Miễn bình luận!

|

Website chuyên về tin tức đá banh hàng đầu của Malaysia - http://football.com.my - đã bị hacked và trang chủ tràn ngập cờ, biểu ngữ "Việt Nam chiến thắng" !!!



Hàng loạt website có tên miền *.com.my (.my là tên miền quốc gia của Mã-Lai-Á; cũng như .vn là của Việt Nam; .us là của Mỹ; .uk là của Anh...) bị hacker tấn công với lời kêu gọi bằng tiếng Việt:



Xem lại hình ảnh nầy càng thấy xấu hổ và nhục nhã cho CĐV-hacker của bóng đá VN:



-------------------------------------------------
TỔNG HỢP MỘT SỐ BÀI VIẾT VỀ TRẬN CHUNG KẾT SEAGAMEs 25

Từ hiện tượng “đi bão”
SGTT - Có người nói, ngày thường, ở thành phố, khi cần mua một lá cờ đỏ sao vàng, không biết phải kiếm đâu. Thế nhưng cứ đến trước mỗi trận bóng đá quyết định Việt Nam vào vòng trong của những giải ‘tầm cỡ khu vực”, là y như rằng, quốc kỳ được bán đầy rẫy dọc các đường phố như hàng xôn. Người buôn bán cũng biết đón trước thị trường có nhu cầu cổ vũ, bày tỏ niềm tự hào “màu cờ sắc áo” của đám đông thanh niên “đi bão”.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nhiều tờ báo đã dùng các ngôn từ rất bay bổng, đầy cảm hứng để mô tả những “cơn bão” hậu chiến thắng kiểu này. Nhiều nhà báo “dấn thân” hoà vào tâm điểm các “cơn bão” đó để tung lên trang nhất những ghi chép sinh động, nóng bỏng. Truyền hình cũng thế. Các ống kính camera lao vào dòng người chuyển tải niềm phấn khích chiến thắng thể hiện qua các điểm kẹt xe kéo dài hàng vài giờ ngay giữa trung tâm thành phố, phỏng vấn cả lực lượng an ninh đang đứng thản nhiên, vui vẻ thả cửa cho đám thanh niên mặc sức lạng lách, đánh võng. Họ “tạo điều kiện cho người dân ăn mừng chiến thắng”.

Những hình ảnh đó như một gợi ý, bật đèn xanh, cổ suý cho loại thói quen xuống đường “té nước theo mưa”, gia tăng dần mức độ “bão” qua mỗi kỳ giải bóng đá trong thời gian gần đây. Điều gì lặp đi lặp lại trong thói quen đám đông theo dạng này thì sẽ thành tập quán, lối hành xử khó thay đổi – là dịp để đám đông thanh niên giải toả năng lượng qua những màn “biểu diễn” bất chấp sự nguy hại đến tính mạng của mình và người khác, làm tắc nghẽn giao thông, đập phá, hoang phí của cải xã hội…

Việc chờ đợi tỷ số những trận bóng để được ào ào xuống đường cũng thể hiện một tâm lý ngầm bên dưới của đám đông, đó chính là sự thiếu vắng cơ hội bày tỏ xúc cảm, chính kiến cộng đồng; sự nghèo nàn và thèm khát những biểu tượng đem lại cơn thoả mãn nhu cầu được khẳng định, ngưỡng vọng, tự hào. Thực tế ấy còn phơi bày một tâm lý kém tự tin nằm sâu trong tâm thức số đông (chủ yếu là những người trẻ); việc nhận thức về thế giới còn nặng tính ta – địch, thắng – thua; tính thành tích, quy chiếu giá trị: thắng – hào quang cho nước nhà, thua – nhục nhã cho quốc gia…), thiếu sự khoan dung cũng như cái nhìn rộng mở trong những bối cảnh cần bước qua được những tự ti mang tính cộng đồng.

Cũng chính vì thế, mặt ngược lại cũng không lạ mỗi khi đội tuyển Việt Nam thua trận trở về, những gian hàng bán cờ lưu động trên đường phố dẹp tiệm sớm, nhiều tờ báo lên tiếng bêu riếu đội tuyển và huấn luyện viên… Tự hỏi: Chơi đẹp là thế ư? Tinh thần thượng võ và hội nhập trong thể thao đâu rồi? Tự hào màu cờ sắc áo là vậy chăng?

