Hồi ký của một thằng hèn ra mắt độc giả

Nhạc sỹ Tô Hải, tác giả bài hát Nụ cười sơn cước, vừa có cuốn sách xuất bản tại hải ngoại.
Tựa đề cuốn Hồi ký của một thằng hèn đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong cộng đồng mạng suốt mấy tháng qua.
Hôm Thứ Bảy 13/6/2009, tại tiểu bang California (Hoa Kỳ) đã diễn ra buổi lễ ra mắt cuốn hồi ký này.

Tên thật của ông là Tô Ðình Hải, sinh năm 1927 tại Hà Nội. Bắt đầu học chữ và học nhạc tại các trường Soeur Hà Nội. Sau khi đậu tú tài I chương trình Pháp, Tô Hải gia nhập Vệ Quốc Ðoàn rồi trở thành đảng viên đảng Cộng Sản. Từ năm 1947, tên tuổi Tô Hải được nhiều người biết đến với các ca khúc Nụ Cười Sơn Cước, Trở Lại Ðô Thành... Tô Hải viết nhiều, trên dưới một ngàn bản nhạc, nhưng như chính lời ông thú nhận, “hầu hết sáng tác của tôi là do 'hèn' nên nội dung chỉ là hát lên hát xuống các khẩu hiệu tuyên truyền.

Năm 1960, Tô Hải từ bỏ đảng Cộng Sản, ra khỏi quân đội. Sau năm 1975, ông vào Sài Gòn và năm 1986 về hưu non, chọn Nha Trang là nơi ở ẩn để để tránh “phải nhận chỉ thị buộc viết cái gì, viết thế nào, viết cho ai.”

Nhà văn Uyên Thao, đại diện Tủ sách Tiếng Quê Hương
(Người có dấu x)
Nhạc sỹ Tô Hải còn được biết đến như là một blogger cao niên nhất Việt Nam hiện nay.
Sau thông báo đóng cửa của Y!360, nhạc sỹ đã có ngôi nhà mới trên Multiply.
Năm nay đã 83 tuổi, nhưng hằng tuần ông vẫn cặm cụi bên chiếc laptop viết blog, chia sẻ với cộng đồng.

Theo lời một người thân, ông dự định sau khi chết mới cho ra mắt cuốn hồi ký này (vì bản thân và gia đình đang sống tại Sài gòn).
Thế nhưng, trước phong trào Dân chủ đang sôi động tại Việt Nam, ông đi đến quyết định xuất bản sớm ngay khi mình còn sống.

Như thế là ông chấp nhận đối diện với sự tấn công của báo chí lề phải:
“Xin đừng gọi tôi là nhà văn vì sách chưa ra mà báo đảng bên này đã lôi tôi ra sỉ vả tôi có là nhà văn bao giờ đâu. Vả lại tôi tự nhận không phải là nhà văn, cuốn sách này chỉ là một lời thú tội của một thằng đã sống hèn cả một cuộc đời!”

Để hiểu rõ hơn về ông, xin mời theo dõi các bài phỏng vấn sau đây:

1. Nghe RFA phỏng vấn Nhạc sỹ Tô Hải:



2. Bài phỏng vấn Nhạc sỹ Tô Hải trên BBC:

Đó là cuốn 'Hồi ký một thằng hèn' của nhạc sỹ Tô Hải, nói về cuộc sống và hoàn cảnh sáng tác cùng cực của văn nghệ sỹ miền Bắc thời kỳ trước 1975.

Nhạc sỹ Tô Hải năm nay 83 tuổi, là tác giả một số tác phẩm giao hưởng - hợp xướng và bài hát nổi tiếng. Ông đã nói chuyện với BBC về cuốn hồi ký mà ông nói là hoàn thành từ năm 2007:

Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi viết hồi ký này từ năm 2000, hoàn thành 2007. Lúc ấy tôi có ý định là tới 2010 mới xuất bản vì nghĩ nếu cuốn sách tung ra sẽ gây lôi thôi. Nhưng nói thực, bây giờ nhiều người viết còn 'ghê' hơn tôi.

Nên tôi mới bảo mình: Chả lẽ cứ hèn mãi như thế này? Trong cuốn sách có một chương tựa đề 'Tôi đã hết hèn', thế nhưng mà sự thực thì sao?

BBC: Chính xác bao giờ cuốn sách sẽ xuất bản, thưa ông?

Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi được nhà xuất bản (Tiếng Quê Hương, California, Hoa Kỳ) cho biết là trong khoảng từ 5-10 tháng Năm.

