Thế nào là Tự Do?

Dường như không ai muốn viết ra định nghĩa tường minh cho hai chữ Tự do.
Nó được diễn đạt thông qua văn học, điện ảnh, hay qua những mảnh đời thực đầy ấn tượng.

- Đó là tiếng thét mở cửa vào Thiên đàng của người chiến binh trong Trái tim dũng cảm[1].

- Đó là lý tưởng mà Abraham Lincoln thổi vào hồn dân tộc Mỹ qua bài diễn văn Gettysburg, góp phần đưa đất nước non trẻ này vượt qua mặt nhiều đế quốc khác chỉ trong vòng hai thế kỷ.

- Đó là ngày hàng trăm triệu người dân Liên Xô và Đông Âu cùng chung tay xua tan mây mù của Chủ nghĩa Cộng sản, đưa con thuyền dân tộc theo luồng gió Tự do Dân chủ.

- Đó là sự đánh đổi mạng sống cùng đại dương mênh mông, bão tố, cướp biển, lao tù để tìm đến Bến bờ Tự do của hàng triệu người dân Việt trong suốt hơn một thập kỷ:
"Thấy nhỏ nhoi và thấy mênh mông
Thấy một ngày đằng đẵng trăm năm
Không thấy tới, thấy còn trôi mãi
Nhưng thấy Tự do ở rất gần"
[2]
. . .

Qua đó, ta cảm nhận giá trị của Tự do theo góc nhìn của mình, ở vào hoàn cảnh mình đang sống.

Tự do và Cộng đồng trên bản lề Đạo đức[3]

Nếu chỉ có mình ta trên thế gian này, Tự do không còn ý nghĩa gì hết. Ta la hét, đập phá, ta làm cả ngàn chuyện vô lối thì vạn vật cũng trơ gan cùng tuế nguyệt mà thôi.
Tự do chỉ có giá trị khi nó được thiết lập trong một cộng đồng với những ước lệ nhất định.

Vào thời hồng hoang của nhân loại, con người sống trong các hang động, săn bắt và hái lượm để mưu sinh. Điều kiện sinh hoạt rất gần với dã thú, nhưng nhờ sự tiến hóa vượt bậc của bộ não, loài người đã không thể hiện cái "Tự do cầm thú".
Họ đã không nhẫn tâm hành xử theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé" như một số loài bơi lội dưới nước. Đó cũng chính là giá trị căn bản đáng quý nhất của Con Người. Các chuẩn mực Đạo đức bắt đầu được hình thành theo sự phát triển của xã hội.
Mỗi cá thể không thể tự do hành xử theo ý thích của mình bất chấp tác động của nó đến Cộng đồng ra sao. Dựa trên cơ sở của Đạo đức mà các ràng buộc được ban hành, đó là sự ra đời của Luật pháp.

Hầu hết Luật pháp ở các chế độ đều dựa trên những nguyên tắc căn bản của Đạo đức. Chẳng hạn, chiếm đoạt tài sản của kẻ khác đều phạm vào tội trộm cướp; gây nguy hại cho tính mạng của kẻ khác bị phạm vào tội giết người...
Tuy nhiên, trong mọi chế độ luôn tồn tại những điều luật bất hợp lý.
Sự bất cập, phi lý của các điều luật, dựa trên nguyên nhân có thể chia thành hai nhóm: khách quan và chủ quan.

Khách quan:
Đây là sự bất cập do các điều luật chưa đáp ứng được thực tế cuộc sống. Nguyên nhân có thể là sự bất đồng về quan niệm Đạo đức trong xã hội, các chuẩn mực đề ra có thể quá lạc hậu so với trào lưu phát triển của cộng đồng.

Đây là minh họa cho sự bất bình của cộng đồng đối với một điều luật đã được ban hành dưới triều Nguyễn ở Việt Nam, thế kỷ XIX:
"Chiếu vua Minh Mạng ban ra
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng!
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải lột quần chồng sao đang?"

Điều luật này nhằm mục đích thúc đẩy xã hội theo bước tiến văn minh. Qua các thời kỳ nó đã bị biến đổi, nhưng vẫn không nằm ngoài mục tiêu bảo vệ giá trị văn hóa trong đời sống. Bây giờ không ai ngăn cấm chuyện quần có đáy hay không đáy, nhưng vẫn tuân thủ những chuẩn mực nhất định, chẳng hạn, váy thì không được quá ngắn và áo quần nói chung không được quá mỏng đến độ... không thể che đậy những thứ cần che!

Chủ quan:
Đại đa số những bất cập này đều xuất phát từ lợi ích của nhóm những người có quyền hành.
Những chế độ độc tài từ xưa cho đến nay đều lạm dụng các chuẩn mực đạo đức để ban hành những đạo luật thiên lợi về phía số ít người đang giữ vai trò thống trị.