Lòng yêu nước một khi chỉ phụ thuộc vào tỷ số các trận đấu, sự “tự hào màu cờ sắc áo” một khi được biểu hiện qua tiếng gõ thùng, lon, xoong, nồi chập cheng, đinh tai nhức óc và tiếng la hét dậy sóng trên những con phố kèm theo cảnh đánh võng, đua xe như xẹt lửa trên đường hay hô hào náo loạn, thiếu tôn trọng không gian chung trong những “cơn bão” thường kéo dài đến sáng…, nếu nhìn bề mặt thì cứ nghĩ đó chỉ là sự tỏ bày niềm vui quá lớn, nhưng nếu nhìn từ góc độ tâm lý học thì sẽ thấy những biểu hiện bất ổn đang len lỏi trong tâm hồn cộng đồng. Gần hơn, chúng ta thấy rõ hơn những thiệt hại thấy được mà xã hội phải gánh chịu từ những cơn hào hứng hân hoan thái quá này. Một người bạn làm bác sĩ trong bệnh viện cho tôi biết, những đêm sau trận Việt Nam thắng trong các giải khu vực, thể nào phòng cấp cứu bệnh viện cũng quá tải. Rùng rợn hơn, một người chuyên cung ứng nạng gỗ tại TP.HCM đã nói, sau mỗi trận bóng có đội Việt Nam chiến thắng thì cơ sở nạng gỗ của anh đã không đủ cung cấp cho nhu cầu từ các bệnh viện.

Gustave Le Bon, tác giả cuốn sách kinh điển Tâm lý học đám đông cho đây là loại đám đông có những hành vi, tâm lý lây lan bầy đàn nhiều hơn lan toả và chia sẻ có tính văn hoá.

Sự tỏ bày niềm vui của đám đông trong những dịp này là điều tất nhiên. Trong đó chắc chắn cũng không thiếu những người yêu nước chân thành, tự hào chân thành về một thành tích, dù nhỏ, của quốc gia. Nhưng việc góp phần hoặc khuyến khích biến đám đông thành một tập thể gần như điên loạn, hoang dại là điều không nên khuyến khích. Bài học về niềm tự hào gắn với danh xưng, thành tích và quan niệm bảo vệ “màu cờ sắc áo”, tư duy “ta – địch”, “thắng – thua” theo kiểu cũ, có lẽ cũng phải được tư duy lại từ ngay trong nhà trường, trong chương trình giáo khoa, trong cách thông tin của giới truyền thông để xã hội có những hành xử văn minh hơn.


Thiển nghĩ, những điều tra về tâm thế ngầm, “phần chìm của tảng băng”, qua các hiện tượng này sẽ cho những nhà nghiên cứu tâm lý có trách nhiệm nhiều luận cứ cần thiết để cảnh báo xã hội kịp thời. Riêng việc xoay chuyển một tập quán, một tính cách đám đông thì không dễ dàng ngày một ngày hai. Nếu hướng năng lượng xã hội vào những mục tiêu tích cực, mở ra không gian tiếp nhận các cộng hưởng trí tuệ đám đông trong sáng tạo, đóng góp cho xã hội; tạo điều kiện, cơ chế văn hoá để họ bộc lộ, giãi bày chính kiến có tính đòi hỏi, kích ứng sự tốt đẹp, văn minh hơn cho đời sống thì sẽ giảm bớt những đám đông bầy đàn, bề nổi, phù phiếm.



Yêu nước và Bóng đá
Trần Tiến Dũng

Nhiều người ngỡ ngàng và đau vì trận thua chung kết Sea Games ở Lào

Trước giờ bóng lăn trong trận chung kết bóng đá nam Sea Games 25, cả Việt nam chắc ăn đội tuyển U-23 sẽ đoạt huy chương vàng sau 50 năm chờ đợi.

Thật khó tả đầy đủ cái không khí chiến thắng chắc ăn ấy. Những điểm bán cờ và các băng-rôn cá nhân mọc đầy đường phố. Và hơn thế nữa những quán ăn, quán nhậu kê bàn tràn ra lề đường, trong khi những dòng xe hối hả chạy cho kịp đến điểm hẹn màu đỏ. Cái màu đỏ biểu tượng cho chiến thắng chắc ăn này còn vào đến tận buổi ăn của các gia đình bình thường, mặc áo đỏ, nuốt vội miếng cơm, sẵn sàng đi bão mừng chiến thắng.

Một chủ tiệm bán computer trên đường Võ Văn Tần nói với mấy người cậu, dượng, chú, bác của mình qua điện thoại rằng, hôm nay không thể đến quán nhậu coi đá banh như đã hứa lúc xem trận đá với Singgapore. Anh nói: Tính vừa nhậu vừa coi như bữa trước cho VN hên, nhưng con vợ nó muốn cháu coi ở nhà. VN thắng, chở mẹ con nó đi ăn mừng Việt Nam vô địch, Việt nam số 1.”

Những người chủ gia đình VN hôm nay đều xuất thân từ những thế hệ “yêu nước qua bóng đá.” Trước năm 1975, không hề có thế hệ cuồng nhiệt yêu bóng đá và yêu nước như vậy, dù bóng đá thời đó khác, phương tiện truyền tải bóng đá đến với công chúng khác, nhưng rõ ràng là trình độ bóng đá thời đó so với mặt bằng bóng đá khu vực hiện nay ở thế bề trên.

