World Cup 2010 sau vòng đấu bảng

48 trận vòng đấu bảng đã xong. 16 đội hân hoan bước vào hai để dự những cuộc chiến 1 mất 1 còn, cũng chừng ấy đội ngậm ngùi xếp hành lý từ giã miền đất ở cực nam của Phi Châu, nơi vinh dự được chọn tổ chức giải túc cầu lần đầu tiên trên Lục Địa Đen.

Những nét ghi nhận được sau vòng đấu bảng.

Những cái "đầu tiên" đáng buồn

Lần đầu tiên ở một giải World Cup, đội bóng chủ nhà (Nam Phi) đã không vượt qua được vòng đấu bảng. Những tưởng ở lượt trận cuối cùng ở bảng A, phong độ kém cỏi của tuyển Pháp sẽ góp phần đẩy cảnh cửa cho Nam Phi đi tiếp. Thế nhưng đội chủ nhà đành chịu đứng thứ 3 sau Mexico vì kém hiệu số bàn thắng/bại. Khán giả cuồng nhiệt Nam Phi có lẽ dành hơi sức với chiếc kèn vuvuzela để ủng hộ đội tuyển duy nhất của Phi Châu (Ghana) lọt vào vòng đấu loại trực tiếp.

Lần đầu tiên ở một giải World Cup, đội đương kim vô địch thế giới đã bị loại từ vòng bảng. Tệ hại hơn nữa là cả 2 đội đương kim vô địch (Ý) và á quân (Pháp) đều đứng cuối bảng đấu. Dẫu biết rằng phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi, thế nhưng, phong độ kém cỏi vào đúng thời điểm quan trọng này thì đúng là không còn gì để bình luận.

Sự vùng lên của những "tấm ván lót đường"

Những đội banh được đánh giá yếu, bị xem là "nhà tài trợ" điểm và bàn thắng (hoặc "lót đường" cho các đội mạnh đi tiếp) đã không chấp nhận điều đó.

Tuyển Úc trước khi lên đường về nước cũng đã ngẩng cao đầu với chiến thắng oanh liệt 2 - 1 trước Serbia, và ngẫu nhiên trở thành vị ân nhân của cả Đức và Ghana.

Đội Tân Tây Lan bất bại trong cả 3 trận đấu, dù ra về vẫn đứng trên nhà đương kim vô địch thế giới, không thèm "tài trợ" cho ai 1 điểm nào.

Tuyển Thụy Sĩ không chỉ thủ thế trong hòa bình mà còn hạ đo ván 2 - 0 trước nhà đương kim vô địch Âu Châu (Tây Ban Nha).

Châu Á vùng lên

Sau vòng đấu bảng, Nam Hàn và Nhật Bản đã trở thành niềm tự hào của túc cầu Đông Á.

Khác với 8 năm trước trong vai trò của 2 đội đồng chủ nhà, khi đó Nam Hàn vượt qua Tây Ban Nha trong một trận đấu gây nhiều tranh cãi, nhiều người cho rằng trọng tài đã thiên vị đội chủ nhà trong nhiều tình huống tranh chấp và phạm lỗi.

Giải đấu này Nam Hàn đã thực sự mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong trận thắng vang dội 2 - 0 trước Hy Lạp, đội tuyển đã từng đăng quang ở đấu trường Âu Châu năm 2004.

Đặc biệt ấn tượng là phong độ và kỹ thuật của tuyển Nhật Bản ở giải đấu này, họ chỉ thua sát nút 0 - 1 trước đội tuyển Hà Lan được mệnh danh là cơn lốc màu da cam với nhiều ngôi sao hàng đầu ở Champion League. Hai trận còn lại, người Nhật hạ đo ván chú sư tử Phi Châu Cameroon và đặc biệt là trận thắng đẹp 3 - 1 trước đội tuyển Đan Mạch (từng đăng quang Âu Châu năm 1992).