BBC: Thưa ông, từ 'hèn' tới 'hết hèn' là cả một quãng đường dài. Lúc nào thì ông cảm thấy mình đã 'hết hèn'?

Nhạc sỹ Tô Hải: Ngay từ khi tôi mới vào Sài Gòn này, khi tôi thấy là cái gọi là chủ nghĩa cộng sản chẳng có thật ở Việt Nam bao giờ.

Khi tôi vào Đảng, tôi nghĩ là để làm theo đúng những gì ông Marx, ông Lenin nói. Té ra là không phải. Anh lên nắm chính quyền, từ chính quyền xã, thì đều là "Mỗi người làm việc bằng hai, để ông chủ tịch mua đài mua xe".

Trong hồi ký tôi có viết một câu: "Sau cải cách ruộng đất tôi bỗng tỉnh người ra, té ra là chưa bao giờ có chủ nghĩa cộng sản thực sự".

Thế nhưng cuốn sách của tôi chủ yếu chỉ nói về các sai lầm, tội ác đối với văn nghệ thời xưa mà thôi. Như chúng tôi đã phải khổ, phải hèn như thế nào.

Thế nhưng cuốn sách của tôi chủ yếu chỉ nói về các sai lầm, tội ác đối với văn nghệ thời xưa mà thôi. Như chúng tôi đã phải khổ, phải hèn như thế nào.
(Tô Hải)
Ăn lương nhà nước mà không viết lách thì bị kiểm thảo, thậm chí viết những cái vô thưởng vô phạt mà người ta còn bắt bẻ.

Những cái đó bây giờ các ông lãnh đạo ngày hôm nay đã sửa rồi, đã cho phục hồi Tự lực Văn đoàn, tặng giải thưởng cho Nhân văn Giai phẩm, cho tái bản Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Trần Dần, đã cho đặt Lê Đạt vào nhà tang lễ của nhà nước.

Các ông ấy đang sửa, chỉ có điều các ông ấy chưa công bố chính thức, chưa xin lỗi đồng bào.

Mà tôi nghĩ các ông ấy bây giờ cũng không phải cộng sản như kiểu Karl Marx, Lenin-Stalin nữa.

BBC: Ông có nói về thời kỳ đau thương của văn nghệ Việt Nam, khi mà gần như ai cũng bị buộc phải 'hèn'. Nhưng ông đã ra khỏi quân đội, xin ra khỏi Đảng. Vậy đó có thể gọi là 'hèn' được hay không?

Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi là cái loại 'hèn anh hùng' (cười).

Tại vì tôi hèn nhưng không chịu tiếp tục hèn. Nếu tôi cứ hèn mãi thì khi ra quân đội, tôi cũng có chức vụ tối thiểu là đại tá, cũng giải thưởng này nọ. Nhưng tôi bỏ tất.

Tôi về hưu non, tôi không bao giờ đặt bút viết cái gì nữa cả.

Khổ cái là, cái nghề của bọn tôi không thể viết âm nhạc chửi bới, không viết kiểu ông Tú Mỡ được.

BBC: Thưa, ông nghĩ người ta sẽ đón nhận hồi ký của ông như thế nào ạ?

Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi chỉ mong để lại cho con cháu, thế hệ sau biết là cha ông chúng nó đã phải sống một cuộc đời hèn hạ như thế đấy.

Tôi có viết một chương rất đau khổ là: chẳng qua chỉ vì miếng ăn. Vợ con lơ mơ là nó cho chết đói, nó đuổi mình ra khỏi biên chế, cắt sổ gạo, không cho sáng tác, thế là khổ thôi.

Tôi tảo hôn, năm 23 tuổi, đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc thì tôi đã có ba con, chẳng lẽ để chúng nó chết đói? Thế là phải hèn.

Đưa người ta vào chỗ hèn hạ như vậy là chính sách của những tay lãnh đạo cũ.

Cuốn sách của tôi chỉ là nói những gì người ta biết cả rồi. Nhưng đối với thế hệ trẻ, hay những người ở miền Nam, thì có thể người ta không tưởng tượng nổi.

BBC: Ông có quan ngại sẽ gặp rắc rối gì khi cuốn sách ra đời không, thưa ông?

Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi đã chuẩn bị cả rồi, cho cả vợ con nữa. Gia đình mới của tôi chỉ có bà vợ với đứa con. Bà ấy bán bán mì ở đầu đường thì cùng lắm là bị cấm bán. Còn tôi, thì tôi sẵn sàng thôi. Mà tôi viết cũng chưa ăn thua gì so với nhiều người.