Mặt trời đỏ có hình trái banh đã làm nên những cơn sóng cuồng nhiệt từ cái nền tâm lý dân tộc bị ức chế. Nhưng chưa bao giờ lòng yêu nước thông qua chiến thắng bóng đá đáp ứng được khát vọng đám đông, nếu không nói là bị dùi vào thất vọng qua hai trận chung kết Sea Games 23 và 25.

Mỗi lần thua ở những trận chung kết chắc ăn như vậy, ai cũng biết là hàng triệu người hâm mộ sẽ đổ lỗi cho cầu thủ, huấn luyện viên, liên đoàn bóng đá…và sau đó là mỗi người qui lỗi cho chính sự ngây thơ lồng ghép khiêng cưỡng tình yêu nước qua bóng đá. Không ai nhắc một từ nào về sự cố ý kích động yêu- nước- bóng- đá của các phương tiện truyền thông VN. Nhưng người ta vẫn nhớ những cụm từ dành cho cuộc chiến dành độc lập được áp vào bóng đá VN như: “ Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.” “ Việt Nam quyết thắng.” “ Chiến thắng huy hoàng.”…Tất cả những cụm từ mang nghĩa to tác trên đều cố tình giấu từ bóng đá, để chỉ còn lại Việt Nam quyết thắng và Việt Nam chiến thắng…

Bảo vệ danh dự màu cờ sắc áo, tự hào khi bước lên bục nhận huy chương vàng trong tiếng quốc ca, không có nghĩa là thông qua đó để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước - bóng đá cực đoan.

Trên thế giới có thể có cuộc chiến giữa hai dân tộc do nguyên nhân đá banh nhưng đó chỉ là cá biệt, người ta chỉ ghi dấu son của thể thao khi là phương tiện ngoại giao như trường hợp đấu bóng bàn giữa Mỹ và Trung Quốc…Ở bình diện quốc tế, tinh thần thể thao chân chính là tinh thần nối kết hoà bình - hữu nghị giữa các dân tộc. Bảo vệ danh dự màu cờ sắc áo, tự hào khi bước lên bục nhận huy chương vàng trong tiếng quốc ca, không có nghĩa là thông qua đó để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước - bóng đá cực đoan.

Cổ động viên cuồng nhiệt là điều tốt hay xấu?

Một trí thức sống ở Sài Gòn nói: "Một huấn luyện viên có thể dùng tâm lý yêu nước để động viên cầu thủ, cầu thủ có thể ra sân với trái tim dân tộc nồng nàn. Nhưng chơi thể thao, chơi bóng đá mà dồn hết gánh nặng khủng khiếp về trách nhiệm dân tộc lên vai vận động viên, thể thao với tâm lý ấy thì tội quá. Có thắng người ta cũng trối chết còn thua thì như lãnh án tội đồ.”

Thể thao là một phương tiện để loài người rèn luyện thể lực và tinh thần. Ai cũng biết rằng để đi đến thắng trận trong một cuộc đấu thể thao, người vận động viên bên cạnh tài năng, cái tối cần phải có là tình trạng tâm lý tốt. Với đà cực đoan yêu nước bằng bóng đá này, nhiền người tiên đoán thắng trận chung kết bóng đá giải AFF có lẽ là trường hợp đầu tiên và cuối cùng. Việt Nam sẽ không bao giờ có thể chiến thắng trong những trận chung kết bóng đá ở các giải đấu quan trọng tương lai, khi bản thân người thi đấu đã bị làn sóng đỏ yêu nước bóng đá kiểu cực đoan làm tê liệt cái đầu và đôi chân.

Nếu muốn chứng minh phẩm chất Việt Nam, hãy hướng đến những nội dung xã hội toàn diện hơn.

Một người đàn bà nội trợ nói về trận cầu đã thua hôm qua như sau: "Ở chợ người ta nói Việt Nam bị lời nguyền rồi, đá chung kết là thua. Mà thua vô duyên lắm, lần trước là do cái lưng của ông Singapore, lần này là do cái ngực đốt lưới nhà. Tôi thì không tin. Tôi thấy thiên hạ làm rần rần như trận giặc, cầu thủ họ đá làm sao được.”

Các bình luận viên truyền hình Việt Nam khi oán trách đội hình U 23 Việt Nam đá trận chung kết không thanh thoát bằng trận đá bán kết. “Thanh thoát” sao được! Hãy nhìn lại những đội tuyển trong khu vực mà xem, họ đá trận chung kết đâu phải vì “quyết tử cho tổ quốc vinh quang.” Thể thao và bóng đá ngày nay càng gần hơn với tinh thần một loại hình giải trí. Vận động viên thể hiện tài năng cá nhân và phẩm chất dân tộc trước tiên bắt đầu từ niềm vui được chơi và được phục vụ cộng đồng

Cứ mỗi mùa thi đấu quốc tế là lặp đi lặp lại hiện tượng những dòng người cuồng mê đổ ra đường mừng chiến thắng bóng đá, rồi lồng ghép tinh thần yêu nước, hội chứng yêu nước kiểu đó là điều ngớ ngẩn. Nếu muốn chứng minh phẩm chất Việt Nam, hãy hướng đến những nội dung xã hội toàn diện hơn và nhất là chứng minh sự vượt trội của tinh thần quốc gia - dân tộc trong những giá trị văn minh và nhân quyền.



