Những trận hải chiến của thế kỷ XX

Đại dương chiếm ba phần tư diện tích bề mặt Trái Đất. Ẩn sâu bên dưới hàng tỷ khối nước ấy là nguồn tài nguyên vô giá, cùng những bí ẩn của tự nhiên mà con người chưa thể khám phá...

Kể từ chuyến đi vòng quanh thế giới của Marco Polo, các cuộc vượt biển vĩ đại của Christopher Columbus khám phá Châu Mỹ... Từ những chiến thuyền buồm chạy bằng sức gió cho đến chiếc hàng không mẫu hạm sử dụng nguyên tử năng, biết bao cuộc chiến khốc liệt đã diễn ra trên bề mặt và cả trong lòng đại dương? Màu xanh thẳm của biển cả chẳng nhạt đi và nước biển cũng không mặn thêm chút nào, cho dù máu của bao nhiêu thế hệ, của rất nhiều chủng tộc đã hòa tan vào đó...

Tài liệu này sẽ dẫn lại những trận hải chiến tiêu biểu trong thế kỷ XX. Nhìn nhận sự thật lịch sử để sống trong hiện tại và khơi nguồn cho tương lai.



TRẬN HẢI CHIẾN TSUSHIMA (1905)

Đây là cuộc đối đầu của Hải quân hai đế quốc Nhật Bản và Nga Hoàng trong khuôn khổ cuộc chiến tranh Nga-Nhật diễn ra ngày 27 và 28 tháng 5 năm 1905. Trận chiến này có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là bước ngoặc đánh dấu sự thay đổi quyền lực ở Thái Bình Dương trong giai đoạn mở đầu thế kỷ XX.

Đô đốc Zinovy Rozhestvensky chỉ huy Hạm đội Baltic của Nga, và hạm đội Nhật dưới quyền Đô đốc Heihachiro Togo.

Bối cảnh

Có thể xem chiến tranh Nga-Nhật là hậu quả của sự tranh giành phạm vi ảnh hưởng giữa lúc tro tàn của đế chế Trung Hoa vừa nguội lạnh, trong khi một đế quốc Nga chưa suy yếu và cường quốc mới Nhật Bản vừa trỗi dậy. Cuộc chiến Trung-Nhật (1895-1896) kết thúc với chiến thắng thuộc về quân đội hiện đại hơn của Nhật, đã tạo dựng cho đế quốc mặt trời mọc này một chỗ đứng tầm cỡ trong châu Á đại lục, với cảng chiến lược Arthur tại Mãn Châu, cùng với Đài Loan và một khoản tiền bồi thường lớn.

Nga sử dụng ảnh hưởng của mình với các cường quốc phương Tây, đã buộc Trung Quốc ký một hợp đồng cho thuê, đưa cảng Arthur lại cho Nga. Căng thẳng vẫn ở mức cao vào năm 1901 mặc dù quá trình đàm phán vẫn tiếp tục, Nhật Bản ký kết một hiệp ước để bảo đảm sự trợ giúp của Anh nếu như có một cường quốc nào khác ngoài Nga liên quan đến vụ việc. Bộ Hải quân Nga đã đánh giá quá thấp ý chí của người Nhật và khả năng tiến hành chiến tranh hiện đại của họ. Nhưng nguyên nhân sâu xa thì con đường dẫn đến chiến thắng của người Nhật đã bắt đầu từ rất lâu trước đó, khi họ mở cửa tiếp nhận nền văn minh phương Tây.

Nhật Bản canh tân

Thế kỷ XVI, một lãnh chúa phong kiến là tướng quân mạc phủ Tokugawa, đã đóng cửa tách rời nước Nhật khỏi sự phát triển của thế giới. Trong nhiều thế kỷ, kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất ở đây chỉ là súng hoả mai.

Sau khi hạm đội Mỹ do đô đốc Perry chỉ huy, vào vịnh Tokyo, người Nhật nhận ra rằng họ phải hiện đại hoá ngay tức thời (không như TQ và VN vẫn thủ cựu). Đến năm 1867, họ mua một thiết giáp của phe ly khai trong nội chiến Mỹ, chiếc USS Stonewall, và bắt đầu kế hoạch xây dựng hải quân hiện đại. Năm 1877 đánh dấu sự thất bại của những Samurai cổ hủ trong nội chiến. Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji) mở đầu một triều đại mới. Ngay sau khi nắm quyền, nhà lãnh đạo thiên tài này ngay lập tức tái xây dựng nền kinh tế Nhật Bản, cùng lúc công nghiệp hoá và quân sự hoá, với những thành công đáng kể. Nếu như năm 1880, tổng trọng tải hạm đội của Nhật chỉ là 15.000 tấn thì đến năm 1905, con số này là 252.000 tấn, cùng một hạm đội kiêu hùng với 31 tuần dương hạm và thiết giáp hạm hiện đại.

Hơn nữa, sự khổ luyện chính là hạt nhân quan trọng trong sự thành công của Hải quân Nhật Bản. Các thủy thủ phải bơi qua hàng cây suảtrong nước biển lạnh giá giữa các hòn đảo, luyện tập di chuyển và bắn đạn thật với bia di động, với một tinh thần kỷ luật cao độ.

Chú gấu Nga già nua

Hải quân Nga hoàn toàn trái ngược, đang ở trong tình trạng suy nhưng chưa đến nỗi tàn. Mặc dù nhiều thủy thủ Nga rất có năng lực, nhưng Bộ Hải quân toàn những kẻ thủ cựu, mà ngân sách để duy trì hạm đội lại quá nhỏ. Tuy nhiên, nước Nga với sức mạnh trên bộ, vẫn được các nước phương Tây vị nể.

Ngày 8 tháng 2 năm 1904, các khu trục hạm của Hải quân Nhật bất ngờ tấn công Hạm đội Viễn Đông của Nga bỏ neo tại cảng Lữ Thuận (Arthur), hai chiến hạm và một tuần dương hạm bị hư hại trong trận đánh. Trong khi cuộc tiến công làm cho cả nước Nga sững sờ thì các nước Anh-Mỹ đều tỏ ý khen ngợi sự táo bạo của ngưới Nhật. Chiến tranh Nga-Nhật bùng nổ. Các chiến dịch trên bộ cũng diễn ra quyết liệt mà đỉnh cao là trận chiến Mukden (hay Shenyang) từ 19/2/-10/3/1905 với sự tham gia của 330.000 quân Nga và 270.000 quân Nhật, được nhiều nhà sử học coi là trận chiến “hiện đại” đầu tiên trong lịch sử. Chiến thắng cuối cùng thuộc về người Nhật.

Hạm đội Baltic (vừa đổi tên là Hải đội Thái Bình Dương số 2) được lệnh lên đường sang châu Á ngày 15/10/1904 để đáp ứng yêu cầu tái thiết lập quyền lực trên bộ và trên biển. Toàn hạm đội đặt dưới sự chỉ huy của đô đốc Zinovy Petrvich Rozhestvensky, được bổ sung một số tuần dương hạm kiểu cũ (1880) dưới quyền đô đốc Nebagatov cùng một số tàu vận tải. Do đồng minh của Nhật là Anh quốc đã không cho di qua kênh đào Suez, Rozhestvensky đã chỉ huy hạm đội của mình thực hiện kỳ công vượt quãng đường dài hơn 18.000 hải lý (hơn 33.300 km) và đến châu Á nhiều tháng sau đó (trong số những nơi mà hạm đội này ghé qua có cảng Cam Ranh của Việt nam). Mục tiêu của hạm đội là đến được Vladivostok, cảng duy nhất của Nga trong khu vực. Đô đốc Togo biết ý định đó, và ông ra lệnh cho các tàu chiến của mình tuần tra trên 3 tuyến đường mà hạm đội Nga có thể đi qua.

Diễn biến

Trước khi bước vào cuộc chiến, người Nhật đang có những lợi thế mang tính quyết định: Chiến trường gần quê nhà, sở hữu một lực lượng gọn nhẹ tinh nhuệ, bao gồm những chiến hạm kiểu mới, đồng đều cả về tốc độ lẫn hoả lực. Thủy thủ được huấn luyện chu đáo và đang có nhuệ khí rất cao, cùng với việc lên kế hoạch tập luyện kỹ lưỡng cho cả mục tiêu chiến lược và chiến thuật.

Ngày 27/5/1905, Đô đốc Togo nói với toàn hạm đội: “Vận mệnh của đế chế chúng ta phụ thuộc vào chỉ một trận chiến này, mọi người hãy chiến đấu với tất cả khả năng của mình”. (Một điều trùng hợp thú vị là trước đó đúng một thế kỷ, năm 1805, Đô đốc Nelson của Hải quân Hoàng gia Anh cũng đã nói câu tương tự với binh sĩ của mình trước trận chiến để đời ở Trafalgar)

Tối ngày 26/5/1905, hạm đội Nga bị phát hiện khi đoàn tuần dương hạm của Nhật tìm thấy 2 tàu y tế của họ trong một khu vực đầy sương mù ở eo Tsushiòa. Chiều ngày 27/5/1905, hai bên chạm trán nhau. Hạm đội Nga xếp thành đội hình hàng dọc từ Nam-Tây Nam sang Bắc-Đông Bắc, còn hạm đội Nhật là từ Tây sang Đông Bắc. Hạm đội Nga có 45 chiếc, gồm 12 thiết giáp hạm (tàu chủ lực), 8 tuần dương hạm, các khu trục hạm và tàu hỗ trợ khác. Phía Nhật có 4 thiết giáp hạm và một số tuần dương hạm, khu trục hạm. Đô đốc Togo có một quyết định táo bạo khi ra lệnh cho hạm đội của mình di chuyển chặn đầu hạm đội Nga và tập trung hỏa lực vào chiếc kỳ hạm của hạm đội Baltic, chiếc Knyaz Suvorov, với đô đốc Rozhestvensky trên boong. Cách vận động táo bạo này làm hạm đội Nga bất ngờ, và chỉ có thể được thực hiện nhờ vào lợi thế tốc độ cũng như thủy thủ đoàn thiện nghệ của hạm đội Nhật.

Kỳ hạm Knyaz Suvorov khai hoả trước, và ba phút sau, các trọng pháo trên chiếc Mikasa, kỳ hạm của đô đốc Togo, đồng loạt đáp trả. Đội hình hai hạm đội giữ một cự ly ổn định khoảng chừng 6.200m và trút hoả lực vào nhau. Tốc độ khai hỏa của quân Nhật rất ấn tượng, ước tính khoảng hơn 2000 phát đạn hạng nặng trong 1 giờ. Hơn nữa, người Nhật sử dụng một loại chất nổ có công thức mới trong đầu đạn, bắn vào những bộ phận phía trên của các chiến hạm Nga và làm bùng lên những đám cháy dữ dội. Mức độ chính xác của hoả lực Nhật làm người Nga phải sững sờ. Một sĩ quan Nga, thuyền trưởng Semenoff, đã viết “Tôi chưa bao giờ chứng kiến hỏa lực nào như thế, tôi thậm chí không bao giờ dám tưởng tượng ra. Đạn dường như đang được rót xuống chúng tôi liên tục, loạt này tiếp nối loạt kia”. Thêm nữa, những chiến hạm của Nhật có thể đạt tốc độ 16 hải lý/h, trong khi của hạm đội Nga chỉ là 8 hải lý/h, chủ yếu vì phải chờ những chiếc tàu vận tải chậm chạp. Không những thế, người Nhật còn sử dụng một loại vũ khí mới là ngư lôi. Đã có lúc trong trận chiến, 30 khu trục hạm Nhật đồng loạt phóng ra 74 quả ngư lôi, đánh chìm ngay lập tức thiết giáp hạm Sisoy Veliky và 2 tuần dương hạm khác.

Đô đốc Togo trên chiến hạm Mikasa, ngày 27-5-1905

Trong 40 phút đầu trận chiến, người Nhật xối mưa đạn xuống 2 thiết giáp hạm Nga là chiếc Knyaz Suvorov (kỳ hạm của Đô đốc Rozhestvensky) và chiếc Oslyabya. Chiếc Oslyabya bị đánh đắm cùng với thuyền trưởng Vladimir Ber và phần lớn thủ thủ đoàn. Đô đốc Rozhestvensky bị một vết thương vào đầu, còn chiếc kỳ hạm của ông cũng bị hư hại nặng, hầu như không thể chỉ huy hạm đội được nữa. Chỉ huy 2 thiết giáp hạm Hoàng đế Alexander III và Borodino, thuyền trưởng Bukhvostov và Serebrenikov, cố gắng trong vô vọng để che chắn cho chiếc kỳ hạm và đưa hạm đội trở lại tuyến đường đến Vladivostok. Chiếc Borodino dẫn các thiết giáp hạm quay trở lại đội hình hàng dọc chính, nơi những chiếc tuần dương hạm đang giao chiến để bảo vệ đoàn tàu vận tải.

