CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (P.9 - Hết)

Vi Đức Hồi

(...Tiếp theo và hết)

9


Cỗ xe tang đã tiến vào thành phố với tốc độ nhanh hơn, náo nhiệt hơn. Mọi người hối hả tiến bước trên chặng đường còn lại. Cả dòng người cuồn cuộn, mồ hôi đầm đìa bởi cuộc hành quân đến chục cây số dưới tiết trời oi bức. Quan đồn trưởng tỉnh đứng ngồi không yên, đi đi lại lại trong phòng làm việc tìm kế sách đối phó. Tiếp tục biện pháp chặn chúng lại, xuống thang, tìm cách đàm phán với bọn chúng. Ông ta tự nhủ rồi ra lệnh cho hạ cấp huy động toàn bộ số quân lính đang thường trực tại đồn đến chặn đoàn người đã tiến vào thành phố. Một toán quan lính mặc quân phục chỉnh tề, tay lăm lăm dùi cui dàn hàng ngang. Người đi đầu dùng loa cầm tay dõng dạc tuyên bố:

– Chúng tôi, những người đại diện chính quyền nhà nước. Chúng tôi được lệnh cấp trên yêu cầu mọi người dừng lại. Chúng tôi cần gặp đại diện tang chủ! Ai là người đại diện gia đình của nạn nhân mời đến gặp chúng tôi!

– Chúng tôi chỉ làm việc với tỉnh trưởng! Chúng tôi không làm việc với bất cứ ai! Người đại diện gia đình tuyên bố.

– Các ngươi đã vi phạm pháp luật, vì gây mất trật tự nơi công cộng! Yêu cầu mọi người dừng bước! Tốp lính của quan đồn trưởng tỉnh tạo thành nhiều hàng rào chắn đoàn người.

– Mày thách bố hả! Xem chúng mày mạnh đến đâu! Nào anh em, tiến lên! Hàng trăm thanh niên trai tráng xông lên phá hàng rào. Toán lính phần rạp xuống rìa đường, phần tháo chạy. Dòng người tiếp tục đổ vào trung tâm thành phố.

– Thưa sếp, bọn chúng không chịu đàm phán, đòi gặp trực tiếp tỉnh trưởng! Chúng đông lắm, sẵn sàng tuyên chiến với ta. Chúng xô đẩy phá hàng rào làm lính ta phần bị ngã, phần bỏ chạy... Bây giờ tính sao ạ? Một sỹ quan chỉ huy báo cáo với quan đồn tỉnh trưởng.

– Rút toàn bộ quân về dinh tỉnh trưởng để chờ lệnh!

Đoàn quân thốc tháo rút về tổng hành dinh để bảo vệ cơ quan đầu não. Các cơ quan công sở, các gia đình nhà riêng đều khóa cửa, đóng cổng đổ xô ra đường. Người tham gia vào đoàn đi đòi công lý, người đứng xem diễn tiến cuộc biểu tình. Cả thành phố tưng bừng khí thế. Số người tham gia lên đến vạn người. Toàn bộ quân lính của quan đồn trưởng tỉnh tay cầm lá chắn, dùi cui đứng chật ních trước cổng chính của dinh tỉnh trưởng. Cỗ xe tang đi ngang qua rồi dừng lại quan sát.

– Toàn bộ cổng trước và cổng sau lính canh rất đông, không thể vào được! Một người thông báo cho những người tang chủ biết.

– Đi vòng về phía sau! Một người ra lệnh.

Xe tang lại tiếp tục lăn bánh. Phía trong dinh tất cả các cửa được đóng lại. Bên ngoài nhìn vào lặng yên như tờ. Quân lính bao vây kín toà nhà.

– Bọn chúng đã bỏ chạy! Chúng không tiếp chúng ta! Bây giờ ta tính sao đây? Phải tương kế, tựu kế chứ! Một người trong nội tộc tang chủ lo lắng.

