CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (P.1 - 2)

Vi Đức Hồi

1


Chuyện kể rằng:

Một hôm có hai quan sai cấp châu (huyện) thuộc vùng lãnh thổ do triều đại C còng trị vì, một người có tên Sát Nhân, người kia có tên Sát Dân. Hai quan sai này vừa được giao trách nhiệm trông coi việc dân chúng tham giao thông trong phạm vi địa bàn của châu. Hôm nay cả đội của Sát Nhân và Sát Dân không đi làm vì cấp trên triệu đội trưởng và phó đội trưởng đi học tập, quán triệt nghị quyết mới của triều đình. Nhàn rỗi, ngồi trong phòng làm việc tại đại bản doanh của đội, quan Sát Dân trêu chọc quan Sát Nhân:

– Này cái bụng quan anh ngày càng trương ra rồi đấy, ăn ít thôi, dân nó chửi nhục lắm!

– Thì quan chú em cũng khác gì anh! Được mỗi cái bụng không ưỡn ra như anh thôi, mặt bóng nhẫy ra rồi còn gì! Nói thật nhé, tớ đếch sợ bọn dân, bọn chúng sinh ấy sợ gì nó, nó làm gì được mình! Mà đáng sợ nhất, ngán nhất lại chính là cái bọn trong nội bộ của ta, mấy thằng cha trong đơn vị mình nó cứ ghen ăn, tức ở thế nào ấy, khó chịu lắm.

– Người đời nói rồi: "Trâu buộc ghét trâu ăn!", quan anh biết rồi còn gì, nó thấy bọn mình ra đường kiếm ăn được, thằng nào cũng ghen tị, đúng là bọn tiểu nhân.

– Quan chú nói anh nghe xem!

– Tất cả đều xuất phát từ cái việc triều đình ra chiếu chỉ bắt buộc đi xe phải đội mũ, nón mà ra đấy. Quan anh nghĩ xem, ban đầu triều đình quy định một số tuyến đường bắt buộc phải đội mũ, nón. Với quy định này, chỉ cần lực lượng của tỉnh đã đảm nhiệm được việc dân chúng tham gia giao thông bằng phương tiện mô-tô, xe gắn máy và ô-tô các loại rồi, nhưng đến khi triều đình quy định tất cả các tuyên đường giao thông đều phải đội mũ, nón thì các quan tỉnh không thể quản lý xuể nên buộc phải phân cấp cho chúng ta.

– Đúng vậy, nhờ có việc phân cấp nên anh em ta mới có suất ăn theo. Nhưng mà nói đi lại nói lại, tôi thấy việc bắt buộc đội mũ, nón khi đi xe tham gia giao thông vẫn còn nhiều bất cập lắm quan chú ạ. Dân tình vẫn than phiền nhiều lắm. Này nhé, tỉ dụ như các tuyến đường nội thị, theo tôi chỉ cần quy định tốc độ khoảng 20 – 30km/h là được rồi, mình có thể phạt những ai đi quá tốc độ quy định, có sao đâu! Thực tế trong đô thị người đông đúc, không ai đi tốc độ cao như các tuyến ngoài đô thị, trừ một vài thanh niên mới lớn thích phóng nhanh, vượt ẩu, đối tượng này không nhiều, ta kiểm soát được. Đằng này quy định quá rập khuôn, máy móc, như tôi từ nhà ra chợ có vài chục mét, vậy mà muốn đi xe buộc phải mũ, nón lích kích quá, bất tiện nữa là khác.

– Chưa hết đâu quan anh! Việc này mới là bất cập này. Triều đình quy định các cháu dưới 14, 15 tuổi trở xuống ngồi trên xe cùng người lớn không cần đội mũ, nón bảo hiểm, quan anh thấy thế nào? Tính mạng nó không cần bảo vệ hay sao?

