Tổng hợp thành tích...

Tổng hợp thành tích chào mừng CMT8 và QK2/9:

1. Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ trả lời phỏng vấn về vụ bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang

Như Bauxite Việt Nam (BVN) đã đưa tin, nhà báo Phạm Đoan Trang, phóng viên và biên tập viên chuyên trang Tuần Việt Nam – Viet namnet đã bị cơ quan công an bắt giam vào thứ sáu, 28/8/2009, nhưng lý do của việc bắt giam này không thật rõ ràng. BVN có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ (CHHV) về sự kiện truyền thông – pháp luật nổi cộm này.

BVN: Trả lời các hãng tin quốc tế, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Vietnamnet của Bộ Thông tin và Truyền thông, nói rằng cơ quan công an thông báo cho ông biết là nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị bắt vào thứ sáu vừa qua vì “xâm phạm an ninh quốc gia” nhưng không cho biết nữ nhà báo này bị bắt ở đâu và hiện bị giam ở đâu. Vậy thưa Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, việc bắt giam này có đúng pháp luật không?

CHHV: Trước hết tôi phải nói rằng Phạm Đoan Trang là một nhà báo có chính kiến, có cá tính mạnh. Đầu tháng 7 vừa qua, Phạm Đoan Trang đã phỏng vấn tôi về vụ tôi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra Tòa do Thủ tướng đã ra Quyết định số 167/2007/QĐ–TTg cho phép khai thác bauxite tại Tây Nguyên trái Hiến pháp và pháp luật và sau đó bài phỏng vấn này đã được đăng trên Nhịp cầu thế giới – Tạp chí điện tử tin tức và văn hóa Việt Nam ở Hungari với đầu đề “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tin mình sẽ thắng kiện” [*].

Trong bài phỏng vấn đó, nữ nhà báo Vietnamnet này đã hỏi thẳng tôi: “Ông có nghĩ tới một khả năng nào gọi là xấu nhất, cho chính ông không?” thì tôi trả lời: “Khi xác định đi kiện Thủ tướng là tôi đã biết sẽ phải “đấu trí” rồi. Tôi kiện Thủ tướng là trên cơ sở luật pháp và vì vậy luật pháp sẽ bảo vệ tôi”. Vậy mà giờ đây “khả năng gọi là xấu nhất” lại xảy ra với chính người đã lo nghĩ cho tôi.

Tuy nhiên, cần phải rạch ròi giữa thiện cảm cá nhân và pháp luật. Để nói, bây giờ tôi chỉ căn cứ các quy định pháp luật để đánh giá vụ việc tư pháp này. Với những thông tin mà BVN đã nêu, tôi khẳng định có dấu hiệu cơ quan công an bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang trái pháp luật!

BVN: Bắt giam trái pháp luật cụ thể thế nào, thưa Tiến sĩ?

CHHV: Bộ Luật tố tụng hình sự quy định việc bắt người chỉ có thể thực hiện trong những trường hợp sau đây:

Một là, bắt người trong trường hợp khẩn cấp khi có căn cứ cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc cần ngăn chặn người đó bỏ trốn;

Hai là, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã;

Ba là, bắt bị can, bị cáo để tạm giam.

Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự quy định người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết và nêu rõ lý do bắt. Mà pháp luật là phải chính xác, cơ quan bắt người phải nêu rõ người bị bắt phạm tội gì quy định trong Bộ Luật hình sự và bị bắt ở đâu vì trong mọi trường hợp việc bắt người phải được lập biên bản trong đó ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản, những việc đã làm, tình hình diễn biến khi thi hành lệnh bắt, người chứng kiến… Chẳng hạn, cơ quan công an bắt nhà báo Phạm Đoan Trang không thể thông báo chung chung là nhà báo này “xâm phạm an ninh quốc gia” mà phải nói thật rõ nữ phóng viên này đã phạm tội gì trong 14 tội quy định tại Chương XI – Các tội xâm phạm an ninh quốc gia bởi không thể có chuyện cùng lúc phạm cả 14 tội được! Vậy mà theo lời ông Nguyễn Anh Tuấn, thủ trưởng của nhà báo Phạm Đoan Trang thì cơ quan công an đã không cho biết địa điểm bắt và nhất là không cho biết tội danh cụ thể được quy cho nhà báo này! Chính sự khuất tất đó là dấu hiệu cho thấy cơ quan công an bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang trái pháp luật!

Luật pháp nghiêm cấm bắt bừa, tức bắt rồi mới tiến hành điều tra, thu thập hay củng cố chứng cứ để khép tội, theo kiểu “không tội này thì tội khác” đã trở thành thuộc tính của không ít “công sai” thời hiện đại
Tóm lại, trừ trường hợp bắt khẩn cấp hoặc bắt quả tang như đã nêu, luật pháp nghiêm cấm bắt bừa, tức bắt rồi mới tiến hành điều tra, thu thập hay củng cố chứng cứ để khép tội, theo kiểu “không tội này thì tội khác” đã trở thành thuộc tính của không ít “công sai” thời hiện đại. Như vậy, Tổng biên tập Vietnamnet và gia đình nhà báo Phạm Đoan Trang cần nhanh chóng yêu cầu cơ quan công an thông báo về tội danh cụ thể và các chi tiết khác có liên quan đến việc bắt giam cô. Nếu cơ quan công an không làm được như vậy thì phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho nhà báo Phạm Đoan Trang!