Bóng đá và tiền
BS Hồ Hải

Bài viết này chỉ ghi lại sự kiện có thật mà tôi đã nghe tại một điểm xem bóng đá. Nó không ám chỉ điều gì, chỉ để suy nghĩ về bóng đá nước nhà rên phương diện duy vật biện chứng luận và phân tâm học về bản ngã..


Suy nghĩ mãi có nên viết bài này không? Nếu viết mà không duy lý thì sẽ hàm oan. Viết duy lý thì cũng tội cho các cháu trong đội tuyển U23 Việt Nam. Vì lương cầu thủ Việt Nam đã thấp dưới sàn. Các cháu còn trẻ, dù có giỏi lương cũng chỉ đủ lấp miệng. Vào được đội tuyển cũng là cách để đánh bóng mình để hy vọng lên đời. Nhưng nếu có lên đời thì lương cao nhất hiện tại cũng chỉ vài ba chục triệu mỗi tháng như Công Vinh. Đời cầu thủ thì ngắn, giữ giỏi cũng chỉ chục năm nữa là tàn. Sau khi tàn biết làm gì ăn? Tôi có vài thân chủ là vận động viên số 1 trên đường đua xe đạp và bóng chuyền nữ Việt Nam một thời đình đám với nhiều huy chương. Họ lấy nhau, chồng còn làm huấn luyện viên cho đội đua, vợ ở nhà làm vợ, làm mẹ. Họ sống thanh đạm và vất vã.

Nói thế để thấy tại sao chiều nay trận túc cầu đầy cao vọng của đội tuyển U23 nam của ta với đội Malaysia có kết quả tồi? Hiệp I, đội hình Việt Nam ra quân 4-4-2, thế nhưng hàng tiền vệ lại áp đảo hàng tiền vệ đội Malaysia và đá hầu như chỉ trên nữa sân đội khách. Đúng như ông Calisto đã vạch ra điểm yếu của đội Malaysia là hàng tiền vệ. Hiệp II, ông huấn luyện viên trưởng thay đổi đội hình thành 4-5-1, thiên về phòng thủ từ xa. Ấy thế mà 5 tiền vệ lại thi đấu không bằng 4 tiền vệ so với hiệp I. Đã thế hàng thủ bỏ ngỏ cả 2 cánh một cách khó hiểu? Các chú bình luận viên truyền hình thì cho rằng các cháu U23 Việt Nam không còn thể lực. Thế nhưng, với thể lực ấy, các chàng trai Việt đã đấu chưa bao giờ thấy mệt ở những trận vòng ngoài. Thậm chí các chàng trai Việt đã vùi dập đối thủ những 3-1! Bây giờ với đối thủ ấy, hiệp I thì áp đảo; còn hiệp II thì bỏ ngỏ khung thành và 5 người tuyến giữa không bằng 4 người ở hiệp I. Người ta bảo rằng: bóng đá là trò chơi tập thể, chỉ cần 1 cá nhân trong 1 tập thể buông chèo là đội hình sẽ rối và thuyền sẽ lật.

Xem hiệp II, tôi nghe bình luận viên thông báo: Nếu huy chương vàng sẽ được thưởng nóng 200.000USD. Nếu huy chương bạc cũng sẽ được thưởng nóng 100.000USD do một công ty truyền thông đình đám. Thấy hôm nay cả hiệp I các chàng trai Việt đá cứ như gà mắc tóc, dù có tấn công áp đảo. Tôi trộm nghĩ, nếu thế thì chỉ cần huề 2 hiệp chính chắc các cháu sẽ có 1 số tiền mà người ta thường gọi là bán độ. Rồi hai hiệp phụ sẽ thanh toán cũng chưa muộn.  Mấy hôm nay hễ có trận bóng đá nam Việt Nam vào trận là clinic vắng hoe, đường xá không xe chạy. Trước clinic của tôi có một quán nước mía, và cũng là sân chơi của dân các cược với truyền hình trực tiếp. Tôi cũng ra ngồi uống nước mía xem cùng để hô hào ủng hộ đội tuyển U23 Việt Nam. Một tay  cò nói rằng: Nó bán cho thua luôn, vì kèo bây giờ là đá đồng Việt Nam lún tiền. Tôi hỏi lún tiền là sao. Cậu ta bảo: Bố ơi, bố không hiểu thì đừng hỏi, vì hỏi mà biết thì sẽ ghiền, mà ghiền thì hết nhà đấy bố. Cứ ngỡ cậu ta nói chơi. Ai ngờ là thật. Phút 84 định mệnh khi cậu hậu vệ biên có bóng, không chịu phá ra biên khi bóng quanh quẩn ở khu 16,50 mà lại đưa cho cầu thủ Malaysia. Điều gì đến đã đến. Thế là cầm vàng mà để vàng rơi.