Bỏ lại kỳ hạm Knyaz Suvorov đang bốc cháy, chiếc Borodino chạy về phía Nam, thuyền phó Makarov thay thế thuyền trưởng Serebrenikov, chỉ huy tàu. Thật không may, nó cùng những chiếc khác bị quân Nhật phục kích chặn lại. Chiếc Borodino và Hoàng đế Alexander III bị đánh chìm ngay trước khi màn đêm buông xuống. Và gần như cùng lúc, kỳ hạm Knyaz Suvorov bắt đầu chìm vì bị ngư lôi Nhật đánh trúng. Chiếc khu trục hạm Buyny do Kolomeitsov chỉ huy vội chạy đến để cứu tư lệnh Rozhestvensky và bộ tham mưu. Những sĩ quan của chiếc Kyaz Suvorov gồm đại uý Nikolay Bogdanov, Vyrbov, và thiếu uý Verner Kursel từ chối rời tàu và đã chịu chung số phận với chiếc kỳ hạm.

Tối hôm đó, từ trên boong chiếc Hoàng đế Nicholas I, chuẩn đô đốc Nebogatov tiếp nhận quyền chỉ huy hạm đội. Togo ra lệnh tạm ngừng bắn và cho các khu trục hạm áp sát rồi tấn công ở khoảng cách gần. 30 khu trục hạm Nhật phóng ra 74 quả ngư lôi Whitehead và đã đánh chìm thiết giáp hạm Sysoy Veliky cùng với tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov và Vladimir Monomakh.

Sang ngày hôm sau, 5 thiết giáp hạm dưới quyền Nebogatov buộc phải đầu hàng. Chuẩn đô đốc Enkwist cùng 3 tuần dương hạm Oleg, Aurora, Zhemchug chạy về được đến căn cứ hải quân Mỹ ở Manila và bị giam giữ ở đó. Chỉ có khoảng 3 chiến hạm bị hư hỏng nặng của Nga, 1 tuần dương hạm hạng nhẹ và 2 khu trục hạm, là tới được Vladivostok. Đô đốc Rozhestvensky và bộ tham mưu được chuyển từ chiếc Buyny, bị hỏng động cơ, sang chiếc Bedovy, và sau đó bị quân Nhật bắt làm tù binh.

Nói chung, một số chiến hạm Nga đã chiến đấu rất anh dũng, đôi lúc bị vây hãm bởi nhiều tàu địch. Nhưng trước một đối phương hơn hẳn về mọi mặt thì tinh thần thôi là chưa đủ, chưa kể là tinh thần chiến đấu của toàn hạm đội Nhật cũng rất cao. Tổng kết cuộc chiến đã phản ánh chiến thắng vang dội cho phía Nhật. Hạm đội Nga mất phần lớn số tàu chiến, 4.380 người chết, 5.917 bị thương, 4.000 bị bắt làm tù binh, trong đó có 2 đô đốc. Hạm đội Thái Bình Dương, Baltic, và hạm đội dự bị của họ coi như bị xóa sổ. Phía Nhật mất 117 người, 583 bị thương, thiệt hại 3 tàu phóng lôi.

Hệ quả chính trị

Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một quốc gia Châu Á đánh bại một cường quốc Châu Âu trong trận chiến quy ước. Do đó khi hay tin Nhật đánh bại Nga, hàng triệu người Châu Á cũng vui sướng phát cuồng vì người Nhật đã rửa sạch cái nhục của dân da vàng bị người da trắng thống trị.

Hải quân Nhật Bản được xem là đã làm nên một trong những thắng lợi hủy diệt trên biển duy nhất trong suốt bề dày lịch sử nhân loại. Uy tín của Nga bị tổn thương nặng nề và nó là một đòn đau cho nhà Romanov. Gần như toàn bộ hạm đội Nga bị mất trong trận hải chiến eo biển Tsushima, trừ chiếc tàu cao tốc vũ trang hạng nhẹ Almaz (được xếp loại tuần dương hạm hạng nhì) và 2 tàu khu trục Grosny và Bravy là những tàu duy nhất trở về được tới cảng Vladivostok. Hạm đội Baltic coi như bị xóa sổ ra khỏi danh sách Hải quân Nga.

Thế lực của Nga ở Viễn Đông sau trận hải chiến này cũng kết thúc, nước Nhật trở thành cường quốc bá chủ Đông Á, Mãn Châu, Triều Tiên. Do những thảm bại này mà đế quốc Nga gần đứng trên bờ vực sụp đổ với cuộc Cách mạng năm 1905.


TRẬN HUYẾT CHIẾN CỦA THIẾT GIÁP HẠM BISMARCK (1941)

Trong Đệ nhị Thế chiến (WW2) đã diễn ra một trận đối đầu lịch sử trên Đại Tây Dương. Một lực lượng hùng hậu của Hải quân Hoàng gia Anh phải chịu tổn thất nặng nề mới đánh chìm được thiết giáp hạm Bismarck của Đức Quốc xã.

Hải quân Đức và hải quân Anh vốn có những mối thù truyền kiếp. Từ Đệ nhất Thế chiến (WW1), người Anh đã từng đau đầu với chiến thuật đánh lẻ lợi hại của tàu chiến Đức: Chúng thường ra khơi đơn độc, lặng lẽ tiếp cận các đoàn tầu Anh, đánh chìm vài chiếc rồi rút lui êm thấm. Người Đức vẫn duy trì chiến thuật này đến WW2. Tháng 12 năm 1939, thiết giáp hạm của Đức “Đô đốc Nam tước Phon Shpée” trong một trận hải chiến, trước khi thúc thủ đã nhấn chìm 9 tàu chiến Anh với tổng trọng tải 50 ngàn tấn. Chỉ trong một thời gian ngắn, hải quân Đức với chiến thuật “đơn thương độc mã” đã tiêu diệt hơn 100 tàu chiến Anh. Dĩ nhiên, hải quân Anh không đời nào chịu ngồi bó tay nhìn tàu Đức tung hoành như vậy. Trận phục thù diễn ra vào tháng 5/1941, tạo nên cơn bão lửa đẫm máu trên Đại Tây Dương.

Đầu tháng 5, hải quân Đức biết được tin đoàn tàu vận tải Anh bắt đầu rời Hoa Kỳ chở hàng về nước, và họ đã lên kế hoạch tấn công. Thiết giáp hạm Bismarck có nhiệm vụ tiêu diệt các tàu chiến hộ tống, còn tuần dương hạm Prinz Eugen sẽ xử lý các tàu hàng. Ngoài ra, chúng còn được sự tiếp ứng của hai thiết giáp Sharnhorrst và Gnayzenau đang neo đậu trong hải cảng Brest của Pháp (đã bị Đức chiếm đóng). Trong trường hợp cần thiết quân Đức sẽ huy động lực lượng tàu ngầm trợ chiến. "Chiến dịch sông Ranh" và được giữ tuyệt mật. Cẩn thận hơn, người Đức đã cho máy bay trinh sát đi do thám các căn cứ hải quân Anh và đặt nhiều trạm thông tin vô tuyến hoạt động hết công suất để đánh lạc hướng đối phương. Đích thân đô đốc Lütjens, tư lệnh hải quân Đức chỉ huy chiến dịch và trực tiếp có mặt trên thiếp giáp hạm Bismarck, chiếc tàu chiến lớn thứ nhì thế giới lúc đó, chỉ sau tàu Hood của Anh.

Ngày 18/5/1941, Bismarck và Prinz Eugen rời cảng Gotenhafen tiến về phía eo biển Ban tích. Ngày hôm sau họ gặp tàu Gotland của Thuỵ Điển trung lập. Tưởng vô hại, nào ngờ chính từ đây, chiến dịch mất dần tính chất bí mật. Thuyền trưởng tàu Gotland đã điện về sở chỉ huy về việc xuất hiện hai tàu chiến Đức. Thông tin này được chuyển ngay về cho một nhân viên tình báo hải quân Thuỵ Điển. Anh chàng này trong lúc trò chuyện đã để lộ cho một người bạn là tuỳ viên hải quân Anh tên là Danhem. Danhem lập tức chuyển tin này về London với dấu "thượng khẩn".

Thiết giáp hạm Bismarck vào năm 1940

Ngày 21/5, hai con tàu Đức đến vùng biển Kors-Ford, và bắt đầu rẽ sóng Đại Tây Dương. Cũng ngày hôm đó, một chiếc máy bay trinh sát Anh bay ngang vùng biển Kors-Ford, dĩ nhiên là không tình cờ. Viên phi công đã chụp ảnh và báo cáo về cho bộ tư lệnh hải quân. Người Anh hiểu ra ngay ý đồ của hai tàu Đức. Từ hải cảng Skara Flow, căn cứ hải quân lớn nhất của Anh, phó đô đốc Holland được lệnh ra quân trên siêu hạm Hood, theo sau là thiết giáp hạm Prince of Wales và sáu khu trục hạm. Đích thân tư lệnh Tovey chỉ huy một hạm đội gồm thiết giáp hạm King George V, hàng không mẫu hạm Victorious, 4 tuần dương hạm và 7 khu trục hạm tiến về phía bờ biển Tây Nam Ireland. Như vậy, quân Anh đã giăng một chiếc bẫy đồ sộ chờ sẵn các tàu Đức.

19:22 ngày 23/5, tàu Souffolk phát hiện Bismarck và Prinz Eugen ở khoảng cách 7 dặm. Chiếc tàu Anh khéo léo nương trong sương mù không để cho đối phương trông thấy, đeo bám theo đồng thời báo cáo cho Tovey và Holland về hướng di chuyển, tốc độ và tọa độ của hai tàu Đức. Sau khi tiếp cận, Souffolk bị Bismarck bắn rát phải rút lui, nhưng vẫn kịp thông báo tình hình cho Tovey. Ông này ra lệnh cho tàu Souffolk và Norfolk tiếp tục đeo bám, còn hải đoàn của Holland thì mở hết tốc lực thẳng tiến theo hướng Tây.

Ngày 24/5, lúc 5:35, tàu Hood nhìn thấy tàu Đức ngay chính diện. Holland hạ lệnh: Hood tấn công Prinz Eugen, Prince of Wales tấn công Bismarck. 17 phút sau, ở cự ly 12 dặm, hai tàu Anh bắt đầu khai hoả. Hai tàu Đức chỉ nhằm vào mỗi tàu Hood mà bắn trả. Loạt đạn đầu của Hood không trúng tàu Prinz Eugen, còn tàu Prince of Wales thì tới loạt đạn thứ 6 mới bắn trúng tàu Bismarck. Phía quân Đức, loạt đạn thứ 2 của Bismarck đã trúng tàu Hood gây ra một đám cháy nhỏ. Khoảng 6 giờ, khi khoảng cách đôi bên chỉ còn 7 dặm, quân Anh quay ngang tàu để sử dụng tháp pháo đằng lái, nhưng ngay lúc đó tàu Bismark bằng loạt đạn 360mm đã bắn trúng tàu Hood. Kho đạn trong khoang nổ tung. Trong số 1.419 thuỷ thủ của tàu Hood chỉ có 3 người được cứu sống!

Sau khi đánh đắm Hood, thiếp giáp hạm Bismarck quay sang tấn công tàu Prince of Wales. 4 quả đạn 380mm và 2 quả 203mm đã phả huỷ tháp đại pháo của tàu Prince of Wales. Để khỏi chịu chung số phận với Hood, tàu Prince of Wales thả khói mù chạy trốn.

Tuy lập kỳ tích hạ siêu hạm Hood nhưng Bismark cũng bị hư hại đáng kể: một quả đạn đại bác Anh trúng phần mũi làm hỏng 4 máy, quả nữa trúng khoang chứa nhiên liệu khiến dầu chảy mất khá nhiều. Vào lúc 7:27, đô đốc Lütjens liên lạc với tổng hành dinh và được lệnh cho phép Bismarck chạy về một trong những cảnh Pháp, còn tàu Prinz Eugen vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tấn công đoàn tàu hàng.

Cay cú vì bị mất siêu hạm lớn nhất thế giới Hood, Bộ tư lệnh hải quân Anh lập tức điều động một lực lượng khổng lồ bổ sung cho cuộc săn tàu Bismarck. Lực lượng này gồm thiết giáp hạm Rodney, hàng không mẫu hạm Ark Royal, tuần dương hạm Cheffild và một thiết giáp hạm từ cảng Galifaks tới. Ngoài ra, một thiết giáp hạm và 4 khu trục hạm đang hộ tống đoàn tầu hàng từ Mỹ về Anh cũng được huy động tăng cường cho lực lượng này. 18 giờ, Lütjens bất ngờ ra lệnh quay sang bắn phá Souffolk và Norfolk, buộc hai tàu này phải tránh xa. Nhân cơ hội đó, tàu Prinz Eugen tách ra khỏi tàu Bismark tiếp tục hải trình đi tìm và diệt đoàn tàu hàng của Anh. Khoảng 23 giờ, 9 chiếc máy bay ném bom Swordfish và 5 chiến đấu cơ Fulmar từ hàng không mẫu hạm Victorious lợi dụng trời mưa kéo đến tấn công Bismarck. Chỉ một quả bom trúng vỏ thép, không gây thiệt hại đáng kể, còn Bismarck thì bắn rơi 2 chiếc máy bay Fulmar.
Sau đó, Bismarck khôn khéo lẩn thoát tầm kiểm soát của hải quân Anh và tiến về phía bờ biển nước Pháp.