3. Bài phỏng vấn Nhạc sỹ Tô Hải trên báo Người Việt:

Người Việt: Thông thường, khi viết hồi ký, người ta có thói quen nói tốt về mình; riêng ông, ông lại viết rằng, đây là Hồi Ký Của Một Thằng Hèn; tại sao ạ?

Nhạc sĩ Tô Hải: Cuốn hồi ký này, chủ yếu tôi chỉ viết về sự hèn của tôi thôi. Hèn của tôi vì sống trong một xã hội mà suốt cả cuộc đời mình - cho tới khi về hưu - tôi mới dứt ra được. Trước kia, ăn lương của đảng và nhà nước, mình cứ phải viết những điều mình không muốn viết để tồn tại. Tôi cũng giống rất nhiều anh em khác, cuối đời mới thấy mình cần phải soi lại mình. Hành động soi lại mình này tôi đã làm từ 15-20 năm nay nhưng tôi không dám đưa ra ở trong nước, cho nên phải đưa ra ở ngoài nước. Nếu tại Việt Nam được tự do sáng tác, tự do xuất bản thì tôi in ở trong nước chứ tôi đâu phải đưa ra ngoài. Tới hôm nay, sách chưa ra mắt độc giả mà báo chí tại Việt Nam đã chửi tôi rồi. (Ho sù sụ). Tôi xin lỗi dạo này tôi hơi yếu nên hay ho và nói năng không lưu loát.

Người Việt: Ðọc hồi ký của ông, độc giả thấy ông vào lúc tròn đôi mươi đã nhìn lá cờ đỏ sao vàng như biểu tượng niềm tin của dân tộc, nhưng sau này ông nói rằng, cụ thân sinh ra ông từng bảo ông rằng “theo Cộng Sản mà thất bại trở về thì cụ thân sinh ra ông sẽ tống ra ngoài cửa”. Hẳn rằng lúc bấy giờ, cụ thân sinh ra ông đã ý thức được sự tác hại của Cộng Sản đối với đất nước?

Tô Hải thời còn trẻ
Nhạc sĩ Tô Hải: Bố tôi lúc bấy giờ làm trong ngành bưu điện, nên ông có nhiều sách báo ở bên Tây gửi sang thành ra ông đọc được nhiều và tôi cũng đọc theo. Hai bố con chúng tôi có hai quan điểm rất đối lập nhau. Lúc bấy giờ, không chỉ riêng tôi, mà cả Vua Bảo Ðại và các nhà cách mạng lão thành cũng đều thấy cái ông Nguyễn Ái Quốc sau đổi tên thành Hồ Chí Minh là người yêu nước chứ chẳng phải là Cộng Sản gì cả. Nhất là ông Hồ lại còn giải tán Ðảng Cộng Sản Ðông Dương và thành lập Chính phủ Liên hiệp với sự tham gia của nhiều người không Cộng Sản. Bố tôi thì bảo “mày bị lừa” và cũng chính câu nói của ông bố tôi đã đẩy tôi đi theo ngọn cờ đỏ sao vàng. Nói thật, đó là tự ái của tôi lúc bấy giờ mới 18 tuổi. Thế cho nên tôi tiếp tục theo Cộng Sản. Cho tới thời kỳ Cải cách Ruộng đất thì tôi vỡ mộng và tôi bắt đầu viết, nhưng viết một nửa để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con, còn một nửa viết những tác phẩm tiêng cho tôi. Những tác phẩm viết để kiếm ăn, toàn bộ chỉ là một mớ táp nham mà thôi chứ chẳng có chút giá trị nào về văn học nghệ thuật. Mãi tới bây giờ, khi viết Hồi Ký Một Thằng Hèn, tôi mới sống thật, viết thật, để cho độc giả và con cháu thấy rằng có một thời, văn nghệ sĩ chúng tôi đã góp tay vào những chính sách có tội như vụ Cải cách Ruộng đất gây nên chết chóc. Tôi viết không phải để mong trở thành nhà văn mà chỉ mong bạn bè, con cháu biết rằng cuộc đời của chúng tôi nó đau khổ như thế đấy khi phải sáng tác theo chỉ thị.

Người Việt: Trong chiến tranh, ông ở ngoài Bắc, gia đình ông di cư vào Nam và ông có một người em rể là Trung Tướng Lâm Quang Thi của Việt Nam Cộng Hòa; khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, ông nhìn xã hội miền Nam ra sao ạ?

