Bài phát biểu của ĐB Dương Trung Quốc

Có lẽ đây là kỳ họp quốc hội được người dân quan tâm nhiều nhất trong suốt mấy chục năm qua. Một phần vì chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên sẽ được bàn thảo trong kỳ họp. Một phần vì nhu cầu dân chủ hóa đất nước đang trở nên bức thiết đối với công chúng (những người nắm được thông tin đa chiều). Có một câu nói vui rằng: "Quốc hội các nước cộng sản họp thì mọi người đều đỏ hai bàn tay, còn quốc hội các nước tự do họp thì mọi người đỏ mặt".
Năm nay, có một vị đại biểu đến từ Đồng Nai, với mái đầu bạc trắng đã làm quốc hội đỏ mặt và cư dân mạng đỏ hai bàn tay. Xin mời xem toàn văn bài phát biểu của Ô. Dương Trung Quốc:



Kính thưa Quốc hội,

Báo cáo Chính Phủ tại mỗi kỳ họp của Quốc hội phải là bức tranh toàn cảnh tình hình đất nước diễn ra giữa hai kỳ họp, và đặt trong tính liên tục của thời gian. Mục tiêu chống suy giảm kinh tế do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, đương nhiên là một trọng tâm rất quan trọng. Báo cáo của Chính phủ đã phản ảnh nội dung trọng tâm ấy và chúng ta ghi nhận những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ, nhưng đánh giá về hiệu quả của nó thì mong thận trọng, vì chúng ta đã biết đến nhiều dự báo không chính xác trước những biến động vô lường đang diễn ra.

Tại kỳ họp trước, khi Quốc hội bàn về điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế, tôi đưa ra quan điểm rằng rất khó xác định, nên tránh định lượng một cách chủ quan và y như rằng trong kỳ họp này Quốc hội lại phải bàn để hạ chỉ tiêu một lần nữa mà không biết có chính xác được hay không. Điều đó chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng là trong những đánh giá, chúng ta phải hết sức thận trọng.

Nhưng điều chúng tôi muốn phát biểu là giữa hai kỳ họp không chỉ có vấn đề chống suy giảm kinh tế, một vấn đề mang tính ứng phó do tình huống, mà còn nhiều điều cần nói tại diễn đàn của Quốc hội, diễn đàn của nhân dân.

Chúng ta không chỉ chống đỡ với cơn bão suy giảm của nền kinh tế, nhưng ngoài biển Đông đâu phải sóng yên biển lặng. Chúng ta đang đứng trước những thách đố trong một sự nghiệp lâu dài và chiến lược là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải quốc gia. Những động thái đang diễn ra trên biển Đông, trong đó có những việc mà Chính phủ đã phải làm như những tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao, như việc trình lên Liên Hiệp Quốc đăng ký về vùng biển chủ quyền của Việt Nam, vậy mà chúng ta thấy báo cáo của Chính phủ chưa tương xứng với độ nóng với tình hình thực tiễn. Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ có vai trò ngoại giao của Chính phủ, có sức mạnh của lực lượng quốc phòng, và quan trọng hơn hết là lòng yêu nước và tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của người dân. Do vậy Quốc hội cần được Chính phủ cung cấp đầy đủ thông tin để thực hiện sự giám sát cũng như tạo sự đồng thuận của nhân dân trên những mục sống còn này. Bài học lịch sử đã cho thấy chỉ một sai sót của Chính phủ, dân tộc phải chịu đựng những hậu qủa lâu dài.

Một vấn đề gây nhiều quan tâm của nhiều cử tri vào thời điểm này là dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Việc báo cáo chính thức của Thủ tướng Chính phủ chỉ lướt qua có vài dòng, và phải đến kỳ họp Quốc hội đã diễn ra được hai ngày, Chính phủ mới ủy quyền Bộ trưởng Thương mại có văn bản giải trình theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, cho thấy trong tư duy của Chính phủ, đây vẫn là sự đối phó nhiều hơn là sự nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề này.

Tôi không bàn về những vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ. Nhưng tôi đã dự các cuộc hội thảo, đã đọc những phản biện nghiêm túc, công phu theo đúng chức năng, như phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam mà tôi là thành viên, thì tôi thấy luận chứng của Chính phủ chưa giải đáp được những phản biện mà các nhà khoa học đã đưa ra.

Riêng tôi, tôi xin phát biểu với góc độ của một người làm công tác nghiên cứu lịch sử. Và tôi rất tiếc là có một cử tri lão thành, một hội viên, cũng là Chủ tịch danh dư của Hội Sử học Việt Nam chúng tôi, đó là đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã có tới 3 bức thư phát biểu về vấn đề này, mà bức thư cuối cùng đề ngày 20 tháng 5 năm 2009, tức là đúng ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, gửi các cơ quan lãnh đạo và Quốc hội, mà rất tiếc là trong thời điểm này rất ít đại biểu Quốc hội biết tới.

