CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (P.5 - 6)

Vi Đức Hồi

(...Tiếp theo)

5


Cô em gái vợ của quan Sát Dân hớt hải phóng xe máy đến nhà chị gái, vừa dừng xe, tắt máy đã tra hỏi:

– Việc chết người hay sao mà đi đền chùa đêm hôm thế này?

– Việc chết người, đúng là việc chết người!

Rồi thị ta kể đầu đuôi câu chuyện cho em gái nghe.

– Đi luôn, đi luôn! Lên hẳn chùa Độ Thế, chùa to nhất ở xứ này mà cầu. Cô em gái giục.

Ngồi sau xe em gái lướt trên đường với tốc độ cao, cô chị liến thoắng trình bày nội dung sẽ trình trước chùa Độ Thế để tham khảo ý cô em.

– Chẳng cần nhờ thầy trò thằng cha nào hết, đến đấy mua các đồ hàng mã vào thẳng chùa rồi chị tự cầu xin. Việc này nhờ người ta không thể hết nhẽ được.

– Thôi được, mình tự làm, miễn là thành tâm. Người chị tán đồng.
Đến chùa, hai chị em dừng xe trước một nhà hàng mã để sắm đồ tế lễ, mua tờ sớ viết sẵn bằng chữ quốc ngữ cho cô em điền tên tuổi, địa chỉ của hai vợ chồng quan Sát Dân vào, rồi gửi xe đi thẳng lên chùa. Chùa Độ Thế, chùa lớn nhất ở vùng này về đêm vẫn đông khách đến vãn chùa. Trong chùa vẫn la liệt khách làm lễ khấn vái, cầu xin. Đặt lễ vật lên bàn, thắp nhang, hai chị em ngồi bệt trên bệ xi măng giữa nhà chùa nơi giành cho các khách ngồi tế lễ.

Người chị bắt đầu khấn:

– Con na mô A zi đà phật, con na mô A zi đà phật. Con tên là: Đích Thị Xảo Quyệt, chồng con là: Cảnh Sát Dân, ngụ tại... Hôm nay với tấm lòng thành, con đến chùa mang theo các đồ vật quý giá: vàng bạc, ngọc trai, đô la, rượu tây mi li, ô-tô, xe máy hạng xịn, nhà cao tầng mới xây, quần áo com lê cà vạt, giày đinh itali, ngũ quả, hương hoa, cốm oản tinh khiết... Con xin cung tiến lên các quan, mong các quan hạ cố nhận cho kẻ nghèo hèn oan ức đang sống lắt lay ở trên trần gian này. Các quan nhận đủ lễ vật của con xin hãy ra tay cứu giúp cho chồng con là Cảnh Sát Dân thoát khỏi cảnh oan trái mà chồng con phải chịu khoảng hai tiếng đồng hồ vừa qua. Số là hôm nay là ngày chồng con được nghỉ, không phải ra đứng đường như mọi ngày. Khốn nỗi cái thằng quỷ tha ma bắt, có tên Cảnh Sát Nhân, lợi dụng ngày nghỉ, nó lôi kéo chồng con đi chặn xe ăn mảnh. Gặp phải một thanh niên không đội mũ bảo hiểm. Đòi nó hối lộ, nó không chịu, Cảnh Sát Nhân bắt nó lên đồn tiếp tục hăm dọa và đòi tiền hối lộ những bảy trăm ngàn. Nó khùng lên phản đối. Quan Sát Nhân xông vào đánh nó. Thấy vậy chồng con liền nhảy vào can ngăn nhưng không được. Quan Sát Nhân hai tay bóp cổ, đầu gối thục vào bụng nó mấy cái làm vỡ bọng đái. Người thanh niên lăn đùng ra chết tươi. Bây giờ tên quan Sát Nhân đó nó phủi tay, nó đổ tội cho chồng con là dùng gậy phang vào gáy người thanh niên, làm nó chết. Con cầu xin các quan dùng quyền lực tối thượng của mình hãy trừng phạt đích đáng tên ác ôn giết người kia. Mọi tội vạ các quan trút hết lên đầu nó, phù hộ cho chồng con vô tội. Tối nay vợ tên quan Sát Nhân nó cũng khăn gói lên đường vô đền Giải Oan để kêu cứu cho chồng thị ta thoát tội. Nó sẽ nhờ các quan ở đó trút hết tội lên đầu chồng con. Nhưng các quan ở cái đền nhỏ bé ấy, chức tước chỉ vào cỡ hàng làng xã, cấp dưới mấy bậc các quan ở đây và thuộc quyền cai quản của các quan trên này. Con biết các quan ở chùa này quyền cao, chức trọng, ngang hàng quan tổng đốc, cai quản vài tỉnh chứ chả chơi. Thế nên con đến đây cầu xin các quan ra chỉ dụ cho các quan dưới đền Giải Oan bác bỏ sớ và lời cầu xin của vợ chồng tên Cảnh Sát Nhân ở dưới đó. Con na mô A zi đà phật, con na mô A zi đà phật.

