Ký ức những mùa World Cup

Mỗi mùa World Cup đều để lại trong lòng người hâm mộ những ký ức buồn vui khác nhau. Kỷ niệm gắn liền với cuộc sống và sinh hoạt đời thường của mỗi người, mỗi tổ chức hoặc cả một cộng đồng. Mặc dù chất lượng chuyên môn của từng đội tham dự có thể không sánh bằng các đội tuyển chọn lọc ở các câu lạc bộ thuộc Champion League, Serie A hoặc La Liga... Nhưng tinh thần dân tộc với màu cờ sắc áo lại được nêu cao trong các cuộc đua tranh. Và mức độ hấp dẫn của nó được đánh giá là sự kiện thu hút số người theo dõi lớn nhất hành tinh này.

Mùa World Cup đầu tiên tôi được biết đến là España 1982 tổ chức tại Tây Ban Nha. Thời ấy chưa được xem truyền hình trực tiếp như bây giờ. Vòng chung kết chỉ có 24 đội tham dự chia làm 6 bảng, nên việc chọn tiếp 8 đội vào vòng II không đơn giản như trường hợp chọn 16 đội từ 8 bảng sau này.

Chỉ có những trận cầu hay, thường là từ vòng loại trực tiếp trở đi, mới được phát lại trên TV đen trắng. Thế cũng đủ cho tên tuổi của các danh thủ Brazil và Pháp thời bấy giờ như Zico, Platini, Sórates, Falcão, Tigana... trở thành tần tượng của chúng tôi - những thằng nhóc đang độ tuổi 12-14. Mặc dù tuyển Ý đăng quang nhận cúp vô định và tuyển Đức nhập cúp bạc ở ngôi á quân, nhưng hầu hết chúng tôi đều không có thiện cảm với 2 đội này.

Đội Ý năm 1982 được mệnh danh là "chém đinh chặt sắt" - chơi xấu số một, thế mà oái ăm là họ lại vô địch ẳm luôn chức vua phá lưới cho Paolo Rossi! Dù sao cũng công nhận rằng họ có thủ thành Dino Zoff xuất sắc nhất giải.

Tuyển Đức được mệnh danh là "cỗ xe tăng" với tinh thần thép trong thi đấu. Luôn tôn trọng kỷ luật, chơi đồng đội và... máy móc như một cỗ máy đá banh. Và lối đá thực dụng ấy đã đè bẹp lối chơi hào hoa của các chàng trai đến từ Paris tráng lệ ở trận bán kết thứ 2. Nước mắt cho những người hâm mộ Pháp, và niềm vui cho fan của Đức - đó là nghịch lý dễ thương nhất trong thể thao!



Có lẽ ấn tượng lớn nhất để lại trong mùa World Cup 1982 là khúc nhạc nền sôi động. Vì không có truyền hình trực tiếp nên đó giai điệu chúng tôi háo hức trông chờ mỗi khi ngóng nghe kết quả các trận đấu trên sóng phát thanh sau bản tin 18 giờ. Mãi cho năm đến bản Ale-Ale... của France 1998 mới có thể thay thế được giai điệu sôi động này.

Mexico 1986 không để lại ấn tượng nhiều lắm, vì hè năm đó vừa học xong 12, lịch thi đấu World Cup lại trúng ngay tháng cao điểm ôn thi đại học (kỳ thi vào ngày 4 và 5/7). Áp lực thi cử đè nặng chẳng còn tâm trí nào mà coi đá banh nữa.
Ấn tượng lớn nhất có lẽ là những màn trình diễn đi banh lắt léo ngoạn mục của "cậu bé vàng" Maradona.

Italy 1990 diễn ra đúng vào khi mình đang chập chững bước vào thế giới số. Niềm đam mê lập trình với món Turbo Pascal 3.0 (chứa vỏn vẹn trên 1 cái đĩa mềm 360 KB!!!) đã tạm thời lấn át sự lôi cuốn của trái bóng tròn :) Sắp vào năm thứ 3 đại học ngành cơ khí, nhưng chỉ học cầm chừng để khỏi lọt khỏi top 20 của lớp - rơi xuống là mất luôn học bổng mà còn phải đóng học phí nữa :(
Tóm lại là không có ấn tượng gì nhiều về Italy 1990!

