Cao hơn Luật Pháp

Trong bài viết "Thế nào là tự do", tôi có đề cập đến vai trò của luật pháp trong cộng đồng.
Hệ thống luật pháp có thể xem là những quy tắc, ràng buộc do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền.

Do đó, luật pháp phản ánh bản chất của Nhà nước đặt ra nó. Nhà nước kiểu nào thì pháp luật kiểu đó. Mặc dù khác nhau trong từng quốc gia, trong mỗi nền văn hóa và mỗi cộng đồng, nhưng luật pháp phải được đặt trên nền tảng của Công Lý, Sự Thật và cao hơn cả là Nhân Đạo.

Đó là điểm khác biệt căn bản của luật pháp trong xã hội con người. Loài thú cũng có luật vậy, luật rừng, đơn giản chỉ là mạnh được yếu thua. Kẻ thắng hả hê ăn thịt người thua, thế thôi.

Xã hội càng văn minh thì yếu tố Nhân Đạo càng được thể hiện rõ nét trong quá trình thực thi luật pháp. Giá trị của Nhân Đạo rất khó lượng giá khi đặt lên bàn cân để đo, đếm... Nó chỉ được cảm nhận bởi chính nhận thức của những phần tử tham gia vào quá trình thực thi luật pháp. Xin được dẫn ra ba câu chuyện sau đây:

Câu chuyện thứ nhất:
Có một bà nọ sáng ra phát hiện con gà của mình bị kẻ trộm bắt mất. Không biết rõ thủ phạm, nên bà ta cứ ra giữa đình làng chửi vung vít lên rằng: - Mả cha tiên sư nhà đứa nào ăn trộm gà bà!

Dân làng rất bực bội vì họ không phải là thủ phạm mà phải vẫn phải nghe chửi, bị quấy rầy, bèn thưa lên quan. Quan bắt bà ta về tội quấy nhiễu người khác, là giải quyết sự bất công, đem lại Công Lý cho mọi người. Tuy nhiên, Sự Thật vẫn chưa được phơi bày vì không có manh mối gì về tên trộm gà. Vị quan tòa thông minh đã dựa vào yếu tố Nhân Đạo để tìm ra Sự Thật, phán rằng: - Bà nọ vô cớ xúc phạm dân làng nên mỗi người có mặt ở đình làng lúc đó sẽ vả vào miệng bà ta 1 cái, coi như là được bồi thường.

Công Lý cho mọi người coi như tạm ổn, tuy nhiên lòng nhân trong mỗi con người đều tự nhủ rằng: - Kể ra cũng tội, đã bị mất gà còn bị đánh! Do đó, ai cũng phẩy tay lấy lệ mà thôi. Chỉ có tên trộm là cảm thấy thực sự bị xúc phạm nên mới ra tay cho bõ ghét, và Sự Thật nhờ đó được phơi bày.

Quan tòa ra phán xét mà tên trộm phải tâm phục khẩu phục. Và mấu chốt của vụ án này chính là yếu tố Nhân Đạo, là lòng nhân hậu trong bản thân mỗi con người. Nếu dân làng ai cũng vì chút bực bội mà trả đũa bà kia thì làm sao tìm ra Sự Thật?

Câu chuyện thứ hai:
Là một bộ phim chiếu trên StarMovies hay HBO gì đó, tôi cũng không biết tựa đề vì xem nửa chừng, nhưng là phim dựa trên một câu chuyện có thật. Chuyện kể về một anh lính da màu đầu tiên trong Hải quân Hoa Kỳ (thời 1960s), đã bị gãy 1 chân trong một lần cứu mạng đồng đội. Sau đó, anh ta được thưởng huân chương và sẽ được trợ cấp cho đến cuối đời. Oái ăm một điều là anh chàng thợ lặn nầy không chịu khoanh tay trước số phận, mà nhất quyết đòi tiếp tục phục vụ trong quân đội. Tất nhiên là Ban chỉ huy (BCH) của anh ta không chấp nhận. Thế là anh ta kiện BCH ra tòa.

Trong phần tranh tụng trước tòa, bên phía BCH yêu cầu anh ta chỉ cần thực hiện một trong số các thao tác bắt buộc của người thợ lặn hải quân trước lúc xuống nước: Mặc bộ đồ lặn gần 100 kg và bước đi được ít nhất 12 bước. Điều này đối với người đi một chân giả như anh gần như bất khả thi. Cuối cùng thì anh ta cũng được toại nguyện nhờ chính nỗ lực bản thân và ý chí của mình.

Tôi không muốn dùng từ "thắng kiện" ở đây, vì trong phiên tòa đặc biệt này, bên bị vì muốn an toàn tánh mạng cho bên nguyên, còn bên nguyên vì muốn phụng sự quốc gia, không muốn làm phế nhân. Dù bên nào thắng kiện đi nữa thì giá trị Nhân Đạo của phiên tòa cũng đáng để mọi người cảm phục.

Câu chuyện thứ ba:
Là chuyện của nhiều phiên tòa đã và đang diễn ra tại Việt Nam gần đây.
* Từ vụ "trốn thuế" của anh Điếu Cày, cho đến vụ "cúi đầu nhận tội" của các giáo dân Thái Hà - hỏi rằng: Công Lý và Sự Thật được thực thi đến đâu?

* Xem các video clip "nhận tội, xin khoan hồng" của các bị can đang bị biệt giam, không có luật sư, thậm chí không được gặp thân nhân - hỏi rằng: Luật pháp được thi hành ra sao?

* Từ chuyện người dân rất khó khăn khi muốn vào Tòa án Nhân Dân để xem các phiên xử liên quan đến chính trị, cho đến chuyện bị can đấm vào mặt nhân viên tòa án trong một phiên tòa hình sự - hỏi rằng: Làm điều ác có vẻ dễ dàng hơn thì phải?

* Từ chuyện một Luật sư khẳng khái tuyên bố: "Hãy để tôi ở tù theo điều 88!" cho đến việc Tòa án Tối cao thừa nhận bằng miệng (đang chờ văn bản) rằng: Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam có đặc quyền ngồi trên luật pháp - hỏi rằng: Đấy có phải là đặc trưng cơ bản của Pháp quyền XHCN chăng?

Cao hơn luật pháp, nếu là lòng nhân, ấy là hồng phúc của trăm họ đó,
Ngồi trên luật pháp, nếu là bạo quyền, ấy là tai họa của muôn dân vậy!


.

◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!