CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (P.7 - 8)

Vi Đức Hồi

(...Tiếp theo)

7


Dòng họ nội tộc của nạn nhân lại ngồi với nhau bàn bạc, một người cao tuổi bức xúc đứng lên tuyên bố:

– Từ hôm qua đến giờ, thái độ của chúng nó cho ta thấy rõ ràng là: Chúng bao che cho nhau, tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm, chính xác hơn là bọn chúng âm mưu đổi trắng thay đen, tìm cách trút bỏ tội và đổ lỗi lên đầu chúng ta. Việc làm này trái với luân thường đạo lý, trái với pháp luật, chúng ta phải tìm cách đối phó với bọn chúng để tìm ra sự thật, lấy lại sự công bằng và cũng để giải oan cho con ta được thanh thản. Khó mấy cũng phải làm, đến đâu cũng phải làm, làm đến cùng. Bây giờ chúng ta liệm cho cháu rồi làm thủ tục cúng viếng theo phong tục tập quán, đợi làm rõ sự việc sẽ mai táng.
Mọi thủ tục, nghi lễ được tiến hành trang trọng trong nỗi đau thương căm phẫn được ghìm nén trong lòng.

Chiều tối, rồi khuya, cũng chẳng thấy bóng dáng quan nào đến.

– Tình hình này sáng mai chưa thể tiễn đưa cháu được. Chúng cho rằng sáng mai kiểu gì ta cũng phải đưa tang, bọn nó sẽ đến sau khi đưa tang xong, để sự đã rồi, đó là con bài của bọn chúng. Bây giờ ta tính thế nào? Một người trong dòng họ phát biểu.

– Ta đợi đến hết sáng mai, nếu không thấy họ đến hoặc không đáp ứng yêu cầu của mình, ta mang cháu lên hỏi quan đầu tỉnh, mọi người thấy thế nào? Một người cũng đứng lên trình bày quan điểm của mình.

– Đồng ý! Phải làm cho ra nhẽ! Mọi người tán thành.

*


Tại phòng làm việc của quan trưởng đồn huyện, cuộc hội ý được tổ chức với sự có mặt của các quan đồn phó; các quan đồn tỉnh được biệt phái. Quan đồn trưởng phát biểu:

– Tình hình vụ việc suốt từ tối qua cho đến giờ cho thấy thái độ của gia đình nạn nhân là kiên quyết làm rõ vụ việc. Họ khẳng định là lính của ta đã đánh chết người nhà họ. Bây giờ ta phải tính phương án đối phó làm sao vụ việc nó lắng xuống, hạn chế được bức xúc từ phía gia đình, vừa làm thế nào khẳng định được người của ta không gây nên cái chết của nạn nhân. Đó là việc khó. Tôi đưa ra hai phương án để các ông xem xét:
Phương án một của ta là: Tối nay ta không đến. Sáng mai ta sẽ đến trụ sở chính quyền xã để thám tính tình hình. Đến trưa mai khoảng 10h, nếu bọn họ còn cố tình chưa đưa tang, điều đó chứng tỏ họ kiên quyết chờ ta trả lời rõ ràng rồi họ mới đưa. Lúc đó ta thực hiện phương án hai.
Phương án hai là: Sau 10h ta mời họ lên trụ sở chính quyền sở tại, tiếp tục đối thoại, thương lượng. Nếu họ đòi hỏi văn bản báo cáo thì đưa văn bản báo cáo của hai viên quan đã sát hại nạn nhân cho gia đình. Trường hợp gia đình không đồng ý, ta lại hẹn sang chiều để làm việc. Chiều ta lại không đi thì chắc chắn họ phải đưa tang vào chiều mai. Họ không thể để thối ra nhà được. Nhưng tôi tin sáng mai họ đã đưa tang xong. Mà đưa tang xong thì coi như mọi việc đã xong, các việc tiếp theo chỉ là việc nhỏ.

– Quan anh nói vậy bọn em thấy yên tâm quá. Đúng là mai táng xong thì vụ việc đã được khép lại. Nhưng liệu bọn chúng sẽ bàn tính có những phản ứng gì không? Một viên quan đồn tỉnh được biệt phái băn khoăn.