Hai chị em thu dọn lễ vật, hóa vàng mã rồi ra về thanh thản vì trút được nỗi lo âu.

*


Hai quan Sát Nhân và Sát Dân đưa nhau ra chỗ vắng rồi cùng nhau đếm tiền nhét vào phong bì theo sự thống nhất đã bàn trước.

– Quan anh cầm cả đi rồi đưa cho mọi người. Quan anh cứ chủ động nhé! Việc này tế nhị, một mình quan anh làm thôi! Quan Sát Dân nói.

– Quan chú yên tâm đi. Việc này anh thạo lắm rồi.
Nói rồi hai người lên xe đi về đồn tìm gặp quan Đồn trưởng.

– Thưa sếp, tụi em đã chuẩn bị xong ạ. Quan Sát Nhân thưa.

– Ta đã xếp xong người khám nghiệm tử thi. Tụi bay đến đó gặp người ta cho sớm. Người này phụ trách, hai người này cùng theo, đều trong hội đồng.

– Dạ vâng! Dạ thưa còn lại...

– Cứ lo việc ấy đi đã!

– Dạ tụi em đi luôn ạ

Hai quan chào sếp rồi đi ra khỏi phòng, vội vã đi gặp quan pháp y.

– Dạ, thưa em thừa lệnh sếp trưởng của cơ quan em đến gặp sếp để cảm ơn lòng nhiệt tình của sếp đã nhận lời khám nghiệm tử thi ngoài giờ vụ tai nạn xảy ra ở cơ quan em ạ. Quan Sát Nhân lễ phép nói.

– Quan sếp trưởng của anh đã nói kỹ với tôi rồi. Anh là người gây ra vụ này phải không? Được rồi, tôi sẽ cố gắng!

– Dạ em đội ơn sếp ạ! Em có... gọi là một chút ban đầu để tỏ lòng biết ơn sếp và các quan cộng sự của sếp đối với tụi em. Đây là của sếp, còn đây là của hai cộng sự sếp, nhờ sếp đưa giùm em và nói giùm em lời cảm ơn thống thiết nhất của tụi em, cơ quan em tới các quan anh đã sắp ra tay cứu giúp.

– Thôi được rồi, anh cứ về đi. Tôi sẽ cố gắng hết sức.

– Dạ em về ạ! Em sẽ còn phải cảm ơn quan anh nhiều hơn thế này nữa ạ. Mong quan anh hết lòng cứu thế cho tụi em ạ.

– Được rồi. Tôi biết! Tôi biết!

*


Tại nhà của người thanh niên xấu số, chuông điện thoại cầm tay của thân phụ nạn nhân reo. Ông mở máy. Tiếng người ở đầu bên kia hỏi:

– Thưa, ông có phải ông là... là bố đẻ của anh... không ạ?

– Vâng, chính tôi đây! Xin hỏi có việc gì ạ?

– Xin ông hãy bình tĩnh để chúng tôi thông báo. Chúng tôi là những người chức trách của triều đình, chúng tôi đang ở trụ sở chính quyền xã sở tại. Chúng tôi xin mời gia đình ông lên ngay trụ sở này để chúng tôi thông báo cho gia đình một tin rất quan trọng. Xin ông lên ngay ạ.

Thân phụ của người thanh niên bàng hoàng, biết chắc là con trai mình đã bị làm sao vì chiều nay nó lên chỗ bạn gái nó, hiện chưa về. Ông gặng hỏi:

– Chắc cháu nó làm sao phải không ạ? Nó đánh nhau hay tai nạn gì xin anh cứ nói qua điện thoại để chúng tôi biết. Tôi đủ bình tĩnh nghe đây.

