Âm nhạc trong đời sống

Đứa cháu ba tuổi rưỡi kêu bằng bác, một bữa nằng nặc đòi ra biển. Nó bị cảm vừa mới bớt nên tôi phải dỗ:
- Đi biển nhưng ngồi xa coi chớ không được xuống vọc cát nghe không!
Nó gật đầu.

Chạy qua khỏi chiếc cầu vượt vài chục thước, tôi tấp xe lên bãi trống ở rìa ngọn đồi. Nhìn xuống một phần vịnh Nha Trang và Hòn Đỏ, sóng chiều nhẹ lăn tăn dẫn mấy chiếc ghe đánh cá lừ lừ tiến ra khơi. Toi chỉ tay:
- Đó, biển đó kìa!
Nó ngước mắt nhìn thao láo, rồi buột miệng:
- Sao nó không kêu?
- Cái gì kêu? Và tôi chợt hiểu ra nên giải thích luôn: - Vì mình đứng trên này cao quá, xa quá nên đâu có nghe được, đúng không?

Nó im lặng, đôi mắt thoáng buồn ngây ngô. Dường như biển ở khoảng cách này không mang cho nó chút gì hứng thú. Thì ra những lần cho nó ngồi vọc cát trên bờ, biển đã đi vào bộ nhớ của nó với đầy đủ hình hài và âm điệu.

Tôi bất giác so sánh với bản thân, đôi khi giữa cuộc sống xô bồ, cảm nhận của mình về thế giới thực còn kém tinh tế hơn đứa trẻ lên ba!
Âm thanh trong cuộc sống là một phần quan trọng góp phần khắc tả sự vật. Âm nhạc thì có chiều hướng nâng tâm hồn con người ta hướng đến tầm cao của Chân - Thiện - Mỹ. Bởi thế mới có các danh từ Thánh ca, Tình ca, Dân ca... chứ làm gì có "tặc ca", "tội ca", "đảng ca"...

Mới đây được đọc "Hèn ký thập cửu chương" của bác Tô và những bài viết trên blog của nhạc sỹ Hoàng Thanh Tâm, phần nào hiểu thêm nội tâm của những người mang lại âm điệu cho đời. Cách đây 5-6 năm tôi có đọc cuốn hồi ký của Nhạc sĩ Phạm Duy, giờ có thể tạm kết luận là hầu như ông nhạc sĩ nào viết văn cũng hay cả!



Nhớ những năm 1995-1996, chiều Thứ Bảy-Chủ Nhật rảnh rỗi thường đi dạo trong các tiệm bán đĩa CD, đôi khi cả buổi mới lựa được một cái ưng ý.
Thời bấy giờ chỉ là đĩa audio thuần túy, định dạng .mp3 chưa phổ biến và VCD thì hầu như không thấy.

Trong mớ đĩa CD tuyển chọn lúc ấy, một cái có tựa ĐÊM HOÀNG LAN (Diễm Xưa Đặc Biệt - Tình Khúc Hoàng Thanh Tâm). Tôi có thói quen không nghe trọn đĩa mà chỉ lựa một số bài ưng ý đưa vào list (Lúc ấy vừa tập tễnh học lập trình trên Windows với món Delphi 1.0 - và viết luôn một cái Media Player để xài!)

Trong số những bài bị loại khỏi danh sách Favourite có bài số 13 (Lời Cho Người Tình Xa). Lúc ấy ở chung nhà có thằng em họ thì lại đặc biệt thích bài nầy:
- Trời, sao bài đó hay vậy mà ông không nghe!
- Đồ điên, bài đó nghe cứ như đọc kinh mà hay nỗi gì (xin lỗi anh HTT nha, có sao kể dzậy người ơi!) Tôi thì kết nhất hai bài Đêm Hoàng LanDạ Khúc Cuối.
Thằng em họ vẫn nghe lui nghe tời bài nó thích, còn tôi thì... cực chẳng đã phải đưa nó vào list cho thằng ấy nghe ké, khỏi phải mè nheo.

Xem ra món ăn tinh thần cũng không khác chuyện ẩm thực là mấy, mỗi người một gu khác nhau.
Về bản thân thì rõ ràng tôi không có năng khiếu về âm nhạc. Nhớ hồi học lớp 8, ba tôi có mời một anh sinh viên về tận nhà dạy tôi học đánh đàn ghi-ta. Anh ấy là đồng hương gốc Huế, trắng trẻo thư sinh, có lẽ là ông thầy dạy nhạc đầu tiên và cũng là duy nhất của tôi.

