Một ngày Chủ Nhật đáng giá!

Thức dậy quãng 5 rưỡi sáng, vớ vội cặp kính bơi vừa đi vừa chạy ra biển. Vào tháng 6, mặt trời mọc sớm nên lúc này đã cách mặt nước chừng 4-5 lần đường kính (biểu kiến) của nó!
Bơi ra chỗ neo mấy chiếc ghe thúng, đu người lên ghé coi một chút (dù thừa biết 99,99% bên trong chẳng có gì!) rồi lại bơi trở vào.
Hôm nay phải về sớm để luyện bộ "Hèn ký Thập cửu chương" của bác Nhạc sĩ họ Tô (từ đây gọi tắt là bác Tô)!
Điểm tâm xong đã gần 7 rưỡi sáng.
Hôm qua đã coi lướt hai chương đầu. Toàn tập gần 200 trang PDF A4 loại "narrow margin" - ngốn cả ngày chứ chẳng chơi!

Chuẩn bị tư thế trường kỳ... ngấu nghiến: Đặt View -> Zoom ở mức 170% là vừa chiều ngang của cái màn hình 18". Cỡ chữ này đủ để ngồi cách xa tầm một thước (quá cẩn thận vì loại màn hình này đâu có bức xạ nhiều như loại CRT dùng bóng đèn)!

Tưởng rằng chỉ cần ngả người thoải mái trên chiếc ghế xoay kèm theo việc gõ phím PgDn đều đặn mà... luyện chưởng, nào ngờ mới được vài trang đã phát hiện mấy lỗi đánh máy hết sức sơ đẳng!
Thôi toi rồi! Hôm qua giờ cứ ngỡ họ scan bản in vào máy rồi dùng phần mềm nhận dạng chứ! Kiểu lỗi này chỉ có khi đánh lại bằng tay, hoặc... bản gốc quyển hồi ký được biên tập cẩu thả (Nhưng loại trừ ngay khả năng này vì biết nó được xuất bản ở dạng pờ-rồ: bìa cứng, giá 25 USD). Như vậy có thể kết luận sơ bộ là nó vừa được đánh máy tốc hành và đưa lên mạng.
Thôi đành thành thật cáo lỗi cùng tác giả - coi như cảm thông cho niềm háo hức của cư dân mạng đang săn lùng bản hồi ký mấy tuần nay - mà bỏ qua mấy cái morrase lẻ tẻ!

Đến 8 giờ tối nghỉ giải lao việc luyện chưởng bằng trận tranh hạng 3 giữa Tây Ban Nha và Nam Phi. Một trận cầu kịch tính ở 20 phút cuối với 4 bàn thắng chia đều cho cả hai phía. Phải sang hiệp phụ thứ nhì, Tây Ban Nha mới khẳng định được vai vế đương kim vô địch Âu châu của mình trước niềm thất vọng ê hề của cổ động viên Nam Phi trên sân nhà.

Còn khoảng 50 chục trang cuối là thời gian dành để chờ xem trận chung kết Brazil-USA!

Một ngày Chủ Nhật để đọc hết cuốn hồi ký rất đáng!

* * *

Vài cảm tưởng sau khi đọc "Hèn ký Thập cửu chương" của bác Tô:

* Cuốn hồi ký cung cấp những cứ liệu sống động góp phần mô tả bức tranh tổng thể của một nền chuyên chính vô sản áp lên hai miền đất nước ngót 70 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc. Thỉnh thoảng, phác thêm vài nét chấm phá về quân đội, văn hóa và hậu trường chính trị trong cái thời có lắm anh hùng và vô số thằng hèn - nhưng không hề biết (hay cố tình không biêt) cái sự hèn của mình!

* Điểm đặc trưng dễ nhận thấy là chỗ... tự nhận cái sự hèn của tác giả. Lâu nay đa phần thấy người ta hay phê bình thói hư tật xấu của thiên hạ, ít khi nói đến (hay cố tình lảng tránh) cái tật của mình. Thế nhưng, cuốn hồi ký này lại dụng công khai thác tất tần tật những cái sự... hèn của bản thân, với cụm từ "TRONG ĐÓ CÓ TÔI" được lặp rất nhiều lần, ở những đoạn cao trào nhất!

* Chuyện kể về mối tình nghiệt ngã bếp Tý - vú Bích ở chương 3 cho thấy một tâm hồn lãng mạn và rất nhân văn của Tô nhạc sĩ. Mình thật sự xúc động khi đọc đến đoạn cậu Tô gặp vú Bích bị bà chủ (mẹ cậu) đuổi ra khỏi nhà, cậu chạy vào lấy trộm con búp-bê ra tặng, mà vú không dám nhận vì lo cậu phải đòn...
Thêm một chi tiết cho tâm hồn lãng mạn rất... nghệ sĩ của của bác Tô là xuất xứ bài hát Nụ Cười Sơn Cước:
Trường hợp gặp cô Phẩm, một thiếu nữ xinh đẹp như tranh ở giữa rừng sâu, xung quanh là suối reo, chim hót. Hoàn cảnh và thời điểm dễ đưa đẩy hai người đến chỗ “tranh thủ yêu nhau” lắm chứ? Nhưng không! Ngoài những cái cầm tay lắc lắc, một nụ hôn cũng không. Tôi không dám làm xáo động tâm hồn và thể xác của bông hoa rừng này. Tất cả, tôi cho nó bung ra trong bài hát Nụ Cười Sơn Cước, viết ngay trên đường đến trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn từ chợ Trò về chợ Dầu.
Chao ôi bác Tô ơi là bác Tô! Giới trẻ bây giờ mà đọc đoạn này thế nào cũng khóc thét lên:
- Sao mà bác dại thế? Non nước hữu tình, nàng đẹp như tranh thế mà sao bác không mần "đờ-mi" môi em nó phát!