– Phá hàng rào, đưa quan tài vào trong nhà! Một người ra lệnh.

Hàng trăm người xông tới, người dùng tay, người dùng chân đạp. "Nào… Hai ba... Hai ba..." Những thanh sắt hàng rào được sơn, xì vừa chắc chắn vừa đẹp mắt, chiếc bị gãy, chiếc bị bẻ cong vào phía trong. Hàng ngàn người tràn vào trong khuôn viên của dinh tỉnh trưởng. Những tiếng hô lớn: "Tiến lên! Tiến vào bên trong! Nợ máu phải trả máu!"

Các quân lính bắt đầu ra tay. Từng tốp nhảy vào dùng dùi cui đánh túi bụi vào đám đông.

– Nó đánh người của ta! Hỡi mọi người hãy cứu lấy người của ta!

Những viên gạch vỡ được cậy lên từ hàng rào, từ trong sân của dinh tỉnh trưởng, những hòn đá được nhặt nhạnh ở khắp mọi nơi, ném tới tấp vào quân lính. Tiếng reo hò của hàng ngàn quần chúng nhân dân:

– Hoan hô! Hoan hô! Ném tiếp nữa đi! Ném trúng vào!

Một số lính bị thương tán loạn tháo chạy vào bên trong ẩn náu. Toàn bộ lính cơ động được trang bị lá chắn,tay dùi cui được điều động đến tạo nhiều hàng rào chắn lối vào dinh. Đoàn người tiếp tục tiến bước, hàng rào của quân lính và đoàn người rước cỗ quan tài đã chạm trán nhau. Phía sau là tường, phía trước là đoàn người đang tiến sát. Không còn chỗ lui, quân lính bắt đầu lại ra tay. Cuộc đụng độ bắt đầu lại xảy ra. Tiếng đánh đập, tiếng xô đẩy cùng tiếng la ó, chửi rủa hỗn loạn. Một tốp lính cơ động ra tay bắt mấy người tiên phong của đoàn, người cầm tay, người túm tóc, ba bốn người túm lại lôi người của tang chủ vào bên trong nơi ẩn náu.

– Chúng bắt người của ta! Ném chết nó đi! Cẩn thận, trúng người của ta!

Những viên gạch vụn, những viên đá tiếp tục bay tới tấp vào đám lính, nhưng rồi quân lính cũng bắt được vài người mà họ cho là cầm đầu gây rối. Viên sĩ quan chỉ huy trực tiếp báo cáo quan đồn trưởng tỉnh:

– Thưa, bọn chúng đã phá hàng rào, tràn vào trong sân dinh. Chúng ném đá, gạch vào lính ta, một số lính đã bị thương.

– Dùng chuyên chính trấn áp! Tiếp tục bủa bắt mấy tên cầm đầu! Dùng xe đặc chủng bí mật đưa lính bị thương vào viện của ngành cấp cứu. Quan đồn trưởng ra lệnh. Tiếng nổ đùng đoàng bên phía trong.

– Chúng nó nổ súng! Chúng nổ súng! Mọi người hô to.

– Bà con bình tĩnh! Chúng nó bắn chỉ thiên doạ chúng ta! Thách bố nhà chúng nó cũng không dám nổ súng vào người. Mấy người trấn an đám đông.

– Đến nơi rồi! Bây giờ ta ngồi chờ ở đây để gặp quan tỉnh trưởng.

Cỗ xe tang dừng lại trước cửa dinh tỉnh trưởng. Mọi người vây kín xe tang, đối mặt là hàng trăm lính cơ động tay cầm lá chắn, dùi cui, mặt hầm hầm sát khí, quyết bám giữ dinh tỉnh trưởng.

Tiếp tục có tiếng nổ, khói mù mịt bay ra đám đông. Mấy trái lựu đạn từ bên trong được ném ra sân chỗ vắng người xịt khói rồi phát nổ.