– Việc này quan chú cũng phải hiểu cho những nhà làm luật, họ có cái khó của nó. Nếu quy định cho tất cả mọi người, không phân biệt người lớn trẻ con thì bọn trẻ mới sinh, bọn trẻ vài tháng tuổi thì nó đội mũ, nón sao được? Cái gì cũng mang tính tương đối của nó thôi.

– Thế thì phải quy định trừ những đứa trẻ chưa biết ngồi, khi đi trên xe, người lớn phải ẵm nó thì không cần mũ, nón bảo hiểm. Còn lại tất cả những người đã ngồi được trên xe đều phải có mũ, nón bảo hiểm thì mới đúng chứ!

– Quan chú phải hiểu rằng đây là quy định xử phạt, mà đối tượng xử phạt là phải người có tiền, trẻ con làm gì có tiền mà phạt nó được? Quy định này mục tiêu chủ yếu là phạt lấy tiền, các mục tiêu khác như là bảo vệ tính mạng con người vân vân… là thứ yếu, chú hiểu chưa?

– Quan anh nói thế thì em chịu! Quả là quan anh có đầu óc tinh tường hơn em.

– Thôi đấy là việc của triều đình, việc của trên. Anh em ta phải nói là số hên nên mới được hưởng bổng lộc của triều đình ban phát do sự phân cấp này. Ta phải biết ơn triều đình và một lòng, một dạ trung thành với triều đình phải không quan chú em?

– Ơn quá đi chứ, nhờ thế mà anh em mình mới có được bộ dạng như hôm nay phải không quan anh?

Quan anh gật gù, vẻ toại nguyện:

– Đúng thế, đúng thế!

Như sực nhớ ra điều gì, quan anh nói tiếp:

– Này nhưng mà không phải riêng anh em ta ở cấp châu được hưởng lộc mà còn cả cấp xã phường, thậm chí cấp thôn, cấp khu dân cư, tổ dân phố cũng được hưởng ân huệ của triều đình do sự phân cấp này đấy. Quan chú thấy không, ngay như đội chúng ta đây khi ta đã đón lõng vơ vét ở các tuyến đường chính trong châu ta suốt trong thời gian qua, bọn chúng sinh nó đã khôn lên, bây giờ thu nhập mỗi ngày giảm trông thấy. Ta lại phải tập trung vào các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa, ở đó dân chúng ngơ ngơ, ngác ngác, lập tức thu nhập của ta lại được cải thiện. Tuy nhiên ta lại phải dùng lực lượng của xã, của thôn bản, những an ninh viên hiện nay cũng được tham gia bắt bớ, ta chẳng cần ra tay, để bọn chúng làm, chia cho nó phần ít ỏi. Mắt sáng rực chú thấy không? Quả là sướng hết chỗ nói.

– Đúng vậy, em nghe nói qua đợt phân cấp này nhiều xã thu bạc trăm, ở thành phố cấp phường thu bạc tỉ là chuyên thường quan anh ạ.

Sau giây lát tư duy, quan anh nói tiếp:

– Phải nói là triều đình ưu ái lực lượng ta. Lương của anh em ta so với bọn hành chính thì chỉ là tép riu, thế mà còn nhiều chính sách ưu đãi như lên lương, lên quân hàm, đặc biệt là có cơ chế để chúng ta có đất làm ăn, vơ vét bọn chúng sinh. Mặc dù chúng ta bị xã hội lên án rất nhiều song chúng nó chẳng làm gì được. Ăn khôn nói dại, trừ triều đình C còng này sụp đổ thì ta mới hết đường vơ vét.

– Quan anh cứ nói đùa chứ sụp là sụp làm sao! Những người như anh em mình đang hưởng công bộc của triều đình, triều đình coi ta là công cụ số một, ta có trách nhiệm bảo vệ triều đình. Đó là sự sống còn của ta. Còn triều đại C còng này thì còn ta. Ta cứ việc trung thành tuyệt đối với triều đình là yên tâm đi, tiền tài ta có, quyền chức ta có. Không những chỉ đời ta mà cả đời con cháu mai sau, em nói vậy quan anh thấy đúng không?