Tôi xin bày tỏ quan điểm của tôi bằng những câu hỏi:

Thứ nhất, là trong tư duy của Chính phủ có dự trữ cho tương lai, có để dành cho con cháu không? Hay cứ có chút của cải nào của tổ tiên để lại làm cho bằng hết. Đất đai, than đá, dầu khí, hiện chiếm một tỉ trọng rất cao trong thu ngân sách là một biểu hiện. Người phương Bắc, họ có “Thập tam lăng” là 13 ngôi mộ của các hoàng đế, họ chỉ khai quật một vài, còn để lại cho con cháu khi đủ tiền, đủ tài. Còn khoáng sản thì họ mua thô để dự trữ cho tương lai. Tại sao ta không để dành bauxite cho con cháu làm, khi chúng ta có đủ năng lực và đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Ngoài bauxite, Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng khác. Bauxite không phải là duy nhất. Tổ tiên ta đã dạy "lọt sàng xuống nia" hay còn nhiều câu khuyên hay hơn là "đời cha phải tập ăn nhạt thì đời con mới có nước uống".

Thứ hai, một câu hỏi được đặt ra là vì sao một chủ trương lớn như thế, quan trọng như thế có thể làm thay đổi Tây Nguyên như thế, và đã được chuẩn bị lâu như thế mà đến lúc này, Quốc hội mới có cơ hội bàn đến. Phải chăng đây có vấn đề trong cái nguyên lý "ý Đảng - lòng dân", hay giữa chủ trương của Chính phủ và lòng dân còn có một khoảng cách? Tôi không dám như đại biểu tỉnh Lâm Đồng nhân danh là toàn thể nhân dân của tỉnh ủng hộ, tôi chỉ muốn dựa vào ý kiến của một bộ phận mà chính trong văn bản của Bộ Chính trị đã bày tỏ lòng biết ơn - đó là những vị lão thành cách mạng, đó là những nhà khoa học tâm huyết, để nói rằng tại sao một vấn đề được đặt ở một tầm mức quan trọng như vậy mà cái bộ phận nhân dân này vẫn cảm thấy chưa đồng thuận. Vậy thì Quốc hội phải xem chính vai trò của mình, tại sao đứng ngoài sự việc?

Khi giải trình, Chính phủ đưa ra hai tiêu chí để dự án này không phải đưa ra Quốc hội, là hạn mức đầu tư chưa đủ, và mới làm quy hoạch. Vậy mà ai cũng biết rằng việc xây Nhà Quốc hội và mở rộng Hà Nội đã từng đưa ra Quốc hội đâu phải vì hạn mức đầu tư hay mới làm quy hoạch? Còn ý kiến của Bộ Thương mại cho rằng nhiều người không tán thành khai thác bauxite vì thiếu thông tin, thậm chí bị những thông tin xấu lung lạc. Vậy thì trách nhiệm đầu tiên cũng thuộc về Chính phủ. Chính tôi đây và có thể nhiều vị đại biểu Quốc hội khác cho đến trước ngày 22 tháng 5, tức là hai ngày trong kỳ họp này, chúng ta mới có được một thông tin tương đối đầy đủ. Và ngay tại cuộc hội thảo do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì mà tôi có tham dự vào ngày mùng 9 tháng 4, khi Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, sau một công trình nghiên cứu đưa ra con số những lao động nước ngoài sử dụng visa du lịch, thì ngay lập tức, chủ tịch - đại diện của tỉnh Lâm Đồng - chỉ đưa ra một con số không đầy 1/10, mà trong khi đó Phó Thủ tướng chủ trì không đưa ra được con số nào chính xác, như thế là chúng ta không có đầy đủ thông tin.

Cuối cùng, tôi đoan chắc rằng khi triển khai qui hoạch này, Chính phủ chưa quan tâm đến lịch sử Tây Nguyên, nhất là lịch sử gắn kết Tây Nguyên với lãnh thổ tổ quốc của chúng ta. Chúng tôi sẵn sàng phát biểu nếu có thời gian và Chính phủ muốn lắng nghe ở một cơ hội khác.

Xin cám ơn.

.

◄◄ Home

4 comments:

Nguyễn Phan said...

Cho đến nay, người ta nhiều người cho rằng đại biểu quốc hội ở Việt Nam chỉ là bù nhìn, cây cảnh vì đại đa số toàn là đảng viên ĐCSVN, tức chỉ một mực làm những gì đảng bảo, bàn những thứ đảng cho phép. Mà theo hiến pháp nước CHXHCNVN thì "quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước". Điều này chứng tỏ có sự hiện hữu của một cơ chế siêu quyền lực, cao hơn cả quốc hội, đứng ngoài hiến pháp, đó là ĐCSVN

Lần này thì khác. Giọt nước bauxite đã làm tràn ly?

Dù sao cũng phải công nhận lần này các đại biểu như ông DTQuốc này đã tỏ ra có khí phách hơn trong quá khứ. Điều gì đúng, mình phải ngợi khen chứ!