– Lựu đạn cay! Chúng ném lựu đạn cay! Bà con ơi! Chúng ném lựu đạn cay!
Bọn lính ném lựu đạn thập thò ra ngó tình hình, liền bị hàng loạt đá, gạch vỡ ném vào tới tấp, vội tháo lui.

– Đ. mẹ chúng mày! Có giỏi thì ra đây! Tiếng hô đay nghiến của quần chúng làm không một lính nào dám ló mặt.

Một trái lựu đạn cay lại được ném ra, vừa xì khói, vừa lăn theo đà lăn. Một thanh niên lao vào túm lấy lựu đạn ném trả lại vào phía trong bọn lính đang ẩn náu,một tiếng nổ bên trong, quân lính xô đẩy nhau chạy thoát thân. Tiếng reo hò của quần chúng:

– Hoan hô! Hoan hô người anh em dũng cảm! Hoan hô người anh em anh hùng!

– Thưa sếp, bọn chúng chống trả rất quyết liệt. Chúng cả gan ném trả lựu đạn cay vào lính của ta làm lính ta tiếp tục bị thương. Bọn chúng ngồi lỳ trước cửa dinh đòi gặp bằng được quan tỉnh trưởng. Tình hình này có thể bọn chúng còn gây nhiều hậu hoạ khôn lường. Bây giờ tính sao ạ?

– Tiếp tục giữ vững trận địa! Dùng xe cứu hoả phun nước giải tan đám đông.

– Thưa, rõ!

– Thưa sếp! Cái logo của dinh ta hàng chữ sơn son thiếp vàng đẹp là vậy, tráng lệ là vậy, nay bị bọn chúng ném nát, méo mó hết rồi, thưa sếp!

Một tốp lính kéo vòi phun nước của xe cứu hoả đi ra định phun nước vào đám đông. Vừa ra lấp ló ra ngoài sân, tiếng hô quần chúng vang rội:

– Ném! Ném chết nó đi! Nó giở trò bỉ ổi đấy!

Mấy thanh niên lao tới tay cầm đá, gạch ném thẳng vào toán lính. Bị thương, cả toán tháo chạy. Tiếp tục có người đến đề nghị đàm phán.

– Lãnh đạo hôm nay đi vắng hết, chúng tôi thay mặt lãnh đạo tỉnh đến đàm phán với gia đình.

– Cút! Cút biến chúng mày đi! Tao không làm việc với bọn mày! Gọi tỉnh trưởng đến đây!

Hoảng sợ, tốp người đến đàm phán tháo lui. Tình hình tạm lắng xuống. Mười phút, hai mươi phút, ba mươi phút, rồi gần tiếng sau mọi người vẫn kiên trì bám trụ chờ đợi quan tỉnh trưởng xuất hiện.

Rồi cái gì đến sẽ phải đến. Một người trung niên bước ra từ trong dinh tỉnh trưởng đến gặp đại diện tang chủ.

– Tỉnh trưởng hôm nay đi công tác chưa về. Phó tỉnh trưởng thay mặt tỉnh trưởng sẽ đàm phán với tang chủ. Nếu gia đình chấp thuận thì mời đại diện gia đình vào trong dinh để đàm phán. Ý kiến gia đình thế nào cho chúng tôi biết.
Gia đình hội ý rồi chấp nhận đề nghị trên. Cuộc đàm phán được tiến hành tại một phòng trang trọng ở tiền sảnh của dinh. Phó tỉnh trưởng mở đầu cuộc đàm phán:

– Chúng tôi rất đáng tiếc sự việc xảy ra và chúng tôi không được báo cáo đầy đủ vụ việc nên mới để diễn biến đến mức này. Tôi thành thật xin lỗi gia đình. Bây giờ gia đình có đề nghị gì chúng tôi xin nghe và giải đáp.