– Bọn này nó thì tính được gì! Các ông cứ yên tâm đi. Tôi cai quản lâu năm ở đây tôi biết, chúng chẳng làm được gì đâu. Mấy mống trong họ hàng nhà nó thì làm được gì! Định nổi loạn chắc! Quan đồn trưởng ưỡn người trên chiếc ghế salon, vẻ tự tin đắc thắng.

– Vâng đúng là như vậy. Mọi người tán đồng.

Cuộc hội ý giải tán. Quan đồn trưởng cho gọi hai viên quan Sát Nhân và Sát Dân đến gặp.

– Tụi bay viết cho ta một bản báo cáo!

– Dạ thưa viết thế nào ạ? Quan Sát Nhân hỏi

– Viết như đã thống nhất!

– Dạ vâng, em viết ngay ạ.

Tám giờ sáng hôm sau, quan đồn trưởng huyện cùng các quan đồn tỉnh được biệt phái, các quan đồn huyện và các quan chính quyền xã nơi cư ngụ của nạn nhân đã có mặt tai trụ sở chính quyền xã sở tại.

– Nó đưa tang chưa? Quan đồn trưởng hỏi.

– Dạ thưa chưa thấy động tĩnh gì ạ. Một người cán bộ chính quyền xã được phân công theo dõi diễn tiến đám tang báo cáo.

– Tiếp tục theo dõi sát, có gì báo cáo ngay. Quan đồn trưởng dặn.

– Dạ thưa vâng.

– Có phải gia đình này là đối tượng chính sách không? Quan đồn trưởng hỏi xã trưởng.

– Dạ thưa không ạ. Cha nạn nhân có đi bộ đội tham gia chống Mỹ rồi chống Tàu, sau phục viên. Trong cuộc chiến chống Tàu có bị thương nhưng vì mất giấy tờ nên chạy vạy mãi vẫn chưa được chế độ thương binh. Chú của nạn nhân là sĩ quan cao cấp đang tại ngũ trong quân đội.

– Họ hàng nội, ngoại có đông không? Quan đồn trưởng lại hỏi.

– Dạ khá đông ạ, tất tần tật khoảng trên một trăm người. Quan xã trưởng đáp.

– Gia đình này và dòng họ này có vấn đề gì không? Ý tôi là có chấp hành đường lối của triều đình ta tốt không? Có ai trong dòng họ có máu mặt dám chống lại chính quyền sở tại không?

– Dạ, gia đình nạn nhân tốt, không biểu hiện tiêu cực gì và cũng gương mấu chấp hành đường lối đấy ạ. Còn trong dòng họ có một hai tay hơi ngang bướng một chút, nhưng không sao đâu ạ. Nó chỉ hay khoét sâu những sơ hở, thiếu sót của cán bộ thôn xã, tỉ dụ như tham nhũng, hách dịch, lợi dụng chức quyền... là nó nói thẳng thừng, nó không kiêng nể ai ở cái chính quyền cơ sở này. Nó chỉ thế thôi ạ. Quan xã trưởng nghiêm túc báo cáo.

– Vậy là phải hết sức cẩn thận đề phòng! Quan đồn trưởng nhấn mạnh.

– Sao ạ? Việc này mình có sơ hở, thiếu sót gì đâu mà sợ họ ạ? Đường đường chính chính mình là cơ quan nhà nước, mình là công minh chính trực, sao lại phải đi sợ bọn họ ạ? Hay có uẩn khúc gì ạ? Quan xã trưởng nghi ngại.

– Đương nhiên đường đường chính chính là như vậy, nhưng sợ gia đình họ không nghe, họ nghi ngờ người nhà nước đánh người nhà họ chết, họ đòi hỏi phải làm rõ vụ việc rồi mới mai táng. Chúng tôi đang đau đầu nhức óc đây! Quan đồn trưởng giải thích.

– Không lo đâu ạ. Dân ở đây họ có nhận thức cả đấy ạ, chỉ cần ta chứng minh được sự thật, thuyết phục được lòng người thì người ta chịu ngay thôi ạ. Chỉ sợ ta quanh co, lừa lọc, dối trá thì dân sẽ không nghe đâu ạ.

– Ông có cách nào thuyết phục được dân, nói tôi nghe!

