải là một căn cứ để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định.

Thế nhưng Quyết định chỉ ghi: “Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001”, đồng nghĩa Quyết định được ban hành không căn cứ Luật Quốc phòng, Luật Di sản văn hoá mà lẽ ra phải căn cứ. Do đó Quyết định này là trái pháp luật.

III. QUYẾT ĐỊNH TRÁI LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) quy định: “Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc Hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch Nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, chỉ thị”. Như vậy để ban hành Quyết định, Thủ tướng Chính phủ nhất thiết phải căn cứ Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường là hai luật điều chỉnh trực tiếp việc thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản cũng như phải căn cứ Luật Quốc phòng, Luật Di sản văn hoá là những luật điều chỉnh gián tiếp Quy hoạch như đã trình bày. Do đó, Thủ tướng ban hành Quyết định mà không căn cứ các luật này và các nghị định hướng dẫn thi hành là trái Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật!


*

Nguyên tắc của pháp luật là chủ thể của mọi hành vi (ban hành văn bản hành chính, lời nói, hành động…) trái pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đều là đối tượng khởi kiện. Ngoài ra, căn cứ:

- Khoản 2 Điều 4 Luật bảo vệ môi trường: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân” (khởi kiện để Toà án huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật sai trái là một cách thực thi quyền và trách nhiệm bảo vệ môi trường).

- Khoản 1 Điều 128 Luật Bảo vệ môi trường: “Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

- Khoản 3 Điều 12 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan, tổ chức khác và công dân có quyền giám sát văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý văn bản quy phạm pháp luật sai trái (khởi kiện để Toà án huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật sai trái là một cách thực thi quyền của công dân giám sát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật sai trái).


*

Tôi, Cù Huy Hà Vũ, bằng Đơn này khởi kiện Thủ tướng Chính phủ do đã ban hành trái pháp luật Quyết định số 167/2007/QĐ–TTg Phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 -2015, có xét đến năm 2025.

YÊU CẦU

Tôi trân trọng đề nghị Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý Đơn khởi kiện này và đưa vụ án ra xét xử để huỷ bỏ Quyết định số 167/2007 QĐ–TTg ngày 01/11/2007 Phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 -2015, có xét đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ do Quyết định được ban hành trái pháp luật, đồng thời huỷ bỏ các dự án khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit đã, đang và sẽ được triển khai trên cơ sở Quyết định trái pháp luật này.

Trân trọng,

NGƯỜI KHỞI KIỆN
CÙ HUY HÀ VŨ
ĐT: 04.37342679, 0904350187

-------------------------------------------
Xem file gốc PDF (Scan từ đơn in trên giấy):
Đơn khởi kiện
Luật sư Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Hosted by eSnips


II. BÀI PHỎNG VẤN LUẬT SƯ CÙ HUY HÀ VŨ TRÊN RFI



Phóng viên (PV): Xin kính chào Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Xin cảm ơn Luật sư đã nhận trả lời phỏng vấn ngày hôm nay.
Thưa Luật sư, trước hết, xin Luật sư có thể cho biết là:
- Vì sao ông đã quyết định kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa, mà không phải là kiện một vị lãnh đạo nào khác, trong quyết định vẫn tiến hành các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên?


Luật sư Cù Huy Hà Vũ (LS): - Thời gian vừa qua, tôi cũng nghĩ rằng, dự án bauxite này - như công luận Việt Nam đã phản ánh - gây hại nhiều hơn là có lợi. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ là với sự phản ứng của công luận, của các vị cách mạng lão thành (như Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thì chắc rằng Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu, sẽ phải nghĩ lại, phải cân nhắc thật là cẩn trọng. Nói cách khác, là dừng triển khai việc khai thác bauxite hiện nay đang được tiến hành ở Tây Nguyên. Những chứng cứ ở Quốc hội vừa qua cho thấy là Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chủ trương tiến hành. Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vẫn chủ trương tiến hành, thậm chí Quốc hội là nơi để có thể bàn thảo dự án này, thì chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là Ô.Trần Đình Đàn cũng tuyên bố trước là Quốc hội cũng sẽ thông qua. Vì vậy, tôi cực chẳng đã phải dùng đến biện pháp tư pháp này, tức là khởi kiện ra tòa án người đã có quyết định (QĐ) hành chính sai lầm dẫn tới việc khai thác bauxite Tây Nguyên.
Đó chính là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, là người đã ban hành quyết định số 167/2007/QĐ_TTG ngày 01/11/2007 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.
Tại sao tôi lại khởi kiện Thủ tướng? - Bởi vì, chính cái QĐ tôi vừa nói đó, là cơ sở để người ta triển khai khai thác bauxite hiện nay ở vùng Tây Nguyên. Đấy là cơ sở pháp lý và pháp luật Việt Nam cho phép mọi công dân có quyền khởi kiện hành chính để kiện người nào đó đã ra những văn bản hành chính trái pháp luật, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân - trong đó có cá nhân tôi.