Đơn cử một tư tưởng Nho giáo trong xã hội phong kiến: "Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung". Rõ ràng điều luật này đã đề cao vai trò tuyệt đối của các vị vua chúa trong xã hội. Về sau, khuyến khiếm được sửa chữa bởi chủ trương "Thiên tử phạm pháp, tội như thứ dân".

Các nhà nước quân phiệt, độc tài và tôn giáo cực đoan hiện nay như Miến Điện, Bắc Hàn, Trung Quốc, Cu Ba, Việt Nam, Iran... đều áp đặt những cái gọi là giá trị "đạo đức" lên hệ thống luật pháp của đất nước họ, gây nên một không khí nghẹt thở cho cộng đồng.

Luật pháp dưới các chính thể độc tài không chỉ đơn thuần là bảo vệ các giá trị đạo đức, lợi ích cộng đồng mà nó còn vượt ra ngoài giới hạn, trở thành công cụ để duy trì quyền lực cho tầng lớp thống trị. Để thực hiện điều này, luật pháp độc tài phải đi qua cánh cửa xâm phạm quyền tự do của mỗi cá thể trong cộng đồng, tức là vi phạm nhân quyền.

Ví dụ, trong bản Hiến pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam có điều số 4 quy định đặc quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản. Điều này hoàn toàn đi ngược lại Tuyên ngôn Nhân quyền và mâu thuẫn với chính bản Hiến pháp ở các điều số 2, 3, 8 và 15.
Tự do đã ngoảnh mặt với hơn tám chục triệu dân Việt Nam, khi họ không còn sự lựa chọn nào khác, chính đảng nào khác để đại diện cho mình trong mỗi dịp bầu cử.

Mối quan hệ hỗ tương giữa Tự do, Dân chủ và Luật pháp

Xuất phát từ những bất hợp lý của các điều luật do xây dựng trên tư tưởng độc tài, dễ dàng nhận thấy Dân chủ chính là chìa khóa để mở cánh cửa vào thế giới Tự do.

Theo định nghĩa trong từ điển, Dân chủ là "Chính phủ được thành lập bởi nhân dân trong đó quyền lực tối cao được trao cho nhân dân và được thực hiện bởi nhân dân hoặc bởi các đại diện được bầu ra từ một hệ thống bầu cử tự do". Theo Abraham Lincoln, Dân chủ là một chính phủ "của dân, do dân và vì dân". Dựa trên điều 4 Hiến pháp và thực tế hiện nay ở nước CHXHCN Việt Nam, có thể thấy rõ chính phủ này là "của đảng CS, do đảng CS" còn "vì ai" thì chỉ có... đảng CS mới biết được!
Bất cập là điều không thể tránh khỏi khi mọi quy định, ràng buộc cho hơn tám mươi triệu con người, được đề ra bởi vài triệu con người khác không có chung quyền lợi.

Tự do - như đã nhấn mạnh ở trên - không thể tách rời khỏi Cộng đồng xã hội. Tự do và Cộng đồng là mối quan hệ hỗ tương. Tự do không xâm phạm sự phát triển của Cộng đồng, và ngược lại, Cộng đồng mang lại giá trị đích thực cho Tự do thông qua cơ chế Dân chủ.
Điều này được thực hiện bằng các ràng buộc trên giấy trắng mực đen, được bảo vệ và thực thi bởi hệ thống quyền lực của một quốc gia (hay tổng quát hơn là của một Cộng đồng) - đó là Luật pháp. Điều căn bản cốt yếu được đặt ra là: - Luật pháp do ai và vì lợi ích của ai?
Nguyên nhân cốt lõi gây nên tình trạng bất cập, lộn xộn trong hệ thống luật pháp Việt Nam hiện nay là mâu thuẫn nội tại của chính nó:
- Hiến pháp bảo vệ quyền lợi tuyệt đối và duy nhất cho đảng Cộng sản cầm quyền, nhưng luật pháp lại áp đặt lên toàn thể nhân dân Việt Nam!
Nói cách khác, Tự do và Cộng đồng trong trường hợp này đã không tìm được tiếng nói chung.
Cái "tự do" hiện nay của hơn tám chục triệu dân Việt là thứ "tự do được ban phát" bởi đảng Cộng sản.
Vì thế, đừng thắc mắc vì sao luật sư này, trí thức nọ lại phạm pháp (chính trị) quá dễ dàng như thế? Luật pháp đâu có bảo vệ cho lợi ích của họ, "phạm pháp chính trị" ở Việt Nam hiện nay có thể xem như là sự xung đột giữa lợi ích công dân và lợi ích đảng cầm quyền!

Tự do thực sự chỉ có trên mảnh đất này khi mỗi công dân, bằng lá phiếu của mình có khả năng buộc những người do họ bầu lên phải nỗ lực vì lợi ích của chính người dân đó!

------------------------
[1] Bộ phim BraveHeart
[2] Thơ của Nguyên Nghĩa - một thuyền nhân Việt Nam
[3] Đạo đức được viết hoa để nhấn mạnh, không phải là "đạo đức XHCN"

.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!