Ngày 26/5, vào lúc 10:20, khi quân Anh tưởng đã hết hy vọng tìm thấy đối phương thì bất ngờ chiếc thuỷ phi cơ Anh Catalyna nhìn thấy Bismarck ở vùng biển cách đất Pháp chừng 690 dặm. Bộ tư lệnh hải quân Anh hiểu rằng sẽ rất khó đuổi kịp nếu không cầm chân nó lại. Phi đội trên hàng không mẫu hạm Ark Royal được giao nhiệm vụ này. 15 chiếc máy bay ném bom, bất chấp thời tiết xấu, đã xuất trận và ráo riết tấn công mục tiêu. Một trong hai trái bom rơi trúng tàu Bismarck đã làm hư hỏng bánh lái của nó. Lütjens quả đã tiên đoán đúng! Lúc này, các tàu Anh đã gần cạn nhiên liệu, nếu không có quả bom "định mệnh" ấy, hẳn quân Anh đã phải bỏ dở cuộc săn lùng này. Tuy nhiên, dù phần lái có bị trục trặc, Bismarck vẫn lợi dụng bóng đêm tiếp tục lẩn trốn.

Phi đội Swordfish đang bay bên trên HKMH Ark Royal

Thật không may cho nó, hồi 1:20 sáng ngày 27/5, Bismarck bất ngờ chạm trán với khu trục hạm Piorun của Ba Lan. Chiếc tàu nhỏ này không có đại pháo nhưng bắn xối xả vào Bismark bằng đạn 120mm. Nhìn thấy luồng lửa đạn, các tàu Anh xúm vào trợ lực cho Piorun. Hai trái ngư lôi phóng trúng tàu Bismarck. Chiếc thiết giáp hạm khổng lồ khựng lại. Bờ biển Pháp lúc này chỉ còn cách không đầy 400 dặm. Lúc 8:47, tàu King George V và tàu Rodney chính thức tham chiến. Rodney phóng một loạt ngư lôi. Chỉ hai phút sau Bismarck bắt đầu giáng trả những đòn quyết liệt. Lúc bấy giờ trong khu vực xảy ra trận đánh tình cờ có mặt một chiếc tàu ngầm Đức. Tàu ngầm này vừa mới tham gia một chiến dịch khác về ngang qua đây, đạn dược hết nhẵn nên đành "giương mắt" nhìn hai bên quyết chiến mà không giúp gì được cho Bismarck. Đến 10 giờ, Bismarck hết đạn, còn King George V và Rodney hết nhiên liệu. Tovey ra lệnh cho tuần dương hạm Dorsetshire tiếp tục bắn phá Bismarck.

Được lệnh của Tovey, tàu Dorsetshire tiến lại gần Bismarck, lúc bấy giờ đang im như chết, nã hai trái ngư lôi vào hông phải. Sau đó, như trong một cuộc tập trận huấn luyện, Dorsetshire vòng qua bên hông trái nã tiếp một trái nữa. Trên tàu Bismarck, Lütjens ra lệnh cho thuỷ thủ đoàn đặt chất nổ vào khoang máy và chuẩn bị rời tàu, còn ông ta và thuyền trưởng sẽ ở lại trong đài chỉ huy để cùng chết với con tàu. Nhưng tàu Bismarck không chịu nổi sự công phá dữ dội của quân Anh, đã chìm sớm hơn dự kiến của đô đốc Lütjens. Thời khắc định mệnh nhấn chìm nó xuống lòng Đại Tây Dương lúc 10:36 ngày 27/5/1941.

Tàu Dorsetshire và Maori vớt được 110 người, tàu ngầm Đức cứu được 3 người nữa. Lúc ra khơi, tàu Bismark mang theo trên mình 2.403 sĩ quan và thuỷ thủ.


TRẬN HẢI CHIẾN MIDWAY (1942)

Kế hoạch chiến tranh của Hải quân Nhật

Ngày 18/4/1942, Trung tá Doolittle chỉ huy phi đội B-25 ném bom cảm tử, cất cánh từ hàng không mẫu hạm USS Hornet, bất ngờ oanh kích Tokyo, Yokosuka và một số vị trí công nghiệp quân sự khác. Nỗ lực kỳ diệu này của các phi công Hoa Kỳ làm choáng váng cả nước Nhật. Đô đốc Isoruku Yamamoto, Tổng tư lệnh Hạm đội liên hợp, đã tập trung thuyết phục bộ tổng tham mưu hải quân Nhật rằng kế hoạch tấn công các đảo Samoa và Fiji phải bị huỷ bỏ để tập trung vào đảo Midway ở trung tâm Thái Bình Dương.

Kế hoạch cho trận đánh được Yamamoto cùng bộ tham mưu của mình lập ra. Toàn bộ lực lượng của Hạm đội liên hợp sẽ được phái đến để giao chiến với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ quanh Midway. Việc tấn công và chiếm Midway chỉ là mục tiêu phụ, mục tiêu quan trọng nhất là tiêu diệt toàn bộ lực lượng hàng không mẫu hạm (HKMH) của hải quân Mỹ, khi chúng được phái đến để tăng viện cho Midway. Việc triệt tiêu lực lượng HKMH đồng nghĩa với việc loại bỏ Hải quân Hoa Kỳ khỏi cuộc chiến. Bởi vì sau khi hầu như toàn bộ các thiết giáp hạm của Mỹ bị tiêu diệt ở Trân Châu Cảng, tàu sân bay là chỗ dựa cuối cùng cho hải quân Hoa Kỳ.

Lực lượng của hạm đội liên hợp gồm 7 thiết giáp hạm, 10 HKMH, 24 tuần dương hạm, và hơn 70 khu trục hạm, được phân chia ra thành khoảng 6 hạm đội. Đô đốc Yamamoto sẽ chỉ huy Thành phần chính, gồm các thiết giáp hạm Yamato, Nagato, Mutsu, những thiết giáp hạm mạnh nhất của hải quân Nhật. Ngoài ra, còn có HKMH hạng nhẹ Hosho, với 8 máy bay chống tàu ngầm và nhiều khu trục hạm.

Hạm đội hàng không thứ nhất do phó đô đốc Nagumo Chuichi chỉ huy. Hạt nhân sức mạnh là 6 HKMH hạng nặng. 2 thiết giáp hạm, 2 tuần dương hạm hạng nặng và một hải đội khu trục hạm sẽ tạo thành vành đai bảo vệ lực lượng tàu sân bay. Đây sẽ là lực lượng chính thực hiện kế hoạch của Yamamoto. Kỳ hạm của Nagumo là HKMH hạng nặng Akagi.
Lực lượng đột kích Aleutians, do phó đô đốc Hosogaya chỉ huy. Lực lượng của nó gồm HKMH hạng nhẹ, Ryujo, và chiếc Junyo, một tàu chở khách được biến đổi thành tàu sân bay. 4 thiết giáp hạm, Ise, Hyuga, Fuso, Yamashiro cùng mội đội tuần dương hạm và thiết giáp hạm.

HKMH Akagi, kỳ hạm của Phó đô đốc Nagumo trong chiến dịch

Đô đốc Kondo Nobutake sẽ chỉ huy hạm đội 2, gồm các thiết giáp hạm Kongo, Haruna, HKMH hạng nhẹ Zuiho. Nhiệm vụ của ông ta là bảo vệ cho lực lượng đổ bộ dưới quyền chuẩn đô đốc Tanaka Raizo.

Đầu tiên, Hosogaya sẽ tấn công các cơ sở của hải quân Mỹ ở cảng Dutch, quần đảo Aleutian (tây nam bang Alaska) để nhử tàu sân bay Mỹ quay về bảo vệ Alaska. Tiếp theo là một đợt không kích từ những tàu sân bay của Nagumo vào Midway. Sau đó, Nagumo sẽ ở tại chỗ và đợi hải quân Mỹ đến. Lực lượng Nhật cũng sẽ chiếm một số đảo ở quần đảo Aleutian, và đảo Midway. Rồi Thành phần chính cùng với lực lượng hỗ trợ của Kondo sẽ đánh đắm bất cứ tàu chiến nào của Mỹ. Ngoài ra, Yamamoto hy vọng sẽ có thể giảm được quy mô của lực lượng Mỹ bằng cách thiết lập một vành đai tàu ngầm được triển khai phía tây bắc quần đảo Hawaii vào khoảng 1/6/1942.

Kế hoạch này được trình lên Bộ tổng tham mưu hải quân và được chấp nhận. Tuy vậy, lục quân muốn theo đuổi kế hoạch riêng của mình: chiến dịch MO.
Chiến dịch MO, chiếm đảo Tulagi và cảng Moresby trong vùng biển San hô, được sự hỗ trợ của 2 tàu sân bay hạng nặng Shokaku và Zuikaku. Đây là một sự phân chia nghiêm trọng lực lượng của Nagamo, 2 tàu sân bay này là 1/3 sức mạnh của Hạm đội hàng không số 1.

Đô đốc Isoroku Yamamoto, Tư lệnh Hạm đội liên hợp Nhật

Sở dĩ đô đốc Yamamoto cho phép những tàu sân bay này tham gia MO vì ông tin rằng hải quân Mỹ đã hoàn toàn bị đánh bại và không thể phát động những chiến dịch lớn nữa. Nhưng ông đã lầm, trong trận hải chiến trên vùng biển San hô (8/5/1942), cả 2 chiếc tàu sân bay trên, cùng tàu sân bay hạng nhẹ Shoho, đã bị loại khỏi vòng chiến.

Trò chơi mật mã

Joseph Rochefort là chỉ huy của Văn phòng tình báo tác chiến. Đứng đầu một đội gồm những chuyên gia về toán, truyền thông, và mã hoá. Rochefort đã phá được mật mã của hải quân Nhật từ trước khi cuộc chiến bắt đầu và có thể đọc được ít nhất 10% nội dung từ các bức điện của quân Nhật.
Trên lý thuyết, 10% là một con số nhỏ, nhưng với một người thông minh như Rochefort, chúng vẫn có thể có ích. Vào cuối tháng 4/1942, một số tín hiệu radio bị chặn lại và giải mã, nó cho thấy quân Nhật đang chuẩn bị cho một chiến dịch trong vùng biển San hô. Đô đốc Nimitz, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương đã dựa vào những thông tin đó để chuẩn bị kế hoạch đối phó.
Trong khi mà lực lượng Nhật và Mỹ vẫn còn đang giao chiến với nhau ở biển San hô, các nhân viên của Rochefort nhận thấy một sự tăng vọt các tín hiệu radio của phía Nhật. Họ khám phá ra rằng một chiến dịch mới đang hình thành, và sẽ bao gồm tất cả các đơn vị hạm đội mà người Nhật có thể có. Trong các thông điệp của phía Nhật, có nhắc đến địa danh ?oAF?, mặc dù không có chứng cứ cụ thể, nhưng Phòng tình báo cho rằng, AF ám chỉ Midway. Tuy vậy, những sĩ quan cấp cao tin rằng, nếu ở Thái Bình Dương có một nơi nào đó đáng để tập trung một lực lượng lớn đến vậy thì đó chỉ có thể là Midway.
Để chứng minh, Rochefort sử dụng một mẹo nhỏ. Ông yêu cầu Midway gửi đi một thông điệp, qua sóng vô tuyến không mã hoá, rằng máy lọc nước biển gặp trục trặc. Và ngay sau đó, các nhân viên của Rochefort bắt được một bức điện có nội dung "AF gặp vấn đề với máy khử muối của mình".

Đô đốc Chester Nimitz, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ


Những gì mà Phòng tình báo cung cấp cho Nimitz thật vô giá. Đầu tiên, ông biết rằng mục tiêu của Yamamoto là Midway. Thêm nữa, ông cũng biết về vành đai tàu ngầm mà Yamamoto sắp thiết lập, cho phép ông triển khai lực lượng một cách an toàn. Cuối cùng, ông có thể yên tâm tập trung tất cả lực lượng quanh Midway.

Những chuẩn bị cuối cùng

Sau khi chiếc tàu sân bay Lexington bị chìm ở biển San Hô, trong tay Nimitz chỉ còn 3 tàu sân bay là Enterprise, Hornet, và Yorktown. Tuy nhiên, vấn đề là phó đô đốc Halsey "Bò Hoang", người chỉ huy tàu sân bay cự phách và can trường của hạm đội, lại bị ốm. Trong bệnh viện, Nimitz đề nghị Halsey cử người thay thế. Halsey chọn chuẩn đô đốc Raymond A.Spruance, là người chỉ huy đội tuần dương hạm bảo vệ cho Halsey, để chỉ huy trận hải chiến quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Vài ngày sau, đô đốc Fletcher cùng tàu sân bay Yorktown về đến Trân Châu Cảng sau thắng lợi ở biển San Hô. Nhưng chiếc Yorktown bị hỏng khá nặng và phải cần đến 3 tuần để sửa chữa. Nimitz không thể đợi lâu như vậy, bằng mọi cách, Yorktown phải ra biển trước 30/5 để tránh vành đai tàu ngầm.
Với 1.300 người tham gia, việc sửa chữa Yorktown hoàn thành trong thời gian kỷ lục. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành. Nimitz cũng yêu cầu Bộ tư lệnh tàu ngầm Thái Bình Dương (COMSUBPAC) triển khai 2 vành đai tàu ngầm ở tây và bắc Hawaii để hỗ trợ sự rút lui của hạm đội trong trường hợp họ thất bại ở Midway. Ông còn cho chuyển hầu hết số máy bay hiện có tới Midway. 28/5, đô đốc Spruance trên chiếc kỳ hạm Enterprise khởi hành, rời khỏi Trân Châu Cảng.

