Việt Nam có phải là nơi đất lành chim đậu?

Chúng ta vẫn nghe báo đài nói rằng họ là những kẻ phản động này nọ...
Vậy hãy nghe những người trong cuộc nói gì:

Sau các bài viết trên blog cá nhân thẳng thắn bày tỏ quan điểm về những điều bất cập, bất công trong xã hội và tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa, nữ đạo diễn Song Chi đã gặp không ít rắc rối với chính quyền.

Từ đó, tất cả hợp đồng của chị với các hãng phim và đài truyền hình trong nước lập tức bị cắt ngang dù chị từng là đạo diễn cho hai bộ phim đoạt giải của TFS nhan đề Nữ bác sĩ, Giải Vàng Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc tháng 1/2008, và phim Phố Hoài, Giải khuyến khích Hội điện ảnh Việt Nam 2002.

VN không phải là một nơi làm việc tốt

Đạo diễn Song Chi vừa được chính phủ Nauy cấp quy chế tị nạn chính trị. Chị đã dành cho Trà Mi cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi đặt chân tới Nauy.

Đạo diễn Song Chi: Có rất nhiều lý do khiến tôi quyết định rời khỏi Việt Nam. Nhưng tóm lại, môi trường Việt Nam đối với tôi không còn là nơi mà tôi có thể sống và làm việc tốt như tôi mong muốn nữa.

Đầu tiên là tháng 4-5 năm ngoái, bộ phim dài 36 tập Chi chuẩn bị bấm máy cho Đài truyền hình TPHCM đã bị ngưng lại. Sau đó, hầu như Chi không thể làm bất cứ việc gì cả, bởi vì ở Việt Nam, khi một đạo diễn được biết rằng “có vấn đề về mặt chính trị” thì các đài truyền hình, các hãng phim họ rất ngại mời.

Trà Mi: Một số người thắc mắc là hiện nay có rất nhiều những tiếng nói bất đồng gặp nhiều khó khăn với chính quyền hơn chị nữa. Điển hình như các thành viên trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do chẳng hạn anh Điếu Cày, chị Tạ Phong Tần..v..v..Thế nhưng vì sao trường hợp của chị lại đựơc chiếu cố cho đi tị nạn dễ dàng như vậy? Ý kiến của chị như thế nào?

Đạo diễn Song Chi: Chi ra đi theo quy chế bảo trợ của một tổ chức gồm các nước Châu Âu dành cho các trường hợp văn nghệ sĩ-trí thức gặp phải những vấn đề khó khăn với chính quyền của họ.

Mỗi năm họ nhận rất nhiều hồ sơ của nhiều trường hợp khác nhau, ở các quốc gia khác nhau. Với trường hợp của Chi, Nauy là nước đã tiếp nhận Chi như là một guest writer của họ.

Nói lên những điều người dân không nói được

Trà Mi: Những người trong nước biết đến chị không những với tư cách là một đạo diễn mà còn là một blogger có nhiều bài viết mạnh dạn chống lại những bất công-bất cập trong xã hội. Giờ đây, khi đã ra khỏi nước rồi, chị có còn quan tâm đến những điều ấy nữa không?

Đạo diễn Song Chi: Tôi đã, đang, và vẫn luôn luôn quan tâm đến số phận của đất nước tôi, dân tộc tôi, cho dù có sống ở bất cứ nơi nào trên trái đất này.

Bây giờ khi đã sống trong một đất nước tự do, dân chủ như Nauy thì tôi biết rằng mình đã có thể sống một cuộc sống bình yên. Và tất nhiên tôi rất mong muốn mình sẽ có thể tiếp tục đựơc làm nghề, có cơ hội để thực hiện những bộ phim góp phần nói lên những điều mà rất nhiều người dân Việt Nam thấp cổ bé họng muốn nói nhưng lại không nói đựơc.

Trà Mi: Nhưng một cách cụ thể, chị làm cách nào hoặc có những phương án nào để biến những giấc mơ của mình thành hiện thực?

Đạo diễn Song Chi: Bước đầu tiên, họ bảo trợ cho Song Chi ở đây 2 năm. Trong thời gian 2 năm đó, họ cũng sẽ bảo trợ một phần cho mình thực hiện một dự án làm phim. Và cái phim đó tất nhiên là cũng về các vấn đề của Việt Nam thôi. Bởi lẽ thực tế mối bận tâm lớn nhất của Chi luôn luôn là về Việt Nam, về đất nước mình thôi.