BVN: Mặc dù Tổng biên tập Vietnamnet Nguyễn Anh Tuấn phủ nhận, dư luận trong nước và quốc tế vẫn cho rằng sở dĩ nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt giam vì nhà báo này đã viết bài phản ánh mạnh mẽ quan điểm chống khai thác bauxite tại Tây Nguyên và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi không dám khẳng định điều này nhưng đã là dư luận thì phải cố tìm cách làm sáng tỏ. Phải chăng chống khai thác bauxite tại Tây Nguyên và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ Việt Nam trên biển Đông là xâm phạm an ninh quốc gia, thưa Tiến sĩ?

CHHV: Ngược lại là đằng khác, chống khai thác bauxite tại Tây Nguyên vào thời điểm hiện nay, khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ Việt Nam trên biển Đông chính là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Quốc phòng thì rõ rồi, bảo vệ văn hóa, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ an ninh quốc gia vì cả chúng ta và thế giới đều biết, sở dĩ dân tộc Việt Nam trường tồn, không bị đồng hóa dù bị ngoại bang đô hộ cả ngàn năm là vì đã giữ vững được bản sắc văn hóa của chính mình, vẫn trụ vững trên mảnh đất quê hương là vì quyết không để môi trường sống bị hủy diệt bởi ngược lại là chỉ có tha phương! Các “tâm thư” của Khai Quốc Công thần – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Thiếu tướng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Trọng Vĩnh, cuộc vận động xuyên Việt và liên Việt (người Việt trong và ngoài nước) ký “Kiến nghị” – phong trào yêu nước và dân chủ rầm rộ chưa từng thấy kể từ khi chính thể Dân chủ Cộng hòa ra đời vào 2/9/1945 – do GS Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn và GS TS Nguyễn Thế Hùng khởi xuớng và việc công dân Cù Huy Hà Vũ khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng không nằm ngoài mục đích cao cả này!

BVN: Thưa Tiến sĩ, thế thì tại sao nhà báo Phạm Đoan Trang và một số nhà báo và “blogger” có cùng quan điểm như Người buôn gió – Bùi Thanh Hiếu ở Hà Nội, Mẹ Nấm – Quỳnh Như ở Nha Trang, Osin Huy Đức ở thành phố Hồ Chí Minh… lại bị công an bắt giam hoặc bị cơ quan báo chí buộc thôi việc trong những ngày qua?

CHHV: Vietnamnet bây giờ là cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin và Truyền thông (nên đổi thành Bộ Tuyên truyền và Truyền thông mà vẫn giữ được “thương hiệu” Bộ 4T) mà Bộ trưởng là Ủy viên Trung ương Đảng Lê Doãn Hợp, nguyên Phó Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Tô Huy Rứa đứng đầu) và vì vậy là một trong những tiếng nói chính thống của Chính phủ nên những bài của nhà báo Đoan Trang đăng trên Vietnamnet về vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên và chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và lãnh hải trên biển Đông, có thể nói đã có sự bảo lĩnh của Chính phủ. Tất nhiên trong nội bộ Chính phủ cũng như bất cứ tổ chức nào khác hay giữa Chính phủ và Ban Tuyên giáo trung ương không phải lúc nào cũng có sự đồng thuận tuyệt đối về các vấn đề trên nên không loại trừ khả năng nhà báo Phạm Đoan Trang và một số nhà báo chính thống và phi chính thống khác mà ta gọi là “blogger” có cùng quan điểm bị cơ quan công an bắt giam – nếu không phải có những hành vi rõ rệt chống lại Hiến pháp, thực sự xâm phạm an ninh quốc gia – hoặc bị buộc thôi việc, là nạn nhân tình thế của “ai thắng ai” trong Chính phủ nói riêng, trong ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung. Việc thủ trưởng của Phạm Đoan Trang, Tổng biên tập Vietnamnet Nguyễn Anh Tuấn đã từng bị đe cách chức sau khi tờ báo điện tử này đăng bài “Sức mạnh đồng thuận Việt Nam: Nhìn từ Hoàng Sa – Trường Sa”, căng tới mức ông Tuấn đã phải chủ động đệ đơn xin nghỉ việc với “lý do cá nhân” nhưng rồi lại trụ được há chẳng phải là bằng chứng sinh động và thuyết phục cho khả năng trên đó sao?!