Ngày 1/6, tàu sân bay Saratoga rời cảng San Diego, California, hối hả hướng về Midway, hy vọng kịp tham gia trận đánh, nhưng nó đã không đến kịp.

Khoảng 2:40, ngày 3/6/1942, quân Nhật tấn công cảng Dutch, nằm ở điểm cuối cùng của Alaska. Không có đơn vị lớn nào ở đây, và căn cứ bị hư hại nặng. Một máy bay Zero của Nhật bị hư hại trong cuộc không kích đã rơi xuống một hòn đảo nhỏ không xa cảng Dutch. Viên phi công thiệt mạng, nhưng máy bay thì chỉ bị hư hại nhẹ. Tàu ngầm Nhật không thể xác định vị trí máy bay rơi, nhưng người Mỹ thì có, và họ đã khám phá ra nhiều điều từ chiếc Zero này.
Cách đó hàng trăm cây số về phía nam, những phi công ở căn cứ Midway cũng bắt đầu thức dậy. Nhưng phi cơ trinh sát cất cánh đi làm nhiệm vụ. Vào khoảng 9h sáng, lực lượng đổ bộ của chuẩn đô đốc Tanaka Raizo bị phát hiện. Một số máy bay từ Midway cất cánh và tấn công đội tàu này, nhưng không gây nhiều thiệt hại.
Những tàu sân bay Mỹ tiếp tục giữ nguyên vị trí ở phía bắc Midway, chờ đợi kẻ thù xuất hiện. Đô đốc Fletcher đưa chiếc Yorktown lại gần Midway hơn. Trận chiến lớn đang tới gần.

Trận hải chiến quan trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại

Lúc 2:30 sáng ngày 4/6/1942, trên đảo Midway, các phi đội bay bắt đầu thức giấc. Chỉ 15 phút sau, những đồng nghiệp bên kia chiếc tuyến của họ cũng đã sẵn sàng. Những phi công và nhân viên không lực thuộc Hạm đội hàng không số 1 bắt đầu tập trung trên boong tàu, chuẩn bị cho đợt không kích Midway.

4:30, những máy bay đầu tiên cất cánh khỏi sàn tàu sân bay, 108 chiếc từ 4 tàu sân bay cỡ lớn: Akagi (kỳ hạm), Kaga, Soryo, và Hiryu. Trước đó nửa giờ, các máy bay trinh sát của Nhật cũng được phóng đi, nhưng số lượng rất ít.

Gần 6h, tín hiệu về các máy bay Nhật bắt đầu hiện lên trên màn hình radar. Midway phóng lên không trung tất cả các máy bay hiện có. Gồm 27 chiến đấu cơ do thiếu tá Floyd Parks chỉ huy, 6 máy bay phóng lôi, 4 máy bay ném bom hạng trung, 11 máy bay ném bom bổ nhào, 19 chiếc B-17, cùng 48 máy bay khác.

Phi đội của Thiếu tá Parks không thể ngăn chặn tốp ném bom của Nhật vì gặp những chiếc Zero đi hộ tống. 15 chiến đấu cơ Mỹ bị bắn hạ, và họ không thể bảo vệ Midway khỏi cuộc oanh tạc, nhiệm vụ đó giờ đây trông cậy vào các lực lượng phòng không mặt đất. Tổng số thiệt hại của phía Nhật trên vùng trời Midway là 15 chiếc, cùng khoảng 32 chiếc nữa bị hư hại. Phía Nhật đã ném bom phá huỷ nhiều cơ sở hạ tầng trên đảo, nhưng không thể ném bom bất cứ phi cơ nào vì người Mỹ đã kịp cho cất cánh toàn bộ.
Thậm chí ngay trước khi Midway bị tấn công, đô đốc Nagumo cũng đã gặp bất lợi khi vị trí của họ bị máy bay Mỹ phát hiện. Vào khoảng 5:53, thông tin này đã đến được với tàu Enterprise, Yorktown và Trân Châu Cảng.

Lúc 7h sáng, đợt tấn công của phía Mỹ vào các tàu sân bay Nhật bắt đầu. Tham gia lực lượng này chủ yếu là các máy bay cất cánh từ Midway và một số máy bay phóng lôi từ tàu sân bay Hornet. Họ bị những chiếc Zero của Nhật bao vây, bị hoả lực phòng không từ hạm đội Nhật bắn lên dữ dội. Nhiều chiếc bị bắn rơi và hạm đội của Nagumo hầu như vô sự.

Nagumo quan sát cuộc tấn công đầu tiên của quân Mỹ từ đài chỉ huy mà không mấy ấn tượng. Dù vậy, nó cũng khiến ông tin rằng cần phải ném bom Midway thêm một lần nữa. Nhưng cùng lúc đó, đô đốc Spruance, sau khi nhận được tin tức từ máy bay trinh sát, đã cho hạm đội của mình tiến về phía kẻ thù để giảm khoảng cách. Vào lúc khoảng 7h, khi mà các máy bay Nhật bắt đầu rời khỏi vùng trời Midway thì phía Mỹ tính toán nhanh rằng nếu họ phóng các máy bay của mình ngay bây giờ, họ có thể tấn công tàu sân bay Nhật khi mà những máy bay đang được lắp vũ khí trên boong, một tình thế rất hiểm nghèo cho phía Nhật. Vì vậy, cả Enterprise và Yorktown bắt đầu phóng đi các máy bay của mình, từ khoảng 7h đến 7:55. Chuẩn đô đốc Mitscher sẽ chỉ huy chiếc Hornet tác chiến độc lập.

Trong khi đó, Nagumo lại tiếp tục bị tấn công dồn dập. Mặc dù không bị hư hại gì, nhưng chúng càng khiến cho Nagumo tin chắc rằng, cần có thêm một cuộc không kích thứ hai nhằm vào Midway. Lúc 7:15, Nagumo ra lệnh vũ trang cho những máy bay của mình bằng bom thay vì ngư lôi. Lúc 7:30, máy bay trinh sát báo cho Nagumo biết rằng có khoảng 10 tàu chiến đang ở khu vực gần đó. Mặc dù khá lo lắng về sự hiện diện này, Nagumo vẫn tin rằng không lực từ đảo Midway vẫn là mối đe dọa lớn nhất, vì vậy, việc lắp bom vẫn được tiếp tục.

Sự yếu kém của trinh sát đã làm hại Nagumo khi mà phải mất 1 tiếng sau, họ mới xác định được những tàu chiến đó là tàu sân bay. Lúc đó là 8:20, Nagumo lo lắng thật sự, ông không còn nhiều thời gian. Vì vậy, lệnh mới được ban ra, người ta gỡ bom khỏi máy bay và thay thế nó bằng ngư lôi. Chính dưới áp lực thời gian và sự thay đổi liên tục như vậy, bom sau khi được gỡ ra đã không được chuyển vào khoang chứa mà vẫn để trên boong. Và đó là một sai lầm chết người của phía Nhật, những tàu sân bay của họ đang dần trở thành một thùng thuốc súng nổi.

9:17, Nagumo chuyển hướng sang những tàu sân bay Mỹ. Nhưng chỉ 1 phút sau, ông thấy mình đang đối mặt với một tốp máy bay phóng lôi của đối phương. Đó là những máy bay thuộc liên đội VT-8 từ chiếc Hornet, tuy vậy những máy bay cũ kĩ và nặng nề này không phải là đối thủ của các chiến đấu cơ Zero. Chỉ có 1 phi công trong đội máy bay đó sống sót, thiếu úy George Gay. (Ngày 31/8/1995, một phi đội máy bay đã rải một phần tro hài cốt của Gay xuống nơi mà các chiến hữu của ông đã hy sinh).

Ngay sau đó là VT-6 từ Enterprise. Họ đến ngay trước mặt tàu sân bay Nhật và chiếc Kaga được chọn là mục tiêu. Pháo phòng không trên tàu cùng những chiếc Zero kháng cự dữ dội. 10 chiếc máy bay phóng lôi Mỹ bị hạ, bao gồm cả chiếc của sĩ quan chỉ huy Lindsey. Chỉ hơn một phút sau, chiếc Akagi thấy một tốp máy bay nữa tới, liên đội VT-3 từ Yorktown, đơn vị duy nhất có chiến đấu cơ đi theo hộ tống. Một lần nữa, họ không thể chống chọi lại những chiếc Zero. Máy bay Mỹ cố tập trung tấn công chiếc Hiryu, nhưng không thành công. Chỉ có 2 chiếc máy bay phóng lôi có thể trở về tàu mẹ.

Trên boong chiếc HKMH USS Enterprise trong trận chiến Midway

Dù vậy, những cuộc tấn công vô vọng của những máy bay phóng ngư lôi cũng có tác dụng làm chậm quá trình chuẩn bị của người Nhật và làm xáo trộn đội hình chiến đấu cơ bảo vệ hạm đội. Mọi chuyện thay đổi vào khoảng 10:25, 3 liên đội máy bay ném bom bổ nhào SBD từ tàu Enterprise và Yorktown xuất hiện. Chúng do thiếu tá Cluskey chỉ huy. Khi bay đến vị trí mà hạm đội Nhật được báo cáo lần cuối, Cluskey không nhìn thấy gì cả. Trong lúc nhiên liệu đã gần cạn thì ông bỗng nhìn thấy vệt sóng dài từ một khu trục hạm Nhật, chiếc Arashii, đang có nhiệm vụ rải mìn chống tàu ngầm. Phi đoàn máy bay Mỹ quyết định bám theo chiếc Arashii, và chẳng mấy chốc, Hạm đội hàng không số 1 đã trong tầm mắt. Những biện pháp vận động để né tránh trong những đợt tấn công trước đã khiến đội hình hạm đội Nhật xáo trộn, và làm giảm sự hỗ trợ lẫn nhau giữa chúng. Cluskey chia đội của mình làm hai. VB-6 sẽ tấn công chiếc Akagi, còn VS-6 tấn công Kaga. Người Nhật không có ấn tượng mạnh về những chiếc máy bay ném bom này, những đợt tấn công thất bại của người Mỹ trước đó khiến họ chủ quan. Nhưng người Nhật quên rằng những con tàu khổng lồ của họ đang là những thùng thuốc nổ, với những quả bom nằm la liệt trên boong, những chiếc máy bay gắn đầy đạn dược và đang được tiếp xăng đậu đầy chật trên sàn tàu.

Phi đội trưởng Cluskey kéo mũi máy bay xuống, tạo một góc 70 độ, hướng thẳng vào chiếc Kaga. Mặc dù quả bom của ông không trúng mục tiêu, nhưng một đồng đội phía sau đã thả bom trúng ngay vào một chiếc máy bay đang đậu ở phần đuôi đường băng, khiến sàn tàu bốc cháy. Ngay sau đó, một quả bom khác xuyên qua thang nâng ở phía trước, phát nổ ngay giữa những chiếc máy bay đang được tiếp xăng và vũ trang trong khoang chứa máy bay. Sức nổ của nó làm vỡ tung những cửa sổ trên đài chỉ huy. Quả bom thứ ba kích nổ một chiếc xe bồn đậu ngay trước đài chỉ huy. Vụ nổ tiếp sau đó giết chết thuyền trưởng cùng các sĩ quan chỉ huy. Con tàu hoàn toàn mất điều khiển. Ngọn lửa bùng lên không thể kiểm soát nổi. Đến 17h, lệnh bỏ tàu được ban ra.

Chiếc kỳ hạm Akagi cũng trong tình cảnh tương tự. Quả bom đầu tiên đánh trúng thang nâng giữa, kích nổ số đạn dược chưa được cất. Quả thứ hai đánh vào những máy bay đang được vũ trang, kích nổ toàn bộ số đạn dược gắn trên chúng. Boong tàu Akagi chìm trong một loạt vụ nổ liên hoàn. Động cơ tàu ngừng hoạt động lúc 10:40. Đô đốc Nagumo rời chỉ huy sở đang bốc cháy của mình lúc 10:46, lệnh bỏ tàu được ban bố. Thuyền trưởng Aoki là người cuối cùng rời tàu, lúc 3h sáng ngày 5/6.

Chiếc Soryu bị trúng 3 quả bom, rải đều từ mũi tàu đến đuôi tàu, phá huỷ hầu như toàn bộ thang nâng, máy bay, bom đạn. Ngọn lửa dữ dội đến mức cánh cửa thép ở khoang chứa phải tan chảy. Con tàu ngừng hoạt động lúc 10:40. Thuyền trưởng Yanagimoto tự vẫn theo tàu. Khoảng 19:20, con tàu hoàn toàn biến mất dường lòng biển Thái Bình Dương.