Nỗ lực cùng nhau làm những điều có ích cho Quê hương

Trà Mi: Một số trường hợp khi còn trong nước thì họ đấu tranh mạnh mẽ, nhưng khi ra được bên ngoài rồi thì trở nên im hơi lặng tiếng với những vấn đề quan tâm ở Việt Nam. Chị có suy nghĩ gì về điều này?

Đạo diễn Song Chi: Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Khi chúng ta đến sống trong một đất nước xa lạ, phải bận rộn, vất vả với việc hội nhập và tìm một chỗ đứng trong xã hội mới, chúng ta rất dễ buông xuôi theo cuộc sống và không còn muốn làm gì nữa.

Nhưng tôi nghĩ, mọi người phải tự vượt qua điều đó thôi. Rất may là trên thế giới ngày nay có internet. Cho nên mỗi con người dù sống ở mỗi quốc gia khác nhau, nhưng nếu đồng chí hướng, nếu có lòng thì vẫn tìm được nhau để chia sẻ và cùng nhau làm những điều có ích cho một tương lai tốt đẹp hơn của đất nước.

Trà Mi: Nhiều ý kiến cho rằng ra đi vì lý tưởng tranh đấu, nhưng khi đi đựơc rồi thì không còn lý tưởng đó, thì cũng không đem lại đựơc hiệu quả gì cho quê hương Việt Nam. Chị có chia sẻ quan điểm này không?

Đạo diễn Song Chi: Tôi nghĩ rằng ở trong nước hay ở bên ngoài đều có những cái khó và cái dễ.

Trong nước thì rõ ràng có không khí hơn, được ở ngay trong lòng đất nước như vậy, hàng ngày nhìn thấy những điều diễn ra ngay trước mắt, và có chung quanh đông đảo bạn bè để nuôi trong lòng ngọn lửa bức xúc hàng ngày.

Nhưng ngựơc lại, cái khó là nhiều khi muốn làm một điều gì đó hay muốn lên tiếng về điều gì đó thì rất là khó. Còn ra ngoài được sống trong một đất nước tự do, nhưng ngược lại, mình dễ bị đời sống hàng ngày cuốn đi. Mình lại không có cộng đồng chung quanh nữa.

Cái nào nó cũng có cái khó và cái dễ. Mỗi người cũng phải bằng mọi cách để nỗ lực nếu thực sự mình đã suy nghĩ rằng mình sống để làm gì.

Càng thương cho người Việt Nam hơn

Trà Mi: Nhiều người trong nước chắc cũng chưa hình dung được những nước bên ngoài, nói là tự do, nhưng không biết tự do đến mức độ nào. Bây giờ sau hơn một tháng định cư tại Nauy, nhìn lại Việt Nam, chị có so sánh gì không?

Đạo diễn Song Chi: Chi mới đến Nauy 1 tháng thôi, nhưng Chi nghĩ rằng mình càng đi xa, càng sống lâu bên ngoài thì mình sẽ càng rất thương cho người Việt Nam là tại vì rõ ràng ở các quốc gia khác, người ta thật sự rất tự do, rất dân chủ, và rất tôn trọng con người.

Nhân dân của họ muốn ý kiến như thế nào, muốn biểu tình, muốn lên tiếng, hoàn toàn người ta có thể làm được. Họ có tất cả những quyền lợi được bảo vệ từ bé cho đến khi về già.

Ở Việt Nam thì mỗi người phải tự bảo vệ mình thôi, bởi vì không thể trông cậy vào ai khác.

Người Việt Nam không có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Mình không có báo chí tư nhân. Hơn 700 tờ báo trong nước vẫn thuộc một tổng biên tập chung. Có sự chỉ đạo, có sự kiểm soát về nội dung cả.

Quyền tự do biểu tình mình lại càng không có. Ví dụ như năm ngoái, Chi cùng bạn bè biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa- Trường Sa, chứ không hề bao giờ dám biểu tình chống lại nhà nước Việt Nam, mà cũng đã không được phép rồi.

Còn những điều mình muốn nói, muốn lên tiếng hoàn toàn với tinh thần xây dựng đất nước, mong muốn xã hội tốt đẹp hơn, thì rất nhiều điều cũng không thể nói được. Đó là những ví dụ cho thấy rằng người ta có tôn trọng nhân quyền, tôn trọng nhân dân hay không.

Trà Mi: Từ một người đạo diễn thành danh trong nước trở thành một người tị nạn chính trị ở Nauy, chị có điều gì muốn chia sẻ, muốn nói với những người quan tâm?

Đạo diễn Song Chi: Hiện trạng đất nước, xã hội Việt Nam ngày nay bày ra trước mắt những người dân Việt còn có lương tri quá nhiều những vấn đề, quá nhiều những nỗi bức xúc như vậy.

