Hành trình chữ Việt trên PC

Một ngày cuối năm 2008, tôi dạo một vòng khắp các trang web tiếng Việt trên mạng, từ quốc nội cho đến hải ngoại, từ “chính thống lề phải” cho đến “tự do đa chiều”… Dự định sẽ viết một bài tất niên thật khách quan để phản ánh tình hình. Sau một hồi rê, lăn, cuộn, kích; leo rào vượt tường… bất chợt một ý nghĩ vụt đến làm tôi chán nản và mất hết hứng thú để viết bài tất niên đó.

Ý nghĩ ấy, hay đúng hơn là một dấu chấm hỏi, vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ: Có phải chúng ta đã và đang lãng phí quá nhiều thời gian chăng? Tôi liên tưởng đến trí thức và các nhà khoa học ở các nước phát triển. Họ đang bàn thảo kế hoạch chinh phục Sao Hỏa, đưa người lên Mặt Trăng, chế tạo robot thông minh, nghiên cứu công nghệ sinh học… Tất nhiên, khi nói đến điều này tôi không hề muốn phủ nhận thành quả và nhiệt tâm của các nhà trí thức (đúng nghĩa), khoa học (đúng nghĩa) Việt Nam[1]! Nhưng ai cũng phải thừa nhận là những thành quả ấy còn quá nhỏ bé!

Còn người Việt chúng ta? Những cuộc tranh luận liên tu bất tận vẫn cứ tiếp diễn trên các forum, blog, website… Một bên thì muốn đạt được cái gần như chân lý hiển nhiên, bên kia cứ cối chày nhằm câu giờ và làm nản lòng người đối thoại!

Qua năm 2009 mới đó đã 5 ngày! Tôi nhìn những dòng chữ đang nhảy múa như muốn trêu ngươi. Trong cộng đồng Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, Việt Nam là quốc gia duy nhất[2] có chữ viết (chữ Quốc ngữ) được phiên âm theo các mẫu tự La-tinh. Hai ưu điểm nổi bật của chữ Quốc ngữ:
- Duy trì tiếng nói truyền thống của dân tộc
- Đơn giản và tiện lợi khi trao đổi bằng văn bản, nhất là trong thời đại số hiện nay và tương lai

Bài viết này nhằm mục đích giới thiệu vắn tắt lịch sử và quá trình phát triển của chữ viết trong văn hóa Việt Nam. Tiếp đến là mô tả hành trình gian nan nhưng không kém phần lý thú để hiển thị chữ Việt trên màn hình máy tính cá nhân. Hy vọng là qua đó, chúng ta sẽ yêu quý chữ Quốc ngữ hơn, bớt lãng phí và sẽ tận dụng tối đa ưu thế của nó trong thời đại công nghệ cao đang chi phối toàn cầu.

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CHỮ VIẾT TRONG NỀN VĂN HÓA VIỆT

1. Chữ Nôm (Chữ Việt cổ)

Việt Nam hãnh diện có nền văn hiến trên 4000 năm, gắn liền với lịch sử dựng, giữ nước đầy cam go và oai hùng. Thời kỳ bắc thuộc lần thứ nhất (vào khoảng thế kỷ I trước CN), suốt gần 1000 năm người Việt bị buộc phải dùng Hán ngữ. Giai đoạn này, văn hóa Việt phải dùng đồng thời hai ngôn ngữ: Hán ngữ dùng trong chữ viết, và Việt ngữ dùng trong tiếng nói. Mãi đến năm 938, Ngô Quyền mới giành lại quyền tự chủ cho đất nước bằng chiến thắng Bạch Đằng vang dội. Quân Nam Hán bị quét sạch bờ cõi, thời kỳ bắc thuộc lần thứ nhất chấm dứt, nhưng ảnh hưởng của Hán ngữ vẫn còn.

Giai đoạn kế tiếp, dân tộc Việt Nam liên tục chống đỡ những âm mưu đen tối từ phương Bắc hòng thôn tính và đồng hóa người Việt. Song song với công cuộc bảo vệ quyền tự chủ, ý nguyện có một chữ viết riêng, tránh lệ thuộc vào Hán ngữ, cũng đang được phôi thai.

Sự hình thành chữ Nôm có thể được manh nha ngay từ khi vó ngựa viễn chinh của quân xâm lược giày xéo lên mảnh đất Việt Nam. Có khá nhiều tư liệu dẫn chứng cho thấy chữ Nôm đầu tiên xuất hiện dùng để miêu tả các địa danh hoặc từ ngữ không có trong Hán văn. Có tư liệu đề cập đến mối liên hệ giữa chữ Nôm và vai trò của Bố Cái[3] Đại Vương - Phùng Hưng (vào khoảng 791)…