Lúc này, phía Nhật chỉ còn duy nhất một tàu sân bay có thể hoạt động, là chiếc Hiryu. Vào khoảng 11h, Hiryu phái đi 18 chiếc máy bay ném bom, hộ tống bởi 6 chiến đấu cơ, để trả thù. Vào khoảng giữa trưa, những máy bay này tiến sát chiếc Yorktown, lúc này cũng đã phát hiện người Nhật qua radar (một kỹ thuật mới mà Nhật chưa có). Do đó, phi đội chiến đấu cơ của Mỹ kịp bay lên và chặn đánh, bắn rơi hầu hết máy bay ném bom Nhật. Nhưng vẫn có 7 chiếc thoát qua được. Và chiếc Yorktown bị trúng 3 quả bom, 5 lò hơi ngừng hoạt động, và vận tốc con tàu cũng giảm xuống mức chỉ khoảng 6 hải lý/h. Nhưng thủy thủ đoàn của Yorktown cũng đã kịp sửa chữa và phục hồi vận tốc con tàu ở mức 20 hải lý/h. Máy bay có thể hạ cánh, và tốp chiến đấu cơ thứ hai kịp xuất phát. Nhưng chiếc Hiryu cũng phái đi một đội thứ hai, gồm 10 máy bay phóng lôi và 6 chiến đấu cơ. Thuyền trưởng chiếc Yorktown, Buskmaster đã từng tránh thành công tất cả các ngư lôi trong trận chiến biển San Hô, nhưng lần này, chiếc Yorktown bị trúng 2 quả ngư lôi. Con tàu càng ngày càng bị nghiêng, buộc Buckmaster phải ra lệnh bỏ tàu, vào khoảng 15h.

Nhưng người Mỹ mới là những người có tiếng nói cuối cùng trong ngày này. Từ trên chiếc Enterprise, 24 máy bay ném bom, nhiều chiếc được chuyển từ Yorktown sang, cất cánh tấn công chiếc Hiryu. Lúc 14:50, Hiryu bị máy bay trinh sát phát hiện. 13 máy bay ném bom tấn công Hiryu khi những phi công của nó đang ăn, 11 chiếc khác tấn công những thiết giáp hạm hộ tống. Hiryu bị trúng liên tiếp 4 quả bom. Boong tàu hoàn toàn bị phá huỷ, khoang chứa máy bay chìm trong biển lửa. Nhưng phần dưới con tàu vẫn chưa bị ảnh hưởng, và nó vẫn có thể lao đi với vận tốc 30 hải lý/h. Tuy vậy, ngọn lửa cũng nhanh chóng lan xuống dưới, khiến động cơ ngừng hoạt động. Thủy thủ đoàn rời tàu vào khoảng 3:15 sáng hôm sau, 5/6.

Trong khi cả 4 chiếc tàu sân bay của Nhật hoàn toàn bị đánh chìm, thì chiếc Yorktown dường như vẫn còn có thể được cứu. Đô đốc Fletcher phái một đội tàu cứu hộ đến kéo Yorktown về Trân Châu Cảng, thuyền trưởng Buckmaster cùng một thủy thủ nhỏ cũng đã quay trở lại tàu. Nhưng một chiếc tàu ngầm Nhật, chiếc I-168 đã lọt qua được vành đai bảo vệ gồm 4 khu trục hạm để đánh đắm chiếc Yorktown cùng một tàu hộ tống, chiếc Hammann vào chiều ngày 6/5.

Đô đốc Yamamoto, trong một nỗ lực cuối cùng để tìm kiếm một điều gì đó, đã ra lệnh pháo kích Midway. Nhiệm vụ này được giao cho đô đốc Kurita, chỉ huy hải đội tuần dương hạm mới nhất và nhanh nhất của Nhật Bản. Nhưng vào lúc 0h sáng ngày 5/6, Yamamoto rút lại lệnh của mình. Khi đang trên đường quay về, Kurita phát hiện một tàu ngầm Mỹ, ông ra lệnh tất cả các tàu rẽ ngoặt một góc 45 độ để tránh. Trong quá trình vận động, 2 tuần dương hạm hạng nặng Mogami và Mikuma va chạm với nhau, khiến chúng không thể đi nhanh được.

Sang ngày 6/6, máy bay từ Enterprise và Hornet phát hiện ra 2 chiếc này và tấn công dồn dập. Chiếc Mikuma bị đánh chìm, còn Mogami bị hỏng nặng.

Gió đã xoay chiều

Trận chiến Midway đã kết thúc, thiệt hại cho phía Nhật hết sức nặng nề. 4 tàu sân bay hạng nặng, 1 tuần dương hạm, 272 máy bay, 100 phi công, 3.400 thủy thủ, 3 thuyền trưởng hàng không mẫu hạm đầy kinh nghiệm cùng một đô đốc, bí mật của loại máy bay Zero. Tổn thất của phía Mỹ gồm 1 tàu sân bay và 1 khu trục hạm cùng khoảng 150 máy bay. Giờ đây cán cân lực lượng lại chuyển sang phía người Mỹ, ngay sau trận chiến, Nhật chỉ còn 2 tàu sân bay hạng nặng, còn của Mỹ là 4. Số phi công Nhật thiệt mạng tương đương với số mà nước Nhật có thể đào tạo trong 1 năm. Việc khám phá ra bí mật của chiếc Zero cho phép người Mỹ chế tạo thành công chiếc F6F Hellcat, mà chỉ 1 năm sau đã bắt đầu chấm dứt sự thống trị trên không của người Nhật. Quan trọng hơn, trận chiến Midway đã làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, quyền chủ động tấn công giờ đây đã thuộc về người Mỹ.


TRẬN CHIẾN TRÊN QUẦN ĐẢO FALKLAND (1982)

Bối cảnh

Ngày 19/3/1982, một tàu chiến Argentina thả 60 công nhân của họ lên hòn đảo nhỏ hầu như không có người ở, có tên gọi South Georgia, cách bờ biển Argentina 1.200 dặm, và là một phần của quần đảo Falkland.

Các công nhân này nhanh chóng tháo dỡ một trại săn cá voi bỏ hoang để tận dụng sắt thép, rồi họ dựng lên ngọn cờ trắng-xanh lơ của Argentina. Chỉ một hành động đơn giản đó thôi nhưng đã châm ngòi cho cuộc chiến giữa Liên hiệp Anh và Argentina, cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người. Thiệt hại mỗi bên lên tới hàng tỷ dollar, và cho cả thế giới thấy mối hiểm họa về một cuộc chiến quy ước ở thời đại kỹ thuật cao hiện nay. Sau “cuộc đụng đầu đẫm máu” này, các nhà lãnh đạo quân sự đã bắt đầu viết lại những cuốn sách giáo khoa về chiến tranh, trong khi những chuyên gia tranh cãi về ưu nhược điểm của từng vũ khí, cũng như chiến thuật dụng binh tại Falkland.

Vị thế địa lý và lịch sử tranh chấp

Quần đảo Falkland bao gồm khoảng 200 hòn đảo ở Nam Đại Tây Dương, nơi tận cùng của lục địa Nam Mỹ, một nơi khét tiếng vì cái lạnh khủng khiếp, biển động dữ dội, và đất đai cằn cỗi. Đảo Đông và Tây Falkland, những hòn đảo lớn nhất, cách bờ biển khoảng 300 dặm.

Dân cư của đảo gồm khoảng 2.000 người, hơn 600.000 con cừu, và 10 triệu con chim cánh cụt. Nuôi cừu là ngành kinh tế chính. Người dân ở đây chủ yếu là gốc Anh.
Anh và Argentina đã tranh chấp nhau vùng đảo này từ gần 150 năm qua. Quần đảo được phát hiện năm 1592 bởi nhà hàng hải Anh John Davids. Người Anh, Pháp,Tây Ban nha đã định cư ở đó qua nhiều thế hệ. Argentina tuyên bố chủ quyền sau khi giành được độc lập từ TBN đầu thế kỷ XIX. Năm 1832, quân Anh đổ bộ lên đảo và tuyên bố chủ quyền đối với nó. Từ đó, Argentina liên tục đòi hỏi chủ quyền của họ ở đó, và người Anh cũng dần đồng thuận. Những cuộc đàm phán để chuyển giao đảo cho Argentina bắt đầu từ những năm 60, nhưng đã bị đóng băng do người dân Falkland mong muốn được tiếp tục là công dân Anh.

Sau sự kiện các công nhân Argentina đổ bộ lên đảo, nhà đương cục Anh ở đây thông báo rằng những hành động như vậy là phi pháp, và yêu cầu những người này rời đảo, hoặc xin phép chính thức nếu muốn ở lại. Mặc dù một số công nhân rời đi, phần lớn vẫn ở lại. Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đưa ra một sự phản đối ngoại giao mạnh mẽ, tàu phá băng Endurance, đang ở Nam Đại Tây Dương, đã tiến sát South Georgia như một sự thị uy.

Sơ đồ hành quân tái chiếm Falkland của quân Anh

Đến cuối tháng 3/1982, trên các phương tiện truyền thông tràn ngập thông tin về những căng thẳng ngày càng dâng cao giữa Argentina và Anh. Tàu thuyền của Argentina được thông báo là đang tiến về Falkland, và giới chức trên đảo lo rằng một cuộc xâm lăng sắp xảy ra. Những quan sát viên quân sự khắp nơi trên thế giới theo dõi sát sao tình hình. Nó hứa hẹn sẽ là một cuốn sách giáo khoa về chiến tranh giữa các lực lượng quân sự khá cân bằng, sử dụng vũ khí hiện đại, và là cuộc giao tranh trên biển-trên không có quy mô lớn đầu tiên kể từ sau Đệ nhị thế chiến. Mặc dù nước Anh có quân đội lớn hơn khá nhiều và vũ khí cũng có vẻ hiện đại hơn, nhưng Argentina lại có một lợi thế rõ rệt về địa lợi, chiến trường nằm ngay sân nhà của họ, trong khi cách London 8000 dặm. So sánh về trang bị, hạm đội Anh có 2 tàu sân bay: Invincible và Hermes, Argentina có 1 chiếc Veinticinco de Mayo. Anh có phản lực cơ Harrier trên tàu sân bay, Argentina có A-4 (Mỹ) và Mirage (Pháp). Anh có máy bay ném bom Vulcan, Argentina có Canberra. Cả 2 gần như tương đương nhau về trực thăng, khu trục hạm, tuần dương hạm, khinh hạm...

Tại Lầu Năm Góc, Lực lượng phản ứng nhanh (RDF) đặc biệt quan tấm đến diễn tiến cuộc chiến, vì khoảng cách địa lý từ Anh đến Falkland cũng tương tự từ Mỹ đến Vùng Vịnh, một nhiệm vụ mà RDF sẽ phải gánh vác.

Cuộc xâm lăng của Argentina

Ngày 2/4/1982, một đơn vị khoảng 1.000 lính Argentina bất thần tràn từ bờ biển vào gần thủ phủ Stanley của đảo và tấn công một trại lính, nơi có khoảng 70 đến 80 lính thủy quân lục chiến Hoàng gia. Theo phía Anh, sau một cuộc chạm súng dữ dội, thủy quân lục chiến đã tiệu diệt 5 lính Argentina , làm bị thương 17, phá huỷ một xe bọc thép, còn phía Argentina thông báo 1 chết, 2 bị thương. Các thủy quân lục chiến bị bắt sau 3 giờ rưỡi đấu súng, không có thương vong nào. Trong ngày đầu tiên đó, Argentina đã đổ 4.000 lính lên đảo.

Ngày 3/4/1982, biệt kích Argentina đột nhập South Georgia, nơi họ đụng độ với một nhóm nhỏ lính thủy đánh bộ Anh, được gởi đến để đuổi những công nhân xây dựng Argentina còn ở lại. Trong cuộc chiến ở cảng Grytviken, phía Anh thông báo đã tiêu diệt 2 trực thăng và giết từ 10 đến 15 lính Argentina. Bên Argentina thông báo có 3 thương vong. Một lần nữa, lính Anh bị bắt mà không có thương vong nào.

Xuyên suốt cuộc chiến Falkland, thế giới biết về cuộc chiến chỉ thông qua những tuyên bố của Anh và Argentina. Không như những cuộc chiến khác, không có một phóng viên chiến trường nào của một nước không tham chiến có mặt tại Falkland. Sau cuộc chiến, một số phóng viên Anh, những người được phép đi cùng với binh sĩ, đã tiết lộ những chi tiết mà đã được bảo mật trong thời gian chiến sự, họ thậm chí phỏng vấn cả những người lính Argentina trở về từ chiến tranh.

Trả đũa

Ngày 5/4/1982, tiền quân của hạm đội liên hợp Anh, bao gồm 2 tàu sân bay Invincible và Hermes, bắt đầu hướng tới Falkland, chở theo từ 5.000 đến 6.000 binh lính. Quân Anh sử dụng đảo Ascension, ở khoảng giữa từ Anh tới Falkland, như một điểm tập kết.

Ngày 7/4/1982, phía Anh tuyên bố kể từ ngày 12/4/1982, chiến hạm của nước này sẽ phong tỏa một vùng biển có bán kính 200 dặm kể từ đảo Falkland. Hải quân Hoàng gia cảnh báo rằng những tàu ngầm hạt nhân của họ sẽ đánh đắm bất cứ con tàu nào của Argentina tìm cách xâm nhập vùng cấm. Argentina ngay lập tức phản ứng bằng cách rút toàn bộ hạm đội của mình về những cảng trong đất liền. Những con tàu của họ không bao giờ dám thật sự thách thức vòng phong toả đó.