– Chúng tôi yêu cầu làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của người nhà chúng tôi. Chết tại đâu? Vì sao chết? Biên bản hiện trường người nhà tôi chết? Ai chịu trách nhiệm về cái chết của người nhà chúng tôi? Vì người nhà chúng tôi không phải chết ở đường, ở chợ, không phải chết do tai nạn... mà chết ở cơ quan công quyền nhà nước nên chúng tôi phải biết rõ nguyên nhân vì sao chết... Chúng tôi đã yêu cầu nhiều lần, chúng tôi đã phải chờ đợi suốt gần hai ngày qua nhưng các ông tránh né, vô trách nhiệm, phủi tay... nên buộc chúng tôi phải đến đây đòi công lý. Người đại diện gia đình bình tĩnh phát biểu.

– Với tư cách đại diện chính quyền nhà nước, thay mặt ngài tỉnh trưởng tôi xin hứa với gia đình sẽ làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của cháu. Chúng tôi hứa ký kết bằng văn bản, đóng dấu, ký tên và đưa cho gia đình cầm. Nếu chúng tôi không thực hiện theo đúng cam kết, gia đình có quyền đưa văn bản này lên cấp trên. Gia đình thấy thế nào?

– Chúng tôi tin ở chính quyền nhà nước, chúng tôi đồng ý và xin ông hãy làm đúng theo những gì đã cam kết.

Văn bản đã được đánh máy, ký và đóng dấu sẵn. Phó tỉnh trưởng đưa cho gia đình cầm và ôn tồn với người đại diện gia đình:

– Chúng tôi rất hiểu và thông cảm về sự bức xúc của gia đình. Việc này chúng tôi sẽ nghiêm khắc kiểm điểm cấp dưới chúng tôi vì không báo cáo kịp thời, để sự việc diễn ra rất đáng tiếc. Việc đã rồi các bác đưa cháu về mai táng cho sớm rồi chúng ta sẽ làm việc với nhau sau. Tôi xin hứa với các bác tôi sẽ chỉ đạo làm rõ vụ việc này, ai sai phải xử lý nghiêm túc, ai vi phạm pháp luật phải bị pháp luật điều chỉnh. Mong các bác hãy tin ở tôi. Các bác có cần gì tôi giúp đỡ không?

– Không! Chúng tôi không cần, chúng tôi chỉ cần ở ông cầm cân nẩy mực cho đúng, vậy thôi. Và còn việc này nữa: Chúng tôi đề nghị các ông thả hết người của chúng tôi vừa bị bắt ra. Họ quá bức xúc do chính các ông gây nên chứ họ không có tội tình gì, được thế chúng tôi đưa cháu về mai táng.

– Vâng được, chúng tôi sẽ thả hết mọi người ra, bác cứ yên tâm.

Quay ra đại diện gia đình tuyên bố với bà con:

– Họ đã chấp nhận đề nghị của chúng ta, tuy chưa thoả mãn được mọi yêu cầu của ta, nhưng thôi họ đã cam kết bằng văn bản đây rồi. Họ hứa sẽ làm sáng tỏ vụ việc trong thời gian sớm nhất và hứa thả tất cả người của ta ra ngay lập tức. Chúng tôi thấy họ đã xuống thang và ta cũng tạm chấp nhận theo cam kết này. Theo tôi bây giờ ta đưa cháu về an táng, mọi người thấy thế nào?

Cỗ xe tang lăn bánh, dòng người lại tuôn chảy về làng. Những bước chân chậm rãi lặng lẽ theo sau người xấu số trở về với lũy tre xanh, với con kênh làng uốn khúc, quanh co bao bọc xóm làng. Tiếng khóc, tiếng nấc, tiếng gào thét kêu oan bắt đầu lan toả trong đám đông. Mọi ngôn ngữ đều bất lực vì không thể mô tả được cảnh chia ly, tiễn biệt giữa những người thân, giữa những người tình làng, nghĩa xóm với người thanh niên trai làng bị chết oan uổng.

Mai táng xong, mọi người hỏi nhau:

– Người của ta đã được thả chưa nhỉ?

