Trên boong tàu USS G.Washington

Trên boong tàu USS G.Washington đang thả neo ngoài khơi ở một xứ cận kề xứ lạ.
Có một đoàn quan chức xứ cận lạ được mời lên tàu thăm quan.

Ngước nhìn cơ ngơi đồ sộ như thành phố nổi trên mặt biển, một quan chức trong phái đoàn trầm trồ:
- Tàu to tàu to, quá to! À mà những thứ này đều do chính bàn tay con người tạo ra đấy phỏng?

Bên phía đại diện tàu USS.GW trả lời:
- Vâng, tất nhiên thưa quý ông, trông có vẻ giống sản phẩm đến từ bên ngoài Trái Đất hay sao?

- Ồ không, không! Vì nghe bảo rằng ở xứ sở các ông tư bản bóc lột sức lao động rất khủng khiếp?

- Maybe!

- Thế mà họ vẫn cứ chịu bị bóc lột để tham gia chế tạo những thứ này ư?

- Ồ, lao động là vinh quang mà, thậm chí người ta còn cạnh tranh nhau để bị "bóc lột" nữa đấy!

Quan chức xứ cận lạ vô cùng ngạc nhiên:
- Ồ lạ thật, người lao động ở xứ các ông quả là cam chịu quá đi mất...

- Thế còn ở chỗ quý ông thì sao ạ?

- Chúng tôi không hề bóc lột nhân công, tuyệt đối không. Chúng tôi chỉ xuất khẩu họ sang một nước khác, và thu "chút đỉnh" gọi là tiền môi giới dịch vụ thôi.



- Oh my God! Thế còn công nghiệp đóng tàu của quý ông thế nào?

- Chúng tôi có những tập đoàn lớn tham gia vào nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội, với tầm nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử và tầm ảnh hưởng lan tỏa khắp cả vùng. Chúng tôi đang vạch kế hoạch tiến ra biển lớn. Chúng tôi...

- Xin lỗi, tôi thật bất nhã khi ngắt lời. Nhưng không cần phải kể thêm nữa vì chừng đó là đủ để chúng tôi hình dung được quy mô vĩ đại của tập đoàn đóng tàu ấy rồi. Thật là vô cùng ngưỡng mộ. Chẳng hay quý ông có thể giới thiệu một sản phẩm tiêu biểu nhất của ngành công nghiệp đỉnh cao ấy được không?

- Ồ đánh giá cả một ngành công nghiệp qua vài chiếc tàu là một suy nghĩ thiếu biện chứng. Không chỉ riêng trong ngành công nghiệp đóng tàu, mà để đánh giá hầu hết các tập đoàn quốc doanh ở xứ tôi, họ không cần quan tâm đến sản phẩm cuối cùng và lợi ích mà nó mang lại cho xã hội đâu các ông ạ!

- Oh, thế phải căn cứ vào cái gì?

- Thường thì họ xem xét sau bao nhiêu lâu tập đoàn ấy phá sản. Ấy chết, xin lỗi đấy là từ nhạy cảm không được phép dùng. Tôi chữa lại là: Thường thì họ xem xét sau bao nhiêu lâu tập đoàn ấy chuyển đổi hình thức hoạt động (ví như tạm ngưng để điều tra làm rõ hay cơ cấu lại gì gì đấy...) và so sánh với mức độ giàu lên của các ê kíp tham gia lãnh đạo điều hành. Thời gian chuyển đổi càng ngắn và mức độ giàu lên càng lớn thì cho thấy hiệu quả của tập đoàn ấy càng cao. Chỗ này tôi nói hơi trừu tượng tí, các ông nắm được không?

- Rất rõ thưa quý ông! Nhân tiện xin hỏi rằng: Đấy có phải là phương thức tích lũy tư bản mà không cần bóc lột sức lao động, một trong những đặc thù của lối tư duy "đỉnh cao trí tuệ" phải không?

- Chính là nó đấy, như thế là các ông đã lĩnh hội được vấn đề rồi đấy!

- Thế còn vấn đề an ninh trên vùng biển này thì sao, thưa quý ông?

- Ấy ấy, tôi phải nhắc để các ông nhớ rằng chúng tôi rất tự hào được làm nhiệm vụ canh giữ hòa bình cho cả phía Đông này của thế giới. Đúng ra chúng tôi làm tất tần tật, nhưng phía Tây đã có ông bạn gì là hàng xóm của các ông đấy, họ canh giữ rồi nên chúng tôi thay phiên nhau vậy.

- Oh! Quả là một hành động cao thượng và can đảm! Vậy quý ông có thể tiết lộ bí quyết làm thế nào giữ vững được an ninh khu vực, khi có một nước lạ thường xuyên phô trương thanh thế, thậm chí nhiều lần xâm phạm lãnh hải và bắt giữ ngư dân?

- Rất đơn giản! Mỗi khi đối phương có một hành động gây hấn, người dân xứ tôi sẽ bày tỏ sự phẫn nộ bằng cách xuống đường biểu tình, treo biểu ngữ, tẩy chay hàng hóa... để phản đối. Ngay lập tức, chúng tôi dập tắt hết bằng tất cả sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị. Và như thế, đối phương sẽ không bao giờ nổi giận nên nhờ đó hòa bình luôn được đảm bảo.

- !!!

.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!