– Cái tật mãn tính của chú là chỉ có nói đúng!

Cả quan anh lẫn quan em cười phá lên một cách mãn nguyện.

– Mà này quan anh ơi, còn chuyện này nữa!

– Chuyện gì quan chú nói anh nghe!

– Chuyện này nghe tức đến chết đi được! Em nghĩ chuyện này do bọn xấu, bọn phản động, bọn thù địch nó tung tin đồn nhảm nhằm hạ uy tín của lực lượng ta, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân ta đối với triều đình vô cùng sáng suốt, và thiên tài của chúng ta quan anh ạ. Nó dám cả gan đặt vấn đề là từ ngày triều đình bắt buộc đội mũ, nón cho đến nay, số người tử vong, bị thương tật do lực lượng trấn giữ của ta truy đuổi gây nên trên toàn vẹn lãnh thổ này xem không có giảm đi so với số vụ tai nạn giao thông trước đây! Anh xem có cay cú không?

– Chú hay có cai bệnh hơi tí nghi cho các thế lực thù địch! Tôi, tôi nghĩ chính trong nội bộ của ta đố kỵ, ghen ăn, tức ở chứ chả phải ở đâu xa lạ.

– ...Vâng, quan anh nói có lý. Từ nay em phải đề cao cảnh giác với chính những thằng đồng đội của ta mới được!

...

– Cả ngày hôm nay nghỉ, không thu được đồng nào, em thấy sốt ruột quá, quan anh!

– Nghỉ là nghỉ thế nào! Tôi đã nói với quan đội trưởng rồi, đợi tý nữa hết giờ cho bọn cơ quan về hết đã rồi ta đi kiếm chác ăn tối. Quan chú cứ chuẩn bị tinh thần đi.

– Vâng, làm việc dưới quyền quan anh em thích lắm, vì ý anh là ý em, không chệch một tý nào.

Hết giờ làm việc buổi chiều, mọi người đi về , chỉ còn vài người phải trực hoặc nhà xa ở lai cơ quan, hai quan Sát Nhân và Sát Dân đi xe của đội phóng về trung tâm thị trấn châu để hành nghề. Xe qua lại tấp nập mà không có ai đầu trần, thỉnh thoảng có vài cậu thanh niên con nhà cán bộ châu phóng nhanh, vượt ẩu trông ngứa mắt nhưng chẳng làm gì được nó nên cứ phải nhắm mắt cho qua. Bỗng từ xa có đôi "uyên ương" mặt búng ra sữa lai nhau đầu trần, cười rúc rích "liều mình như chẳng có".
Quan chú Sát Dân tuân chỉ lệnh của quan anh Sát Nhân tay cầm dùi cui, huýt còi ra hiệu cho xe dừng. Đôi trai gái mặt khôi ngô tuấn tú, ngơ ngác rồi kịp nhận ra mình đã phạm lỗi giao thông nên từ từ dừng xe theo sự chỉ dẫn cua quan Sát Dân.

– Cho kiểm tra giấy tờ! Quan Sát Dân nói.

Người thanh niên mở cốp trình giấy tờ cho quan Sát Dân.
Nhìn lướt qua rồi quan Sát Dân đưa cho quan Sát Nhân kiểm tra. Xem xong, quan Sát Nhân hỏi:

– Tụi bay ở đâu đến?

– Dạ thưa, em ở huyện liền kề đây ạ. Em lên thăm bạn gái làm ở đây, bọn em ra mua thức ăn tối vội đi em quên không đội mũ. Xin các quan bỏ qua cho em, chỗ ở bạn gái em ngay đây thôi ạ.

– Tụi bay nhiều lỗi lắm! Thôi, nộp phạt 300 000đ tiền tồi tệ. Đó là nhân nhượng lắm rồi đó!