Nhạc sĩ Tô Hải: Trên blog của tôi, tôi đã bớt hèn để bộc lộ tâm trạng của mình trong bài viết “Ði Thăm Giàu Hỏi Sướng.” Tôi vào Sài Gòn sau năm 1975, cả gia đình tôi đã đi Mỹ, y như tôi về Hà Nội năm 54, cả gia đình lúc bấy giờ đã di cư vào Nam. Tôi không đến nỗi như cô Dương Thu Hương khi vào Sài Gòn thấy mình bị lừa nên ngồi xuống lề đường bật khóc; mà tôi đã biết trước đây không phải là một cuộc chiến tranh chống xâm lược như thời chống Pháp, và xã hội miền Nam không như đảng tuyên truyền là bị o ép, nghèo khổ, cho nên khi vào Sài Gòn, biết gia đình đã đi Mỹ, tôi mừng quá. Vừa nhớ thương bố mẹ, anh em, nhưng tôi mừng vô cùng thấy cả nhà đã đi thoát. Nếu ở lại thì đi tù “mút mùa” (sic). Không phải riêng tôi, nhiều anh em khác ở ngoài Bắc vào cũng mang tâm trạng như thế. Tôi thấy xã hội miền Nam rất tự do, tôi thấy lối sống tự do của anh em cầm bút trong Nam mà thèm quá. Các ông nhà văn miền Nam lúc nào cũng đàng hoàng, hoàn toàn tự do sáng tác không cần phải phục vụ ai; dân chúng sống thoải mái, buôn bán tự do, hàng hóa đầy đường; dân chúng nông thôn tha hồ chim trên trời, cá dưới nước, chẳng bao giờ phải lo lắng như dân miền Bắc.

Tôi vui khi thấy miền Nam như thế nhưng lo vì sợ đảng và nhà nước lại làm cải cách ruộng đất, lại tiến hành đấu tố, lại làm các thứ khác... thì khổ cho dân miền Nam. Nhưng may là những gì miền Bắc từng chịu đựng thì miền Nam chỉ gánh chịu một nửa thôi. Tôi nói một nửa vì cũng có cải tạo công thương nghiệp, cũng bắt dân đi kinh tế mới, nhưng không bị cảnh chết người, vợ chồng con cái anh em đấu tố nhau như ngoài Bắc. Cho nên có một số người miền Nam cứ ghét chung người miền Bắc thì tôi cho đó là một sự sai lầm, vì ngoài Bắc chịu ách Cộng Sản kinh khiếp hơn dân miền Nam nhiều. Dân Bắc khổ, khổ cả tinh thần lẫn vật chất, khổ không còn bút mực nào tả xiết. Vì có kinh nghiệm với Cộng Sản, nên khi một số anh em đến thăm tôi sau 75 như Phạm Ðình Chương, tôi bảo anh ấy tìm đường đi đi. Tôi khuyến khích tất cả bà con họ hàng anh em ai có cơ hội thì nên vượt biên hết đi.

Người Việt: Khi tự nhận mình hèn, hẳn rằng ông đã phải can đảm lắm để vượt thoát khỏi nỗi lo sợ đè năng tâm hồn ông từ hơn nửa thế kỷ qua?

Không thể giải quyết được chế độ hiện nay nếu dân tộc ta cứ hèn như thế này. Cái hèn của người dân nếu có đáng trách, đáng chê một, thì cái hèn của người cầm bút đáng tội gấp một trăm lần. Vì người cầm bút là kỹ sư tâm hồn, chuyên đi gieo rắc những tư tưởng, những tình cảm cho con người, mà họ lại không dám nói ra những điều họ nghĩ, thì tội đó to lắm.
(Tô Hải)

Nhạc sĩ Tô Hải: Không thể giải quyết được chế độ hiện nay nếu dân tộc ta cứ hèn như thế này. Cái hèn của người dân nếu có đáng trách, đáng chê một, thì cái hèn của người cầm bút đáng tội gấp một trăm lần. Vì người cầm bút là kỹ sư tâm hồn, chuyên đi gieo rắc những tư tưởng, những tình cảm cho con người, mà họ lại không dám nói ra những điều họ nghĩ, thì tội đó to lắm.