– Dạ, đơn giản là ta có biên bản thực tế hiện trường khi xảy ra vụ việc, có người làm chứng là nó bị cảm, rồi đưa sang viện thì chết. Ta lại có biên bản khám nghệm tử thi đến những hai lần cơ mà, khám nghiệm không có dấu vết gì tác động từ bên ngoài, thân thể lành lặn, có sự chứng kiến của gia đình nạn nhân. Vậy là có căn cứ, đó là cơ sở còn gì nữa mà họ không nghe!

– Nói đơn giản như ông thì còn nói làm gì! Thôi được rồi, biết thế! Quan đồn trưởng cắt ngang.

Quan xã trưởng ngơ ngác nhìn quan đồn trưởng, nhìn mọi người xung quanh rồi bỏ đi chỗ khác.

*


Đúng như mọi người dự đoán, mặc cho mọi người ngóng chờ mỏi mắt, suốt buổi sáng chẳng có quan nào đến thăm hỏi, đàm phán. Mãi đến 10h, có điện thoại gọi mời gia đình đến tại trụ sở chính quyền xã để làm việc.

Đích thân phụ thân nạn nhân phóng xe máy lên gặp.

– Các ông làm việc vô trách nhiệm. Có phải các ông định phủi tay không? Bố nạn nhân nổi khùng.

– Ông cứ bình tĩnh! Chúng tôi đang tích cực làm hết trách nhiệm đấy chứ! Quan đồn trưởng ôn tồn.

– Tại sao từ sáng đến giờ các ông không đến nhà tôi theo như đã hẹn? Mà bây giờ các ông lại giở trò gọi tôi lên đây!

– Chúng tôi muốn đến sớm nhưng chờ kết luận của hội đồng khám nghiệm tử thi lâu quá, đến bây giờ người ta vẫn chưa có câu trả lời. Đợi mãi không được, buộc chúng tôi phải đến đây mời ông lên đây để làm việc.

– Tại sao các ông không xuống nhà mà gọi tôi lên đây như một tội phạm? Trong khi gia đình tôi đang tang gia bối rối, các ông còn là con người nữa không?

– Chính vì gia đình đang tang gia bối rối nên chúng tôi mới cho gọi ông lên đây để bình tĩnh làm việc với nhau. Mong ông hết sức thông cảm cho chúng tôi. Quan đồn trưởng xuống giọng.

– Tôi không có thời gian để ngồi làm việc với các ông! Những yêu cầu của gia đình tôi, ngay bây giờ các ông có đáp ứng được không?

– Tôi đã nói là hiện chưa có kết quả khám nghiệm nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu của gia đình. Chờ kết quả chắc phải vài ngày nữa.

– Tôi yêu cầu cho tôi biên bản hiện trường hoặc báo cáo về nguyên nhân dẫn đến cái chết của con tôi.

– Đây, báo cáo đây, tôi đọc cho ông nghe: “…khi đang lập biên bản xử lý vi phạm, anh... biểu hiện sức khoẻ không bình thường, xùi bọt mép rồi tự đập đầu xuống bàn rồi xỉu ra đấy. Chúng tôi đưa đi cấp cứu. Đến viện anh… đã chết”. Quan đồn trưởng đọc dõng dạc cho thân phụ nạn nhân nghe.

– Ông đưa bản báo cáo đây tôi xem! Thân phụ nạn nhân đề nghị.

– Báo cáo này tôi phải lưu giữ. Nói xong quan đồn trưởng đút ngay bản báo cáo vừa đọc vào trong cặp ông ta.

– Tôi đã nghe ông đọc, tôi muốn xem qua không được sao?
Không còn cách nào khác, quan đồn trưởng đưa bản báo cáo cho thân phụ nạn nhân xem. Ông đọc lướt qua thấy ghi người báo cáo ký tên: Cảnh Sát Nhân, người thứ hai cùng ký: Cảnh Sát Dân, không đóng dấu má gì. Ông liền xé nát bản báo cáo, vo viên ném vào mặt viên quan đồn trưởng, quát:

– Đồ đểu! Loại báo cáo này chùi đít không xong chứ nói gì đến pháp lý! Tôi không làm việc với ông nữa. Từ nay đến một giờ chiều nay, nếu không có người chức trách có thẩm quyền đến làm việc với gia đình tôi, hoặc đến nhưng không đáp ứng yêu cầu của gia đình, tôi sẽ đưa con tôi lên cấp trên các ông để đòi công lý! Nói rồi ông bỏ ra về.