– Cho bọn em xin nộp 100 ngàn, còn lại em xin các quan... Người con gái nói với giọng năn nỉ, van xin.

– Trăm ngàn hả? Xin lỗi nhé! Không bõ công tao dừng xe, hiểu chưa? Quan Sát Dân quát.
Tức khí, vốn là người cầm vô lăng lướt trên đường suốt mấy năm nay nên đã quá quen cái cảnh chạm trán với các quan nằm vùng trên quốc lộ, tỉnh lộ, xã lộ cho đến thôn lộ rồi, nên anh ta quả quyết:

– Thôi các ông làm việc đi, tôi nộp phạt.
Quan nọ nhìn quan kia rồi cả hai quan nhìn chằm chằm vào đôi uyên ương chờ động thái chấp hành hình phạt nhỏ nhẹ, đơn giản này. Người thanh niên cũng chờ động thái làm việc của hai quan. Không thấy động tĩnh gì, người trai thanh niên giục:

– Các ông làm việc đi, nhanh tôi còn đi đây.

– Làm việc gì? Một quan quát lại.

– Ông đang làm việc với tôi đây mà ông lại hỏi tôi thế à? Lập biên bản, ghi biên lai thu tiền đi còn gì nữa!

Bất giác hai quan nhìn nhau, lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Thôi chết rồi lấy đâu ra biên lai với biên bản bây giờ, đã đi đánh lẻ, ăn vụng thì lấy đâu ra của chính với đáng! Thật là xui xẻo! Ngày hôm nay gặp phải thằng ranh con ngang bướng, cứng đầu, cứng cổ, bây giờ xử trí ra sao đây!

– Câc ông định ăn không hở? Định không lập biên bản, định không ghi biên lai chứ gì?
Mặt hai quan tím bầm do quá tức giận vì bị hớ hênh, bẽ bàng trước đám đông người xung quanh tụ tập tò mò.

– Thích biên bản hả? Lên đồn, theo tao lên đồn ngay!

– Lên đồn hở? Lên thì lên! Người thanh niên đáp.
Nói rồi một quan nổ xe của đôi nam nữ, bảo người thanh niên ngồi sau phóng đi trước, một quan nổ xe của mình theo sau, phóng lên đại bản doanh của các quan trong lúc trời xế chiều, hoàng hôn chuẩn bị buông.

Người thanh nữ lững thững theo sau lên đồn.

2


Trên đường đi lên đồn đại bản doanh, người thanh niên ngồi sau xe móc điện thoại trong túi ra gọi cho bạn gái:

– Em cứ chờ anh ở ngoài cổng đồn, xong việc anh ra ngay! Yên tâm đi, không có vấn đề gì đâu!

Theo lời dặn của bạn, người thanh nữ ngồi ngoài cổng chờ.

Xe đỗ xuỵch nơi quy định của đồn, mọi người vào phòng làm việc theo chỉ dẫn của quan anh Sát Nhân. Phòng kê hai bàn làm việc, mỗi bàn có hai ghế ngồi, hẳn là một ghế dành cho đương sự, một ghế dành cho các quan khi làm việc. Giữa phòng kê bộ ghế sa-lon gỗ khá hoành tráng. Quan Sát Nhân chỉ chỗ ngồi cho người thanh niên. Anh ngồi xuống rồi quan sát kỹ phòng. Trên phòng treo la liệt những là trích nghị quyết của triều đình, giấy khen, bằng khen của tập thể đội; đặc biệt những điều lãnh tụ của triều đại căn dặn ngành, cho đến những khẩu hiệu với dòng chữ sơn son, thiếp vàng: "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ...". Quan em Sát Dân lấy trong tủ ra mấy tờ giấy trắng rồi ngồi đối diện với người thanh niên ghi biên bản. Quan Sát Nhân đi đi lại lại trong phòng.

– Căn cước tùy thân đâu? Quan Sát Dân hỏi

– Đây!