Ở một đất nước có nền văn hóa duy tình, đạo Khổng còn ăn trong máu. Hôm qua, các cô gái vàng vắt kiệt sức để cầm cự vì luống tuổi, để cuối cùng chiến thắng bằng ý chí, tinh thần thép trên chấm phạt đền. Trên đường về tôi chợt chạnh lòng khi đường phố vắng hoe. Thiển nghĩ, vàng nào cũng là vàng. Tại sao vàng nữ thì coi thường mà vàng nam thì được chăm sóc? Hôm nay, cứ ngỡ sẽ kẹt xe trên đường về. Nhưng chỉ 15 phút hiệp II xảy ra là tôi biết kết quả là đội U23 nam Việt Nam sẽ thua. Chuyện có thật như đùa. Tan trận, tôi hỏi cậu làm cò, vì sao tụi nhỏ nó bán độ? Cậu ta thản nhiên trả lời. Bán độ nó cũng được thưởng 100.000USD, nhưng tụi nó có thêm tiền tỷ bố ạ. Thắng chỉ có chiếc huy chương vàng, sắc nước mà uồng với 200.000USD, nhưng số ấy có được đến tay tụi nó đầy đủ đâu hả bố? Ban đầu tụi nó chủ huề 90 phút để chia tiền 90 phút chính thôi. Nhưng hiệp II dân cá cược dồn nhiều quá với Việt Nam đá đồng sau 15 phút. Nên lệnh phải thua bố ạ. Bố cứ nghĩ mà xem. Trước trận đấu ra kèo Việt Nam chấp 1 trái. Nhưng chỉ 60 phút thi đấu còn đá đồng là sao? Rồi cậu ấy rồ xe đi nhậu. Vì sau mỗi trận đấu ai thắng, ai thua cậu ta cũng có tiền cò. Tôi cứ ngớ người ra: Ai lệnh phải thua vậy cà?

Chuyện bóng đá hay chuyện thể thao vua không còn là chuyện tinh thần thượng võ ở xứ mình từ lâu. Cũng đã có những án, và những cầu thủ đi tù trong quá khứ. Nhưng chiều nay, sau 50 năm niềm hy vọng Việt Nam lại về chợt tan biến. Tôi chỉ nghe và ghi nhận, tôi chỉ mong những gì mình nghe là không sự thật. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại thấy cậu cò bóng đá cũng có lý. Nên chỉ ghi lại như đây là một sự kiện để nhớ trong đời, và để an ủi rằng bóng đá Việt Nam không thua Malaysia chiều nay. Con người ta bảo rằng: muốn sống hạnh phúc thì cuộc sống phải còn có niềm tin và hy vọng. Thôi thì cứ hy vọng là bóng đá nam Việt Nam được vàng, vì cộng theo toán học của 2 trận gặp Malaysia trong Seagame lần này chúng ta thắng tỷ số 3-2!!! Hai muơi năm tham dự Seagame với 11 lần hy vọng. Cứ mỗi lần hy vọng lại 1 lần thất vọng tràn trề cho bóng đá. Bổng nhớ đôi mắt trắng dã trên khuôn mặt khác khổ ông Weigang năm nào với câu nói trước khi từ gĩa đội tuyển Việt Nam: can not win!

Trong duy vật biện chứng có cặp phạm trù: Ngẫu nhiên và Tất nhiên. Cái gì xảy ra lặp đi, lặp lại thì từ ngẫu nhiên sẽ thành qui luật và tất nhiên. Ta thua 5 trận chung kết của 3 gương mặt Đông Nam Á trong Seagame: Thái, Sing, Mã lai. Vậy thì đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả? Đâu là hiện tượng, đâu là bản chất? Và đâu là nội dung và đâu là hình thức của những cuộc thua? Nên riêng tôi, tôi không suy nghĩ đơn thuần chỉ là bán độ như cậu cò đã nói trong chuyện bóng đá nước nhà. Mà thua vì lệnh của ai? Và ai bán độ trong những cuộc chơi này?