Quan đồn trưởng ngẩn tò te, mặt đỏ phừng phần vì tức giận, phần vì xấu hổ vì bẽ mặt. Với bản lĩnh lâu năm trong nghề, ông nhanh chóng trấn tĩnh lại, ông cho gọi mọi người vào hội ý. Ông đề nghị chính quyền xã phải phối hợp chặt chẽ với tổ quan, sĩ của đồn ông được tăng cường tiếp tục bám sát, theo dõi và thường xuyên báo cáo cho ông những diễn tiến của đám tang để ông cho ý kiến chỉ đạo. Cuộc hội ý kết thúc nhanh chóng, rồi ông cùng các quan đồn tỉnh lên xe về. Ngồi trên xe, đầu óc ông mông lung suy nghĩ, ông nhận ra vụ việc sẽ diễn biến phức tạp.
Liệu có phải báo cáo quan đồn tỉnh trưởng không? Ông tự đặt câu hỏi, rồi ông tự trả lời: Không! Nếu báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo tỉnh sẽ đánh giá khả năng của mình yếu, việc cất nhắc, đề bạt, lên quân hàm của mình trong năm nay sẽ tuột khỏi tay, đồng đội dèm pha... Rồi ông tự hình dung: Bọn nó định đưa thằng chết yểu kia đi đâu? Lên huyện hay lên tỉnh? Họ hàng nó có bao nhiêu người? Lực lượng trong tay ta có ngăn chặn được không? Quần chúng có ai ủng hộ bọn nó không?... Rồi ông lần lượt tự giải đáp: Đưa lên huyện? Không được. Lên tỉnh? Càng không thể, vì lực lượng trong tay ta có đến cả trăm người, đủ sức để ngăn chặn, dập tắt mọi hành vi quá khích. Bọn chúng không thể rước quan tài ra khỏi địa hạt do ta quản lý được, vì họ hàng bọn chúng chưa đến trăm người, mà có phải ai cũng đi được đâu! Quần chúng thì thằng nào mà dám cả gan tham gia chống lại “chính quyền của dân, do dân và vì dân”! Mà chắc gì nó dám đưa quan tài lên huyện, lên tỉnh! Thằng cha nó dọa thế thôi, chắc là không dám. Với lại có đưa lên thì giải quyết được gì! Ai giải quyết? Ngoài cái ngành này ra, ai giải quyết? Rồi ông thở phào nhẹ nhõm...

– Có việc gì không ổn làm quan anh tư lự vậy? Một quan đồn tỉnh đi cùng xe hỏi.

– Không! Không có gì! Các ông yên tâm! Tôi mà ra tay, thóc xay ra cám, việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ thành không.

– Bọn em biết tài trí của quan anh rồi! Mọi người tán thưởng.
Về đến đồn, ông cho triệu tất cả các quan, sĩ, cùng các phương tiện thường trực chờ lệnh ông.

*


Thân phụ nạn nhân về đến nhà kể cho mọi người trong họ nghe về kết quả cuộc làm việc với quan đồn trưởng huyện. Sự phẫn nộ tiếp tục dâng cao.

– Một giờ chiều nay bọn chúng không đến, hoặc có đến mà không giải quyết được việc gì, thì ta tiến hành theo cách của ta đã bàn. Tất cả mọi người chuẩn bị tư thế đối đầu với bọn chúng. Một người già trưởng họ tuyên bố.

– Phải đi! Dù phải đổ máu cũng phải đi! Mọi người đồng loạt tán thành.
Mười ba giờ. Mười ba giờ ba mươi. Vẫn không có quan nào đến. Tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên liên hồi. Họ hàng, dòng tộc, bà con lối xóm, hội hiếu của làng tập trung chật ních lối xóm. Quan tài được đưa ra đặt trên chiếc xe tang. Những vòng hoa một màu trắng tinh khiết được phủ lên trên quan tài. Tiếng khóc, tiếng kêu oan thảm thiết làm náo nhiệt một vùng quê chất phác vốn đùm bọc nhau đến hàng nghìn đời nay.
Xe tang lăn bánh bánh. Đoàn người nối nhau uốn khúc theo đường làng như dòng suối hiền hòa lặng lẽ trôi bao bọc xóm làng dưới những lũy tre xanh luôn che chở giông bão cho làng nước bình yên.