Người thanh niên vừa trả lời cộc lốc, tay vừa móc túi đưa cho quan Sát Dân.

Sau khi tra hỏi tên, tuổi, sinh trú quán, và toàn bộ nhân thân của người thanh niên, quan Sát Dân thông báo mức nộp phạt là: 700 ngàn đồng tiền tồi tệ và yêu cầu người thanh niên nộp phạt ngay. Người thanh niên đứng phắt dậy phản đối:

– Tôi phản đối cách làm việc của các ông. Thứ nhất, các ông lập biên bản giấy trắng, không có dấu má gì. Thứ hai, mức phạt vô lý. Tôi yêu cầu phải lập biên bản theo mẫu quy định, phải có đóng dấu, bản thân tôi phải được giữ một bản, phải có biên lai thu tiền ghi rõ từng lỗi vi phạm. Nếu không tôi không làm việc với các ông. Các ông muốn làm gì thì làm!

Hai quan nhìn nhau trong giây lát rồi quan Sát Nhân lên tiếng:

– Lập biên bản giữ xe nó lại, đợi ba tháng sau giải quyết!

– Giữ thì giữ! Các ông lập biên bản đi!

Sắc mặt của hai quan bắt đầu đổi màu từ đỏ gay gắt chuyển sang tím bầm như hai mào gà vừa chọi nhau:

– Mày là thằng nào mà đến đây vẫn còn ngang bướng hả? Quan Sát Nhân quát.

– Tôi là thằng Dân, tôi đang làm việc với các quan của triều đình. Tôi yêu cầu các ông làm việc theo phép nước! Tôi vi phạm, tôi chịu phạt, nhưng tôi chỉ nộp phạt theo quy định, tiền tôi phải được nộp cho ngân khố triều đình, tôi không cống nạp cho các ông dù chỉ là một xu. Các ông hiểu chưa?

– Ở đây triều đình là tao! Luật lệ là tao! Mày hiểu chưa, thằng chó? Quan Sát Nhân điên tiết quát.

– Ông nhìn lên tường xem lãnh tụ của triều đại này căn dặn các ông thế nào?

– Thằng chó này, tao phải móc cái họng mày ra, cắt cái lưỡi mày đi để mày xuống dưới âm phủ, mày lên triều đình, rồi vào lăng tẩm để tâu. Xem mày tâu đến đâu, đến ai. Còn ở đây chỉ có tao! Mày hiểu chưa?
Nói rồi quan Sát Nhân lao vào bóp cổ người thanh niên. Người thanh niên chống cự lại, gạt tay ra. Hai người xô đẩy nhau. Quan Sát Nhân bị đẩy lùi xô vào bộ ghế sa lon trong phòng. Thấy vậy, quan Sát Dân xông vào đẩy người thanh niên lại.

– Quan đánh dân! Quan đánh dân! Người thanh niên kêu to, trên đồn không có ai ở đó. Tiếng kêu của người thanh niên chỉ vọng lại trong không gian của căn phòng làm việc.
Quan Sát Nhân càng tức khí, tiếp tục xông vào bóp cổ người thanh niên. Người thanh niên lại đẩy trở lại. So sánh tương quan sức khỏe thì người thanh niên hơn hẳn quan Sát Nhân. Điên quá nhưng không dám giở miếng võ đã được đào tạo trong trường của triều đình C còng vì sợ để lại vết tích trên người nên cố dùng biện pháp nghiệp vụ để tấn công.