– Xin mời ông cùng gia đình lên đây để tập thể chúng tôi có trách nhiệm thông báo rõ ràng ạ. Chúng tôi đang chờ ông. Xin ông lên ngay cho ạ.

Ông một mình phi xe máy lên trụ sở để nhận thông báo. Chiếc ô-tô đặc chủng của ngành chuyên chính đỗ giữa sân trụ sở. Ở đó có đến hơn chục người đang đợi ông. Những người ông quen biết là trưởng thôn, trưởng xã, và một số người trong chính quyền xã cho đến những người lạ mặt, người thì thường phục, người thì quân phục trông rất chỉnh tề.

Mọi người mời ông ngồi, rót nước mời ông uống rồi một người đại diện đứng lên hắng giọng, thông báo:

– Xin ông hãy bình tĩnh để chúng tôi thông báo tin buồn cho ông: Con trai ông tên là... đã bị chết. Chúng tôi đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu. Hiện cháu đang ở bệnh viện huyện. Chúng tôi thông báo để gia đình lên cùng cơ quan chức năng làm thủ tục rồi đưa cháu về.

Thân phụ người nam thanh niên xấu số rụng rời chân tay, đầu óc quay cuồng, tim thắt lại. Thế rồi, trong phút chốc bản lĩnh của người lính trỗi dậy khiến ông lấy lại can đảm và nhận ra rằng: Việc tổ chức thông báo trịnh trọng khác thường thế này chắc chắn là cái chết của con mình có những uẩn khúc! Mình phải bình tĩnh, sáng suốt để làm rõ vụ việc.

– Tôi đề nghị các ông thông báo rõ nguyên nhân cái chết của cháu: Cháu chết ở đâu? Cháu chết trong tình trạng nào?

– Bây giờ gia đình cứ lên bệnh viện huyện để rồi chúng ta cùng làm thủ tục. Rồi ông sẽ biết nguyên nhân.

– Tôi chỉ yêu cầu các ông cho tôi biết con tôi chết ở đâu, chết như thế nào. Đơn giản vậy mà các ông không trả lời được sao?
Các quan người nọ nhìn người kia vẻ vừa lúng túng, vừa muốn đưa đẩy cho nhau. Mãi một lúc sau, một quan (chắc là người phụ trách) mới lên tiếng:

– Chiều nay cháu đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, nhà chức trách mời lên đồn làm việc. Trong khi đang lập biên bản, cháu biểu hiện sức khỏe không bình thường. Chúng tôi đưa sang viện cấp cứu. Đến viện, cháu đã tắt thở. Sự việc là như vậy, nguyên nhân làm sao cháu chết sẽ được làm rõ. Chúng tôi cũng chỉ biết thông báo ban đầu cho gia đình biết thế thôi. Mong gia đình bình tĩnh rồi lên đó cùng làm việc.
Nén đau thương căm phẫn trong lòng, ông tức tốc phóng xe về thông báo cho vợ con, họ hàng biết. Tiếng khóc, tiếng rên xiết, tiếng nức nở bùng phát. Làng quê yên tĩnh bỗng chốc xáo động. Tiếng chửi độc, tiếng nguyền rủa của dân làng làm sự phẫn nộ tăng lên tột đỉnh.

Mấy người già trong dòng họ cho ý kiến: Yêu cầu bố mẹ của nạn nhân không được đi vì lo phải nhập viện cấp cứu, và đề nghị họ hàng, dòng tộc, làng xóm láng giềng, ai đi được cố gắng đi. Yêu cầu của gia đình là kiên quyết bắt chúng nó phải trả lời bằng được nguyên nhân gây nên cái chết của người nhà mình, cố gắng kiềm chế, không nên manh động và quá khích; thường xuyên liên lạc về nhà để thống nhất cách giải quyết. Thế là người zin hai, zin ba, người đội mũ bảo hiểm, người đầu trần, bất chấp các quy định của triều đình, hàng chục chiếc xe gắn máy phóng thẳng một mạch lên bệnh viện.