PV: - Thưa Luật sư, như vậy theo luật pháp hiện hành của Việt Nam thì QĐ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn cho tiến hành các dự án khai thác bauxite trái với những văn bản pháp luật nào?

LS: - Vâng!
Thứ nhất, QĐ phê duyệt đó của Thủ tướng là trái luật bảo vệ môi trường.
Cụ thể, ở điều 14, mục 1, chương III: Đánh giá môi trường chiến lược (Luật bảo vệ môi trường) quy định: Đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Bao gồm chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển xã hội cấp quốc gia.
Thứ hai, chiến lược quy hoạch kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên quy mô cả nước.
Thứ ba, chiến lược quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng thành phố trực thuộc trung ương hay vùng. Điều 15, mục 1, chương III: Đánh giá môi trường chiến lược (Luật bảo vệ môi trường) quy định: Cơ quan được giao nhiệm vụ lập dự án quy định tại điều 14 (vừa nói ở trên) có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
Báo cáo đánh giá môi trương chiến lược là một nội dung của dự án và phải được làm đồng thời với quá trình lập dự án.
Khoản 6, điều 17, mục 1, chương III: Đánh giá môi trường chiến lược (Luật bảo vệ môi trường) quy định rõ hơn: Kết quả thẩm định báo cáo môi trường chiến lược là một trong những căn cứ để xây dựng dự án.
Điểm a, khoản 7, điều 17, mục 1, chương III: Đánh giá môi trường chiến lược (Luật bảo vệ môi trường) quy định: Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với các dự án do Quốc hội Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ tướng Chính phủ không thể phê duyệt quy hoạch này nếu nó không có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được thẩm định bởi hội đồng thẩm định do Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức.
Thế nhưng, "quy hoạch này lại chưa có một báo cáo đánh giá về môi trương chiến lược". Tôi dẫn nguyên văn sự thừa nhận công khai của Chính phủ tại báo cáo trước Quốc hội vừa qua để giải trình các dự án triển khai các sự án bauxite.
Do đó, tôi kết luận Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành QĐ phê duyệt phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite - rõ ràng là trái Luật Bảo vệ Môi trường.
Thứ hai, QĐ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là trái Luật Quốc phòng, trái Luật Di sản Văn hóa.
Cụ thể, khoản 2, điều 11 (Luật Quốc phòng) quy định: Quy hoạch kế hoạch kinh tế xã hội vùng, tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và khu vực trọng điểm về quốc phòng phải được Bộ Quốc phòng và các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ phối hợp thẩm định. Như vậy Luật Quốc phòng là một căn cứ để Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ.
Khoản 1, điều 4 (Luật Di sản Văn hóa) quy định: Lối sống, nếp sống thuộc di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước bảo vệ và phát huy. Cho nên việc khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite được triển khai trên diện rộng ở Tây Nguyên chắc chắn dẫn đến việc phải di dời một số đáng kể đồng bào dân tộc khỏi nơi sinh sống truyền thống của họ, tức vùng rừng núi. Điều này dẫn tới lối sống, nếp sống của đồng bào rất có thể bị thay đổi.
Việc quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite nhất thiết phải có sự thẩm định của ngành văn hóa nhằm đảm bảo văn hóa phi vật thể.
Vì vậy, để bảo tồn văn hóa phi vật thể (trong trường hợp này là lối sống, nếp sống) của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên - đồng nghĩa với Luật Di sản Văn hóa - phải là một căn cứ để Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ phê duyệt quy hoạch.
Thế nhưng, điều vô cùng kỳ cục - thực sự tôi cũng bị sốc - khi xem lại việc lập QĐ này thì Thủ tướng chỉ có ghi là: "Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001..." Chỉ có thế thôi! Không có căn cứ vào một luật nào khác, điều này có nghĩa là QĐ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được ban hành hoàn toàn không căn cứ Luật Quốc phòng, Luật Di sản Văn hóa mà tôi vừa nhắc đến. Văn bản luật cuối cùng mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm trái - đó là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thế nhưng, điều vô cùng kỳ cục - thực sự tôi cũng bị sốc - khi xem lại việc lập QĐ này thì Thủ tướng chỉ có ghi là: "Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001 ..." Chỉ có thế thôi! Không có căn cứ vào một luật nào khác, điều này có nghĩa là QĐ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được ban hành hoàn toàn không căn cứ Luật Quốc phòng, Luật Di sản Văn hóa mà tôi vừa nhắc đến.
Thực vậy, điều 15, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (quy định thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ) quy định: Căn cứ vào Hiến pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh nghị quyết của UB TVQuốc hội, QĐ của Chủ tịch nước, Nghị quyết nghị định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ chỉ thị.
Như vậy, ta thấy rõ ràng rằng, để ban hành QĐ, Thủ tướng Chính phủ nhất quyết phải căn cứ vào Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường - là 2 luật hiển nhiên chi phối trực tiếp việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản (trong trường hợp này là bauxite), cũng như QĐ là phải căn cứ vào Luật Quốc phòng, rồi Luật Di sản Văn hóa - là những luật điều chỉnh gián tiếp việc quy hoạch như tôi vừa trình bày ở trên.
Do đó, việc Thủ tướng ban hành QĐ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản ở Tây Nguyên mà không căn cứ vào các luật này, cũng như không căn cứ vào các nghị định hướng dẫn thi hành các luật này, rõ ràng là trái luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