Hiện nay, khi ngồi ở quán nước trò chuyện với nhau, ai cũng hăng hái phê phán chế độ. Kể cả các tướng tá trong quân đội cũng hăng như thế. Nhưng chả ai dám nói công khai cả. Cũng có một số người như Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Ðài... đã can đảm lên tiếng và đang trả giá bằng những năm tháng tù đầy. Tôi hoàn toàn bái phục những người trẻ này. Còn nói chung, dân tộc Việt Nam đã lâu bị chuyên chính vô sản kềm hãm, mà giới lãnh đạo chế độ hiện nay vẫn cứ cố bám địa vị bằng chiêu bài vô sản nhưng thực chất là họ làm kinh tế tư bản. Vậy mà mấy ai dám lên tiếng. Thái độ ngậm miệng đó khiến tôi rất thất vọng. Thành ra tôi viết hồi ký và tự nhận mình là thằng hèn để thoát khỏi thái độ hèn trong tôi từ bao năm qua. Nhưng để đi đến kết quả Việt Nam có dân chủ, tự do thì phải làm cái gì hơn, chứ chỉ viết hồi ký như tôi thì cũng không đi đến đâu. Cuốn hồi ký của tôi chỉ làm một việc là vạch mặt những bóng tối vẫn còn đang trùm phủ Việt Nam, và tôi chỉ làm được như thế thôi.

Người Việt: Làm cách nào dân tộc mình thoát khỏi nỗi sợ hãi đã đè nặng từ ngày cộng sản cướp chính quyền vào mùa Thu 1945, thưa ông?

Nhạc sĩ Tô Hải: Tôi chỉ thấy hầu hết người ta lúc sống thì nghĩ một đằng, nói một nẻo. Nhiều người chết rồi mới dám công bố những suy nghĩ thật của mình, tỷ như nhà văn Nguyễn Khải, nhà thơ Chế Lan Viên. Văn nghệ sĩ còn thế huống hồ dân chúng. Cũng phải nói là có vài người dám viết, dám nói lúc còn sống như Hoàng Minh Tường viết cuốn Thời Của Thánh Thần; Ðào Hiếu viết Lạc Ðường... nhưng số này không nhiều lắm, nên tôi chưa thấy cách nào để toàn dân thoát khỏi nỗi sợ hãi để tìm lối thoát chung của đất nước.

Hình bìa cuốn hồi ký

Người Việt: Câu chót xin phỏng vấn ông, ông có tâm sự gì muốn nói thêm với độc giả Người Việt không ạ?

Nhạc sĩ Tô Hải: Tôi chỉ mong một điều, là đồng bào hải ngoại luôn luôn phải cảnh giác những lời lẽ của nhà nước cộng sản. Họ “nói vậy mà không phải vậy” (sic). Họ hôm nay nói thế này, mai họ lại nói khác. Ðồng bào trong nước biết rất rõ thái độ đó của nhà nước. Tôi luôn nghĩ rằng, Tổ quốc là của chung, không của riêng ai cả. Chúng ta không thể để cho một nhóm, một đảng phái nào muốn làm gì thì làm. Tôi ước mong rằng đồng bào ở ngoài nước, đừng vì những hiềm khích, những khác biệt trong phương pháp, mà chia rẽ nhau để rồi quên đi mục đích chung là đấu tranh cho một đất nước Việt Nam có tương lai tốt đẹp. Chúng ta phải tin tưởng một ngày nào đó chưa định trước được, đất nước của chúng mình sẽ thay đổi, Tổ quốc chúng ta Bắc-Trung-Nam sẽ hòa hợp cùng vui ngày vui đó.

Người Việt: Cám ơn nhạc sĩ Tô Hải đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

4. Nguyễn Nam Phong (Diễn đàn Tiếng nói Tự do của người dân Việt Nam) phỏng vấn Nhạc sỹ Tô Hải:
















-----------------------------
Nhạc khúc Nụ cười sơn cước do ca sỹ Sĩ Phú trình bày:


Nhạc khúc Nụ cười sơn cước do ca sỹ Ánh Tuyết trình bày:



-----------------------------
Địa chỉ mua sách:

Tiếng Quê Hương
P.O. Box 4653 - Falls Church, VA 22044

Email:info@tiengquehuong.com

.
◄◄ Home

2 comments:

Le Tung Chau said...

Dear PVH,
H nhầm rồi, hình mà H ghi chú "người có dấu x" trong bài này là nhà văn Uyên Thao, người chủ trương nhà xuất bản Tiếng Quê Hương.
Nhạc sĩ Tô Hải hiện ở Saigon, chung cư Miếu Nổi, Bình Thạnh.

PVH said...

Cám ơn anh Châu nhiều nha!
Hôm đó anh có đi dự không? Nghe nói đông quá không đủ chỗ thì phải?

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!