Tại cơ quan gây án, trưởng đồn cho triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các đội trưởng, ban chỉ huy đồn để thông báo tình hình. Trưởng đồn thông báo ngắn:

– Theo báo cáo của hai viên quan Sát Nhân và Sát Dân, chiều nay khi hết giờ làm việc, hai viên quan này ra đường làm nhiệm vụ trật tự giao thông. Có đôi thanh niên nam nữ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Hai viên quan cho dừng xe xử phạt. Người thanh niên không chấp hành. Hai viên quan đưa lên đồn giải quyết. Trong khi lập biên bản, người thanh niên có biểu hiện sức khoẻ không bình thường, gục xuống bàn, xùi bọt mép ra. Hai viên quan lập tức đưa sang viện cấp cứu. Đến nơi, đã tắt thở.
Sự việc sẽ được sáng tỏ sau khi có kết luận điều tra, hiện giờ tất cả các quan, các sĩ trong đồn nhất nhất phải phát ngôn đúng với lời của hai viên quan báo cáo. Yêu cầu các quan quán triệt tinh thần này trong đơn vị mình thông suốt, và trả lời cho dân chúng khi quần chúng nhân dân tò mò hỏi. Ai trái sẽ bị xử phạt.

Lệnh cho toàn đơn vị tập trung đầy đủ quân số, sẵn sàng trong trạng thái nâng cao. Tất cả đội an ninh, đội hình sự, hai đồn phó cùng tôi sang bệnh viện để đảm bảo anh ninh trật tự, đội giao thông làm nhiệm vụ chặn các lối ra vào bệnh viện nhằm hạn chế dân chúng kéo vào xem. Còn lại một đồn phó cùng các lực lượng còn lại tất cả trực chiến ở trên đồn chờ lệnh. Tôi sẽ là người trực tiếp làm việc với gia đình và các cơ quan liên quan.

Đề phòng các phần tử xấu, các thế lực thù địch lợi dụng kích động quần chúng gây bạo loạn, làm mất trật tự an ninh, ảnh hưởng chính trị xấu cho đơn vị, cho ngành, cho địa phương. Có ai có ý kiến gì không? Không ai có ý kiến, cuộc họp chấm dứt. Tất cả giải tán. Yêu cầu mọi người bắt tay ngay vào việc của mình.
Tại bệnh viện huyện, bỗng chốc các quan, sĩ của đồn có mặt đông đúc, khiến các bệnh nhân nằm viện, những thân nhân của bệnh nhân đến chăm sóc người nhà, các nhân viên bệnh viện trực ca đêm nhốn nháo ngơ ngác tò mò hỏi nhau. Bệnh viện bắt đầu được phong tỏa, khách vào bệnh viện được chặn đứng từ bên ngoài.

Quan đồn trưởng tìm hai hai viên quan Sát Nhân và Sát Dân:

– Tụi bay còn ở đây làm gì? Lánh mặt đi chỗ khác ngay! Lởn vởn ở đây, người nhà nó phát hiện, hoặc có thằng nào chỉ cho người nhà nó biết thì toi mạng. Hiểu chưa?

– Dạ vâng, tụi em biết rồi ạ!

Hai viên quan lẻn ra đằng sau biến mất.

Đoàn người nhà của người thanh niên xấu số đến. Mọi người lao vào vây quanh lấy xác chết, gào thét inh ỏi. Quan đồn trưởng phải nhờ bệnh viện cử người đến trấn an.

– Xin các bác, các anh, các chị lặng yên để chúng tôi làm việc. Một quan chức của bệnh viện đề nghị.

– Cho chúng tôi gặp ông đồn trưởng! Một người đại diện gia đình nạn nhân đề nghị.

– Tôi đây! Quan đồn trưởng xuất hiện.

– Gia đình chúng tôi yêu cầu ông cho biết nguyên nhân cái chết của cháu.

– Việc này chúng tôi đã thông báo cho thân mẫu của cháu biết, chắc chắn thân mẫu của nạn nhân đã thông báo lại cho các bác, các anh chị biết. Còn nguyên nhân cái chết sẽ được làm rõ trong thời gian gần nhất.

– Chúng tôi yêu cầu gặp người chiều nay đã trực tiếp làm việc với người nhà chúng tôi!

– Hai người hiện không có ở đây! Chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại nhưng không được. Tôi rất mong gia đình bình tĩnh, cùng hợp tác với chúng tôi để cho cháu được yên nghỉ. Những việc khác chúng ta sẽ giải quyết sau. Ý gia đình thế nào cho chúng tôi biết.

– Chúng tôi chỉ yêu cầu các ông trả lời vì sao người nhà tôi chết, mà lại chết tại đồn các ông. Người đại diện gia đình nạn nhân gay gắt.