Thật ra tôi cũng chỉ là một phụ nữ yêu công việc làm phim của mình, chỉ muốn sống với mối bận tâm về công việc và gia đình thôi, nhưng rồi cuối cùng cũng buộc phải lên tiếng, để rồi đành phải ra đi rời khỏi đất nước như hiện nay.

Ra đi để tíêp tục cái điều mà mình nhận thấy là mình cần phải làm gì từ khi còn ở trong nước, chứ không phải ra đi chỉ để tìm sự yên ấm cho riêng mình thôi.

Nhìn sự phát triển của đất nước người ta, nhìn người dân trong một đất nước, xã hội tự do họ được sống trong điều kiện như thế nào, để rồi càng xót xa cho Việt Nam nhiều hơn. Và thật lòng là chỉ khao khát một ngày nào đó đất nước thay đổi để có thể trở về mà thôi.

Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn chị Song Chi đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

Đạo diễn Song Chi: Cảm ơn chị Trà Mi rất nhiều.

------------------------------------------------------------------------

Báo chí Việt Nam gần đây đưa tin một giáo viên dạy văn tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam, là thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh, bị cho thôi việc vì "sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà Nước".

Cô Hạnh còn bị buộc tội "xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục".

Chúng tôi liên lạc với nhà giáo này để tìm hiểu sự việc. Cô cho biết, cô tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại Học Đà Lạt với luận văn có đề tài “Hoàng Cầm Trong Tiến Trình Thơ Việt Nam Hiện Đại.” Và cô cũng nói rằng, chính cô đã chọn Quảng Nam làm mảnh đất khởi đầu cho nghề dạy học của mình. Xin giới thiệu bài phỏng vấn của biên tập viên Thiện Giao với cô Nguyễn Thị Bích Hạnh sau đây.

Bị điều tra và buộc thôi việc

Thiện Giao: Xin được hỏi, các danh từ “thôi việc,” “đuổi việc,” và “ngưng hợp đồng,” danh từ nào phù hợp nhất với hoàn cảnh của chị?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi nghĩ không có danh từ nào phù hợp với hoàn cảnh của tôi cả.

Tôi nghĩ tôi làm việc với tinh thần nghiêm túc và với tâm huyết của một nhà giáo. Quyết định của Sở Giáo Dục làm tôi không hài lòng.

Quyết định này không rõ ràng. Bản thân họ, những người ra quyết định, cũng không hiểu rõ những chuyện giữa tôi và học trò. Họ chỉ nghe thông tin từ học trò, từ công an và từ những người khác. Họ làm việc với nhau rất lâu, và rồi đưa ra quyết định buộc thôi việc tôi.

Tôi thấy rằng hành động của họ là vi phạm quyền dân chủ và không tôn trọng nhân quyền. Họ xử lý công việc liên quan đến tôi mà không hỏi ý kiến tôi và ngay khi công an điều tra sự việc, họ cũng không gặp tôi. Họ chỉ áp lực sang Sở và Sở đưa đến quyết định như vậy.

Thiện Giao: Cơ quan nào có tiếng nói quyết định trong vụ của chị?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Cơ quan có tiếng nói quyết định trong sự thôi việc tôi là Sở Giáo Dục. Nhưng trước đó thì Sở không biết điều gì cả. Công an điều tra trước, điều tra học trò rất kỹ, rất lâu. Sau đó thì họ gặp Hiệu Trưởng, làm việc với Giám Đốc Sở, và Sở đưa ra quyết định buộc thôi việc tôi.

Thiện Giao: Giữa chị và trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có hợp đồng làm việc không?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi về tỉnh Quảng Nam theo diện thu hút nhân tài. Sở Giáo Dục phân tôi về trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.

***

Quý vị đang theo dõi cuộc phỏng vấn Đài chúng tôi với cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Bích Hạnh, người vừa bị cho thôi việc tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm vì “xuyên tạc đường lối của Đảng … truyền bá trang web phản động …” Thạc sĩ Bích Hạnh cho biết cô khuyến khích học trò chuyên của mình bớt chơi game mà nên dành thời gian tìm kiếm tri thức trên mạng. Cô đã giới thiệu với học trò các website, chẳng hạn talawas, Hợp Lưu, Tiền Vệ. Liên quan đến luận văn thạc sĩ, cô Bích Hạnh cũng nhận định “Nhân Văn Giai Phẩm cùng nhóm Sáng Tạo là 2 nhóm có khả năng cách tân thơ, cách tân nền văn học Việt Nam. Tiếc rằng nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã bị dập tắt nhanh chóng…” Xin tiếp tục theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây.