PV: - Vâng. Thưa Luật sư, đó là những văn bản luật mà theo ông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không căn cứ vào đó để ra QĐ liên quan đến việc khai thác bauxite Tây Nguyên. Nhưng bây giờ, ông sẽ khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa với tư cách gì và căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để bản thân ông có thể đứng ra kiện một người đứng đàu Chính phủ như vậy ạ?

LS: - Như chúng ta đều biết, nguyên tắc của pháp luật là chủ thể của mọi hành vi (ban hành văn bản hành chính, lời nói, hành động...) của những người có thẩm quyền trái pháp luật, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự - thì đều là đối tượng khởi kiện cả.
Ngoài nguyên tắc chung đó, còn có những quy định rất cụ thể của những luật liên quan, dẫn tới việc công dân có thể khởi kiện những QĐ, những văn bản hành chính đi ngược lại luật tôi vừa kể trên.
Thứ nhất, ngoài nguyên tắc trên, tôi còn căn cứ vào khoản 2, điều 4, Luật Bảo vệ Môi trường: Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, là quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân... Vậy thì, việc tôi khởi kiện tòa án hủy bỏ quyết định sai trái của Thủ tướng, đó là cách thực thi quyền và trách nhiệm bảo vệ môi trường của công dân Cù Huy Hà Vũ.
Căn cứ thứ hai là khoản 1, điều 128, Luật Bảo vệ môi trường, đó là: Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc khởi kiện tại Tòa án về hành vi vi phạm pháp luật, về Bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ ba, là khoản 3, điều 12, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ: Mặt trận Tổ quốc VN, các thành viên, các cơ quan tổ chức khác và công dân có quyền giám sát văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý văn bản quy phạm pháp luật sai trái. Vậy thì tôi coi việc mà tôi khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa để hủy bỏ QĐ mà Thủ tướng đã phê duyệt, là một cách thực thi quyền công dân của tôi, quyền giám sát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật sai trái. Đấy là những cơ sở pháp luật để tôi quyết định khởi kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ra Tòa án Nhân dân TP Hà nội do việc Thủ tướng đã ban hành QĐ trái pháp luật số 167/2007/QĐ_TTG ngày 01/11/2007 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.
Nói cách khác, tôi khởi kiện để mong chấm dứt hành vi gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, và tổn hại này không chỉ ở hiện tại trước mắt, mà có thể là một tổn hại chưa chắc có thể chuộc lại được. Đó cũng là một cách tôi thể hiện lòng biết ơn của mình đối với các thế hệ từ nhiều ngàn năm nay phấn đấu xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam chống lại mọi sự xâm lấn của nước ngoài, để bảo vệ tài nguyên cũng như bờ cõi cho người Việt.

