Tôi học chính trị

"Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều..." [*]

Nhưng lòng tôi chưa bao giờ có được cái cảm giác "nao nức" vào mỗi buổi tựu trường!

Có lẽ, thời của nhà thơ Thanh Tịnh với những mùa hè đầy ắp kỷ niệm thơ mộng trên cánh đồng quê; với bụi tre, con đò, giếng nước; cùng con diều cỡi gió vi vu... Ấy là những yếu tố mang lại cho nhà thơ tâm trạng nôn nao của buổi sớm khai trường, để bài luận kinh điển "Tôi đi học" ra đời.

Còn thời của chúng tôi thì sao? Từ tiểu học, tôi đã phát ngán với những buổi học hè của trường, những buổi học thêm ngoại ngữ, vi tính, võ thuật và nhạc họa...

Suy cho cùng, những môn ấy đều cần thiết cả.
* Ngoại ngữ là chiếc chìa quan trọng đầu tiên trong chùm chìa khóa to tướng mà chúng tôi sẽ mang theo trong hành trang vào đời.
* Còn môn vi tính, khỏi cần nói thì ai cũng biết vị trí của nó khuynh đảo thế nào trong cuộc sống số thời @ hiện nay.
* Võ thuật không chỉ giúp cho nhu cầu tự vệ phòng thân, nó còn rất hữu ích cho sức khỏe nữa.
* Âm nhạc, hội họa là những món cần thiết cho sự cân bằng của đời sống tinh thần, nhất là trong thời buổi vật chất lên ngôi nầy.

Thế nhưng, tất cả những giá trị ấy trở nên nhạt nhòa ảm đạm bởi cách thức mà người lớn đặt chúng lên vai chúng tôi. Hay nói một cách đường lối đó là biểu hiện của căn bệnh thành tích. Áp lực nầy không của riêng lũ trẻ học trò chúng tôi. Người lớn cũng vậy, bố mẹ tôi đều có bằng đại học nhưng vẫn phải không ngừng "học, học nữa, học mãi!". Mà xem ra cái áp lực đè lên họ cũng kinh lắm cơ! Một đêm đi nhậu về khuya (tất nhiên là nhậu sau giờ học ban đêm í), bố bỗng dưng chỉ mặt tôi:

- Này... lo mà học hành... cho tử tế nhé. Ờ... ợ... tuổi chúng mày đi học còn sướng chán! Xem bố mày đây... biết là đi học chỉ như mua cái bằng... chán thế mà vẫn cứ phải học! Là vì cái gì? Cái gì? Hả... hả...

- Kìa mình! Sao lại nói với con những chuyện ấy! - Mẹ dìu vào phòng rồi mà vẫn còn nghe tiếng bố cằn nhằn: Sao lại không nói, bà lại muốn làm sếp tôi phỏng?

Chuyện ấy xưa rồi, từ thời tôi còn lớp 6, bố phải học để lấy thêm bằng 2 Cử nhân CNTT. Bây giờ tôi sắp bước vào năm thứ nhất đại học, bố đã là tiến sỹ, làm sếp to. Còn cả tháng nữa mới đến Trung Thu mà quà biếu đã tấp nập rồi:

- Dạ, dạ! Em mang chút quà cho cháu nó vui Trung Thu!

Giật thột, "cháu" không phải mình nhé, mình nhớn rồi mà! Á à, thế thì "cháu" nó đích thị là con út Tẹt rồi. Của đáng tội, mới học lớp 8 mà nó điệu đàng như thục nữ yểu điệu. Xem ra "cháu" nó khoái chat với bạn qua cell-phone hơn là thích bánh Trung Thu rồi. Dẫu nó thích thật thì cũng chỉ được ăn mỗi loại một góc ¼ thôi, mẹ tôi bảo:

- Con gái ăn đồ ngọt nhiều nóng, da xấu lắm. Thích trái cây gì mẹ mua cho ăn...

Năm nay báo chí lại đưa tin vụ mấy tấn mỡ thối có nguy cơ trở thành nhân bánh, bà lại được dịp củng cố quan điểm cho mà xem.

Thôi, để những phiền toái thời trung học lại cho con út Tẹt, mình sắp xa nhà sống cuộc đời sinh viên rồi!

Chả biết môi trường học tập mới ra sao nhỉ? Chắc không đến nỗi phải chịu cảnh "cải cách-thay sách" như thời phổ thông rồi. Mẹ tôi cứ than thở:
- Hồi xưa tao với cậu dì tụi bây mấy chị em học chung một bộ sách! Có đâu mỗi năm mỗi mua mới như bây giờ, đầu niên học là đủ thứ tiền...

