DÂN CHỦ THỰC HÀNH

Vụ chìm ca nô làm 9 người thiệt mạng đêm Thứ Sáu 2/8/2013 vẫn chưa hết gây kinh hoàng cho cộng đồng. Được biết chiếc ca nô H-29 BP này có chiều dài 8m5, rộng 2m25, công suất 225CV, sức chở tối đa 18 người. Thế nhưng, vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu đang chở đến 30 người!

Rất nhiều lời chỉ trích phê phán nhắm đến đơn vị quản lý, cứu nạn và các ban ngành liên quan. Chỉ trích phê phán là quá nhẹ, cần phải đưa tòa những người có trách nhiệm liên đới. Người chịu trách nhiệm cao nhất, là kẻ nổ máy cho tàu xuất phát, đã cùng nằm trong số 9 người thiệt mạng.

Tôi chỉ có một thắc mắc là không thấy ai nói đến vai trò của gần 30 hành khách (trong đó có 8 người xấu số đã không còn trên cõi đời này nữa). Tôi không có đùa đâu. Khi bước chân xuống chiếc ca nô có chiều dài chưa được 9m, chiều rộng chưa đến 2m5 với một số lượng người đông như vậy, chẳng lẽ không có một ai lên tiếng hỏi tài công rằng:

- Chiếc ca nô này được phép chở bao nhiêu người, sao chở đông quá vậy?

Tại sao lại vô trách nhiệm với chính mạng sống của mình? Tại sao một chuyến hành trình nhiều giờ đồng hồ trên biển như vậy lại xảy ra tình trạng kẻ có áo phao người không có mà chẳng ai đòi hỏi? Có lẽ sự hà khắc của chế độ độc tài ngót 40 năm qua đã triệt tiêu khái niệm phản kháng trong tiềm thức của dân chúng. Thời còn đi học thỉnh thoảng đi Cam Ranh, Bảo Lộc, Sài Gòn... trên những chiếc xe khách nhồi nhét (lúc đó chưa có dịch vụ xe máy lạnh/giường nằm có số ghế cố định như bây giờ), tôi thường phản đối phụ xe tại sao băng ghế thiết kế có 3 người mà nhét đến 5, 6? Tức một điều là những hành khách đi cùng lại không hiểu chuyện, còn bênh cho phụ xế: - Thôi mỗi người ngồi chật một chút cũng được, khó khăn làm gì! Có những lúc bực quá đành bước xuống chờ chuyến sau...

Từ câu chuyện chiếc ca nô chở vài chục người, ta giật mình nghĩ về con tàu Việt Nam chở gần 90 triệu dân đang vật vờ trôi đến "thiên đường XHCN". Rất ít người lên tiếng phản đối về cái đích đến mơ hồ, nếu không muốn nói là không tưởng kia. Thậm chí, số ít này còn bị chụp mũ "làm chính trị", "muốn nổi tiếng", "phản động", "tuyên truyền chống phá"... Đó là nỗi đau cho cả dân tộc khi sức ì tư tưởng quá nặng, cộng thêm nỗi sợ hãi bị đè nén dưới ách công an trị. Tại sao chúng ta rũ bỏ quyền làm chủ chính đáng của mình?

Những việc làm cụ thể như yêu cầu sửa bỏ điều luật 258, ký tên đòi Bộ trưởng Y tế từ chức, phổ biến Quyền Con Người..., xét cho cùng, chỉ là hành động đòi cho mỗi hành khách quyền có được một chiếc áo phao trên chuyến hành trình ra biển lớn. Thực hành dân chủ từ những chuyện gần gũi và thiết thực, tại sao không? .
◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!