BVN: Được biết mới đây, ngày 31/8 Tiến sĩ đã bảo vệ thành công quyền lợi của thân chủ tại Tòa phúc thẩm – Tòa tối cao cho dù ngay trước đó ông đã công kích mạnh mẽ Chánh án Tòa tối cao Trương Hòa Bình, khẳng định vị này đã vi phạm luật tố tụng khi không hồi âm Đơn của ông khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Điều này thực tình làm một số người ngạc nhiên, vui thích nữa, vì họ cứ ngỡ rằng ông sẽ bị “trả đũa” trong những vụ kiện khác…

CHHV: Nếu hiểu như vậy thì thế là tích cực, vì Tòa án đã “vượt qua được chính mình”. Bất luận thế nào, Tổ quốc và lợi ích của mọi nhà đều nằm trong việc thực thi một cách công khai, chính xác và đầy đủ Hiến pháp và Pháp luật. Vì vậy, từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ cho đến người dân Việt Nam, tất thảy phải luôn tâm niệm: “Đúng Hiến pháp và Pháp luật thì làm, không đúng Hiến pháp và Pháp luật thì kiên quyết không làm, tức phụng sự Tổ Quốc và Nhân dân vậy!”.

BVN: Xin cảm ơn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã một lần nữa khẳng định “Tổ quốc – Hiến pháp và Pháp luật trên hết”!

2. Blogger Người Buôn Gió bị bắt

Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ

Một blogger chỉ trích các chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bị cảnh sát bắt giam, chỉ ít ngày sau khi một blogger nổi tiếng khác bị tờ báo do nhà nước kiểm soát đuổi việc.

Theo bản tin hôm thứ hai của hãng thông tấn AP, một người bạn thân của ông Bùi Thanh Hiếu cho biết rằng người viết blog với bút hiệu nguoibuongio đã bị công an Hà Nội bắt giam hôm thứ Năm vừa qua.

Người bạn này nói thêm rằng cảnh sát đã tịch thu từ nhà của ông Hiếu 3 máy tính xách tay và giấy tờ, và họ cũng đã lục soát nhà của cha mẹ ông.

Trang blog nguoibuongio đã đăng nhiều bài viết chỉ trích cách xử lý của Đảng Cộng Sản Việt Nam về mối quan hệ với Trung Quốc và những vụ tranh chấp đất đai với Giáo hội Công giáo.

Nhà báo tự do năm nay 37 tuổi này cũng chỉ trích dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên.

Hồi đầu năm nay, chính phủ Việt Nam đã siết chặt những qui định đối với những người viết blog, và đòi hỏi là những người này chỉ được viết về những vấn đề cá nhân mà thôi.

Vụ bắt giữ blogger nguoibuongio xảy ra vài ngày sau khi một người có trang blog rất nổi tiếng ở Việt Nam là nhà báo Huy Đức bị báo Sài Gòn Tiếp Thị cho nghỉ việc vì Đảng Cộng Sản than phiền về những bài viết của ông trên trang blog Osin.

Theo ghi nhận của phái viên Ben Stocking của hãng thông tấn AP, vụ bắt giữ này là vụ mới nhất trong đợt trấn áp nhắm vào những người có ý kiến khác với nhà cầm quyền Cộng Sản.

Hồi tháng 6, luật sư nhân quyền Lê Công Định và 4 người khác đã bị bắt về tội gọi là 'cấu kết với các thế lực thù địch' để chống phá nhà nước.

(Nguồn: AP)

3. Thân mẫu Mẹ Nấm trả lời đài RFA về vụ bắt giữ con mình khuya 2/9/2009

Thông tín viên Hà Giang
Đài RFA


Thưa quý thính giả, trong những ngày qua, người ta chưa hết bàng hoàng vì những tin blogger Người Buôn Gió, nhà báo Phạm Đoan Trang, blogger Sphinx bị bắt thì lại được tin blogger mẹ Nấm cũng vừa mới bị bắt khẩn cấp. Điều gì đã khiến cho hàng loạt blogger và nhà báo bị bắt giam? Điểm chung trong những vụ ruồng bắt này là gì? Và những vụ bắt bớ này rồi có khiến người ta thôi viết blog hay không? Hà Giang tìm hiểu và tường trình.

Chiều ngày 2/9 vừa qua, blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thông báo với cộng đồng dân blog là cô đã nhận được giấy triệu tập là phải đến sở Công An để làm việc vào 8h sáng ngày hôm sau. Thế nhưng vào nửa đêm hôm đấy Công An đã bất thình lình ập vào nhà riêng của thân mẫu cô, đọc lệnh bắt khẩn cấp và mang cô đi. Thân mẫu của Như Quỳnh là người đã chứng kiến cảnh con bị bắt giam thuật lại:

“Đêm ngày 2/9 thì gia đình đang ngủ thì khoảng 12h thì thấy người chồng của Quỳnh về kêu cửa, và khoảng mười lăm người công an tiến vô trong nhà, trong đó có tổ dân phố, công an khu vực, công an phường, công an tỉnh, công an thành phố vô. Và họ đọc lệnh bắt khẩn cấp, ký ngày 28/8, rằng con gái tôi là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lợi dụng sự tự do dân chủ để để vi phạm an ninh quốc gia, điều 258. Rồi trong khi đó họ biểu lấy quần áo đi theo luôn."