***

Tuyên truyền chống Nhà nước?

Thiện Giao: Báo chí nói chị có những bài giảng không đúng đường lối chính sách luật pháp của Nhà Nước. Theo trí nhớ, chị có nói những điều như vậy với học trò của mình?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi có nói, nhưng với nội dung thế này. Khi lên lớp, tôi dạy bài “Hai Đứa Trẻ,” một bài tiếng Việt, một bài phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.

“Hai Đứa Trẻ” là bài giảng văn rất hay, nhưng thời lượng không cho phép. Khi dạy xong theo phân phối chương trình, tôi có nói rằng các bạn về nhà, đào sâu, tự nghiên cứu, tự tìm tòi thêm về tác phẩm. Đây là một tác phẩm hay, các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu trên mạng vì hiện nay trên mạng có nhiều bài viết đăng tải thông tin rất thú vị.

Tôi cũng nói không phải bài viết nào trên mạng cũng hay. Có những bài hay, nhưng cũng có những bài chúng ta đọc và chọn lựa thông tin.

Tôi có nói các bạn cần cẩn thận với thông tin trên mạng, vì gần đây “cô đọc một bài viết trên mạng của giáo sư Lê Hữu Mục nói rằng Nhật Ký Trong Tù không phải của Bác Hồ.”

Tôi nói các bạn cần cẩn thận khi xử lý thông tin. Lúc đó, một em học sinh phát biểu rằng Bác Hồ là thần tượng của cả dân tộc, tại sao lại có thông tin như vậy. Tôi trả lời, rằng “cô tin sự thật, cái đẹp, chân lý luôn luôn tồn tại, cho dù ai đó có tìm cách phủ nhận, nó vẫn tồn tại.”

Tiếp theo, tôi dạy tiết “phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.” Tôi nói với học trò, cách trả lời phỏng vấn rất quan trọng. Nó cho người ta biết người trả lời phỏng vấn có kiến thức bao nhiêu, văn hóa như thế nào, văn hóa ứng xử ra sao.

Tôi nói các bạn cần cẩn thận khi xử lý thông tin. Lúc đó, một em học sinh phát biểu rằng Bác Hồ là thần tượng của cả dân tộc, tại sao lại có thông tin như vậy. Tôi trả lời, rằng “cô tin sự thật, cái đẹp, chân lý luôn luôn tồn tại, cho dù ai đó có tìm cách phủ nhận, nó vẫn tồn tại.”
Tôi có lấy một ví dụ bên lề, là khi Nông Đức Mạnh ra nước ngoài, có người hỏi “ở Việt Nam nhiều người nói ông là con Bác Hồ, ông nghĩ sao về điều này.” Tôi nói với học sinh, tôi nghe phong phanh ông ta không nói có, cũng không trả lời không, chỉ trả lời “ở Việt Nam, ai chẳng là con, là cháu bác Hồ.”

Tôi chỉ dạy học trò cách trả lời phỏng vấn. Tôi không có ý định nói Bác Hồ có con riêng hay chuyện này chuyện kia. Nhưng Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Quảng Nam nói cô Hạnh nói Bác Hồ có con riêng, và Tuyên Ngôn Độc Lập và Nhật Ký Trong Tù không phải của Bác. Đồng thời còn có một nội dung trong đó cô nói không nên thần thánh hóa Bác Hồ.

Tôi không nói là không nên thần thánh hóa bác Hồ. Tôi nói rằng mọi thiên tài đều là con người. Trước khi nhìn nhận là một thiên tài, hãy nhìn nhận họ dưới góc cạnh một con người để thấy chất người trong con người của họ. Tôi không hề có ý định hạ bệ lãnh tụ hay xuyên tạc, phản động. Nhưng Ban Tuyên Giáo kết luận tôi nói 4 nội dung như thế.

Khi đưa ra quyết định, họ kết tội tôi hạ bệ lãnh tụ và cấu kết với thế lực thù địch nước ngoài để làm diễn biến hòa bình.

Thiện Giao: Bây giờ chị định như thế nào?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Khi nhận quyết định, tôi nghĩ tội này là tội của một ai đó chứ không phải tội mà người ta gán ghép cho tôi. Vì vậy, tôi có ý định viết bài, đăng báo và gởi đơn khiếu kiện lên Sở, yêu cầu Sở giải trình nguyên do dẫn tới buộc thôi việc tôi.

Thiện Giao: Xin cám ơn thời gian của chị.


----------------
Nguồn:
- Một Đạo diễn VN xin tỵ nạn chính trị
- Cô Giáo bị buộc thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu thông tin trên Internet

.
◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!