Quan Sát Dân thấy thế máu sôi lên đầu, liền vớ lấy thanh gỗ có đóng đinh để dùng vào việc mở bia của phòng, (vì ở cái phòng làm việc này tệ lắm, cứ sắm cái mở bia về được vài ngày là mất, phòng thì liên tục có bia uống, phần vì phải khao anh em bạn bè trong cơ quan vì là đội kiếm chác được; phần thì những người đến xin xỏ giảm lỗi vi phạm giao thông, xin cho xe ra trước thời hạn giữ vân vân và vân vân…) xông tới thúc ngay vào gáy của người thanh niên, người thanh niên khựng lại. Thừa cơ lúc ấy, quan Sát Nhân một tay bóp chặt cổ họng, một tay bóp cổ phía sau, tạo hai gọng kìm thắt chặt lấy cổ người thanh niên, dùng đầu gối thúc hự, hự, hự vào bụng người thanh niên. Tự nhiên người thanh niên rũ rượi sập xuống.

– Thôi chết rồi! Thằng này nó làm sao ấy quan anh ạ! Quan Sát Dân kêu lên.

– Nó giả vờ đấy! Quan Sát Nhân nói.

Quan Sát Dân cố nhấc người thanh niên lên lôi xềnh xệch về phía bàn làm việc mà ban nẫy người thanh niên ngồi. Người thanh niên rũ rượi, mềm nhũn không có phản gì. Quan Sát Dân buông tay để mặc cho người thanh niên nằm bất tỉnh trên nền nhà.

– Nó chết thật rồi quan anh ạ!

– Thằng này chịu đòn kém nhỉ! Đời tớ đã đánh hàng chục thằng còn nặng đòn hơn nhiều mà nó có làm sao đâu! Này, chắc cú đòn thúc bằng cây của quan chú đánh sau gáy làm nó chết đấy!

– Có mà mấy quả thúc đầu gối của quan anh làm nó vỡ bọng đái rồi, nó vãi đái ra quần rồi đây này!

– Nói láo! Ai thúc vào bọng đái nó! Mày dùng thanh gỗ này thúc vào gáy nó! Đây tang chứng, vật chứng đây!

Vừa nói, quan Sát Nhân cầm ngay mẩu gỗ gài vào túi quần sau để làm chứng. Thấy vậy quan Sát Dân rợn tóc gáy, nghĩ trong bụng: Thằng cha này nó đổ tội lên đầu mình đây! Được rồi! Mày đợi đấy!

– Ái chà! Ông định trốn tội hả? Định trút tội lên đầu tôi chứ gì? Không xong đâu! Tôi nói ông nghe: Ông là thằng tổ chức đi làm, là người kêu nó lên đồn, là người hành hung nó, là người thúc vào bụng nó, làm nó lăn ra đây mà định chối hả? Được lắm! Được lắm! Tôi sẽ không để ông yên đâu! Từ lâu tôi đã hiểu cái bụng bẩn thỉu, xấu xa của ông! Đi làm với ông lúc nào ông cũng chia tôi phần thiệt. Mà cả cái đội chết tiệt này nữa, các ông coi tôi là con nít, không hiểu biết gì, lúc nào cũng vượt mặt tôi, lúc nào tôi cũng là thằng thua thiệt. Tôi là thằng ít tuổi nhất trong đội nhưng tôi không là thằng con nít, không biết mô tê gì để các ông làm thế nào thì làm đâu nhé! Được, đã thế thì lần này tôi sẽ cho các ông biết thế nào là lễ độ!