Những nhà phân tích sau đó đã kết luận rằng chính khoảng thời gian trong tháng tư là bước ngoặt trong quá trình chuẩn bị chiến tranh, khi mà những tư lệnh của Argentina phạm những sai lầm tai hại. Trong khi hạm đội Anh đang trên đường Nam tiến, các đơn vị Argentina đã không nỗ lực mở rộng đường băng cho những sân bay thô sơ ở Stanley và Goose Green để có thể tiếp nhận những máy bay lớn như Skyhawk của Mỹ và Mirage, Super Etendard của Pháp. Binh lính sau này than phiền là những chỉ huy của họ không biết gì về kỹ thuật xây dựng.

Thiếu những đường băng tương xứng, Argentina đã không bao giờ có thể thực hiện được những phi vụ không kích quy mô nhắm vào hạm đội Anh từ Falkland. Thay vào đó, máy bay của họ phải bay từ những sân bay ở đất liền rồi quay về trong một quãng đường hơn 600 dặm. Do đó, phía Anh chỉ cần giữ hạm đội của mình ngoài tầm hoạt động của A-4 hay Mirage, rồi từ đó họ phóng ra hết đợt này đến đợt khác những cuộc oanh tạc nhắm vào đảo. Sau này, khi giao tranh xảy ra trên đất liền, lính Argentina cũng nhận được rất ít yểm trợ từ trên không, do những phi công của họ, bay từ đất liền ra, có rất ít thời gian bay phía trên đảo, trước khi phải quay về vì hết nhiên liệu.

Giữa tháng 4/1982, cả 2 bên đều hung hăng điều động lực lượng, khí tài đến khu vực chiến sự. Tàu sân bay Veinticinco de Mayo rời quân cảng Puerto Belgrano tiến về Falkland, cùng với 3 tàu ngầm, 1 tuần dương hạm, 2 khu trục hạm và một số tàu khác. Tàu của Argentina chủ yếu ở ngoài khu vực phong toả của người Anh. Ngày 22/4/1982, con tàu đầu tiên của hạm đội Anh tiến vào khu vực chiến sự. Sáng đó, một đơn vị lính Anh bí mật đổ bộ lên South Georgia để trinh sát, 2 trực thăng của Anh bị rơi vì một trận bão tuyết trong chiến dịch đó, tất cả nhân viên phi hành đoàn được cứu, và tai nạn đã không được thông báo mãi đến 3 tuần rưỡi sau.

Người Anh tấn công

Ngày 25/4/1982, các trực thăng vũ trang và những đơn vị chiến đấu của Anh tấn công quân Argentina ở South Georgia. Tại cảng Grytviken, trực thăng Anh công kích tàu ngầm Santa Fe, lúc đó đang thả lính tăng viện trong vịnh. Một phi công Anh đã đánh đắm con tàu ngầm bằng 3 hỏa tiển chống hạm. Trên cạn, sau một cuộc đọ súng ngắn, quân Anh bắt giữ 194 tù binh Argentina, bao gồm 38 công nhân xây dựng trước đó, và người Anh giành lại quyền kiểm soát South Georgia.

Chiến đấu cơ Harrier của Anh

Trận chiến đầu tiên trên 2 đảo chính Đông và Tây Falkland diễn ra ngày 1/5/1982, khi những chiến đấu cơ Harrier và oanh tạc cơ Vulcan (được tiếp dầu trên không trong hành trình từ đảo Ascension, kỷ lục mới trong một chuyến ném bom) của Anh oanh tạc dữ dội sân bay tại Stanley và Goose Green.

Trận không chiến đầu tiên cũng diễn ra ngày 1/5/1982, khi một phi đội Mirage và oanh tạc cơ Canberra của Argentina tấn công và làm hư hại nhẹ 2 tàu chiến Anh. Một phi công Anh lái phi cơ Harrier được gửi đến để giao chiến với Mirage sau này kể lại anh ta đã phóng một tên lửa không-đối-không Sidewinder (của Mỹ) vào một máy bay Argentina như thế nào “Sau khoảng 3 đến 4 giây, tên lửa trúng mục tiêu. Có một tiếng nổ khủng khiếp, và tôi cảm thấy khó chịu trong người”. Trong suốt cuộc chiến, phía Argentina chịu thiệt hại rất lớn về số máy bay vì sự vượt trội về hỏa lực phòng không, cả hỏa tiễn không-đối-không và đất-đối-không, trong kho vũ khí của Anh.

Sự kiện đẫm máu nhất cuộc chiến diễn ra ngày 2/5/1982, khi chiếc tàu ngầm Conqueror của Anh phóng 2 quả ngư lôi điều khiển bằng dây vào thân tuần dương hạm General Belgrano. Trong khoảng 1.000 người đang ở trên tàu, hơn 320 người chết trong nước biển lạnh cóng, số còn lại được những tàu gần đó cứu vớt.

Sự kiện này làm Argentina choáng váng, nhưng chỉ 2 ngày sau, người Anh cũng phải nếm trải sự khủng khiếp của chiến tranh. Ngày 4/5/1982, một phi công Argentina bay trên chiếc máy bay lỗi thời Super Étendard, phóng một tên lửa điều khiển bằng radar Exocet (do Pháp chế tạo) từ khoảng cách 20 dặm, trúng và làm hư hại rất nặng khu trục hạm Sheffield của hải quân Anh. 20 người chết, 24 người khác bị phỏng nặng. Theo một số báo cáo sau này, tàu Sheffield bị tổn thất nặng là do tên lửa đã bắt cháy vào phần cấu trúc bên trên bằng nhôm của tàu. Sự việc này sau đó đã dẫn đến những tranh cãi dữ dội giữa các chuyên gia quân sự về việc sử dụng nhôm thay cho thép ở một phần cấu trúc trong những con tàu chiến hiện đại có khiến nó dễ tổn thương hơn không? Chính phủ Anh sau đó tuyên bố Sheffield được chế tạo từ nhôm và thép, nhưng không chứa nhiều nhôm như báo chí ban đầu đã nói.

Chiến đấu cơ Super Étendard của hải quân Argentina

Cùng ngày, không quân Anh tiếp tục oanh tạc sân bay ở Stanley. Một máy bay Harrier bị bắn rơi, phi công bị thiệt mạng. Cùng lúc, một số tàu chiến Anh tiến gần Falkland và pháo kích bờ biển gần Stanley với pháo 4,5 inch. Trong vài tuần kế tiếp , lực lượng Anh và Argentina còn nhiều lần giao chiến trên không và trên biển, và quân Anh tấn công một kho quân sự nhỏ tại Pebble Island, phá hủy 11 máy bay, loại có khả năng hạ cánh trên đường băng ngắn và đầy cỏ trên đảo. Cả 2 bên đều chịu những tổn thất nhất định.

Cuộc chiến lớn trên bộ bắt đầu vào ngày 21/5/1982, khi 1.000 thủy quân lục chiến Hoàng gia đổ bộ lên đảo Đông Falkland. Với lực lượng tăng viện, họ dựng nên công sự trên bờ biển đầu tiên của quân Anh, gần khu dân cư nhỏ xíu tên là Port San Carlos, trên bờ biển phía tây của đảo. 5 tàu của Anh bị hư hại nặng trong cuộc đổ bộ, bao gồm khinh hạm Ardent, sau đó bị chìm, làm 22 người chết.

Từ 21 đến 25/5/1982, Argentina và Anh giao tranh dữ dội trên không và trên bộ. Tổng cộng, phía Anh mất 5 trong số 40 phi cơ Harrier, cả 5 phi công đều thiệt mạng. Phía Argentina mất hơn 2 tá A-4 Skyhawk và Mirage vì tên lửa Sidewinder, Rapier, Blowpipe phóng từ máy bay, tàu chiến và mặt đất. Khinh hạm Antelope của Anh bốc cháy và bị bỏ lại ngày 23/5.

Trận không-hải chiến chính diễn ra ngày 25/5/1982, nay là ngày lễ của Argentina. Phi công Argentina thực hiện các phi vụ mà sau này được so sánh với những cuộc tấn công cảm tử của phi đội Thần phong Kamikaze (Nhật Bản), đánh chìm khu trục hạm Coventry, và tàu vận tải Atlantic Conveyor làm 24 thủy thủ Anh thiệt mạng.

Cuộc chiến trên bộ

Đến cuối tháng 5, chiến sự chủ yếu diễn ra trên bộ. Quân Anh rời khỏi công sự tại Port San Carlos và chiếm lại Darwin, Goose Green. Cùng lúc, một số lớn quân tăng viện tới ngoài khơi quần đảo, bao gồm 3.000 lính đến tới Falkland trên chiếc du thuyền sang trọng Queen Elizabeth 2 (QE2), vừa được chính phủ Anh trưng dụng vào đầu tháng 5. Trên tàu QE2 là Lữ đoàn bộ binh số 5, bao gồm những đon vị kỳ cựu: Vệ binh Scotland, Vệ binh xứ Wales, và đơn vị Gurkha.

Suốt những ngày đầu tháng 6, quân Anh chuyển đại pháo, súng cối, và những thiết bị khác lên vùng đất cao gần Stanley, và tàu chiến tiếp tục rót hải pháo vào các vị trí của Argentina. Những đơn vị biệt kích tinh nhuệ của Anh di chuyển băng ngang hòn đảo từ Darwin, Goose Green tới chiếm lĩnh những vị trí gần Stanley. Họ đi xuyên qua bão tuyết, địa hình lởm chởm, và sự tiếp tế không đầy đủ.

Ngày 8/6/1982, với chiến thắng trong tầm tay, người Anh lại hứng chịu cuộc phản công từ phía Argentina, do tính khinh thường đối thủ của quân Anh. Từng đợt, từng đợt máy bay Skyhawk, Mirage tấn công những vị trí mới được thiết lập của Gurkha và Vệ binh ở Bluff Cove và Fitzroy, 15 dặm về phía tây nam của Stanley. Trong đợt không kích, một tàu chở lính, chiếc Sir Galahad, đang vận chuyển binh lính từ cảng San Carlos, bị hỏng nặng, 50 người chết, 57 bị thương. Một chiếc khác, chiếc Sir Tristam, cũng bị hư hại. Phía Anh nói họ đã bắn rơi 11 máy bay Argentina.

Bắt đầu bằng một cuộc tấn công bất ngờ đêm 11, rạng sáng 12/6/1982, những đơn vị Gurkha và Vệ binh dày dặn trận mạc tiến về Stanley. Ngày 14/6/1982, lính Anh bắt đầu tiến vào thủ phủ Stanley, Chuẩn tướng Mario Benjamin Menendez đầu hàng Thiếu tướng Jeremy Moore, tư lệnh lực lượng trên bộ của Anh. Điện báo chiến thắng của Moore viết “Quần đảo Falkland một lần nữa trở về với chính phủ mà được cư dân của nó ủng hộ. Cầu chúa phù hộ nữ Hoàng”.

Sau này, những nhà phân tích cho rằng nước Anh nợ chiến thắng của họ đối với những đơn vị tinh nhuệ Gurkha, Vệ binh Scotland, Vệ binh xứ Wales, khi họ đã mở một cuộc tấn công rất ác liệt vào một vị trí pháo binh của Argentina đang chế ngự Stanley. Các cuộc phỏng vấn lính Argentina sau đó đã xác định, chìa khoá cho chiến thắng của người Anh là nhờ những đơn vị kinh nghiệm của nước này đụng với một đội quân khố rách áo ôm gồm toàn tân binh trẻ, được huấn luyện kém của Argentina. Binh lính Argentina sau này cay đắng kể cho phóng viên rằng, họ đã phải chui rúc dưới chiến hào trong thời tiết băng giá như thế nào khi không có ủng cao su, và cố gắng một cách vô ích để nhóm lửa với dầu hỏa đã bị pha lẫn nước bởi những tên đầu cơ chiến tranh ở Argentina. Quần áo ấm, thực phẩm, đạn dược cũng thiếu thốn. Sau chiến tranh, các nhà báo nói rằng, binh lính Anh tìm thấy một nhà kho tại Stanley chứa đầy ủng cao su, dầu hoả, và đạn dược.

Tổn thất

Trong suốt cuộc chiến, 2 bên đưa ra rất nhiều báo cáo khác nhau về tổn thất, và có thể sẽ chẳng ai có thể khẳng định con số chính xác. Nhưng theo ước đoán gần nhất thì số thiệt hại nhân mạng về phía Anh là 260, và phía Argentina là 800.
Phía Anh công bố đã tiêu diệt 74 máy bay Argentina. Anh mất 5 tàu chiến: khu trục hạm Coventry và Sheffield, khinh hạm Ardent và Antelope, tàu vận tải Atlantic Conveyor. Một số khác bị hư hỏng khá nghiêm trọng. Argentina mất 5 tàu : tuần dương hạm Tướng Belgrano, tàu tiếp tế Isla de los Estados, tàu ngầm Santa Fe, một tàu tuần tiễu không tên, và một tàu đánh cá Narwal ( bị nghi là đang do thám).