PV: - Chúng tôi xin cám ơn LS Cù Huy Hà Vũ đã nói về việc khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa về vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên.


III. RFA PHỎNG VẤN LUẬT SƯ CÙ HUY HÀ VŨ



Trách nhiệm

Mặc Lâm : Thưa Luật Sư, xin ông cho biết là với Hiến Pháp hiện hành của nhà nước Công Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì việc ông khởi kiện một thủ tướng có được pháp luật cho phép hay không?

LS Cù Huy Hà Vũ : Theo luật Việt Nam thì việc khởi kiện ra toà là được áp dụng đối với tổ chức, đối với cá nhân có hành vi hành chính hoặc là có những quyết định hành chính trái với pháp luật, thì việc đó luật pháp Việt Nam cho phép.

Vả lại, căn cứ vào Bộ Luật Dân Sự thì mọi hành vi, mọi chủ thể tức là những người có những hành vi mà vi phạm pháp luật đấy, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì nếu không nghiêm trọng đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì đều là đối tượng có thể bị khởi kiện ra toà.

Cho nên trong trường hợp này, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là một cá nhân hoặc là đại diện cho một tổ chức có thể bị khởi kiện như bất cứ một công dân nào khác.

Mặc Lâm : Thưa ông nguyên tắc để thành lập một vụ án thì bên nguyên đơn phải chứng minh được những thiệt hại vật chất hay tinh thần của bị đơn đối với mình hay với cộng đồng. Trong trường hợp này làm sao chứng minh được trách nhiệm liên đới của thủ tướng có thể gây tác hại cho chủ thể, thưa ông?

LS Cù Huy Hà Vũ : Chuyện chứng minh cái tác hại nghiêm trọng của quyết định của thủ tướng phê duyệt "quy hoạch phân vùng thăm dò - khai thác - chế biến - sử dụng quặng bauxite 2007-2025" là rất rõ ràng, bởi vì chính Quốc Hội đã đưa ra những cái luật để ngăn cấm những hành vi đó.

Chẳng hạn, đó là luật bảo vệ môi trường quy định rất rõ là cấm những hành vi xâm hại đến môi trường, vậy thì cái quyết định của Thủ Tuớng Nguyễn Tấn Dũng đã bất chấp những quy định của pháp luật ở Luật Bảo Vệ Môi Trường, một bộ luật rất là cụ thể, chớ không phải là cảm nhận.

Quyết định trái luật?

Mặc Lâm : Đơn kiện của ông ghi rõ là chống lại việc thủ tướng ký một văn bản trái pháp luật, xin Luật Sư cho biết chi tiết kỹ thuật về một văn bản trái pháp luật cụ thể như thế nào?

LS Cù Huy Hà Vũ : Việc mà tôi kiện Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng là tôi kiện ổng vì đã ban hành một quyết định trái pháp luật, tức là nó trái với những luật đã được ban hành.

Ví dụ quyết định đó trái Luật Bảo Vệ Môi Trường, quyết định đó trái Luật Quốc Phòng, rồi trái Luật Di Sản Văn Hoá này, hình thức nội dung văn bản này, trái nốt cả Luật Ban Hành Văn Bản Vi Phạm Pháp Luật, tức là trong trường hợp này tôi căn cứ vào luật để tôi bác bỏ quyết định của Thủ Tướng.

Tất nhiên, sau cái quyết định đó của Thủ Tướng thì có nội dung về việc cho phép khai thác bauxite, thì cái việc bác bỏ của tôi căn cứ trên cái quyết định đó trái luật, thì cũng thực tế và trong thực chất là họ đã triển khai việc khai thác bauxite hiện nay.

Mặc Lâm : Đơn khởi kiện của Luật Sư được gửi cho tòa án cấp nào và liệu có đủ yếu tố pháp lý để tòa án thụ lý vụ kiện này hay không?