Đây không phải lần đầu tiên Như Quỳnh gặp rắc rối với Nhà nước. Vào cuối tháng 7, cô cũng bị câu lưu 6 tiếng đồng hồ. Lúc ấy, trả lời một cuộc phỏng vấn của đài chúng tôi, Như Quỳnh đã phát biểu:

“Em bị mời là vì em mặc cái áo xanh mầu đọt chuối ở giữa phía trước nó có chữ “NO Bô-xít, Hòang Sa Trường Sa là của VN” còn sau lưng thì nó có dòng chữ “Người Việt Yêu Nước SOS, giữ mầu xanh và an ninh cho Việt Nam”.

Họ nói với em lý do chính họ mời em là vì em mặc cái áo đó. Theo lời của họ là mời lên làm việc, kiểu là nếu mà không đi thì cũng không nên thân, họ nói là hợp tác về an ninh quốc gia thì mình phải đi thôi...

Lúc em mặc cái áo đơn giản em chỉ nghĩ tôi góp một phần tiếng nói “Hòang Sa Trường Sa là của Việt Nam, giữ mầu xanh và an ninh cho VN”, nhưng mà em không nghĩ là nó quan trọng đến mức độ như ngày hôm nay... Em không được biết là lý do an ninh quốc gia gì.”

Lần đó Như Quỳnh được thả về, nhưng rồi bây giờ cuối cùng cô cũng bị bắt vì tội vi phạm an ninh quốc gia theo chân blogger Người Buôn Gió và nhà báo Đoan Trang mới bị bắt cách đây vài ngày. Mặc áo có dòng chữ “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” mà bị xem là vi phạm an ninh quốc gia đã là một điều khó hiểu, nhưng hãy tạm gác điều khó hiểu đó qua một bên. Dầu sao thì Như Quỳnh cũng đã nộp lại 2 chiếc áo ấy cho công an, và không dám mặc áo ấy nữa rồi, thì tại sao cô vẫn bị bắt?

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về tình hình Á Châu – Thái Bình Dương, hiện đang ở Úc, nhận định rằng mẫu số chung của mấy vụ bắt bớ này là “Trung Quốc”. Ông nói:

“Đây là một cuộc tổng tấn công vào hai mặt. Thứ nhất là tấn công vào việc sử dụng blog, một lãnh địa mà cơ quan an ninh chưa thể kiểm soát được. Thứ hai là tấn công vào giới blogger đã lên tiếng chỉ trích những hành động mà họ cho là nguy hại cho chủ quyền đất nước của chính quyền. Tôi cho rằng những cuộc tấn công này đang xảy ra dưới áp lực của Trung Quốc. Đại sứ và các viên chức của Trung Quốc đã liên tục can thiệp vào những chính sách của chính quyền Việt Nam. Họ than phiền về từng web site, từng bài viết đã làm cho họ phiền lòng. Vì thế nhà cầm quyền Hà Nội đang tìm cách ngăn chặn sự lan tràn của những lời chống đối và làn sóng yêu nước đang dâng cao, vừa bất lợi cho quan hệ hai nước, vừa ngày càng thách thức quyền hạn của họ khiến cho họ lo sợ.”

Thân mẫu của Như Quỳnh cho rằng con bà không có tội gì. Bà nói thêm rằng Như Quỳnh đã bị bắt vì dám lên tiếng, mà Nhà cầm quyền không muốn cho ai lên tiếng vì sợ rằng người ta biết đến điều họ đang muốn dấu. Nhưng thật ra theo nhận định của bà thì chính những vụ bắt bớ này đã thành động cơ khiến người ta muốn tìm hiểu nhiều thêm:

“Yêu nước thì không bao giờ sai. Thực ra tôi cũng không biết gì nhiều, nhưng từ lúc công an mời lên thì tôi mới đi vào thế giới internet này, thì tôi mới biết là Nhà văn Nguyên Ngọc là người yêu thích Tây Nguyên họ cũng yêu cầu Nhà nước đừng khai thác hết, tận diệt Tây Nguyên vì Tây Nguyên là mái nhà. Rồi nhiều người có tri thức hơn tôi, hiểu biết hơn tôi họ cũng đều như vậy. Rồi tôi tìm hiểu qua những hình ảnh thì tôi thấy cái sự xâm lăng của Trung Quốc với Việt Nam rất là rõ ràng. Mà con tôi nó còn trẻ, khi mà nó học sử hào hùng của người Việt Nam như vậy, chắc chắn rằng nó không bao giờ chấp nhận được chuyện này.”

Những vụ bắt bớ này rồi sẽ đi đến đâu? Giáo sư Carl Thayer khẳng định:

“Rồi sẽ ra sao? Lúc này chính quyền có vẻ đang huy động toàn bộ cơ quan an ninh của họ để tràn ngập vào không gian điện toán với hy vọng dập tắt được sự chống đối, nên trước mắt sẽ có thêm người vào tù. Nhưng lâu dài sẽ không ai có thể hạn chế được mạng lưới điện toán và chế ngự được thế giới blog. Thế giới blog cũng là biên giới cuối cùng để bảo vệ tự do cho người dân, là phương tiện duy nhất mà giới trí thức ở Việt Nam có thể dùng được để phát biểu và chia sẻ những tư tưởng của họ. Tóm lại, về lâu về dài, chính quyền Việt Nam sẽ tốn rất nhiều tiền, nhưng việc kiểm soát blog sẽ không bao giờ thực hiện được."