Nhận định

Khi tìm kiếm những bài học từ chiến tranh, cuộc tranh luận sôi nổi nhất là chủ đề: Các cuộc giao chiến trên biển chỉ ra rằng, tốt hơn là nên có nhiều tàu nhỏ, chứ không phải có một vài con tàu lớn. Một số chuyên gia biện luận rằng nếu một tên lửa Exocet trị giá 200.000$ có thể phá hủy một khu trục hạm 50.000.000$ như chiếc Coventry, thì loại vũ khí tương tự có thể phá hủy một tuần dương hạm trang bị hệ thống Aegis trị giá 1 tỷ dollar của hải quân Mỹ, một chiếc tàu cũng có nhiều cấu trúc làm bằng nhôm (trên thực tế, hiện nay các tàu của Hải quân Mỹ đều không còn sử dụng nhôm). Họ cho rằng tốt hơn là nên chế tạo số lượng nhiều các tàu chiến rẻ hơn, thay vì những chiếc đắt tiền kiểu Aegis hay tàu sân bay lớn.
Vài người khác lại phản bác rằng, những tổn thất của Hải quân Anh đã không xảy ra nếu họ có một loại tàu sân bay lớn (như lớp Nimitz của Mỹ) để bảo vệ hạm đội bằng chiến đấu cơ F-14 Tomcat, máy bay cảnh báo sớm và radar. Nhớ đó, có thể phát hiện và phá hủy phi cơ đối phương rất lâu trước khi nó kịp khai hỏa.

Tuy vậy, bài học chung nhất có thể rút ra từ cuộc chiến Falkland cho thấy lòng dũng cảm và sự yếu đuối của con người vẫn là chìa khoá quyết định thành công hay thất bại, kể cả trong thời đại kỹ thuật cao.



TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA (1974)

Mặc dù quy mô không lớn như các trận chiến kể trên, sự kiện Hoàng Sa năm 1974 vẫn là dấu mốc lịch sử, góp phần phản ảnh một góc nhỏ của Chiến Tranh Lạnh (Cold War) ở vùng Đông Á. Ngoài ra, đây cũng là minh chứng cho sự bại vong của học thuyết Cộng sản, khi lợi ích quốc gia dân tộc bị giày xéo dưới gót giày của liên minh giai cấp.

Có thể nói Việt Nam (XHCN) là quốc gia duy nhất mà chính quyền độc tài đã bưng bít sự thật về một quần đảo bị ngoại xâm chiếm đóng. Trong suốt 33 năm đằng đẵng, từ báo chí truyền thông cho đến giáo trình lịch sử, không hề đá động gì đến sự mất mát của quần đảo Hoàng Sa. Mãi cho đến năm 2007, sự việc mới thực sự được bạch hóa, khởi đầu bởi các cuộc biểu tình ở 2 thành phố lớn Hà nội và Sài gòn, để phản đối Trung Quốc thành lập Tam Sa. Việc phá vỡ bức màn bưng bít thông tin này có sự đóng góp rất quan trọng của truyền thông hiện đại, đặc biệt là hệ thống mạng toàn cầu Internet.

Bối cảnh

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo. Nhóm đảo mà Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ và thực hiện được chủ quyền là nhóm Nguyệt Thiềm hay Trăng Khuyết, Lưỡi Liềm (Crescent Group); nhóm còn lại là nhóm An Vĩnh hay nhóm Bắc đảo (Amphitrite Group) (bấy giờ quen gọi là "Tuyên Đức"-tên Trung Quốc của nhóm An Vĩnh). Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa đã có đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa do Pháp xây, trực thuộc ty khí tượng Đà Nẵng và được bảo vệ bởi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến.

Năm 1956, Hải quân Trung Quốc chiếm đóng đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc nhóm An Vĩnh.

Năm 1958, Trung Quốc cho công bố bản Tuyên ngôn Lãnh hải 4 điểm về việc mở rộng vùng lãnh hải lên 12 hải lí, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo và phạm vi 12 lãnh hải biển tương ứng với các đảo này, bao gồm Nam Sa (tức Trường Sa), Đài Loan, Tây Sa (tức Hoàng Sa), Trung Sa (tức bãi Macclesfield), quần đảo Bành Hồ (Pescadores).

Vào giai đoạn này, Trung Quốc vẫn là đồng minh hậu thuẫn cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành cuộc Chiến tranh Việt Nam chống lại Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ.

Ngày 22 tháng 9 năm 1958, báo Nhân Dân đăng công hàm của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc, ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ Trung Quốc quyết định về hải phận 12 hải lí của Trung Quốc.

Năm 1961, chính phủ Việt Nam Cộng hòa ban hành sắc lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam của Việt Nam Cộng hòa.

Trong thời gian 1964-1970, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng hòa chạm súng liên tục trên hải phận Hoàng Sa, nhưng không đưa đến thương vong. Trong thời điểm đó, Việt Nam Cộng hòa cũng thiết lập một sân bay nhỏ tại đảo Hoàng Sa.

Năm 1971, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng hòa tiếp tục chạm súng trên hải phận Hoàng Sa. Những năm cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam, vì nhu cầu chiến trường, tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa được đưa vào đất liền, chỉ còn một trung đội địa phương quân trấn giữ nhóm Nguyệt Thiềm.

Năm 1973, với Hiệp định Paris, Hoa Kỳ và Hạm đội 7 rút quân và thiết bị của họ ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa. Như vậy Hoa Kỳ đã xem việc bảo vệ quần đảo này là việc riêng của Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 11/1/1974 Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc và tố cáo Việt Nam Cộng hòa chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, Việt Nam Cộng hòa ra tuyên bố khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam và bác bỏ những cáo buộc của Trung Quốc.

Sơ đồ tác chiến

Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa quyết định thiết lập một phi trường trên đảo Hoàng Sa có khả năng chuyên chở vận tải cơ hạng nặng C-7 Caribou để chuyển quân nhanh ra nhóm Nguyệt Thiềm. Ngày 16 tháng 1 năm 1974, khi một phái đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa trong việc chuẩn bị thiết lập phi trường nói trên thì khám phá ra sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc, và giao tranh xảy ra sau đó.

Tương quan lực lượng

Phía Việt Nam Cộng hòa có 4 chiến hạm:
- Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16),
- Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10),
- Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5),
- Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4),
Ngoài ra, còn có 1 đại đội hải kích thuộc Hải quân Việt Nam Cộng hòa, một toán biệt hải và 1 trung đội địa phương quân đang trú phòng tại đảo Hoàng Sa.

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16)

Phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có 4 chiếm hạm trực tiếp tham gia trận chiến:
- Liệp tiềm đĩnh (tàu chống ngầm) số 274,
- Liệp tiềm đĩnh số 271,
- Tảo lôi hạm số 389,
- Tảo lôi hạm số 396,
- 2 ngư thuyền ngụy trang số 402 và số 407.
Ngoài ra, phía Trung Quốc còn có lực lượng thuộc Trung đoàn 10 Hải quân lục chiến, trinh sát (không rõ số lượng). Sau khi trận chiến đã kết thúc, thì Liệp tiềm đĩnh số 282, Liệp tiềm đĩnh số 281 mới đến tăng viện.

Về vũ khí trên các tàu, 2 chiếc Tuần Dương hạm của Việt Nam Cộng hòa trang bị 1 khẩu pháo 127mm (5 inch) đặt tại sân trước, đằng sau của khẩu đại pháo là giàn pháo 40mm 2 nòng nằm một tầng cao hơn ngay dưới đài chỉ huy. Hai bên hông đài chỉ huy là các khẩu đại bác 20mm đôi (2 nòng). Tại sân sau có các khẩu đại bác 40mm đơn, một bên tả hạm, một bên hữu hạm. Vũ khí chính của HQ-10 là khẩu pháo 76,2mm đặt tại sân trước, 2 đại bác 40mm đơn tại sân giữa và 4 đại bác 20mm đặt hai bên hông đài chỉ huy và sân sau. Còn tàu khu trục HQ-4 được trang bị radar phòng không (DER - Destroyer Escort Radar) và hai giàn đại pháo 76.2mm có radar điều khiển (radar control) với khả năng tự dò tìm góc độ và tầm xa để "khóa chặt" (lock on) mục tiêu. Trong khi đó, tàu chống ngầm lớp Krondstadt (Kronshtadt class submarine chaser) của Trung Quốc trang bị 1 pháo 85mm và 2 pháo 37mm điều khiển bằng tay.

Diễn tiến

Ngày 16 tháng 1 năm 1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) sau khi đưa một phái đoàn công binh Quân đoàn I Quân lực Việt Nam Cộng hòa do Thiếu tá Hồng dẫn đầu (trong đó có một người Mỹ tên Kosh thuộc Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ tại Ðà Nẵng) thăm dò một số đảo Hoàng Sa để thiết lập một phi đạo ngắn đã phát hiện hai ngư thuyền ngụy trang số 402 và số 407 của Hải quân Trung Quốc gần đảo Hữu Nhật (còn được gọi không chính xác là "đảo Cam Tuyền"), đồng thời phát hiện quân Trung Quốc chiếm đóng đảo Quang Hòa và cắm cờ Trung Quốc tại các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh (còn được gọi không chính xác là "đảo Vĩnh Lạc").

Sau khi cấp báo về Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng, HQ-16 dùng quang hiệu yêu cầu các chiến hạm Trung Quốc rời lãnh hải Việt Nam. Các chiến hạm Trung Quốc không chấp thuận yêu cầu, và cũng dùng quang hiệu yêu cầu phía Việt Nam Cộng hòa rời vùng biển mà họ cho là lãnh hải Trung Quốc.

Ngày 17 tháng 1 năm 1974, Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đến Hoàng Sa chở theo một toán người nhái (biệt hải) và một đội hải kích đổ bộ xuống Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh để nhổ cờ Trung Quốc, dựng cờ Việt Nam Cộng hoà. Sau đó lính Việt Nam Cộng hòa rút trở lên tàu. Theo hạm trưởng HQ-16, Trung tá Lê Văn Thự, toán biệt hải rời HQ-4 bằng xuồng cao su để lên HQ-16. Cùng trong ngày hai Liệp tiềm đĩnh loại Kronstad số 274 và 271 của Trung Quốc xuất hiện.

Đêm 17 tháng 1 năm 1974, Chu Ân Lai nhận báo cáo tình hình Hoàng Sa từ Trường Lý Lực, Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Sau đó Chu Ân Lai cùng với Diệp Kiếm Anh viết báo cáo gửi Mao Trạch Đông đề nghị phái quân ra quần đảo Hoàng Sa.

Mao Trạch Đông phê vào bản báo cáo của Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh: “Đồng ý !”, và nói rằng, “trận này không thể không đánh”. Mao Trạch Đông giao cho Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp chỉ huy trận đánh tại quần đảo Hoàng Sa. Đây là trận đánh đầu tiên của Đặng Tiểu Bình khi mới được phục chức sau 7 năm đi "cải tạo".

Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải quân Việt Nam Cộng hòa bay ra Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng để chỉ huy toàn bộ lực lượng tham chiến tại Hoàng Sa. Cũng trong sáng ngày 18 tháng 1 năm 1974, lực lượng tăng cường cho Hoàng Sa bao gồm Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) và Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) có mặt tại trận địa. Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ-10 tham chiến với một máy không dùng được, chỉ còn một máy hoạt động. HQ-5 do Trung tá Phạm Trọng Quỳnh chỉ huy là soái hạm của Hải đoàn đặc nhiệm bao gồm 4 chiến hạm HQ-4,HQ-5,HQ-10,HQ-16. Đại tá Hải quân Hà Văn Ngạc ở trên HQ-5 là người trực tiếp chỉ huy Hải đoàn.

Khoảng xế trưa ngày 18 tháng 1, Đại tá Ngạc quyết định hải đoàn sẽ phô trương lực lượng bằng một cuộc thao diễn chiến thuật để tiến về phía đảo Quang Hòa với hy vọng có thể đổ bộ chiếm lại đảo một cách hoà bình như đã làm trước đây. Bốn chiến hạm theo đội hình hàng dọc, dẫn đầu là khu trục hạm HQ-4, theo sau là tuần dương hạm HQ-5 trương hiệu kỳ hải đội, thứ ba là tuần dương hạm HQ-16 và sau cùng là hộ tống hạm HQ-10, khởi hành từ nam đảo Hoàng Sa để tiến về đảo Quang Hòa,tốc độ chừng 6 gút. Khoảng cách giữa các chiến hạm là hai lần khoảng cách tiêu chuẩn (1000 yard). Trên đường đến đảo Quang Hòa, Hải đoàn bị 2 chiến hạm Kronstad của Trung Quốc mang số hiệu 271 và 274 chặn đường. Hai chiếc chiến hạm khác nhỏ hơn mang số 389 và 396 vẫn ở sát bờ bắc đảo Quang Hòa. Chiến hạm 271 của trung Quốc và soái hạm HQ-5 trao đổi với nhau bằng quang hiệu. Cả hai đều khẳng định đây là lãnh thổ của mình và yêu cầu đối phương rút lui. Để tránh đụng tàu đại tá Ngạc đưa Hải đoàn trở về phía nam đảo Hoàng Sa để theo dõi các chiến hạm Trung Quốc khi đó quay về đóng tại phía bắc và tây bắc đảo Quang Hòa.