LS Cù Huy Hà Vũ : Đơn khởi kiện của tôi đương nhiên là tôi phải tính đến chuyện là phải được thụ lý, bởi vì tôi hoàn toàn căn cứ vào các quy định của pháp luật. Vả lại, tôi là một người hoạt động về luật, cũng có nhiều kinh nghiệm, đã tham gia nhiều phiên toà thì tôi cũng không đến nỗi ngây thơ để làm đơn khởi kiện để rồi người ta không thụ lý.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một cách khách quan rằng vụ kiện Thủ Tướng Chính Phủ dù sao cũng là một việc mà trước hết là nó sẽ gây một bối rối có thể nói rất là mạnh đối với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói riêng và đối với lãnh đạo Việt Nam nói chung, cho nên lãnh đạo chắc chắn họ cũng phải cân nhắc để cho cái toà vẫn thuộc sự chi phối của lãnh đạo Việt Nam có nên thụ lý hay không thụ lý đối với đơn khởi kiện của tôi.

Nhưng tất nhiên tôi tin rằng dù toà án Việt Nam có đưa ra những lập luận gì đi chăng nữa thì tôi sẽ tiếp tục có đầy đủ những cơ sở pháp luật để hoá giải dần những lý do họ đưa ra.

Cái chuyện người ta đưa ra những lý do để từ chối việc này việc kia, thậm chí người ta bất chấp, thì tôi đã quen rồi, và đó là thực trạng ở Việt Nam : người ta nói một đàng làm một nẻo, người ta đưa ra những luật nhưng người ta lại bất chấp luật pháp (do chính họ đưa ra) thì cái toà án Việt Nam cũng bất chấp luật pháp rất nhiều.

Thì cái việc người ta tìm cách trì hoãn, hay là chưa thụ lý ngay, hoặc là thế nào đó, thì cái chuyện đấy không cũng không ngoài cái tầm suy nghĩ của tôi. Nhưng mà cho dù các ông ấy suy nghĩ như thế nào thì tôi vẫn tin rằng sự thật vẫn là sự thật.

Tôi tin rằng dù toà án Việt Nam có đưa ra những lập luận gì đi chăng nữa thì tôi sẽ tiếp tục có đầy đủ những cơ sở pháp luật để hoá giải dần những lý do họ đưa ra.
LS Cù Huy Hà Vũ
Mặc Lâm : Chúng tôi xin một câu hỏi cuối cùng nữa. Trong vụ án giáo xứ Thái Hà, một đồng nghiệp của ông là Luật sư Lê Trần Luật đã bị sách nhiễu, bị gây khó khăn mọi cách vì ông này là luật sư biện hộ cho các bị cáo. Như vậy thì đơn kiện của ông có thể sẽ bị đối xử tương tự như vậy và đôi khi còn nặng nề hơn thế nữa. Lụât Sư đã chuẩn bị tinh thần như thế nào đối với những diễn tiến sắp tới?

LS Cù huy Hà Vũ : Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi làm gì trái pháp luật cả, cho nên không có một cơ quan nào ở nước Việt Nam này, cá nhân lãnh đạo nào ở nước Việt Nam này có thể cấm tôi hoạt động về pháp luật. Tôi khẳng định điều đó.

Còn ngược lại, nếu người ta có những hành vi trái pháp luật nào đó thì người phá pháp luật Việt Nam họ sẽ phải trả giá, trước hay sau thôi. Nhưng mà kết luận lại, tôi luôn nghĩ rằng tôi làm việc pháp luật và việc tôi khởi kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là vì lợi ích chung, vì lợi ích quốc gia.

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là một nhà lãnh đạo của một giai đoạn nhất định chứ ổng không thể là nhà lãnh đạo của Việt Nam vĩnh viễn được, cho nên các nhà lãnh đạo Việt Nam nói chung và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói riêng hãy nghĩ đến sự hạn hữu trong sự cầm quyền của mình, hãy vì lợi ích lâu dài và trường tồn của nhân dân Việt Nam.

Mặc Lâm : Xin cám ơn Luật sư Cù Huy Hà Vũ dành thời giờ cho chúng tôi trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.


------------------------
Nguồn:
- Toàn văn lá đơn khởi kiện dài 4 trang
-
RFI
- RFA

.
◄◄ Home

1 comments:

FreeVN said...

Tin đáng chú ý.

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!