– Mày bỏ ngay cái tính ghen ăn, ghét ở của mày đi ngay! Mày thua thiệt cái gì? Vừa ra trường, mới tò te đã được đưa vào đội “săn bắt” này rồi. Tao hỏi mày ở cái đơn vị này có thằng nào được hên như mày không? Mày ít tuổi, còn sống lâu, thời gian vơ vét còn dài dằng dặc, gấp vài lần bọn tao. Thua thiệt với các quan anh một tý mà đã lồng lộn lên, thật là một thằng tham lam bẩn lòng, bẩn dạ. Còn tao đây, tao không thèm ăn chặn mày một xu nào, mày hiểu chưa? Đấy như cái hôm vừa rồi tao với mày đi ăn mảnh, được bao nhiêu công khai chia ba, mày một, tao hai, mày tưởng tao được ăn hết hả? Tao còn phải cống nạp nào là đội trưởng, nào là đội phó, nào là sếp trưởng đơn vị, các sếp phó cũng không thể bỏ qua. Mày tưởng tự nhiên mày đi ra đứng đường được dễ sao? Ai cho mày ra? Mày ngu lắm thằng khốn nạn ạ. Tao nói cho mày biết, đợt này tao sẽ làm cho mày tù rũ xương, con ạ. Mày định trút tội cho tao ư? Chứng cứ đâu? Có dấu vết gì để lại? Còn mày, chứng cứ rành rành! Đây vết rách bầm mày đánh nó đây, mày xem. Còn cái bụng này tao thúc đầu gối vào đấy nhưng mày có thấy dấu vết gì để lại không? Những đòn hiểm nghiệp vụ của tao có mà trời cũng không bới ra con ạ, hãy nhận tội đi còn được nhẹ. Hiểu chưa?

Quan sát Dân thấy đuối lý, mặt cắt không ra máu, giọng như sụt điện:

– Vậy ông định trút tội cho tôi hết hở? Còn lâu tôi mới để ông yên!

– Ai đã trút tội cho mày! Quan Sát Nhân nói

– Ông nói sao?

– Tao nói lại, không ai trút tội cho mày cả, cả tao lẫn mày không ai có tội. Hiểu chưa?

– Tôi không hiểu ông nói gì!

– Đơn giản là tao với mày không giết nó. Hiểu chưa?

– Vậy là nó khắc chết à?

– Đúng thế! Nó khắc chết, tự nhiên nó lăn đùng ra chết, có thế thôi.

Quan Sát Dân vội quỳ sụp xuống trước mặt quan Sát Nhân:

– Em lạy quan anh! Em lạy quan anh! Em còn non người trẻ dạ, không biết gì nên đã trót mồm xúc phạm quan anh, mong quan anh tha tội. Từ nay suốt đời em không dám thế nữa, suốt đời em đội ơn quan anh, mong quan anh tài cao, trí rộng, sáng suốt để dẹp yên vụ này rồi anh em mình lại cùng nhau sát cánh vơ vét bàn dân thiên hạ.

– Đứng lên, đứng ngay lên! Bây giờ thế này: Quan chú làm chứng cho anh, anh làm chứng cho quan chú là ta không có đánh nó chết, hiểu chưa? Dứt khoát phải như vậy, đi đến đâu cũng phải như vậy!

– Vâng em hiểu, phải như vậy, dứt khoát phải như vậy!

– Quan chú nghe cho rõ rồi thống nhất cao này: Đang làm việc, tự nhiên nó lăn đùng ra chết, đầu nó gục xuống bàn rồi chết, rõ chưa?

– Vâng, nhưng cứ phải chết ở đây sao? Ta bảo nó chết ở đường có được không ạ?

– Không được, không được, vì đã có bao nhiêu người thấy ta đưa nó lên đồn làm việc rồi, nào là dân chúng, nào là mấy thằng đồng đội ở cùng đồn ta, nào là trực ban cơ quan nó nhìn thấy hết rồi còn gì. Không được là không được. Vấn đề hóc búa nhất hiện nay là phải nhanh chóng làm việc với quan khám nghiệm tử thi, làm sao khi khám nghiệm phải kết luận được nguyên nhân cái chết không phải do bị đánh mà có thể là bị sốc thuốc khi chích choác, bị cảm đột tử chẳng hạn, rồi thúc cho gia đình chôn cất nhanh, thế là xong. Bọn dân làng các quan nói sao nghe vậy, biết gì đâu, thôi yên tâm đi!

– Các quan trên, mình báo cáo thế liệu các quan có tin không ạ?

– Không tin cũng phải tin vì các quan có ở đây đâu mà biết, trong khi đó phải tống tiền thật nhiều vào là xong hết.