Toán thanh niên trai làng đồng thanh đáp:

– Chưa! Chúng chưa thả người của ta! Đừng nghe chúng nó nói! Hãy xem chúng nó làm! Giữ tên sỹ quan của đồn tỉnh lại để làm con tin. Giữ nó lại! Mọi người quây xung quanh viên sĩ quan của quan đồn trưởng tỉnh phái đi theo đám tang theo dõi, động viên gia đình.

– Chúng tôi đề nghị các ông phải thực hiện cam kết: Thả người của chúng tôi ra ngay lập tức! Bằng không chúng tôi giữ ông lại khi nào thả người của tôi ra thì chúng tôi thả ông ra.

Viên sĩ quan cùng người lính lái xe mặt tái xanh như đít nhái, vội gọi điện về trên báo cáo diễn tiến tình hình. Gần một tiếng đồng hồ viên sĩ quan hết đứng lại ngồi trong vòng vây của dân làng. Có điện thoại báo về anh em đã được thả. Mọi người mừng rỡ nhưng người mừng nhất là viên sĩ quan.

– Tin gì bọn nó! Cứ chờ ở đây khi nào người của ta về báo cáo thì mới tin được!

Mãi sau những người bị bắt đến và thông tin tất cả đã được tạm tha. Mọi người thở phào. Viên sỹ quan mặt mày hớn hở.

Tối hôm đó tại dinh của tỉnh trưởng, một góc trời lập loè ánh sáng. Các thợ hàn cao tay của thành phố được huy động đến để hàn xì các bức tường rào bằng sắt quanh dinh tỉnh trưởng. Các tuyến đường đi qua ngang dinh được chặn lại không cho người qua lại. Suốt đêm những người thợ hàn miệt mài trổ hết tài năng của mình để dựng lại hàng rào kiên cố. Sáng hôm sau, hàng rào lại chỉnh tề, ngay ngắn như cũ, chỉ có ai tò mò ngắm kỹ thì thấy có đoạn nó vẫn bị cong, phía dưới chân của hàng rào có những nốt hàn mới mà không hiểu vì vô tình hay hữu ý người ta vẫn để nó nguyên. Cái biển logo của dinh được thay thế bằng cái mới còn thơm mùi nước sơn, nhìn còn tráng lệ hơn cái cái cũ nhiều. Nhiều người dân tò mò đến gần ngó, lập tức bị lính cơ động tuần tra quát tháo xua đuổi. Người đi đường qua ngang dinh ngước nhìn, người mỉm cười, người kháo nhau bất giác bắt gặp các quan trong dinh phủ, lính canh phòng người ta quay phắt mặt đi. Dân thấy lạ bảo nhau: Quan chán dân lắm rồi!

Sáng hôm sau, tại nhà tang chủ vị quan phó tỉnh trưởng cùng quan đồn trưởng tỉnh có mặt sớm thắp hương, chia buồn gia đình và tiếp tục khẳng định sẽ sớm làm rõ vụ việc. Lãnh đạo chủ chốt xã cũng có mặt kịp thời chia buồn, động viên. Viên xã trưởng vẻ mặt phần khởi thông báo với thân phụ người thanh niên xấu số:

– Chúng tôi xin thông báo cho ông tin mừng: Huyện đã đồng ý cấp sổ thương binh cho ông. Việc này lẽ ra ông được nhận sổ từ lâu rồi nhưng vì thiếu một vài thủ tục nên lãnh đạo cân nhắc mãi, nay thì mọi việc đã xong, mong ông phát huy bản chất cách mạng, bản chất của người lính, người thương binh, người có công với nước và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa...