8


Trong số những người đưa tang, có người con gái tuổi trạc mười tám đôi mươi, người mảnh dẻ, xinh xắn, hiền hậu. Cô có mặt từ sáng sớm tại tang gia kể từ khi người thanh niên xấu số được đưa từ bệnh viện về nhà, và từ hôm đó người ta ta thấy cô luôn ngồi bên cạnh người thanh niên xấu số này. Cô không đội khăn tang, không gào thét thảm thiết như bao người khác, nhưng cứ nhìn vào đôi mắt sưng vù, khuôn mặt nhợt nhạt của cô đủ thấy sự đau thương, mất mát của cô đến chừng nào. Cô chậm rãi bước đi cùng với hai phụ nữ trong thân tộc của gia quyến dìu cô trong vòng vây của những người ruột thịt, những người thân thiết nhất của tang chủ để tiễn biệt người bạn trai mà cô đã nguyện ước sống bên anh đắp xây hạnh phúc bình dị.

Đám tang đang tiến mỗi lúc một xa lũy tre làng, tiếng trống, tiếng kèn tiễn đưa thôi thúc đoàn người tiến thẳng về phía trước quyết đòi cho được sự công bằng và công lý. Từng tốp trinh sát của quan đồn trưởng huyện, tốp theo sau, tốp đi trước dõi theo diễn tiến cuôc đưa đám. Từng tốp liên tục báo cáo với quan đồn trưởng qua điện thoại cầm tay.

Đến đường rẽ vào nghĩa địa, không thấy đoàn xe tang dừng, không thấy rẽ vào. Chiếc quan tài chất đầy những vòng hoa trắng tinh khiết vẫn tiến thẳng ra đường quốc lộ. Các tốp trinh sát của quan đồn trưởng bỗng nhao nhác như đàn vịt con bị diều hâu lao xuống cướp đi sinh mạng.

– Thưa sếp, bọn chúng không đi vào nghĩa địa mà chúng đưa quan tài đi thẳng lên tỉnh! Bây giờ xử lý thế nào ạ?

– Thực hiện theo phương án một!

– Dạ vâng!

Lập tức mấy tốp trinh sát co cụm lại tạo thành đám đông chặn lại đám tang.

– Yêu cầu dừng lại! Tại sao không đưa vào nghĩa địa? Các ông định đưa người chết đi đâu? Một viên sĩ quan chỉ huy quát.

– Chúng tôi đi đòi công lý! Một người trong thân tộc trả lời dứt khoát.

– Chúng tôi yêu cầu quay lại! Đưa vào nghĩa địa mai táng!

– Tránh ra! Nào anh em! Ta tiếp tục đi!

Chiếc xe tang tiếp tục được đẩy đi, hàng chục người tiên phong đẩy lực lượng của quan đồn trưởng người bị ngã, người bị du nhảy xuống rãnh đường, mở đường cho đoàn người tiếp tục tiếp bước. Dân đổ xô ra xem. Hàng trăm người nhập cuộc. Số người tham gia đưa đám đột ngột tăng lên gấp năm, gấp bảy rồi gấp mười lần.

– Đám gì vậy? Một số người chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, hỏi.

– Quan đánh chết dân, dân đi đòi công lý!

– Nhập cuộc! Nhập cuộc! Bắt bọn ác ôn phải trả giá!

Số người tiếp tục gia tăng. Khí thế sôi sục. Lòng căm phẫn bấy lâu nay được nén mãi trong lòng nay mới có dịp bộc lộ. Nhiều người hăng hái lao lên hàng đầu để đối mặt với lực lượng của quan đồn trưởng. Toàn bộ lực lượng của quan đồn trưởng được huy động tối đa, các phương tiện của ngành chuyên chính được huy động xuống đường. Tiếng còi dẹp đường của các xe đặc chủng rít lên inh tai nhức óc. Một góc trời hỗn loạn nhao nhác dưới khí tiết trời mùa hè oi bức làm tăng sự phẫn nộ lòng người đối với bất công và tội ác.

– Bọn chúng huy động toàn bộ lực lượng chặn đường chúng ta! Một người đi đầu trong đám đông thông báo.

– Tiếp tục tiến lên! Dù phải đổ máu cũng phải đi đến cùng!