– Vâng em thấy quan anh quả là cao kiến! Quả là cao kiến!

– Bây giờ đưa nó sang bệnh viện nói là cấp cứu tai nạn giao thông rồi sẽ báo cáo lên các quan trên. Phải bình tĩnh, lúc này phải hết sức bình tĩnh, nghe chưa?

– Dạ vâng ạ!

– Bây giờ chú ôm nó ngồi sau xe, anh cầm lái, đi dắt xe ra cổng sau, không cho ai nhìn thấy. Rõ chưa?

– Dạ.

Quan Sát Dân vội ra dắt xe ra cổng sau, rồi lại quay vào phòng tâu:

– Dạ thưa quan anh! Cổng sau khóa rồi ạ.

– Tìm trực ban lấy chìa khoá mở!

– Dạ vâng.

Trực ban mở cửa, hai quan khệ nệ bế người thanh niên ra xe, dựng người lên kẹp ở giữa hai quan rồi nổ máy phóng ra cổng hậu. Vừa ra khỏi cổng, quan Sát Nhân dừng xe căn dặn người trực ban:

– Ông đừng báo cáo sếp vội, việc đó để tôi trực tiếp báo cáo.

– Vâng, người trực ban trả lời.

Trực ban đóng cửa rồi quay về gặp mấy người đồng đội ở cơ quan bức xúc thông báo:

– Này, hai thằng Sát Nhân và Sát Dân quả này chết chắc rồi các ông ạ!

– Sao vậy! Nói nghe nào!

– Hôm nay cả đội nghỉ, hai thằng cha này đi đánh lẻ, thấy đưa một thằng lên đồn, chắc là hắn không chịu nộp phạt, bây giờ tự nhiên thấy hai thằng ôm nó sang bệnh viện cấp cứu, chẳng biết sống chết ra sao. Kỳ này hai thằng chó chết kia chết là cái chắc! Ăn lắm vào bị quả báo!

– Sao phải đi cấp cứu! Một người hỏi.

– Chắc là cãi vã nhau rồi đánh nó chứ sao! Xe máy nó còn đây này.

– Thôi chết rồi, chết chắc rồi! Cho nó chết! Hai thằng này nhiều người căm phẫn nó lắm rồi, toàn đi ăn mảnh thôi.

– Quan trên bật đèn xanh cho nó đấy, không phải tự nhiên nó hoành hành được thế đâu!

– Rõ là thế còn gì! Phen này nhiều thằng vạ lây!

– Mặc mẹ chúng nó! Chết hết cho sướng, chẳng liên quan gì đến bọn mình. Ai bảo ăn lắm vào! Đã thế thường ngày mặt nó vênh lên, lướt qua lướt lại cơ quan, trông ngứa cả mắt.

– Từ ngày vào đội “săn bắt” hai thằng cha này thay xe xoành xoạch! Cho mày chết! Đáng đời!

– Này! Nó lại còn dặn tôi không được báo cáo các sếp, việc này để nó trực tiếp báo cáo. Các ông thấy thế nào?

– Sao thế được? Ông là trực ban, tất cả mọi việc xảy ra trong cơ quan ông đều có trách nhiệm xử lý, báo cáo sếp. Sao để người khác báo cáo thay? Không được, ông phải báo cáo ngay đi, không là ông chết đấy!

– Thế thì tôi vào gọi điện báo cáo sếp ngay đây.
Người trực ban vào phòng trực bấm số máy gọi luôn cho sếp trưởng cơ quan. Ở đầu kia quan sếp trưởng quát:

– Hôm nay cả đội nghỉ, ai sai chúng nó đi làm? Bọn này nó giết cả đơn vị mình rồi! Gọi điện cho tất cả các sếp phó và các đội trưởng của đơn vị lên họp ngay!

– Dạ vâng em gọi ngay ạ.

...

Xem tiếp: Phần 3-4

---------------------------------
Nguồn: Thông Luận

.
◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!