Chúng tôi xin mượn lời của thành viên có nick Bình Luận trên diễn đàn X-café để chấm dứt bài viết này:

“Người dân sống trên đất nước mình mà không có chút quyền được nghe, được biết tới những gì đang xảy ra cho đất nước, không được bàn đến chính sự nước nhà, mà chỉ biết nghe theo những thông tin một chiều đúc sẵn từ một khuôn mẫu, thì đó có phải là một xã hội thật sự hay không? Bây giờ mà còn viện đến cái cớ nhận tiền có yếu tố nước ngoài để đưa những người dân Việt dũng cảm, đã dám đối diện với một bộ máy cường quyền khổng lồ, vào vòng lao lý thì thật là hết biết!”

4. Blogger Bút Thép trả lời phỏng vấn RFA về chuyện mặc áo thun...

Trân Văn : Anh thấy có thể kể lại chi tiết về chuyện chỉ mặc áo thôi mà bị mời?

Blogger Bút Thép: Chiều ngày 1 tây tháng 9 công an đến nhà mời tôi lên trụ sở làm việc. Họ hỏi tôi về việc tôi mặc cái áo kêu gọi bảo vệ Tây Nguyên, giữ màu xanh cho Tây Nguyên, phản đối việc Trung Quốc khai thác bô-xít.

Trân Văn : Nội dung ở trên áo như thế nào? Anh có thể mô tả cho mọi người hình dung không?

Blogger Bút Thép: Trên áo thì phía đàng trước có ghi chữ "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam", "Stop bauxite", "No China". Còn đàng sau là chứ "SOS" cuốn lấy Tây Nguyên, có dòng chữ "Giữ màu xanh và an ninh cho Việt Nam".

Cái áo màu xanh đọt chuối. Về nguyên tắc nội dung như vậy đó, rất là hay, rất là hợp với lời kêu gọi mọi người bảo vệ màu xanh cho Tây Nguyên, ngưng cái dự án bô-xít lại. Tôi nghĩ là không có chuyện gì gọi là "vi phạm an ninh quốc gia" cả, anh ạ.

Mặc một cái áo như vậy rất là bình thường. Một cái áo như vậy nó không ảnh hưởng đến an ninh của bất kỳ một quốc gia nào, kể cả Việt Nam mình. Tôi kêu gọi mọi người thôi, còn ai ủng hộ (thì) ủng hộ, không ủng hộ thì thôi.

Vậy mà họ mời tôi lên rồi họ hỏi "Có mặc áo hay sao?" thì tôi mặc áo, tôi chụp hình, tôi để lên blog tôi đầy đó mà sao không mặc! Tôi nói "Có". Rồi họ hỏi tôi là "Lấy ở đâu?". Tôi nói "Tôi chat bạn bè trên mạng xong rồi tôi xin người ta cho".

Rồi công an hỏi tôi là "Chat với ai? Tên gì?" Tôi nói "Tôi không thể nào nhớ hết được. Biết bao nhiêu nick name, làm sao tôi nhớ hết nick name nào đó."

Họ hỏi tôi là "Cho và nhận ở đâu?" Tôi nói "Tôi cũng không nhớ. Tôi nhận ở đâu ở ngoài Sài Gòn đó. Tôi cũng không có nhớ địa điểm nào nữa. Làm phiền người ta!" Không việc gì cả. Mà tôi nói là làm việc với tôi chuyện gì thì làm chớ còn làm việc với cái áo tôi không chấp nhận. Bởi vì có cái áo thôi mà an ninh phải đi thu từng cái, từng người, kỳ quá!

Tôi không biết dùng lời làm sao để tôi diễn đạt nữa. Tôi nói là không thể chấp nhận được, tại vì làm như vậy nhìn lại tôi thật xấu hỗ cho lực lượng an ninh chỉ vì một cái áo thôi mà không ảnh hưởng gì cả. Rồi họ kêu tôi nộp. Nộp cái áo.

Trân Văn : Nộp cái áo hả anh?

Blogger Bút Thép: Dạ. Họ kêu tôi nộp lại cái áo. Tôi nói "Tôi mặc xong, tôi mặc tôi chụp, tôi đi long nhong ở Quận 9. Nó đã cũ, nó đã hư, nó đã mất. Tôi bỏ đâu mất tiêu rồi. Làm sao mà tôi nộp lại cho mấy anh chị được!" Tôi nói thẳng với mấy anh chị luôn.

Họ có đem theo một cái áo mẫu để trên bàn. "Bây giờ các anh chị cho cái áo này tôi vẫn mặc, tức là không sợ gì cả. Bây giờ các anh chị cho cái áo này đi, tôi mặc ra đường để kêu gọi mọi người. Chuyện đó bình thường." Cuối cùng cũng lập biên bản để xác nhận rằng tôi có mặc cái áo như vậy.

Trân Văn : Họ có yêu cầu, có nhắc nhở gì không anh?

Blogger Bút Thép: Họ không có nhắc nhở. Họ không có yêu cầu. Họ hỏi nguồn gốc cái áo. Cái aó ở đâu? Có mặc hay không?