Trên đường đi làm về hôm nay, đường phố vắng tanh, không có cờ, không có kèn trống như hôm thắng Singapore trong trận bán kết. Dân Sài Gòn mà ai không sợ kẹt xe? Nhưng 20 năm nay cứ mỗi lần Seagame đến, tôi luôn mong được kẹt xe thâu đêm, suốt sáng vào cái đêm chung kết bóng đá Seagame mà có đội nam Việt Nam tham dự 1 lần, chỉ 1 lần thôi, nhưng sao khó quá? Cứ nghĩ ngợi mông lung, phải chi người Việt biết trân trọng các cô gái vàng hơn thì cuộc vui sẽ lấp đầy cho cái khuyết mà bóng đá nam đã làm thất vọng. Những giọt nước mắt huy chương vàng của các cô gái Việt làm sung sướng bao nhiêu thì nước mắt nuốt vào lòng của các cầu thủ nam quặn thắt bấy nhiêu. Trong nước mắt nuốt vào lòng có vị đắng của cái thế nhỉ?



Có phải là bán độ?
(DCVOnline)
Trần Khải

Trận bóng đá chung kết giữa đội tuyển Việt Nam và Mã Lai có một bàn thắng bất ngờ, dẫn tới tỷ số đội Mã Lai thắng đội Việt 1-0. Có thật rằng trận chung kết đội tuyển U23 trong Đông Nam Á Vận Hội SEA Games kỳ thứ 25 giữa Việt Nam và Mã Lai hoàn toàn không có bàn tay phù thủy nào thò ra dàn dựng kết quả trước? Có phải rằng đội Việt Nam đã bán độ? Hay, có phải thực sự đội tuyển Việt đã kiệt sức trong trận cuối này? Hay là có chỉ thị nào từ nhà nước CSVN rằng đội tuyển VN phải thua, để tránh làn sóng dân chúng tràn xuống đường biểu tình và cơ nguy các “nhà hoạt động dân chủ lợi dụng” ném truyền đơn, biểu tình lên án vụ Trung Quốc chận bắt tàu cá của ngư dân Việt?

Chúng ta thực sự không biết chính xác câu trả lời, nhưng các băng hình về quả bóng khả nghi này đã cho chúng ta nghi vấn. Nghĩa là, thấy vậy mà không phải là vậy. Nghĩa là, thấy chỉ là biểu kiến thôi, còn sự thực ám muội phía sau lại là điều khó hiểu. Một điều nữa, nếu thực sự là có bán độ, hay là có dàn dựng để thua, thì ở mức độ lớn hơn, có thể nào chính phủ CSVN sẽ bán độ để chịu thua thiệt ở đất rừng Tây Nguyên và các đảo Biển Đông?

Lùi bước ở sân vận động có khi là chuyện thường: Chúng ta có thể thua một trận bóng đá, và vài năm sau có thể sẽ thắng trở lại trong các trận bóng khác. Tuy nhiên, lùi bước ở lãnh thổ là chuyện bất thường: nếu mất một phần lãnh thổ Tây Nguyên và một phần lãnh hải Biển Đông, có thể sẽ vĩnh viễn mất luôn, hoặc nếu có cơ may thì phải nhiều thập niên hay cả thế kỷ sau mới lấy về lại được.

Trở lại chuyện bóng đá. Bạn có thể xem trận bóng chung kết với bàn thua kỳ lạ của đội Việt Nam trên mạng www.YouTube.com, và trong đó, đội VN mặc áo trắng, đội Mã Lai áo xanh.



Trước tiên là nói chuyện tường thuật, theo báo nhà nước, tổng hợp từ các báo SGGP,Tuổi Trẻ, thông tấn nhà nước TTXVN, Dân Trí, ngày 17/12/2009 vưà qua, trong trận chung kết môn túc cầu nam của Đông Nam Á Vận hội (SEA Games) kỳ thứ 25 diễn ra tại thủ đô Lào, đội tuyển túc cầu U23 (gồm các cầu thủ dưới 23 tuổi, theo quy định của SEA Games) đã thua đội U23 Mã Lai với tỉ số 0-1 ở phút 84 của hiệp nhì, dù rằng trong trận đấu ở vòng bảng, VN đã thắng Mã Lai 3-1.

Bản tin báo Tuổi Trẻ ghi rằng sau trận chung kết, các cầu thủ Việt Nam đổ gục xuống sân nức nở... Các cầu thủ Mã Lai an ủi họ...

Khi đọc, chúng ta chỉ hiểu theo mô tả của phóng viên. Khi nghe qua đài phát thanh, chúng ta chỉ hình dung theo lời người kể. Nhưng phải nhìn thấy bằng mắt, để tự mình có suy luận riêng. Khi xem nhiều băng hình về cú banh lọt gôn nhà này, quả tình là nhiều người Việt nghẹn lời. Câu hỏi là, có phải như là bán độ, đã đột khởi trong suy nghĩ cuả nhiều người.