Đoàn cựu chiến binh của xã sau khi vào thắp hương rồi ra ngồi bàn tâm sự thân phụ người xấu số:

– Lãnh đạo xã đã thống nhất với ngành dọc cấp trên tới đây sẽ đưa ông vào thành phần lãnh đạo hội cựu chiến binh cơ sở. Đây là tin vui cho ông, rất mong ông bình tĩnh, vượt qua đau thương, sớm ổn định để tham gia công tác mới. Lúc này hơn lúc nào hết ông phải tỉnh táo để nhận biết vấn đề, không để bọn xấu, bọn cơ hội, các thế lực thù địch lợi dụng để bôi xấu chế độ tốt đẹp của ta... Đặc biệt phải đề phòng với một số đài phản động nước ngoài nó tìm cách liên lạc phỏng vấn người nhà ta rồi chúng vu cáo, bóp méo sự việc làm gây hoài nghi, giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào chế độ. Là những người chiến hữu, là những người đồng đội, chúng tôi khuyên ông luôn tỏ thái độ bất hợp tác với chúng nó, bác bỏ mọi luận điệu tuyên truyền chống phá chế độ ta, thể hiện khí phách của người lính kiên quyết không mắc mưu bọn phản động. Chúng tôi luôn luôn ở bên cạnh ông, vì đó vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của người cựu lính chúng ta khi gặp hoạn nạn. Thôi thì âu cũng là số phận con người cả, số cháu nó không ăn ở với mình được lâu, ta cứ để cho nó thanh thản ở bên kia. Còn ta vẫn phải sống, phải làm việc vì ta còn có các con cháu khác, có láng giềng, có bạn bè thân hữu... Cứ bình tĩnh rồi đâu có đó. Nhà nước ta không để ai lọt tội, không bao che cho ai khi có tội vì nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân...

Hai ngày sau, một cuộc họp do đích thân tỉnh trưởng chủ trì được tổ chức tại dinh tỉnh trưởng. Sau khi nghe toàn bộ diễn biến sự việc xảy ra, kết quả của các cuộc làm việc của các ngành từ tỉnh đến xã và hướng các bước xử lý tiếp theo, tỉnh trưởng phát biểu kết luận:

– Đây là vụ việc xảy ra chưa từng có ở tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung. Nó gây tiếng vang rất xấu cho chế độ ta. Phạm vi ảnh hưởng của nó không những ở trong nước mà nó đã vượt ra trên phạm vi quốc tế. Nó đã phơi bày cho thiên hạ thấy về bản chất của chế độ ta. Một hình ảnh rõ nét và là thước đo của lòng dân về sự trung thành, lòng yêu mến, sự tin tưởng vào chế độ. Nó báo hiệu cho ta về sự bền vững của chế độ, nó thức tỉnh cho ta nhận thấy sức mạnh của quần chúng nhân dân một khi đã mất lòng tin vào chế độ. Một khi chính quyền nhà nước đã làm cho quần chúng phẫn nộ. Một khi quần chúng đã nhất tề đứng lên thì bất kể một chế độ nào dù tàn ác đến mấy, dù mưu mô xảo quyệt đến mấy, dù cố tình bưng bít, tô vẽ cho mình đến mấy thì cũng phải sụp đổ. Chúng ta không thể xem xét sự việc với tư cách tự phát, đơn lẻ mà phải xem xét nó trong mối tương quan, mối liên hệ bên trong của nó. Nói cách khác, hậu quả vụ việc vừa qua là kết quả của sự âm ỉ trong lòng dân đã lâu. Nhiều việc làm vô pháp luật của những người thi hành công quyền nhà nước đã khiến cho dân căm phẫn. Đây là thời cơ để họ bộc lộ thái độ của họ. Chúng ta cứ mê muội rằng chế độ ta tốt đẹp, mọi người dân luôn tuyệt đối trung thành... Hãy lý giải tại sao một vụ việc chưa phải động trời mà có hàng vạn dân xuống đường phản đối chính quyền nhà nước ta? Vì sao những người dân không phải tất cả là anh em, họ hàng thân thích, chắc chắn có nhiều ngàn người họ chẳng quen biết, chẳng liên quan gì đến nạn nhân, người nhà nạn nhân nhưng tại sao họ lại ủng hộ nhau, bênh vực nhau, dám đối mặt với sự nguy hiểm...? Đó chính là sự căm phẫn của họ đối với chế độ... Đã đến lúc chúng ta phải dám nhìn vào sự thật để nói lên sự thật thay vì cứ giả dối. Một xã hội giả dối, bên trong mục ruỗng, bên ngoài vẫn tỏ vẻ vững chắc, tốt đẹp... Nếu không có thay đổi căn bản chắc chắn sẽ an nguy cho chế độ trong một tương lai gần... Tôi nói như vậy để các vị tự xem lại mình, tự biết mình và biết thời cuộc để rồi có cách hành xử cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước ta...