Cỗ xe tang vẫn từ từ lăn bánh tiến về thành phố. Ở đó có tổng hành dinh của quan đầu tỉnh, nơi mà mọi người đang đi tới để đòi lại sự công bằng và lẽ phải cho người dân suốt đời lương thiện, thủy chung.

– Dùng phương tiện chặn bọn chúng lại! Tiếng quát lớn của quan đồn trưởng ra lệnh qua điện thoại di động.

Hai chiếc xe bán tải của chuyên ngành chuyên chính xếp hàng ngang chặn lại đoàn người.

– Hất nó xuống đường! Đốt nó đi! Đập nát nó đi! Tiếng hô hoán của đám đông như được tiếp sức mạnh. Những thanh niên trai tráng chen nhau lao lên hàng đầu định đập nát hai chiếc xe ngáng đường.

– Đẩy nó xuống ria đường, mở đường đi tiếp! Khhông được đốt, không được đập phá! Một người luống tuổi ra lệnh.

– Nào! Hai, ba… Hai, ba... Mọi người xúm vào đẩy chiếc xe. Lập tức hai chiếc xe được đẩy xuống lề đường. Các quan sĩ của quan đồn trưởng tháo chạy. Đoàn người tiếp tục đi.

Lúc này quan đồn trưởng huyện đã có mặt tại hiện trường, chứng kiến diễn biến cảnh dân chúng xuống đường phản đối, nhận thấy nguy cơ khôn lường sắp xảy ra vượt tầm kiểm sóat của mình. Cực chẳng đã, quan liền rút điện thoại ra báo cáo quan đồn tỉnh trưởng xin ý kiến chỉ đạo.

– Thưa sếp! Tình huống xảy ra quá bất ngờ. Chúng nó có cảnh báo trước nhưng em nghĩ nó chỉ dọa thôi chứ đâu ngờ nó làm thật, bây giờ chúng đã rước quan tài ra đường quốc lộ rồi. Bọn em đã huy động mọi lực lượng ngăn chặn nhưng không nổi vì quần chúng tham gia đông lắm, hiện lên đến hàng nghìn người rồi. Em thật sự không ngờ quần chúng lại dám cả gan ủng hộ nó, chống lại chính quyền của ta như vậy, thưa sếp.

– Bây giờ ông mới biết sao? Lúc nào ông cũng báo cáo: Quần chúng nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào chế độ của ta, yêu mến chế độ ta... Cai trị kiểu như ông rồi đến ngày cả tôi và ông không có đất dung thân!

– Dạ, qua đây em đã hiểu về thực chất tấm lòng của quần chúng nhân dân đối với chế độ ta! Bây giờ xin ý kiến chỉ đạo của sếp!

– Tiếp tục bằng mọi giá chặn nó lại, nhưng phải tránh manh động, chỉ cần để xảy ra đụng độ đổ máu thì hậu quả khôn lường. Theo dõi tổ chức bắt thằng kích động cầm đầu, phong toả không cho quần chúng nhập cuộc. Thường xuyên báo cáo tôi, tôi sẽ tăng cường lực lượng để ngăn chúng lại...

– Dạ vâng.

Lập tức lại ba chiếc xe bán tải khác xếp hàng dọc chặn đoàn người đưa tang.

– Tiếp tục hất nó xuống đường!

Tiếng hô vừa dứt, mọi người lại bám kín lấy chiếc xe.

– Nào! Hai, ba. Hai, ba...

Một chiếc xe lật chổng vó, chiếc khác bị đẩy đổ xuống cạnh đường.

– Đường đã thông, mau lên hỡi anh em! Sắp đến nơi rồi!

Xe tang lại tiếp tục lăn bánh. Đoàn người đã trở thành dòng chảy cuồn cuộn tiến về thành phố. Các loại xe tham gia giao thông trên đường gặp đoàn người diễu hành đều quay đầu xe tìm đường tránh, nhường chỗ cho cuộc hành quân khổng lồ đi qua.
Quan đồn trưởng huyện nhìn đoàn người mặt cắt không ra máu, tiếp tục báo cáo quan đồn trưởng tỉnh qua điện thoại cầm tay:

– Thưa, xe của ta bị bọn chúng lật đổ xuống đường, lực lượng của ta đã tháo chạy vì sợ đụng độ. Quần chúng tham gia ngày một đông. Bây giờ làm sao thưa sếp?