Trên blog của bác sĩ Hồ Hải (bshohai.blogspot.com), bài đăng hôm Thứ Năm 17-12-2009, nhan đề “Nói Chuyện Triết Học của Người Ngoại Đạo: Bóng Đá và Tiền,” nêu lên nhận xét tác giả nghe từ một cò cá độ bóng đá, trích:
“...Xem hiệp II, tôi nghe bình luận viên thông báo: Nếu huy chương vàng sẽ được thưởng nóng 200.000USD. Nếu huy chương bạc cũng sẽ được thưởng nóng 100.000USD do một công ty truyền thông đình đám. Thấy hôm nay cả hiệp I các chàng trai Việt đá cứ như gà mắc tóc, dù có tấn công áp đảo. Tôi trộm nghĩ, nếu thế thì chỉ cần huề 2 hiệp chính, chắc các cháu sẽ có 1 số tiền mà người ta thường gọi là bán độ. Rồi hai hiệp phụ sẽ thanh toán cũng chưa muộn...
... Vào phút 60 trận đấu, một tay cò nói rằng: Nó bán cho thua luôn, vì kèo bây giờ là đá đồng Việt Nam lún tiền. Tôi hỏi lún tiền là sao? Cậu ta bảo: Bố ơi, bố không hiểu thì đừng hỏi, vì hỏi mà biết thì sẽ ghiền, mà ghiền thì hết nhà đấy bố. Cứ ngỡ cậu ta nói chơi. Ai ngờ là thật. Phút 84 định mệnh khi cậu hậu vệ biên có bóng, không chịu phá ra biên khi bóng quanh quẩn ở khu 16,50 mà lại đưa cho cầu thủ Malaysia. Điều gì đến đã đến. Thế là cầm vàng mà để vàng rơi...

... Tan trận, tôi hỏi cậu làm cò, vì sao tụi nhỏ nó bán độ? Cậu ta thản nhiên trả lời. Bán độ nó cũng được thưởng 100.000USD, nhưng tụi nó có thêm tiền tỷ bố ạ. Đó là chưa kể đến chuyện nếu tụi nó đá thắng thì có thể đời cầu thủ của tụi nó không ai dùng! Thắng chỉ có chiếc huy chương vàng, sắc nước mà uồng với 200.000USD, nhưng số ấy có được đến tay tụi nó đầy đủ đâu hả bố? Ban đầu tụi nó chủ huề 90 phút để chia tiền kèo chấp thôi. Nhưng hiệp II dân cá cược dồn nhiều quá với kèo Việt Nam đá đồng sau 15 phút. Nên lệnh phải thua bố ạ. Bố cứ nghĩ mà xem. Trước trận đấu ra kèo Việt Nam chấp 1 trái. Nhưng chỉ 60 phút thi đấu còn đá đồng là sao? Rồi cậu ấy rồ xe đi nhậu. Vì sau mỗi trận đấu ai thắng, ai thua cậu ta cũng có tiền cò. Tôi cứ ngớ người ra: Ai lệnh phải thua vậy cà?..”
(hết trích)

Chúng ta thực sự không có chứng cớ nào hiện nay để nói rằng đội nhà bán độ, dù rằng hình ảnh trên băng hình có những điều thật khó giảỉ thích, và dù rằng anh cò tin tưởng như thế. Thêm nữa, không thể nào đòi hỏi rằng sức khỏe các vận động viên phải sung mãn như những trận đầu. Nhưng một câu hỏi có thể nêu lên rằng, sau khi đội tuyển VN thắng trận bán kết, hạ đội U23 Singapore để vào chung kết, tất cả các thành phố lớn đều có tuổi trẻ xuống đường, lái xe gắn máy chạy ào ạt, phất cờ (tất nhiên là cờ đỏ sao vàng), mang biểu ngữ hoan hô đội nhà... làm công an lo giữ an ninh mệt mỏi.

Báo An Ninh Thủ Đô ngày Thứ Tư 16-12-2009 có bản tin, trích:
“Sau trận bán kết bóng đá SEA Games 25 giữa U23 Việt Nam và U23 Singapore: Bắt giữ nhiều trường hợp vi phạm pháp luật.
(ANTĐ) - Đêm 14, rạng sáng 15-12-2009, lực lượng Cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội đã tổ chức hơn 400 lượt CBCS tuần tra kiểm soát, chống đua xe trái phép và gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố.

Kết quả đã phát hiện, lập biên bản bắt giữ và xử lý 87 trường hợp người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Đáng chú ý, trong đêm 14, rạng sáng 15-12-2009, sau khi đội tuyển U23 Việt Nam chiến thắng U23 Singapore ở loạt trận bán kết bóng đá nam của SEA Games 25, nhiều đối tượng quá khích đã điều khiển xe máy có những dấu hiệu gây rối trật tự công cộng...”
(hết trích)

Bản tin không ghi rõ “gây rối trật tự công cộng” là như thế nào. Thí dụ, uống rượu, la hét, đánh nhau, đập phá...? Hay là ném truyền đơn, hát nhạc vàng, kêu gọi dân chủ, hô hào gìn giữ Trường Sa và Hoàng Sa? Bản tin không nói rõ.

