Tấm mai rùa trong giáo dục

|

Chưa đầy một tháng nữa là đến ngày khai trường. Từ thuở tôi còn cắp sách, ngày mùng Năm tháng Chín được lấy làm ngày bắt đầu năm học mới. Đến bây giờ vẫn vậy, tuy rằng học sinh thời nay có vẻ tất bật và chăm chỉ hơn, đã thấy học thêm, học hè, học phụ đạo... từ đầu tháng Bảy!

À, mà năm nay khai giảng lại trúng vào ngày Chủ Nhật. Thấy kế hoạch giảng dạy đều được tính theo tuần, cớ sao không lấy ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng Chín làm ngày khai trường nhỉ? Kiếp sau nhỡ có đầu thai làm Bộ trưởng Giáo dục thì sẽ thay đổi cái đó trước tiên :)

Tự dưng lại nghĩ miên man về chuyện học hành thi cử.
Từ bao đời nay, ai cũng thấy sự tối cần thiết của việc học. Chẳng thế mà người ta vẫn nói rằng: Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý, còn người Tây thì ngắn gọn hơn một chút: Knowledge is power.

Nói tóm lại là tồn tại hay không tồn tại cũng phụ thuộc vào cái sự học ấy mà ra cả. Mỗi thời kỳ đều luôn có những điều mới mẻ để học hỏi. Ngày nay ta vẫn nghe truyền thông cảnh báo "Đừng chết vì thiếu hiểu biết". Ta hiểu ngay rằng đấy là nói đến căn bệnh của thế kỷ, vui chơi thì nhớ phòng vệ đàng hoàng chớ không là đời giai đi đứt nghen cưng! Thế kỷ trước thì người ta bị thép gỉ cào xước da thịt hay bị chó dại cắn cũng nhởn nhơ như không, đó cũng là một sự thiếu hiểu biết. Xa xưa hơn nữa thì con người mông muội còn chưa biết ăn chín uống sôi, thôi thì bệnh tật biết bao nhiêu mà kể, nói chung là sự thiếu hiểu biết của cả loài người trong một gian đoạn lịch sử.

Chẳng thế mà thời đại tân kỳ bây giờ khi những luồng thông tin truyền đi theo vận tốc ánh sáng đan chéo khắp toàn cầu, người ta càng chú trọng đến việc học hỏi để nắm bắt tri thức. Bởi lẽ mọi sự được-mất, thành-bại, sống-còn... có thể hoán đổi cho nhau chỉ trong vài khắc đồng hồ.

Quốc gia nào hưng thịnh, dân tộc nào tiến bộ đều nhờ nền giáo dục của xứ ấy quyết định cả.



Nước ta, thật may mắn là có một truyền thống hiếu học từ ngàn đời của cha ông để lại. Chứng tích là còn 82 tấm bia tiến sĩ lưu giữ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Chẳng hiểu các cụ thời xưa ngụ ý gì khi nhờ giống rùa chuyên chở văn bằng khoa cử. Có lẽ đó là một trong bốn loài vật quý hiếm Long, Lân, Quy, Phụng chăng? Hay các cụ muốn truyền tải bài học về tính cần mẫn trong câu chuyện ngụ ngôn thỏ chạy thi với rùa? Dù nguyên do nguồn cội thế nào đi nữa, hẳn đó cũng là một dụng ý tốt cho hậu thế.

Ấy thế mà, suốt mấy chục năm nay người ta lại cứ chăm bẳm vào nó như kiểu chỉ chăm chú nhìn ngón tay trỏ mà không thấy được Mặt Trăng vậy. Con người mới XHCN lại ưa thích mang trên lưng những tấm mai nặng trĩu, nào là bằng cấp, học hàm, học vị... mà chẳng cần quan tâm nó dùng để làm gì có ích (ngoài chuyện mua danh tậu chức)

Gặp mấy thằng bạn cùng khóa về học Thạc sĩ, mình hỏi: "Ê, kiến thức hồi học kỹ sư hông đủ để làm việc nên phải học thêm hả?". Tụi nó cười nhăn nhó:

- Dư thì có, vì tụi tao làm quản lý không à, có xài mẹ gì chuyên môn mấy đâu. Nhưng mà khổ quá, mấy thằng phó phòng đều là Thạc sĩ hết rồi, mình là trưởng phòng phải đi cày để lấy cái bằng lót ghế ngồi cho nó vững thôi mày. Thấy có khốn nạn không?

Mja nó, thiệt là khốn nạn!
Mà cũng chưa khốn nạn gì mấy, năm ngoái còn nghe một tay nào đó phán là phấn đấu 100% cán bộ quản lý ở địa phương của gã phải có bằng Tiến sỹ mới ghê chớ. Mới đây lại chuyện Giám đốc một Sở nọ tậu được tấm bằng Tiến sĩ ở Mỹ, nhưng bản thân lại không biết tiếng Anh! Hay là chuyện một Trường Đại học có tiếng ở Hà nội liên kết với đại học ma ở Mỹ để cấp bằng Thạc sĩ nữa. Rồi gần đây nhất là chuyện chỉ có 6 tấm bằng tốt nghiệp tú tài là thật trong đợt kiểm tra 96 cán bộ nhà nước ở một xã nọ...

Chuyện bằng giả ở Việt Nam thời nay nói riết phát nhàm, mà không nói thì không được. Bằng giả chưa là gì đâu. Chưa sợ như dạng bằng thật mà học giả (tức là người được cấp bằng không cần đi học, hay thuê người khác học). Còn phổ biến nhất là dạng bằng thật học thật, nhưng ra trường chẳng làm được cái quái gì cả!

Đã thế, chuyện thi cử mỗi mùa tuyển sinh Đại học lại rình rang tốn kém. Giả sử có ngăn chặn được các tệ nạn tiêu cực đi nữa thì nó cũng đâu phải là yếu tố then chốt. Điểm mấu chốt là sản phẩm đầu ra, tức là nơi sử dụng nhân lực, lại bỏ ngỏ cho một bộ máy cơ cấu quyền lực mặc sức tác oai tác quái. Thế thì làm sao không phát sinh bằng giả cho được?

Năm nào cũng nghe cái điệp khúc cải cách rồi đổi mới rồi thay thế nọ kia... Nhưng rất tiếc, đó chỉ là những xáo trộn vặt vãnh trong chiếc lồng kín thiếu ánh mặt trời. Nói một cách hình tượng là hệ thống chính trị độc tài cưỡng bách tư tưởng như cỗ máy hơi nước cũ kỹ lạc hậu, có thay cái nồi hơi bằng vàng hoặc tuốc-bin bằng bạch kim gì gì đi nữa thì tốc độ của nó cũng không thể sánh bằng động cơ phản lực được.

Điều đơn giản này tại sao chưa thể làm được ở đất nước có ngàn năm văn hiến:
- Trước tiên là loại bỏ sự giả dối, áp đặt tư tưởng chính trị trong chương trình ở các bậc học.
- Sau cùng là biết cách sử dụng con người theo năng lực và đạo đức.

Hệ thống giáo dục câu nệ thành tích và áp đặt tư tưởng như tấm mai rùa đè nặng trên lưng bao nhiêu thế hệ nữa?

.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!