USA 1994 đánh dấu sự gia nhập làng túc cầu của người khổng lồ kinh tế, siêu cường số một thế giới. Ấn tượng của giải này là những hoạt động bên lề sân cỏ như lần đầu tiên xuất hiện những chiếc xe tải thương tý hon chạy vào sân (thay cho những chiếc cáng 2 người khiêng ở các giải trước), hoặc trọng tài có thể mặc áo màu sắc xanh đỏ tím vàng... tùy ý, miễn là không trùng với màu áo của tuyển thủ hai đội (ở các giải trước trọng tài chỉ được phép mặc áo đen !!!) Đúng là một cải cách có ý nghĩa, Hoa Kỳ không hổ danh là xứ sở của cơ hội và mầm ươm các ý tưởng :)

France 1998 gắn liền với chuyến đi dạy phổ cập tin học ở một nông trường cao su thuộc tỉnh Bình Dương. Lúc ấy còn xài mạng Mobile-Fone 090... và sóng di động (kể cả của Vinaphone) cũng chưa phủ đến vùng ấy. Thế là đầu tuần thứ Hai nó trở thành cái đồng hồ báo thức, đến thứ Bảy cuối tuần khi về đến Sài gòn mới trở thành cái cell-phone đúng nghĩa :)

Ở một mình trong nhà khách của nông trường, đêm nào cũng hẹn giờ để TV tự bật lên lúc bắt đầu trận đấu khuya. Nhưng âm lượng nhỏ quá nên ít khi nào thức dậy đúng giờ, có khi mở mắt ra đã thấy gần kết thúc hoặc đang bình luận sau trận đấu !!!
Ấn tượng buồn nhất là trận chung kết Brazil - Pháp, không hiểu sao mình cứ có cảm giác trọng tài trận đó thiên vị đội chủ nhà và Ronaldo hay cả đội tuyển Ba Tây bán độ nữa :(

Năm 2002, lần đầu tiên World Cup được tổ chức tại châu Á và cũng là lần đầu tiên được cùng tổ chức tại 2 quốc gia khác nhau: Nhật Bản - Nam Hàn.
Ấn tượng lớn nhất có lẽ là ngôi vị thứ 4 của Nam Hàn, dù sao đó cũng là một niềm kiêu hãnh mang tên Đông Á.

Germany 2006 mới đây không có ấn tượng gì nhiều. Ngoài sự kiện bên lề mình trông chờ lại không diễn ra. Đó là việc FIFA dự định đưa vào giải kỹ thuật gắn chíp vi xử lý cho quả banh để tăng độ chính xác trong các pha bóng ở lân cận vạch vôi. Hồi coi Euro 2000 ở Sài gòn có lần mình thắc mắc tại sao họ không sử dụng kỹ thuật tân tiến như quay chậm lại tức thời các pha "nhạy cảm" chiếu ngay trên sân để hỗ trợ trọng tài trong các lần cầu thủ đóng kịch, hoặc gắn chíp vào banh để khỏi tranh cãi nó đã qua vạch vôi hay chưa... Bạn bè đều cho mình là hâm :) Không ngờ chỉ 6 năm sau FIFA cũng có ý định tương tự (cho dù chưa được áp dụng)

Năm nay, 2010, lần đầu tiên World Cup được tổ chức trên Lục Địa Đen. Giải nào cũng vậy, 16 trận đầu tiên tranh thủ coi lướt qua một chút để biết hết mặt mũi 32 đội tham dự có nét gì đặc biệt không. Chẳng hạn như tuyển Paraguay năm nào có anh chàng thủ thành lập dị dễ thương ưa làm cầu thủ và chuyên sút phạt. Hoặc tuyển Colombia năm nọ có cầu thủ mang đầu tóc bờm xơm như cái rổ :)

16 lượt trận đầu tiên vừa kết thúc. Bất ngờ lớn nhất của lượt đấu này diễn ra ở cặp đấu cuối cùng, khi những "chú chim hòa bình" Thụy Sỹ quật ngã chàng "bò tót" Tây Ban Nha đương kim vô địch Âu châu!

Còn ấn tượng nhất của giải cho đến giờ là điệu kèn vo ve như tiếng kêu của bầy ong vỡ tổ vang lên từ các khán đài của Nam Phi. Rất nhiều khán giả đến từ các lục địa khác không chịu nổi âm thanh này đã phải mua đồ bịt tai. Quả đúng mùa World Cup là cơ hội kinh doanh các kiểu! Âm thanh quái dị, tên gọi cũng ngộ nghĩnh: Vuvuzela, tạm dịch ra Việt ngữ là "song vú hét la" vậy. Vừa đọc trên KTNN số 714 có bài nói rằng một công trình nghiên cứu gần đây cho biết nam giới có thể tăng tuổi thọ lên 4-5 năm khi thường xuyên ngắm những đường cong đẹp đẽ của đôi gò bồng đảo. Còn cái kèn vuvu... này thì lại làm người ta nhức đầu!

Kết thúc lượt đấu đầu tiên, 32 tuyển thủ quốc gia hàng đầu đã lộ diện, hy vọng sẽ có những điều thú vị kế tiếp cho mùa World Cup này!

.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!