Tuy vậy vụ việc đã xảy ra trên địa bàn của chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải ra tay xử lý nghiêm, phải khôn khéo, bịt được dư luận... Qua nghe báo cáo và hướng xử lý của các vị đề xuất ta có thể thống nhất như sau:

Tiếp tục điều tra, truy tố nghiêm khắc đối với những kẻ cầm đầu gây rối, đặc biệt là kẻ cả gan đập phá cái biển logo, cơ quan nhà nước cao nhất của tỉnh ta. Trước khi làm việc đó phải tiến hành xử lý số cán bộ gây hậu quả chết người để trấn an dư luận. Gặp trực tiếp động viên số cán bộ của ta đã gây án chấp nhận những hình phạt đáng kể để cho dân yên. Sau đó chúng ta sẽ tìm cách cứu họ, đây là nghệ thuật lãnh đạo của chế độ ta đã trải qua mấy chục năm cai trị đất nước. Nhờ đó mà có được từ thành công này đến thành công khác. Phong toả mọi thông tin về lính của ta bị thương trong trận giao tranh này, thăm hỏi, chăm sóc, động viên chu đáo. Tiếp tục động viên gia đình, vận dụng các chính sách có thể để lôi kéo gia đình về phía ta, ngăn chặn các thế lực thù địch móc nối với gia đình tuyên truyền, dựng chuyện, bôi xấu chế độ...

Vấn đề cuối cùng là tổ chức họp báo và báo cáo lên triều đình. Phải tìm ra được cách lý giải có sức thuyết phục vì sao hàng vạn dân chúng xuống đường biểu tình, phản đối chính quyền nhà nước.

Quan đồn trưởng tỉnh đứng lên phát biểu:

– Thưa! Chúng tôi đã nghĩ mãi rồi. Tình thế này buộc ta phải công bố rằng: Số người quá khích, gây rối, đập phá toàn là bọn nhiễm HIV, bọn nghiện hút, bọn ăn cắp, những kẻ đã có tiền án, tiền sự, bọn này bị chính quyền bắt bớ, xử phạt nhiều lần, có hằn thù với chính quyền nên nhân cơ hội này chúng mới có hành động gây rối để thoả mãn cá nhân thôi. Còn lại toàn là những quần chúng nhẹ dạ, cả tin, nghe theo các thế lực thù địch trong và ngoài nước xúi giục nên mới tham gia xuống đường biểu tình chống chính quyền nhân dân ta.

Mọi người vỗ tay hoan hô:

– Ý kiến hay! Ý kiến hay!

Quan tỉnh trưởng vẻ mặt không vui: Ở tỉnh ta có đến vạn người nhiễm HIV, nghiện hút, ăn cắp, tiền án tiền sự hay sao? Đấy là cách nói láo, lừa bịp dân, chẳng ai nghe đâu! Thôi, nhưng mà còn cách nào khác nữa mà bàn! Thêm một lần lừa bịp đã sao đâu! Cứ thế mà làm!

Cuộc họp kết thúc tại đây. Mời các quý vị nghỉ. Quan tỉnh trưởng tuyên bố.


---------------------------------
Nguồn: Thông Luận


Xem toàn bộ câu chuyện (từ P.1 - 9) ở dạng PDF:

Chuyện Thật Ở Xứ C Còng - Vi Đức Hồi

.
◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!