Tuy nhiên, chữ Nôm chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ sau chiến thắng Bạch Đằng. Nó dần dần được bổ sung, hoàn chỉnh nhiều lần cho đến khi được sử dụng rộng rãi trong văn học vào khoảng thế kỷ XIII-XV. Thời kỳ này được xem là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của văn học Hán-Nôm. Sự sáng tạo của người Việt nhằm có được chữ viết riêng đã để lại một di sản vô giá trong kho tàng văn học dân tộc:
- Truyện Kiều bằng chữ Nôm của thi hào Nguyễn Du
- Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi
- Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông
- Bạch Vân am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm
- Thơ lục bát trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu
- Thơ song thất lục bát trong Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm
- Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm với thể loại thất ngôn bát cú

(Bài Vịnh người chửa hoang của Bà chúa thơ Nôm)

Rồi đến các bài thơ của Nguyễn Hàn Thuyên, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, hay những tác phẩm văn học chữ Nôm khuyết danh như Thạch Sanh, Tấm Cám, Lưu Bình Dương Lễ… đều có vị trí nhất định trong nền văn học Việt Nam.
Tuy nhiên, chữ Nôm vẫn có nhược điểm là phức tạp, khó diễn đạt và trao đổi, lại có nguồn gốc từ Hán ngữ (được thêm, bớt, cải tiến một số nét để tạo ra chữ viết riêng cho người Việt). Chính vào lúc này, sự du nhập của văn minh phương Tây thông qua cuộc chiến tranh giành thuộc địa là một yếu tố quan trọng đưa đến bước ngoặt hình thành chữ viết mới: chữ Quốc ngữ.

2. Chữ Quốc ngữ
Sự hình thành chữ Quốc ngữ, như đã nói, chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hóa Tây phương. Khi các nhà truyền giáo phương Tây vào Việt nam, họ đã dùng các mẫu tự La-tinh để phiên âm tiếng Việt. Dần dần, hệ thống chữ viết được hình thành một cách bài bản trên nền các mẫu tự La-tinh, cụ thể là bộ chữ cái của Bồ Đào Nha. Trên cơ sở các mẫu tự gốc này, người ta thêm vào các chữ ghép và dấu phụ để diễn đạt ngữ điệu đặc thù của tiếng Việt.
Bảng chữ cái Tiếng Việt gồm 29 ký tự:

(Bảng chữ cái Tiếng Việt)


Người được xem có công lớn nhất trong việc xây dựng chữ Quốc ngữ là nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes. Vị giáo sĩ này đến Hội An vào khoảng cuối năm 1624, đầu năm 1625. Ông ta bắt đầu học tiếng Việt, và học rất nhanh. Chỉ trong khoảng vài tháng là có thể giảng đạo bằng tiếng Việt. Một chi tiết khá thú vị là người thầy dạy tiếng Việt cho ông ta chỉ là một cậu thiếu niên độ chừng 12-14 tuổi[4]. Từ đó, vị giáo sĩ này xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, ông lấy tên Việt là Đắc Lộ.

Trải qua mấy thế kỷ hình thành và phát triển, chữ Quốc ngữ hiện đang chiếm vai trò trọng yếu trong đời sống xã hội và văn hóa Việt Nam. Cho dù còn một số bất cập trong quy phạm, phát âm, chính tả… mà phạm vi bài viết này không thể đề cập đến, chữ Quốc ngữ vẫn mang một nét đặc thù đáng quý của người Việt. Có thể ví chữ Quốc ngữ là điểm giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây, cũng như vị trí của đất nước hình chữ S này trên con đường thông thương quốc tế.


II. HÀNH TRÌNH CỦA CHỮ VIỆT TRÊN MÁY VI TÍNH
(Còn tiếp)

--------------------------------------------------------------
[1] Đoạn này tôi nhấn mạnh 2 lần từ đúng nghĩa để trong dấu ngoặc vì hiện tại có khá nhiều “trí thức” nhưng lại thích nói và viết theo suy nghĩ của kẻ khác. Và cũng có khá nhiều các nhà “khoa học” lấy bằng tiến sỹ không phải vì mục đích nghiên cứu khoa học, mà đơn giản là để lót trên cái ghế ngồi cho êm!

[2] Lược qua trong trí nhớ tôi là vậy, nếu quý vị nào phát hiện có thêm quốc gia khác ở Đông Nam Á cũng xài chữ viết La-tinh thì comment giùm chút. Xin cảm ơn trước.

[3] Thử tìm hiểu sử Việt cổ: Bố Cái Đại Vương và chữ Nôm

[4] Trích:
...Đây là một cậu bé thông minh. Cha Đắc-Lộ vô cùng mộ mến khi nói về vị thầy tí hon:
“Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau
của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì
về ngôn ngữ Châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu
được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc
học viết tiếng La-tinh và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn
minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thày giảng giúp việc
các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin
Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thày và nơi vương quốc Lào láng giềng”
...
(Nguồn: LINH MỤC ALEXANDRE DE RHODES, “GIÁO SĨ ĐẮC-LỘ”)


Tư liệu tham khảo: http://vi.wikipedia.org


---------------
Hành trình chữ Việt trên PC (P.2)


.
◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!