– Được rồi, tôi sẽ cử người đến đàm phán.
Lát sau, một tốp người cầm loa tay tìm cách chen ngang vào khu vực đẩy xe tang nói to qua loa: Chúng tôi những người đại diện cho chính quyền nhà nước đến để đối thoại với gia quyến của đám tang. Đề nghị các ông, bà, cô, bác dừng chân để chúng tôi có ý kiến! Đề nghị gia đình hợp tác với chúng tôi! Đề nghị mọi người bình tĩnh!

– Chúng tôi chỉ làm việc với tỉnh trưởng. Chúng tôi không làm việc với các ông! Một người đại diện gia đình nạn nhân tuyên bố.

– Chúng tôi yêu cầu dừng lại! Nếu không chúng tôi sẽ dùng biện pháp mạnh. Người “đại diện chính quyền” tuyên bố.

– Có giỏi thì giết người tiếp nữa đi! Chúng tao sẵn sàng đây! Thằng nào giỏi thì ra đây, xem chúng mày giết được bao nhiêu người! Bọn tao đang chán sống đây! Giọng của người nhà nạn nhân thách thức.

Tiếng loa tịt ngắt. Mọi người giục nhau:

– Mau lên, đi nhanh lên!

Đoàn người như một dòng thác đổ về trung tâm tỉnh lỵ. Quan đồn trưởng tỉnh sờn gai ốc, bắt đầu nghĩ đến biện pháp mạnh để trấn áp. Nghĩ vậy ông liền gọi điện thoại cho cấp trên xin ý kiến.

– Thưa!... Tình hình đã đến lúc không thể chịu nổi, nguy cơ bất ổn chính trị đang đe doạ. Đề nghị cho dùng biện pháp mạnh để xử lý dập tắt ngay!

– Ông trình bày biện pháp của ông tôi nghe! Tiếng của người đầu bên kia hỏi.

– Dạ, đề nghị cho xe cứu hoả phun nước, dùng lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông!

– Không được! Không được! Vì họ đang đi trên đường, họ chưa có động thái phá hoại hoặc đe doạ đến an ninh chính trị, làm như vậy sẽ đẩy tình hình phức tạp thêm.

– Vậy dùng xe cứu hỏa, xe tải hạng nặng của ngành ta chặn đường chúng lại được không ạ?

– Liệu có bảo vệ được tài sản không? Bọn họ đập phá, đốt cháy thì sao? Đã tính phương án này chưa? Đây là vấn đề nhạy cảm, xe của ta bị đốt cháy, bị đập phá của không tiếc, vì tài sản là của dân chứ đâu phải của chúng ta! Nhưng cái quan trọng là sẽ gây tiếng xấu trong dư luận xã hội, không những trong nước mà cả quốc tế. Liệu có huy động được xe ngoài quốc doanh tham gia giúp ta không? Tính phương án này đi!

– Dạ vâng, em triển khai ngay, thưa sếp!
Lập tức quan đồn trưởng tỉnh ra lệnh cho thuộc cấp của mình huy động các xe tải hạng nặng của các tư nhân để chặn đoàn người đang tiến đến gần thành trì bất khả xâm phạm. Các thuộc cấp của quan đồn trưởng tỉnh gọi điện huy động xe ở các địa chỉ có thể huy động được. Các chủ xe được huy động đều từ chối với nhiều lý do, nào là xe hỏng, nào là đang đi vắng, nào là đang đi làm ăn ở xa. Một thanh niên theo lệnh trưng tập phóng xe ra đường lên địa điểm được trưng tập thấy đông người, hỏi:

– Có việc gì mà các quan đồn tỉnh trưng tập xe tôi đến để nhận nhiệm vụ?

– Họ trưng tập xe ông ra chặn đường đoàn người biểu tình đang ùn ùn kéo lên thành phố. Ông nhìn xem.

Một người đang phóng xe đi tham gia vào đoàn người rước nạn nhân lên tỉnh nói:

– Đ. mẹ chúng nó! Đồ lừa đảo! Nói rồi anh ta quay xe về thẳng.

– Này anh lấy xe đi đâu đấy? Người vợ của một chủ xe khác hỏi chồng khi thấy chồng mình tức tốc nổ xe để đi.

– Các quan triệu tập có việc gấp.

– Sao lại lấy ô-tô đi?