Các bàn thắng trong trận Nhật Bản - Đan Mạch (3 - 1)


Cả 3 bàn thắng được ghi vào lưới Đan Mạch đều khẳng định kỹ năng chơi bóng của các chàng trai đến từ xứ sở hoa anh đào. Tinh thần thượng võ của họ khiến khán giả càng ngưỡng mộ khi các cầu thủ Nhật Bản đã không thèm tính đến chuyện câu giờ ở những phút đấu thêm.

Trọng tài, người cầm cân nẩy mực hay hung thần của sân cỏ?

Có lẽ, trước huấn thị răn đe mạnh tất cả hành vi chơi xấu, phá giò cầu thủ mà FIFA đã đề ra, các ông vua sân cỏ đã không ngần ngại tưới mưa thẻ vàng thẻ đỏ trên khắp các mặt sân của Nam Phi, với tinh thần "thà phạt lầm còn hơn bỏ sót". Rất nhiều cầu thủ tức tưởi rời sân mà tâm bất phục trước tư thế giơ cao chiếc thẻ đỏ của ông vua sân cỏ.

Điển hình là danh thủ Kaka của tuyển Brazil, và công nhận anh chàng này bước ra khỏi sân đấu với một nụ cười khoan dung rất dễ thương. Có lẽ, anh ta thấu hiểu nỗi khổ của các trọng tài phải đưa ra quyết định trong tích tắc, mà các cầu thủ không chỉ biết đá banh, họ còn là những kịch sĩ tài ba. Rất nhiều màn kịch lăn lộn đau đớn đã đánh lừa được các quan tòa sân cỏ.


Cho dù bị trọng tài từ chối 1 bàn thắng và tước mất 2 điểm,
tuyển Mỹ lội ngược dòng ngoạn mục trước Slovenia (2 - 2)



Bị trọng tài không công nhận một bàn thắng vào lưới Algeria,
tuyển Mỹ vẫn không từ bỏ nỗ lực và họ đã được đến đáp vào phút cuối cùng (1 - 0)


Tuy nhiên, còn rất nhiều lỗi kỹ thuật mà trọng tài giải này đã mắc phải. Nạn nhân tiêu biểu của họ là đội tuyển Mỹ khi bị các trọng tài khước từ 2 bàn thắng đẹp. Nếu không có tinh thần quả cảm, với tiêu chí "cơ hội đến với tất cả mọi người" trong lời thề tuyên thệ, thì chú Sam đã dừng bước ở vòng đấu bảng.

Sự thăng hoa của bóng đá tấn công

Tỷ lệ vào vòng hai của các đội banh châu Mỹ và cả hai đội tuyển trên bán đảo Iberia đã chứng tỏ sự lên ngôi của bóng đá thiên về kỹ thuật. Các đội banh thiếu vắng ngôi sao (như Đức, Pháp) hoặc HLV loại bỏ các ngôi sao (như Anh) hoặc ngôi sao xuống phong độ (như Ý) đều có kết quả không thuyết phục. Ngoại trừ đội tuyển Đức đang dẫn đầu bảng D (có lẽ nhận định đội tuyển này đá banh bằng cái đầu chứ không phải bằng trái tim vẫn luôn đúng)

Một nhận xét đáng chú ý là rất nhiều bàn thắng sau 48 trận đầu vòng bảng được đưa vào những góc hiểm hóc của cầu môn, chứng tỏ đẳng cấp dứt điểm của tuyển thủ tham dự World Cup 2010 khá cao.

Chuyện bên lề sân cỏ

Những lý do nhiều khán giả không ưa thích tiếng kèn vuvuzela:
- Âm lượng vượt quá biên độ tiếp nhận bình thường của tai người (lên đến 127 decibels)
- Hầu hết được sản xuất từ Trung Quốc, có trời mà biết ai đã kiểm nghiệm có bao nhiêu % độc tố gây ung thư trong thành phần chế tạo?
- Còn đây có phải là xuất xứ của loại kèn này ở Phi Châu:



Tối nay bắt đầu các trận đấu của lượt knock-out, nghĩa là không có tỷ số hòa chung cuộc, nghiệt ngã hết cơ hội làm lại cho kẻ thua. Hứa hẹn nhiều hấp dẫn kỳ thú!

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!