Cải lương giữa đời thường

Một bữa, thấy tôi lưu mấy bài vọng cổ dạng .mp3 trên đĩa, thằng bạn la làng:

- Hả? Phải mày không đó? Dân lập trình chuyên xài đồ đi-zi-tồ (digital) mà cũng nghe cải lương hả?

- Ủa thích thì nghe chớ sao!

- Wow, thiệt lạ đời quá, tưởng cái đó chỉ có mấy ông bà già nghe thôi chớ...

Chẳng biết sao đôi khi tôi thấy thèm nghe một khúc vọng cổ, nhất là lúc yên ắng buổi trưa. Nó gợi lên trong tôi một không khí rất là Sài gòn, hơi xô bồ, hơi hối hả, nhưng có một chút yên bình trong con hẻm nhỏ ở quận 10, nơi tôi tá túc ở nhà Bà Ngoại Tám thời đi học. Cảm giác thiệt là khó tả, có lẽ đúng như bản thân tên gọi cải lương của nó, phần nào hướng tâm hồn người ta về chốn thiện lương. Có những buổi trưa nắng đạp xe xuống chơi nhà bà Cô ở quận Bình Thạnh tận cầu Sài Gòn. Người đẫm mồ hôi, bỗng ngang quá quán cafe hẻm nghe khúc lên ngọt ngào của giọng nữ Thanh Kim Huệ, hay lời ca trầm ấm áp của giọng nam Thanh Sang phát ra từ chiếc cassette, thấy trong người khoan khoái chi lạ, cơn mệt mỏi giảm đi năm sáu phần.

Rồi đến khi ra trường, phần thì cuộc sống hối hả, phần do trào lưu nhạc trẻ đang lên, tôi ít có dịp được nghe tình cờ một khúc vọng cổ. Chỉ là nghe một đoạn bất chợt nào đó thôi, chứ thực tình mà nói, ngồi xem lại một tuồng cải lương vài tiếng đồng hồ thì chịu. Mẹ tôi hay nói: "Coi kịch rồi thì hết muốn coi cải lương, coi phim rồi thì lại không muốn coi kịch". Đúng là trong cải lương có những cái ngộ thiệt, chẳng hạn như bị đâm lút kiếm rồi không chịu hấp hối mà ca một thôi một hồi, ca xong mới... chịu chết :)

Có lẽ, cải lương chuyển tải thông điệp giáo dục nhiều hơn giá trị nghệ thuật. Nhớ thuở xưa Ngoại tôi hay bình phẩm mỗi khi coi một đoạn kịch tính trong tuồng cải lương: - Rứa chơ họ cũng dạo (nhạo) đời đó nghe!

Bìa DVD giới thiệu tuồng Bên Cầu Dệt Lụa
(bản trắng đen xưa)


Cải lương có vẻ phù hợp hơn với những cốt truyện tâm lý xã hội hay lịch sử. Tuồng xã hội tôi còn nhớ mang máng như Đời Cô Lựu, Bên Cầu Dệt Lụa, Lá Sầu Riêng, Nửa Đời Hương Phấn, Tô Ánh Nguyệt... Tuồng sử thì có Trần Quốc Toản Ra Quân, Tiếng Trống Mê Linh, Thái Hậu Dương Vân Nga, Tô Hiến Thành Xử Án... Còn một tuồng tôi không thể quên được, do nó thường được phát lại vào những tối thứ Bảy trên TV trong thời bao cấp (cái thời thiếu thốn đủ mọi thứ từ vật chất cho đến tinh thần), đó là tuồng Tìm Lại Cuộc Đời.

Một cảnh trong tuồng Tô Hiến Thành Xử Án


Chẳng thà coi cải lương, có ai nói sến thì chịu. Chứ tôi chúa ghét mấy bộ phim kiểu mì ăn liền, phục trang cẩu thả, bố cục lỏng lẻo, cảnh nền trông cứ giả giả, còn lời thoại thì bê y chang văn viết nghe cứ như học sinh trả bài. Tôi vẫn thường nói: - Đó là kịch quay ngoại cảnh chớ phim gì mà phim :)
Mấy hôm nay vừa nghe nói có bộ phim hồn Việt ta mà da hàng Tầu, để vô Youtube coi ra sao rồi sẽ nói sau.

Trở lại chuyện cải lương, loại hình nghệ thuật mới ra đời đầu thế kỷ XX. Có lẽ do xuất phát từ vùng sông nước Nam bộ nên phong thái của nó nghe thởi lởi, mộc mạc hơn so với âm điệu khoan nhặt sâu xa của hò Huế, hay có vẻ trau chuốt réo rắc của tuồng chèo...

Giữa thời buổi vật chất lên ngôi, đạo đức xã hội suy đồi, nhân phẩm con người là thứ bọt bèo như hiện nay, việc coi một tuồng cải lương hay nghe khúc vọng cổ có thể là liều thuốc cân bằng, may ra cải biến được phần nào chút lương tâm còn sót lại đâu đó, trong cái phần Người đang bị phần Con áp đảo hay chăng? Đôi khi, những món có vẻ sến xưa cũ kỹ lại là thứ làm đối trọng rất tốt cho sự cằn cỗi xơ cứng trong đời sống tinh thần, như một lời kinh cầu cho nhân thế vậy.

.
◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!