ĐỌC HIẾN PHÁP VỪA ĐƯỢC QH THÔNG QUA (28/11/2013)

Ngoài điểm bất cập nghiêm trọng ở Điều 4 là phủ nhận vai trò bình đẳng của các tổ chức chính trị khác cũng như mâu thuẫn với Điều 2 (“Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”), Điều 16 (“Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”)…; bản HP 1992 – sửa đổi và bổ sung năm 2013 còn có nhiều chỗ bất hợp lý như sau:

Điều 2: Mục 2
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Nhìn nhận phiến diện các thành phần trong xã hội. Nếu chỉ nêu tổng quát “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” thì có thể chấp nhận được, một khi đã liệt kê ra thì phải có đủ các thành phần chính. Ở đây chỉ nêu lên 3 thành phần gồm: nông-dân, công-nhân và trí-thức mà bỏ sót lực lượng thương-nhân và binh-sĩ. Đây là điểm khó chấp nhận trong bối cảnh hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang chuẩn bị hồ sơ để tham gia Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); cũng như tình trạng chủ quyền quốc gia đang thường xuyên bị xâm phạm.

Điều 15: Mục 4
4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Điều 15 lại mắc lỗi phiến diện một chiều. Lẽ ra, ở đây phải có thêm mục thứ năm làm đối trọng để bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các thành phần trong xã hội. Tiếc rằng, đã không có điều này:
5(Không có). Không được lợi dụng danh nghĩa lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích của các tổ chức xã hội để xâm phạm quyền công dân, quyền con người của bất kỳ ai.


Điều 18: Mục 1
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Cụm từ “là bộ phận không thể tách rời” ở đây hoàn toàn phi lý và có phần sáo rỗng, không thích hợp trong một văn bản pháp quy. Một người dù là gốc gác Việt Nam nhưng đã định cư ở nước ngoài thì nhất định phải tuân thủ luật pháp quốc gia sở tại. Về mặt thể xác, có sự tách rời rõ ràng của vị trí địa lý với đường biên giới lãnh thổ. Về mặt tinh thần, càng chịu ảnh hưởng sâu sắc với điều kiện sinh sống và ràng buộc xã hội. Giả sử, Việt Nam có chiến tranh, những người đang định cư ở nước ngoài có thể bất chấp luật pháp nơi họ đang sống, từ chối nghĩa vụ quân sự ở đó để trở về cầm súng hay không?

Điều 31: Mục 1, 3
Diễn đạt lủng củng, không rõ ràng, thiếu chính xác:
1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
“…đã có hiệu lực pháp luật” là sao? Nghĩa là tồn tại một bản án kết tội của Tòa mà chưa có hiệu lực pháp luật (chắc là án bỏ túi quá)!
3. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. 
Ở đây dùng từ không đúng, thay “tội phạm” bởi “hành vi phạm tội” thì chính xác hơn.

Điều 42
Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.
Ở đây có điểm chưa rõ ràng:
- Nếu công dân có quyền lựa chọn dân tộc theo sở thích thì nên thay “xác định” bởi “lựa chọn
- Nếu việc xác định dân tộc phải theo khoa học di truyền, thì công dân không đủ tư cách pháp nhân để xác định.

Điều 54: Mục 2 
2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.
Chủ thể “Nhà nước” thực hiện giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất là không tường minh. Ở đây lại thiếu một điều ràng buộc để hạn chế sai phạm trong cơ chế quản lý thiếu minh bạch này:

5(Không có). Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng danh nghĩa Nhà nước để chuyển quyền, công nhận quyền sử dụng đất nhằm mưu lợi cho cá nhân, cho một nhóm người.

Điều 64
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân. 
Điều này mơ hồ không thực vì xã hội chủ nghĩa chưa tồn tại, chưa thể có Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Điểm phản động nguy hiểm xuyên suốt toàn bộ bản Hiến pháp là đi ngược lại trào lưu phát triển của xã hội văn minh, của loài người tiến bộ:
- Hiến pháp lấy chủ nghĩa Mác – Lenin làm nền tảng tư duy và phương hướng hành động. Đây là chủ nghĩa phản động đã bị thế giới và các nước Đông Âu bài trừ từ cuối thập niên 1980s.
- Hiến pháp kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến đến chủ nghĩa cộng sản. Đây là con đường vô vọng, không tưởng, là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến đói nghèo, chậm tiến của một đất nước, là cội rễ suy thoái về văn hóa tinh thần của một dân tộc.
.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!