Anh biết không? Làm việc xong về nhà tôi buồn lắm. Phải như cái áo đó có những khẩu hiệu kích động chống phá chính quyền, người ta hạch hỏi bắt bớ vì cái chuyện đó là người ta bảo vệ chế độ của người ta (thì) người ta phải làm, thì tôi cũng đồng ý.

Đàng này, chỉ bảo vệ màu xanh, một cái áo rất bình thường, một cái áo rất hoà bình, không có gì là quá khích cả, mà lại làm rất là dữ dằn thì tôi nghĩ là, thôi, tôi không biết phải bình luận như thế nào về hành động của an ninh.

Tôi thấy an ninh làm việc với cái áo thì đúng là uổng tiền đóng thuế của dân thiệt. Tôi đóng thuế để rồi mấy anh mấy chị làm cái chuyện này thì đúng là phí thiệt.
Tôi nói thẳng luôn, tôi thấy an ninh làm việc với cái áo thì đúng là uổng tiền đóng thuế của dân thiệt. Tôi đóng thuế để rồi mấy anh mấy chị làm cái chuyện này thì đúng là phí thiệt.

Họ nói là đâu phải mình tôi đóng thuế. Tôi nói đây không phải mình tôi đóng thuế nuôi anh nuôi chị mà anh chị hưởng lương của dân. Nó kỳ quá biết không.

Tôi cũng nói vì mệnh lệnh của cấp trên thì anh chị cứ làm, nhưng mà làm cái gì nó cũng nhè nhẹ, vừa vừa, dễ coi, rủi mai kia mốt nọ Bộ Chính Trị nói rằng thôi, không khai thác bô-xít nữa, bảo vệ màu xanh Tây Nguyên, thì mấy anh chị quay lại coi cái việc làm của mình có đáng xấu hỗ hay không?

Họ nghe xong họ cũng im lặng thôi chớ họ chẳng có ý kiến gì . Cũng thông cảm cho họ. Nhiều khi họ cũng muốn như mình nhưng họ không mở miệng ra họ nói được.
Đến bắt giữ hàng loạt

Trân Văn : Hiện nay việc mặc những cái áo có nội dung như vậy tại TP.HCM nói riêng, và những nơi khác trên Việt Nam nói chung, có nhiều không anh?

Blogger Bút Thép: Tôi thấy cũng không nhiều, anh. Thực tình thì không nhiều. Thí dụ như ở Quận 9 đây có mình tôi mặc đi tới đi lui cho đến hư cái áo thì thôi, anh à. Còn ở những nơi khác thì tôi cũng không rành lắm.

Cũng thấy anh em chụp hình để trên mạng khá nhiều, chớ còn cũng không phải là một cái phong trào. Nó cũng chưa được nhiều người ủng hộ. Đại khái là chưa được rộng rãi. Chưa rộng rãi gì hết mà đã bị dập tan tành như vậy thì tôi nghĩ là chắc cũng biến luôn.

Trân Văn : Thưa anh, có trường hợp nào bị an ninh chặn lại giữa đường rồi bắt lột áo ra không?

Blogger Bút Thép: Trường hợp như vậy thì tôi chưa biết, nhưng mà có hai trường hợp mặc cái áo màu trắng có ghi chữ "Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam" thì bị tước áo ngay Hội Thảo Biển và Đảo Việt Nam cách đây khoảng một tháng ở Câu Lạc Bộ Phaolo Nguyễn Văn Bình.

Nghe mấy ông ở Ban Tổ Chức kể lại là có chuyện đó. Đang đi ở ngoài đường mà bị lột áo thì tôi nghĩ chắc là không có. Nếu có thì họ cũng mời về phường rồi họ lột chớ không đến nỗi lột ngoài đuờng. Tôi chưa nghe nói trường hợp nào đang đi ngoài đường mà bị chặn xe lột áo hết.

Trân Văn : Nhưng mà mặc áo đi tới đi lui như anh rồi sau đó bị an ninh mời lên làm việc, lập biên bản, thì ngoài anh ra còn trường hợp nào không?

Blogger Bút Thép: Tôi nghĩ cũng có khá nhiều trường hợp anh, tại vì nghe thông tin ào ào ở trên mạng nhiều người cũng than phiền như vậy, có rất nhiều người.

Trân Văn : Thưa anh, như thế an ninh Quận 9 TP.HCM làm việc với anh hay là an ninh Công An TP.HCM làm việc với anh tại trụ sở Công An Quận 9?

Blogger Bút Thép: Thưa anh, hai anh chị an ninh bữa trước làm việc với tôi là họ giới thiệu họ là an ninh của Phòng PA-25 Công An TP.HCM, mượn trụ sở của Công An Quận 9 làm việc.

Trân Văn : Như vậy là chuyện mặc những cái áo dù nội dung chỉ là "Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam" và kêu gọi không thực hiện dự án bô-xít để giữ màu xanh cho Tây Nguyên trở thành vấn đề an ninh quốc gia và do công an cấp tỉnh - thành thụ lý, hả anh?