Theo hạm trưởng HQ-16, Trung tá Lê Văn Thự, khoảng 10 giờ sáng ngày 18 tháng 1, Đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho ông đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa sau đó cho toán biệt hải đổ bộ lên đảo Quang Hoà và một toán của HQ-16 lên giữ đảo Quang Ảnh. Sau khi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, HQ-16 tiến đến gần đảo Quang Hòa đổ bộ toán biệt hải lên đảo thì một tàu Trung Quốc xuất hiện, cản trước mũi, không cho HQ-16 tiến gần đến đảo. Hai tàu cọ vào nhau làm tàu Trung Quốc hư hại nhẹ. Theo Trung tá Thự, tàu Trung Quốc mang số hiệu 271, dài chừng 70 mét, có súng tương đương với súng 76.2 ly, 40 ly, 20 ly và đại liên 12.7 của HQ-16. HQ-16 chuyển hướng sau đó cho biệt hải dùng xuồng cao su tấn công từ mặt Nam của đảo Quang Hoà từ khoảng cách 1-2 hải lý. Cuộc đổ bộ thất bại. Một thiếu úy biệt hải bị bắn chết. Toán biệt hải trở về HQ-16. Chiều ngày 18 tháng 1, khoảng 6 giờ, Đại tá Ngạc gọi máy cho Trung tá Lê Văn Thự và ra lệnh cho ông chỉ huy HQ-10, bằng mọi giá phải đổ bộ cho được toán biệt hải lên đảo Quang Hoà. Sau khi nhận lệnh này, HQ-16 không còn liên lạc được với đại tá Ngạc trên soái hạm HQ-5, tàu HQ-4 hay Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải do máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Quốc phá sóng. HQ-16 chỉ còn liên lạc được với HQ-10. Những ngày sau đó do bị thương khi hải chiến với tàu Trung Quốc, HQ-16 không thể chấp hành lệnh đổ bộ của đại tá Ngạc.

Vào khoảng 23 giờ ngày 18, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh ban hành Lệnh hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại một cách hòa bình các đảo Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh. Đại tá Hà Văn Ngạc chia lực lượng tham chiến thành hai phân đoàn đặc nhiệm: phân đoàn I là chủ lực gồm khu trục hạm HQ-4 và tuần dương hạm HQ-5 do hạm trưởng khu trục hạm HQ-4 chỉ huy; phân đoàn II có nhiệm vụ yểm trợ gồm tuần dương hạm HQ-16 và hộ tống hạm HQ-10 do hạm trưởng tuần dương hạm HQ-16 chỉ huy.

Theo tài liệu của Tổng cục Chiến tranh Chính trị và tường thuật của Đại tá Hà Văn Ngạc, 8 giờ 30 ngày 19 tháng 1, hai nhóm Biệt hải của Việt Nam Cộng hòa gồm 74 người do Ðại úy Nguyễn Minh Cảnh chỉ huy tiếp tục đổ quân vào đảo Quang Hòa. Đại tá Ngạc chỉ thị lực lượng này không được nổ súng trước và có nhiệm vụ yên cầu toán quân Trung Quốc rời đảo. Trên đảo đang có một đại đội của Hải quân Trung Quốc trấn giữ. Theo báo cáo của Biệt đội trưởng, chiến sĩ Ðỗ Văn Long là người đầu tiên tiến vào đảo và vừa nổ súng vừa tiến vào trong nên đã bị hỏa lực trong bờ bắn tử thương ngay tại bãi biển. Sau đó Trung úy Lê Văn Ðơn cũng tử thương. Việc đổ bộ thất bại. Hai toán Biệt hải được lệnh rút về HQ-5. Tổng số thương vong của Hải quân Việt Nam Cộng hòa gồm 2 người chết và 2 bị thương.

Việc đổ bộ thất bại được báo cáo ngay về Bộ tư lệnh Hải quân vùng I duyên hải. Chừng ít phút sau đó (vào khoảng 9 giờ 30 sáng) phó đô đốc Hải quân Việt nam Cộng hòa Hồ Văn Kỳ Thoại theo chỉ thị của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra khẩu lệnh vắn tắt "khai hỏa" cho Đại tá Ngạc trên băng siêu tần số SSB (single side band) và không có chi tiết gì khác hơn.

Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10)

Ban đầu đại tá Ngạc dự định cho hạm đội bắn pháo lên đảo để dọn đường cho lính thủy đổ bộ. Sau đó do các hạm trưởng khác phản đối, đại tá Ngạc quyết định tiêu diệt các tàu địch trước. Lúc 10 giờ 22 cùng ngày, 2 chiến hạm của phía Việt Nam Cộng hòa là HQ-16 và HQ-10 tiến vào lòng chảo Hoàng Sa theo thế gọng kìm, nổ súng trước vào các tàu chiến Trung Quốc đang neo đậu trong khu vực này. Các tàu Trung Quốc tích cực di chuyển và phản kích dữ dội. Hai chiến hạm còn lại của Việt Nam Cộng hòa là HQ-4 và HQ-5 cũng tiến vào lòng chảo, tham chiến từ phía tây nam. Vì tầm quan sát rất hạn chế, nên từ Tuần dương hạm HQ-5 không quan sát được Tuần dương hạm HQ-16 và Hộ tống hạm HQ-10. Do máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Quốc phá sóng nên Soái hạm chỉ có thể liên lạc với các chiến hạm còn lại bằng máy PRC 25.

Sau khoảng 15 phút giao chiến, HQ-10 bốc cháy tại chỗ rồi chìm, HQ-16 trúng đạn pháo 127 ly của HQ-5 xuyên thủng hầm máy bị nghiêng trên 10 độ phải rút lui về phía tây. Sau vài phút hải chiến HQ-4 chỉ bị thiệt hại nhẹ nhưng do trở ngại tác xạ nên không phát huy được hoả lực buộc phải lùi ra xa. Theo trưởng khối hành quân HQ-5, Bùi Ngọc Nở, HQ-5 sau 15 phút chiến đấu bị trúng đạn đại bác của địch khiến các khẩu pháo 127 ly và 40 ly bị vô hiệu hoá.

Khoảng 11 giờ 25, sau khi nhận được tin HQ-16 trúng đạn và mất liên lạc với HQ-10, đồng thời phát hiện một chiến hạm của Trung Quốc loại có trang bị mỗi bên một dàn phóng hỏa tiễn kép loại hải hải cách xa chừng 8 đến 10 hải lý đang tiến vào vùng giao tranh với một tốc độ cao, Đại tá Ngạc ra lệnh cho HQ-4 và HQ-5, rút lui về phía đông nam, hướng về vịnh Subic, Philippines vì ông nghĩ rằng Hải đội không thể để bị thiệt hại một khu trục hạm trong khi Hải quân Việt Nam Cộng hòa chỉ có tổng cộng 2 chiếc.

Nhưng theo trung tá Thự, đại tá Ngạc ra lệnh rút lui vì "lo sợ cả phản lực cơ và tiềm thủy đĩnh Trung cộng" "nên không còn tinh thần để chiến đấu nữa". Ông cho rằng chuyện phía đông xuất hiện một chiến hạm Trung Quốc có trang bị hỏa tiễn chỉ là tưởng tượng vì "cách xa chừng 8 đến 10 hải lý khó mà thấy được mỗi bên một giàn phóng hỏa tiễn". Các tàu phía Trung Quốc cũng bị hư hại nặng, một tàu phải ủi bãi, một tàu bốc cháy, không đủ sức đuổi theo.

Trong thời gian xảy ra chiến sự, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa nhận được thông báo của Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn, cho biết radar Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số tàu chiến và chiến đấu cơ từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Số tàu chiến chi viện của Trung Quốc vẫn chưa được xác định chính xác nhưng có thể bao gồm 2 tàu chống ngầm số hiệu 281 và 282 thuộc lớp tàu Hải Nam. Phó đô đốc Hải quân Việt Nam Cộng hòa Hồ Văn Kỳ Thoại cho biết "Chúng tôi phải quyết định rút lui khi cố vấn Hoa Kỳ cho biết 17 chiến hạm của Trung Quốc đang trên đường tới khu vực và khả năng là sẽ có phi cơ phản lực tới từ đảo Hải Nam". Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa sau đó yêu cầu Đệ thất Hạm đội trợ giúp, nhưng phía Mỹ từ chối. Sau khi Bộ tư lệnh cân nhắc tương quan lực lượng, các chiến hạm Việt Nam Cộng hòa được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa.

Khoảng 14 giờ 30 ngày 19/01/1974 khi ngang qua đảo Tri Tôn thì HQ-5 được lệnh của Tư lệnh hải quân từ Ðà Nẵng: "HQ-4 và HQ-5 phải quay trở lại Hoàng Sa, nếu cần thì ủi bãi". Nhưng không lâu sau đó có một lệnh tiếp theo từ Ðà Nẳng, cho HQ-4 và HQ-5 trở về lại Ðà Nẳng.
Trên đường rút lui, HQ-16 đưa 8 quân nhân lên giữ đảo Hoàng Sa.

Đêm hôm đó, 3 chiến hạm Việt Nam Cộng hòa bị hư hại được lệnh rút về căn cứ. Về đến Đà Nẵng, khi kiểm tra thì mới biết HQ-16 trúng một viên đạn bắn cầu vồng từ HQ-5 rơi xuống nước gặp sức cản của nước bị lệch hướng rồi đâm vào lườn tầu HQ-16 dưới mặt nước. Theo tường thuật của Trung tá Lê Văn Thự: "Viên đạn xước qua một góc máy điện, xuyên đứt cánh tay Trung sĩ Điện khí Xuân kế đó rồi chui vào kho điện khí ở một góc hầm máy và nằm ở đó". Còn hộ tống hạm HQ-10 trong ngày 19 đã bị trúng đạn và chìm. HQ-4 rút lui từ đầu do trở ngại tác xạ nên chỉ bị thiệt hại nhẹ. Theo sĩ quan Bùi Ngọc Nở HQ-5 thiệt hại rất nặng: "đếm được tất cả là 102 lỗ đạn đại bác 100 ly, còn đạn đại bác 37 ly lỗ nhỏ hơn và nhiều không đếm được, riêng đài chỉ huy trúng mười mấy trái đại bác 100 ly nhưng may mắn là nhờ hai lớp thép bảo vệ nên khi xuyên qua hai lớp thép này thì hết tầm".

Sau khi nghe báo cáo tình hình chiến sự tại Hoàng Sa, Đặng Tiểu Bình đã chỉ thị cho quân khu Quảng Châu tiếp tục đánh chiếm các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật và Quang Ảnh. Ngày 20 tháng 1, 4 phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh và Hoàng Sa. Tiếp đó, quân Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của Việt Nam Cộng hòa trên các đảo này. Sau 20 phút, lực lượng của Việt Nam Cộng hòa trên các đảo bị mất liên lạc.

Kết quả

Theo tài liệu của Việt Nam Cộng hòa:

- Thiệt hại của TQ: 274 trúng đạn, tay lái bất khiển dụng phải ủi vào bãi san hô để thủy thủ đoàn đào thoát, 271 hoặc 389 bị chìm tại trận, 389 và 391 bị hư hại nặng.

- Thiệt hại của VNCH: HQ-10 trúng đạn vào pháo tháp bị chìm tại trận, HQ-16 bị hư hại nặng nghiêng 15 độ, HQ-5 và HQ-4 bị hư nhẹ. Gần 50 thủy thủ và hạm trưởng Ngụy Văn Thà của HQ-10 tử vong. Ngoài ra HQ-5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương. Hai ngày sau trận hải chiến, ngày 20 tháng 1, tàu chở dầu Hòa Lan "Kopionella" vớt được 23 người thuộc thủy thủ đoàn của HQ-10 đang trôi dạt trên biển. Đến mười ngày sau, ngày 29 tháng 1, ngư dân Việt Nam vớt được một toán quân nhân Việt Nam Cộng hòa gần Mũi Yến (Qui Nhơn), gồm 1 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan và 12 quân nhân thuộc lực lượng đổ bộ lên Quang Hòa, đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận hải chiến.

Theo một bài "Không thể chấp nhận được!" của Bùi Thanh đăng trên báo Tuổi Trẻ Online ngày Thứ Năm, 06/12/2007, 08:14 (GMT+7) "Trong trận hải chiến lịch sử và không cân sức này, 58 binh sĩ quân đội Sài Gòn đã ngã xuống nhưng không giữ được mảnh đất thiêng liêng của ông cha."

Theo tài liệu của Trung Quốc thì 274, 271, 389, 391 đều trúng đạn, 281, 282 và 402, 407 bị hư hại trung bình, HQ-10 bị chìm tại trận. Trung Quốc bắt giữ 48 tù binh, trong đó có một người Mỹ. Trung Quốc có trao trả tù binh sau đó tại Hồng Kông qua Hội Chữ thập đỏ.

Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ thời điểm này. Sau trận chiến, Việt Nam Cộng hòa đã ra nhiều tuyên bố cũng như trưng ra các chứng cớ lịch sử về chủ quyền của mình và đã được Chính phủ Pháp ủng hộ vì trước đây theo Hòa ước Pháp Thanh thì người Pháp đã thực hiện chủ quyền ở quần đảo này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của người Việt.

---------------------------------
Tài liệu tham khảo: http://vi.wikipedia.org/

.


◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!