Tuy nhiên, một số diễn đàn tuổi trẻ trong dịp hậu bán kết này đã đưa ra lời kêu gọi chuẩn bị cho hậu chung kết, rằng nếu đội VN thắng huy chương vàng bóng đá SEA Games, lần này sẽ có nhiều thanh niên đi lẫn trong dòng thác người ra phố để hô khẩu hiệu và phát truyền đơn đòi giữ gìn lãnh thổ, lãnh hải. Thực tế, từ lời kêu gọi cho tới hiện thực xảy ra cũng là khoảng cách lớn. Nhưng có phải mối lo về an ninh này đã làm Bộ Công An lo ngại, để dặn dò tuổi trẻ trong đội U23 Việt Nam là nên thua trận chung kết.

Thêm nữa, từ mấy hôm nay, đêm nào cũng có hàng chục, hàng trăm tín đồ Tin Lành tới cầu nguyện trước sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội để xin nhà nước cấp giấy phép tổ chức Lễ Giáng Sinh, đặc biệt đêm 16-12-2009 có một xe phun nước của nhà nước chạy tới “gây rối trật tự công cộng” bằng cách phun nước nhằm vào tín đồ đang quỳ cầu nguyện bên hè phố... Có phải nỗi lo sợ mùa Lễ Giáng Sinh sẽ có đông người bất ngờ, cộng với làn sóng mừng bóng đá SEA Games đã làm nhà nước lo sợ, nếu làn sóng hàng triệu người tràn ra phố Hà Nội và đột khởi bạo động? Chúng ta không biết suy nghĩ của chính phủ thế nào. Đây chỉ là suy đoán về một khả thể.

Điều quan ngại, rằng nếu có thể xảy ra bán độ, hay có thể xảy ra chuyện ra lệnh bán độ cho một trận bóng đá, thì ở mức độ lớn, có thể nhà nước CSVN sẽ bán độ cho an ninh lãnh thổ hay không?
Nhìn bề ngoài, chúng ta thấy rằng chính phủ CSVN đang kết thân hơn với Mỹ, đang tìm mua vũ khí tối tân hơn từ Nga, và có vẻ như các diễn tiến cho thấy một quyết tâm gìn giữ cõi bờ. Thậm chí, Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN, Tướng Phùng Quang Thanh, còn bay sang họp với Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ... Nghĩa là, lộ vẻ sẽ không nhu nhược trước các ngang ngược của Trung Quốc nữa.

Tuy nhiên, không hề có không khí của một lời kêu gọi đoàn kết toàn dân để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Mới tuần trước, Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Quốc Phòng, nói rằng VN đang gặp thế lực phản động giả danh làm ‘dân chủ và nhân quyền’ để chống đảng và nhà nước, nhằm ‘diễn biến hòa bình.’

Trước đó, bài diễn văn ngày 5-12-2009 của Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nông Đức Mạnh cũng kêu gọi quân đội chống lại ‘diễn biến hòa bình.’

Nghĩa là, nhà nước CSVN nhìn các hoạt động dân chủ đáng sợ hơn là hiểm họa quân đội Trung Quốc ở Tây Nguyên và Biển Đông.

Nhưng thực sự, các vận động dân chủ đòi gì? Bản tin của mạng Tin Lành Hoa Kỳ CNSNews ghi lời ông Đoàn Việt Trung, một người hoạt động nhân quyền từ Úc, nói rằng Mỹ hợp tác với CSVN có thể lại làm thiệt hại cho người dân bình thường VN, vì sẽ củng cố quyền lực độc tài cho một chế độ không chấp nhận bầu cử tự do và tăng lực chống các nhà bất đồng chính kiến. Ông Trung nhắc tới cuộc đàn áp hồi tháng 2-2001, khi 20,000 người Thượng vùng cao biểu tình đòi đất và đòi quyền tự do tôn giáo.

Như thế, nội bộ Việt Nam thực sự bao giờ có thể có một Hội Nghị Diên Hồng, để mọi người chung sức chống mưu đồ của TQ đòi lấn biển, lấn đất VN? Nếu nhà nước CSVN thực sự không tìm thỏa hiệp, tìm đối thoại, để mọi người chung sức cho các trận chiến gian nan sắp tới, thì có nghĩa là, Đảng CSVN thấy chính phủ Bắc Kinh còn ít nguy hiểm hơn các nhà dân chủ VN?

Nếu thực sự thấy rằng Bắc Kinh kém nguy hiểm, có phải đó là mầm mống của một suy nghĩ để Hà Nội sẽ bán độ cho trận chiến Biển Đông tương lai? Rồi sẽ thương thuyết để dự toán thua bao nhiêu, 0-1, hay 0-2, hay nhiều hơn?

Cần suy nghĩ về nỗi lo này vậy.

.
◄◄ Home

2 comments:

Lý Toét said...

Bạn ơi, đưa cái link là đủ rồi, sao lại phải copy vậy.

Chủ nhà said...

Tôi thích vậy thì sao?

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!