Chuyện cải cách giáo dục tôi đã nghe từ hồi tiểu học, cả chục năm nay vẫn cứ nghe tiếp. Chả biết đến bao giờ học trò chúng tôi được là cuốn tập giấy trắng thơm tho nhỉ? Chứ không như bây giờ, chỉ là những tập giấy thô xấu xí để các nhà "giáo dục học" cứ thoải mái làm nháp, viết nháp lên đấy!

Thôi, chia tay ký ức để bắt đầu cuộc đời sinh viên nào!
Năm nay tôi phải tự mình mua sắm tập sách và mọi vật dụng khác. Đến khi vào đấy mua luôn cho tiện, vả lại còn chưa biết chi tiết năm đầu học những môn gì nữa. Nghe đâu 2 tuần đầu học chính trị. Wow, môn này chắc quan trọng số một của bậc đại học rồi! Ủa, mà cũng chưa chắc, vì tuần trước lên NET vào diễn đàn của một anh hàng xóm vừa tốt nghiệp đại học CNTT, thấy trương cái bảng nội quy to tổ bố:
"Không bàn vấn đề liên quan chính trị, tôn giáo, sắc tộc..."

Thế cái chính trị chúng tôi sắp được học đây để làm gì mà lại cấm bàn luận nhỉ? Pó tay thật! Hay chính trị để "học" khác với chính trị để "hành"? Thế cũng không ổn, vì tôi vẫn nghe lâu nay là "học phải đi đôi với hành" mà?
- Thôi, đến khi vào học khắc biết!
Những ý nghĩ bề bộn đưa tôi vào giấc ngủ trưa khi nào chẳng rõ...

Cơn gió thu nhè nhẹ lay cành khế bên hiên nhà, cào lên mái tôn làm tôi trở mình, mở mắt:

Những tiếng kin kít của thầy giáo đang viết bằng bút lông trên tấm bảng mi-ca màu trắng đã đưa tôi về cảnh thật.
Tôi đút cái di động vào túi quần, lơ đễnh nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc:
Bài thảo luận: Tôi học chính trị !
[**]

--------------------
[*] Trích nguyên văn trong bài TÔI ĐI HỌC của Thanh Tịnh viết năm 1941

[**] Nguyên văn trong bài TÔI ĐI HỌC:

Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật.
Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc:
Bài tập viết: Tôi đi học !


.

◄◄ Home

3 comments:

CAMDIEC said...

sinh viên mới vào mất 2 tuần học chính trị a ?
-chưa có thời đại trong lịch sử 4,000 năm của dân tộc phải chứng kiến chuyện dối trá nhồi sọ 1 cách đại trà như thời này. Khốn nạn quá/ thế làm sao cứ bảo là 'dân trí thấp'

Anonymous said...

Học chính trị để làm gì hả???dễ hiểu thế mà ông bạn sinh viên không biết sao? này nhé bạn càng học chính trị bao nhiêu thì bạn càng trở nên giống ông Karl Marx , Lenin, Mao Ze-Dong .Dể trở thành nhà lãnh đạo tài ba, lỗi lạc; hầu dẫn đưa toàn VN dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu, ngu dốt, tham nhũng, bóc lột, xì ke, đĩ điếm; dối trá và bất công... etc... để đang từ hạng 168 bạn đưa VN lên hạng 1 trên bảng xếp hạng của các nước trên toàn thế giới...chúc bạn may mắn và thành công.

Anonymous said...

Bài này tôi đọc đã hai lần, vẫn thấy hay. Bài viết nêu bật những khía cạnh đắng chát của cuộc đời học sinh, sinh viên và gia đình, nơi mà do truyền thống ngàn đời, việc giáo dục, tiến thân của con cái lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu, nhiều khi hơn hẳn cả cơm-áo-gạo-tiền. Nó thể hiện những nhức nhối hiển nhiên của ngành giáo dục Việt Nam: một đống rác khổng lồ cần phải được sự chung tay góp sức của nhiều người để dẹp bỏ!

Sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày bức tường ô nhục Bá Linh sụp đổ 9.11.1989 - 9.11.2009, một cuộc lễ có tầm vóc quốc tế rất cao được cả thế giới chú mục theo dõi, để ngưỡng mộ, để học hỏi, để đồng cảm với dân Đức - trừ vài nơi độc tài ngự trị như ở Việt Nam - đã nhắc nhở người Việt Nam chúng ta rằng đống rác ở Đức, ở Đông Âu đã bị dẹp bỏ. Nay đến lượt người Việt Nam đấy!

Nguyễn Phan

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!