Mặt khác cũng phải công nhận luôn là càng ngày càng có những nhà báo, tuy còn ăn lương nhà nước, nhưng đã bớt khiếp sợ hơn trước, thậm chí từng bước can đảm hơn, dám bước chân sang lề bên trái, như Trung Bảo trong "Tản mạn đảo xa", như blogger Osin Huy Đức, ... chẳng hạn.

Hy vọng lòng can đảm này sẽ kéo theo những lòng can đảm khác.

Xin trân trọng cảm ơn và vinh danh những bước chân tiên phong dẫn đường, thường là phải đối đầu với phong ba, bão táp, trù dập.

Chắc chắn lịch sử sẽ không quên những con người dũng cảm. Chắc những thế hệ mai sau sẽ không quên công ơn của những con người dũng cảm hôm nay. Như chúng ta hiện tại mang ơn và xiển dương công đức Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Hoàng Cơ Minh, ... đã đóng góp công sức, máu xương cho đất nước này.

Anonymous said...

Cái ông DTQ này cũng là đảng viên mà đảng viên thì không thể (không muốn nói là không dám) làm trái lại những "điều lệ" đảng, theo mình nghĩ, đây cũng chỉ là 1 màn kịch để tô vẽ những nét chấm phá cho thêm phần phong phú thôi, và cũng có thể bài diễn văn cũng đã được soạn sẵn theo ý đảng, để gây cho khán, thính giả cảm giác là có ý kiền trái ngược, để mà làm yên lòng dân thôi, chứ thực ra chả có thành tâm gì hết, vì muôn đời cs vẫn thế, thậm chí ngày càng tinh vi hơn.

Nguyễn Phan said...

Ý kiến của bạn có thể đúng trên lý thuyết, cả khi ba DB này mạnh miệng đi lề trái. Tuy nhiên tôi tin rằng rất nhiều trí thức trong nước ngoài mặt phục tùng ĐCSVN nhưng trong lòng họ chán ngấy cảnh "người khôn ở với người ngu bực mình - huống hồ gì nó còn nắm đầu và sai khiến mình như đầy tớ".

Họ - giới trí thức Việt Nam - từ lâu chờ đợi một bối cảnh khá hơn để muốn có một sự đổi đời theo đúng nghĩa tốt đẹp. Để họ còn có dịp thi thố tài năng và đóng góp chất xám sẵn có cho đất nước. Bối cảnh đó đang đến, khởi đầu và đang duy trì bởi những con người Việt Nam dũng cảm nhất đầu thế kỷ 21: linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Lê Thị Công Nhân, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ... Mỗi người trong chúng ta có bổn phận thúc đẩy tiến trình này. Bằng cách nào? Trên internet đã có rất nhiều sáng kiến, nếu bạn chưa biết phải làm gì.

Nhìn lại các nước cộng sản Đông Âu đã sụp đổ, rất nhiều tay cộng sản gộc như Yelsin (?), Gorbartschow, tại Hung, Tiệp, Ba Lan đã quay về hàng ngũ dân chủ khi điều kiện thuận tiện được tạo ra, nhưng trên, bởi những người xem nhẹ an nguy bản thân vì lòng yêu nước ngất trời.

Không ai biết trong lòng ba người DB này nghĩ gì, người ta chỉ đánh giá những phát biểu của họ. Những phát biểu này tích cực, có tác động tốt cho tiến trình dân chủ hóa đất nước thì mình khen họ lúc này và tán thành những lời của họ. Có thể ngày mai, vì áp lực của bạo quyền, họ lại trở về với thái độ bù nhìn như trước, thì bài nói chuyện của họ vẫn nên được đánh giá cao vì có giá trị nhất định của nó. Vả lại ta không nên quên tác động của ba đoạn video đối với người trong nước.

Người Việt hải ngoại vẫn xem bài "Tiếng gọi công dân" là quốc ca của miền Nam tự do, chứ không câu nệ bài viết đó do Lưu Hữu Phước sáng tác, một nghệ sĩ bị ĐCSVN khống chế và bị thui chột tài năng như bao nhiên nhân tài khác ở miền Bắc.

Xin chào

Nguyễn Phan

FreeOrDead said...

Anh nguyen đã nêu ra những dẫn chứng rất chí lý!

Ano... nói:
...Cái ông DTQ này cũng là đảng viên mà đảng viên thì không thể (không muốn nói là không dám) làm trái lại những "điều lệ" đảng...

Ano... này ít cập nhật thông tin quá, bây giờ thiếu gì đảng viên nhận ra Sự Thật, đã quay đầu về với Dân Tộc, với chính nghĩa. Một trong số rất nhiều đảng viên đó là Ô. Vi Đức Hồi - nguyên là Thường vụ huyện ủy, kiêm Giám đốc Trường Đảng huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn - đã ly khai đảng và can đảm vạch trần mọi sự thật trong hồi ký "Đối mặt".

Ô. DTQ là 1 trong số rất ít những người không phải là đảng viên trong quốc hội.

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!