Blogger Bút Thép: Tôi chỉ biết là công an của TP.HCM làm việc với tôi, tại họ giới thiệu họ là người của PA-25.

Trân Văn : Rồi thái độ của họ thế nào?

Blogger Bút Thép: Nói chung là thái độ rất tích cực, có nghĩa là cũng vui vẻ, hoà nhã thôi, chứ không đến nỗi là hăm doạ. Nhưng mà nói đi nói lại thì vẫn "thôi đừng mặc nữa, nếu còn giữ áo đó thì nộp.

Còn nếu biết ai có mặc như vậy thì cũng có thể là đi thu hồi giùm họ, hoặc chỉ cho họ đến thu hồi", vậy thôi. Khi họ nói chuyện thì rất vui vẻ, bình thường. An ninh thì không bao giờ đập bàn đập ghế đâu. Vui vẻ bình thường thì người ta chết vì cái vui vẻ đó thôi.

Riêng cá nhân tôi thì tôi thể hiện quan điểm với họ rất rõ ràng: Tôi mặc áo đó để kêu gọi bảo vệ màu xanh cho Tây Nguyên.

Trân Văn : Anh mặc cái áo đó được bao lâu?

Blogger Bút Thép: Tôi mặc cách đây cũng ba bốn tháng gì đó. Nó mới hư đây à anh ơi, tại vì tôi mặc thường xuyên lắm. Từ ngày có cái áo đó tôi mặc đi tới đi lui cổ động kêu gọi mọi người, thành ra có dịp là tôi mặc đi ra đường là tôi mặc à. Tôi mặc bốn năm tháng nay, công an tự nhiên bữa nay công an hỏi chơi vậy à.

Trân Văn : Họ mời làm việc ngày 1 tháng 9 à?

Blogger Bút Thép: Dạ, mới đây, anh. Mơí đây, ngày hôm kia.

Trân Văn : Dạ. Như vậy là sau khi Người Buôn Gió và Phạm Đoan Trang bị bắt?

Blogger Bút Thép: Đúng rồi! Đúng rôi! Đúng như vậy, anh.

5. Đường dây Internet của nhạc sĩ Tô Hải bị cắt

Trong chiến dịch đàn áp các nhà báo và blogger có những bài viết liên quan đến Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam đã chứng tỏ rằng họ không khoan nhượng đối với những tiếng nói đi ngược lại với chính sách, chủ trương mà Hà Nội đang theo đuổi.

Các tiếng nói trên những trang mạng đang được thanh lọc tối đa bằng nhiều cách, trong đó bắt giữ người sáng tác là phổ biến nhất. Tuy nhiên có những trường hợp mà việc bắt giữ sẽ gây ra phản ứng lớn của dư luận thì cơ quan công an sẽ dùng biện pháp khác đó là cắt đứt mọi đường giây liên lạc của đương sự như Internet hay điện thoại. Trường hợp của nhạc sĩ lão thành Tô Hải là một ví dụ, đường truyền Internet của ông đã bị cắt và không biết tới bao giờ mới hoạt động lại.


Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do (RFA) có bài phỏng vấn về vấn đề này, mời quý vị theo dõi.

Không có lợi cho nhà nước

Việt Hà: Thưa nhạc sĩ Tô Hải, chúng tôi được tin là đường truyền Internet của ông đã bị nhà nước cắt, không thể sử dụng được. Ông có thể cho biết họ cắt vào ngày nào hay không?

Nhạc sĩ Tô Hải: Cắt đúng ngày mùng 2 tháng 9. Qua hai ngày đi khiếu kiện khắp nơi thì bây giờ là người ta cho biết là bác thấy không có lợi cho nhà nước.

Việt Hà: Họ có cho ông biết là lệnh cắt này là của ai đưa ra hay không ạ?

Nhạc sĩ Tô Hải: Người ta không nói là lệnh của ai cả. Chứ có những người thì người ta nói thẳng đây là lệnh công an, hoặc là lệnh của ai là các bác biết. Đối với tôi thì họ nói là tại vì cái đường của bác nó hỏng cho nên chúng cháu phải còn sửa chữa còn lâu, bao giờ xong thì chúng tôi sẽ báo cho bác biết.

Việt Hà: Vậy ông có sang các nhà kế cận để kiểm tra đường giây có đúng là bị hư như họ nói hay không ạ?

Nhạc sĩ Tô Hải: Các nhà bên cạnh thì đều có hết, cho nên là một cái sự bịp mà nghe không ai có thể tin được.

Việt Hà: Ông là một người viết blog được chú ý hiện nay và việc bị cắt Internet thì có trở ngại rất lớn, vậy ông có dự định tiếp tục viết bằng cách sử dụng các máy computer tại café internet hay không ạ?

Nhạc sĩ Tô Hải: Nói tóm lại là bị bịt mồm hoàn toàn từ nay trở đi. Nếu có muốn thì đi ra ngoài quán cafe internet mà viết, nhưng mà ra đó thì tức là mắc mưu rồi, đâm đầu vào rọ ngay.

Việt Hà: Diễn tiến mới nhất là cô Quỳnh Như được biết là chủ nhân của trang blog Mẹ Nấm mới vừa bị bắt. Cô Quỳnh Như cũng cư ngụ tại Nha Trang, vậy ông có biết gì về việc này hay không?