Những khái niệm ban đầu kiểu như "một nốt trắng bằng hai nốt đen..." không thành vấn đề vì đó chỉ đơn thuần quy ước và ký hiệu mà thôi. Nhưng đến phần giữ nhịp thì bắt đầu có vấn đề. Ông thầy dạy tôi cách nâng gót chân lên xuống để giữ nhịp theo một bài nhạc trong cuốn "Tiếng hát trong phim". (Trong đó tôi còn nhớ Nhạc sĩ Tô Hải cũng có một vài bài, có đăng cả hình nữa, khi nào rỗi tìm lại scan lên đây chơi).
Tôi nghĩ bụng:
- Nhịp chân là để giữ khoảng cách lâu mau giữa các nốt, mà chân của mình thì muốn mình nhanh chậm theo cảm tính sao đúng được, sao không dùng cái gì bên ngoài như kim đồng hồ chẳng hạn...
Ông thầy nhăn nhó:
- Người chơi đờn đều phải tập như vậy, không ai nhìn đồng hồ để giữ nhịp trên sân khấu cả. Em không để ý mỗi khi có văn nghệ trên trường à?
Tôi thừa nhận là ông thầy nói đúng, vì hình ảnh mấy nhạc công chơi ghi-ta điện hay bass với đôi giày Adidas màu trắng nhịp nhịp rất điệu nghệ vẫn còn đọng lại trong trí nhớ tôi sau mỗi lần đi coi văn nghệ.

Thế rồi các buổi học cứ nhạt nhẽo dần khi tôi không ngớt nhìn lên đồng hồ, mong chóng xong để chạy lên gốc me tây chơi đá banh, ném lon... cùng đám bạn. Sau này tôi mới phát hiện ra rằng, anh sinh viên - thầy dạy nhạc cũng không khác tôi là mấy, chỉ có điều ổng khéo che giấu cảm xúc để không nhìn lên đồng hồ như mình: Xong buổi học thì tôi tót lên gốc me, còn ổng không về ký túc xá mà tạt qua nhà hàng xóm... tán cô láng giềng. Quả là con gái dậy thì sớm và iêu đương sớm thật, cùng tuổi thế mà đám con trai chúng tôi còn nhong nhong mặc quần tà lỏn chạy khắp xóm. Trong khi các ả đã là mục tiêu tấn công của mấy anh sinh viên. Hic hic

Được chừng vài tuần (mỗi tuần 2 buổi) thì lớp học nhạc của tôi... bế giảng!
Nói chung là tôi không có chút năng khiếu gì về âm nhạc, nhưng khoái nghe nhạc và xem nhật ký, hồi ký, bút ký... của các ông nhạc sĩ.

.

◄◄ Home

2 comments:

Nhạc sĩ HOÀNG THANH TÂM said...

Nguyên một album CD 14 bài, mà có một “thính giả” chỉ không thích có một bài, là tác giả đã cảm thấy “hồ hởi, phấn khởi” lắm rồi. Vẫn hơn có nhiều “nhạc sĩ lớn” khác của chúng ta, sáng tác cả ngàn bài nhạc chỉ “Để gió cuốn đi” vào … hư không. (Đúng là số 13 …. Xui thật!).
Xin mời vị thính giả “khó tính” nghe thử bài Vết Thương Đời Của Em của Hoàng Thanh Tâm, xem có còn chê nữa hay không? Nếu cũng còn bị chê, thì HTT sẽ “giải nghệ” liền!

PVH said...

Chuyện thích hay không thích một bài hát là sở thích riêng của từng người - H. đã ví như các món ăn. Bài số 13 H. không thích nhưng thằng em họ lại mê, có gì mà xui anh!

Nhiều bài hát "để gió cuốn đi" là anh HTT dùng từ quá tế nhị, còn bác Tô thì nói thẳng là "đồ vứt đi"! hehehe...

Ví như thính giả "khó ưa" này không thích Vết Thương Đời Của Em (chưa nghe, để H. nghe đã) thì cũng đâu có sao anh, đừng giải nghệ mà - năn nỉ đó! hichichic...

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!