* Có vài phần khá thú vị như đoạn đối thoại trong phiên tòa “Văn hóa đồi trụy” được xử công khai mấy ngày liền tại... Thư Viện Trung Ương:
Hỏi:
– Ai cho phép anh đánh “nhạc nhẹ”?
Toán xồm:
– Dạ! Thưa quí tòa, tôi được cửa hàng Nhà Nước thuê đánh đã 3, 4 tháng nay.
Hỏi:
– Anh đánh những nhạc gì?
– Dạ, nhạc nhẹ ạ!
Hỏi:
– Anh đánh cụ thể những cái gì?
Đáp:
– Dạ! La Paloma, La Comparsita, Violetta, Tango bleu... toàn là bài hát nghe qua đĩa hát của... Liên Xô, Cuba, Ba Lan thôi ạ!
Hỏi:
– Nhưng anh đánh có đúng như người ta không?
– Dạ! Họ đánh Rumba, Mambo, Tango, Cha Cha Cha thế nào là chúng con đánh đúng như thế thôi ạ!
Hỏi:
– Anh có biết “Cha Cha” là điệu nhảy đồi trụy không? (nhiều tiếng cười)
Đáp:
– Dạ, đâu có! Cha Cha Cha là nhịp nhảy Mỹ la-tinh, Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Đông Đức đều đánh...
Quan tòa lúng túng vì lỡ “hố” khi đi vào lĩnh vực chuyên môn, đập bàn:
– Im ngay, đừng có ngoan cố!
Hoặc đoạn sau có thể dùng để lý giải cho mấy cái clip nhận tội, xin khoan hồng bất thường:
Đoàn Văn Công của tôi cũng là một đơn vị cần-tìm-cho-ra “kẻ thù giai cấp!” Trong các cuộc đấu tố nội bộ, ai cũng phải... “tự kể tội” mình đối với nông dân rồi trình bày trước tập thể để được bổ sung, “giúp đỡ”, phê phán cho thấy được “Anh là người chưa giác ngộ giai cấp, chưa thật sự cải tạo tư tưởng...” thậm chí phải công nhận bố mẹ là địch, là bóc lột, là... đủ thứ đáng tội chết!
Lúc này, cảnh bị treo ngược và dùng chày nện vào vai, vào lưng, vào gan bàn chân để tra tấn cho đến chết nhiều “phần tử ngoan cố” vì không nhận tội, hoặc “kẻ thù giai cấp” vì trót liều nhận tội… khiến anh nào anh nấy đều phải cố gắng “bịa” ra những cái “tội” mà mình chẳng có bao giờ, để được phán là... “thành khẩn” và sớm được thông qua, chờ cấp trên xử lý!

* Như mình đã từng nhận định trong một entry trước khi đọc Hồi ký của một thằng hèn: Tất cả hồi ký, tự truyện của những người "trong cuộc" (người đã từng hoặc đang là đảng viên Cộng sản) đều có giá trị lịch sử cao hơn giá trị văn học-nghệ thuật của nó. Điểm mấu chốt mà chúng thu hút được người đọc là vạch trần SỰ THẬT không chút e dè. Mỗi người một ít, họ mô tả cái thực trạng của xã hội Cộng sản ở Việt Nam từ mấy chục năm nay, bây giờ thì gần như đã tồng ngồng 100% trước bàn dân thiện hạ.

Thế nhưng, ĐIỀU MỈA MAI ĐAU XÓT CHO CẢ DÂN TỘC NÀY là đại đa số đều chọn con đường của đám quan nịnh thần nhìn ngắm bộ "ngự bào Cộng sản" để sống qua ngày (tệ hơn là lắm kẻ vin vào đấy để làm giàu bất chính)! Lâu lâu, mới được thấy một em bé ngây thơ thốt lên: - Ô kìa nhà vua đang ở truồng!

Và, "em bé ngây thơ 83 tuổi" - Tô Hải - đã thốt lên theo kiểu đó, tiếng thét ngân lên kéo dài xuyên suốt 19 chương hồi ký, chắt chiu ngót 10 năm ròng !!!

Ông vua ở truồng ơi, chủ nghĩa Cộng sản còn đầy đọa dân tộc này đến đến bao lâu nữa?

.
◄◄ Home

1 comments:

Anonymous said...

Theo mình nghĩ "ông vua ở truồng" này sẽ không ở trên ngai vàng lâu nữa đâu, đã sắp hết 3 "chu kỳ" rồi. Đó là lời nói của 1 người rất nổi tiếng sống trước năm 1975.

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!