– Họ nói là trưng tập xe khẩn cấp.

– Thôi đi! Chúng nó trưng tập xe mình đi chặn người biểu tình đấy! Anh mà lấy xe đi thì họ đập nát xe ra, ai chịu? Rồi dân họ chửi cho không có nơi mà sống!

– Khốn nạn! Nó định lừa cả mình! Sức đâu mà đi phục vụ bọn nó! Bọn nó thiếu gì xe mà phải huy động xe ta đi đỡ đạn? Nó ma lanh vừa vừa chứ! Tôi phải lên tiếp sức cho dân mình thôi. Mẹ nó có đi không?

– Có, tôi cũng đi.

Hai vợ chồng hớt hải phóng xe máy lên nhập cuộc với đoàn.

Các thuộc cấp của quan đồn trưởng tỉnh báo cáo về không huy động được một xe nào tham gia ngăn chặn cuộc biểu tình. Người ông tư lự vừa tủi nhục, vừa thấy lo lắng cho số phận của mình. Ông tự nhủ: Lúc gian nguy mới biết lòng người, cũng là bài học để từ nay ta chọn cách sống kẻo bị hẫng hụt về tuổi già. Nghĩ rồi ông rút điện thoại báo cáo cấp trên của ông:

– Thưa sếp! Không huy động được xe nào đến ứng phó cả. Họ tìm mọi lý do từ chối hợp tác với ta. Thật buồn phải báo cáo sếp như vậy. Em xin ý kiến chỉ đạo của sếp!

– Tổ chức lực lượng phong toả các tuyến đường vào thành phố, bảo vệ các cơ quan đầu não, tiếp tục tìm cách đối thoại với gia đình trước mắt cứ chấp nhận mọi yêu cầu của họ nhằm làm cho tình hình dịu đi rồi sẽ tính sau. Tìm cách khống chế sự ảnh hưởng, tổ chức bắt tống giam những tên cầm đầu, kích động.

– Dạ vâng, em sẽ triển khai theo chỉ đạo của sếp. Riêng việc đàm phán thì không thể vì bọn chúng đòi gặp và làm việc trực tiếp với tỉnh trưởng, thưa sếp!

– Được rồi, cứ theo dõi sát tình hình rồi tôi sẽ tính. Tránh manh động, gây hậu quả khôn lường.

– Dạ vâng.

Toàn bộ lực lượng của quan đồn trưởng tỉnh được huy động đến các cơ quan đầu não của tỉnh để bảo vệ sự an toàn tuyệt đối. Một số được huy động đến các ngả đường vào thành phố ngăn chặn các xe ra vào nhằm phong tỏa thành phố với các nơi khác, ngăn chặn mọi người kéo đến tham gia cuộc biểu tình, hạn chế thông tin từ thành phố ra bên ngoài. Lực lượng còn lại túc trực chờ lệnh xuất phát để trấn áp khi đoàn người tiến đến dinh tỉnh trưởng đòi yêu sách.

Ô-tô xếp hàng dài vì không vào được thành phố.

– Tại sao không cho xe tôi vào thành phố? Một người khách bức xúc hỏi người chặn xe.

– Ông thông cảm, chúng tôi chỉ biết thừa lệnh nhiệm vụ.

– Phải cho tôi biết lý do!

– Tôi không phải là người có trách nhiệm giải thích cho ông, ông thông cảm cho.

Một chiếc xe mang biển số ngoại giao bị ách lại. Người khách nước ngoài hỏi bằng tiếng Việt khá chuẩn:

– Đảo chính hay sao mà cấm xe ngoại giao vào thành phố?

– Không! Việt Nam rất ổn định chính trị, không có việc bạo loạn, lật đổ. Việc nhỏ thôi, nhỏ thôi, thông cảm cho. Người phụ trách việc chặn xe nói.

– Vậy có biểu tình hả?

– Không! Cũng không phải. Việt Nam không có biểu tình, không có phản đối. Chỉ là việc nội bộ thôi. Chúng tôi xét thấy không đảm bảo an ninh cho khách ra vào thành phố nên tạm thời cho dừng việc đi lại trong thời gian ngắn, ông thông cảm cho.

– Vậy hả! Xin cám ơn.

...

(Còn tiếp)

---------------------------------
Nguồn: Thông Luận

.
◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!