Nhạc sĩ Tô Hải: Nó cũng có viết một vài bài phản đối nọ kia hay là phản đối Trung Quốc, nặng về phản đối Trung Quốc, và mặc áo chống Trung Quốc. Nó là con của bà bạn của bà xã tôi. Nó còn trẻ con đó mà.

Muốn bắt ai cứ bắt

Việt Hà: Vậy ông có suy nghĩ gì về các vụ bắt giữ liên tiếp những người bày tỏ chính kiến của họ một cách ôn hòa về vấn đề Trung Quốc không ạ?

Chính quyền mà đã muốn bắt ai là cứ bắt, bỏ tù ai là cứ bỏ tù, thậm chí bỏ tù không cần xét xử
Nhạc sĩ Tô Hải: Cái đất nước này là cái đất nước nó chẳng giống ai cả. Chính quyền mà đã muốn bắt ai là cứ bắt, bỏ tù ai là cứ bỏ tù, thậm chí bỏ tù không cần xét xử. Thì bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong mấy chục năm nay rồi, cho nên là bây giờ thấy bắt đầu là có những cái vấn đề mà blogger cũng như các trang web dựa vào các blogger mà cứ phát triển ra thì gần đây là những chuyện 19 tháng 8, cách mạng mùa thu, rồi chính phủ Trần Trọng Kim, rồi thì di chúc bác Hồ, vân vân, thì người ta phát biểu rất nhiều, do đó (chính quyền) cảm thấy là bây giờ cứ để như thế này (thì) nguy hiểm lắm, người ta cứ bắt thôi, bắt rồi thả, hoặc bắt mà không bao giờ xử, hoặc là bắt một thời gian rồi là xử đúng bằng cái thời gian bị bắt. Đó là trường hợp của Phạm Quế Dương. Hoặc là cứ cho mầy nếm một "tua" nhà tù đi rồi thì là thả. Tất cả cái này là ở đây họ muốn làm gì thì họ làm, họ bất kể, nhất là bây giờ. Ngày hôm qua mà họ kéo được cờ đỏ sao vàng lên trước tòa hành chánh San Francisco của nước Mỹ, thì đấy là thắng lợi của họ thì họ lại càng muốn làm gì thì làm.

Cấm phản biện

Việt Hà: Và theo ông thì tình hình này có còn một hy vọng gì để thay đổi nó từ bên trong hay không?

Nhạc sĩ Tô Hải: Nước Việt Nam này chẳng còn ai có thể giúp được cho cái sự đấu tranh ở trong này, mà tôi chỉ nói cái đấu tranh đúng lẽ phải, ví dụ đấu tranh cho cái đất nước này được toàn vẹn lãnh thổ, đất nước này không bị mất vào tay kẻ nước ngoài, thì ngay cái việc đấu tranh đó cũng bị bắt rồi thì còn đâu nữa! Cãi với ai? Không cho anh cãi. Phải để cho nhà nước bàn cái chuyện này. Chứ các anh làm như thế ảnh hưởng đến công tác ngoại giao. Thế là tội rồi! Cho nên bây giờ là công tác ngoại giao như thế nào thì chưa biết, nhưng mà ông Điếu Cày là vào tù rồi. Ai bảo ông đi biểu tình mà ông lại đứng dàn hàng ngang như thế. Cái dạo đó tôi cũng đi biểu tình nhưng may mà có lẽ già quá nên họ không bắt đấy thôi.

Việt Hà: Còn các nhà trí thức thì sao, thưa ông? Theo chúng tôi thấy thì hồi gần đây tiếng nói của họ cũng xuất hiện rất nhiều trên báo chí hay trên các trang blog cá nhân...

Nhạc sĩ Tô Hải: Gần đây thì cái quyết định 97, kể cả những cái tổ chức của toàn là những giáo sư, tiến sĩ để gọi là phản biện, thế mà bây giờ người ta cũng cấm phản biện luôn. Muốn phản biện gì thì gửi cho tôi, chớ anh mà phản biện nhân danh cái hiệp hội của các anh hoặc là nhân danh cá nhân thì cái đó các anh phạm luật, mà phạm luật thì vào còng số 8, luật 88, điều 88 nó đưa anh vào tù thôi. Cho nên bây giờ đất nước này cho đến ngày hôm nay thì tôi thấy nó đã quá quẩn rồi. Tuổi của tôi bây giờ, tôi mệt lắm rồi, không còn muốn tham gia cái gì. Cũng lo đến cái gì một cái thì nó đánh luôn, nó đánh chết luôn, mà không ai lên tiếng. Ông Michalak bây giờ đây thì mới lên tiếng được một vài cái "rất là quan tâm đặc biệt".

Việt Hà: Xin cám ơn nhạc sĩ Tô Hải về cuộc phỏng vấn ông dành cho chúng tôi ngày hôm nay.

.
◄◄ Home

1 comments:

Fament said...

tin hot CN: PV Đoan Trang và blogger Người Buôn Gió vừa được trả tự do!

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!