– Cái đó chúng tôi sẽ trả lời sau. Bây giờ tôi đề nghị gia đình hãy đưa cháu về mai táng cho cháu. Gia đình thấy thế nào? Quan đồn trưởng đề nghị.

– Không được! Nếu các ông chưa trả lời thì gia đình chúng tôi vẫn chờ chực ở đây. Vị đại diện gia đình nạn nhân kiên quyết.

– Phải tiến hành khám nghiệm tử thi thì mới có cơ sở để kết luận bác ạ. Quan đồn trưởng giải thích.

– Vậy thì yêu cầu khám nghiệm tại đây, có kết luận rõ ràng rồi chúng tôi sẽ đưa cháu về!

– Thôi được, cho mời các quan pháp y đến đây để làm nhiệm vụ.
Như thần thông biến hóa, quan pháp y xuất hiện trước mặt mọi người.

6


Cuộc khám nghiệm được tiến hành. Các quan pháp y bắt tay vào việc của mình. Biên bản được ghi theo sự phán quyết của quan pháp y phụ trách:

– Phần ngoài thân thể của nạn nhân, từ chân tay, mình mẩy không có dấu vết gì; sau gáy có vết rách dài 5cm; phần cổ hai bên phía dưới cằm có vết tím, khẳng định là vết chàm xuất hiện sau khi nạn nhân chết.

– Người nhà tôi không có vết chàm trên cổ, yêu cầu kiểm tra lại! Người nhà nạn nhân phản đối.

– Tôi nói là vết chàm xuất hiện sau khi nạn nhân chết, nghe chưa? Giọng của quan phụ trách gay gắt.

– Vô lý! Vết chàm là vết xuất hiện từ khi lọt lòng mẹ, làm gì có vết chàm xuất hiện sau khi chết? Người nhà nạn nhân phản bác.

– Các ông, bà có tin tưởng vào chuyên môn không? Nếu không tin thì tự đi mà làm. Tôi làm công, ăn lương lúc nào cũng khách quan, trung thực. Những kết luận của tôi đều dựa trên cơ sở khoa học.

– Ông nói thế mà nghe được à? Chúng tôi là người dân, thấy vô lý thì chúng tôi hỏi. Ông ăn bổng lộc của dân, ông lại đi thách đố với dân chúng tôi. Ông tự xem có được không? Ông giải thích lại cho chúng tôi nghe tại sao lại có vết chàm trên cổ của người nhà tôi.

– Đây là vết sau khi nạn nhân chết, máu tụ lại.

– Tại sao máu lại tụ lại? Có phải nguyên nhân do tác động bên ngoài?

– Không có tác động bên ngoài, mà con người ta khi còn sống, máu lưu thông khắp cơ thể, khi chết máu ngưng đọng, nạn nhân này máu khựng lại ở cổ, gọi là tụ máu. Nhiều người khác cũng có hiện tượng tương tự thế này nhưng ở chỗ khác, thí dụ như ở chỗ kín chẳng hạn nên ta không để ý, không biết.

– Chúng tôi không chấp nhận cách giải thích của ông!

– Tôi chỉ giải thích các ông, bà trên góc độ chuyên môn.
Tiếp tục công việc khám nghiệm, quan quan pháp y mổ phần đỉnh đầu để kiểm tra.

– Chúng tôi yêu cầu kiểm tra vết rách sau gáy! Độ dài, độ sâu, cái gì tác động đến? Người nhà nạn nhân lại lên tiếng.

– Mổ ở trên đầu là có thể kết luận được các phần khác trên cơ thể người đó, đầu là cơ quan trung ương đóng đô ở đó nên mọi phát sinh ở cơ thể con người cơ quan trung ương đều nhận biết, vì thế không nhất thiết phải kiểm tra trực tiếp vết thương. Quan phụ trách pháp y giải thích.

– Phần trên đầu bình thường. Quan pháp y phụ trách kết luận.
Biên bản lại được tốc ký theo kết luận của quan phụ trách.

– Đề nghị các ông giải thích: bình thường là bình thường thế nào? Người nhà nạn nhân lại yêu cầu.

– Bình thường là bình thường, là không có gì đặc biệt.

Tiếp đến là động tác rạch bụng để kiểm tra bên trong.

– Nội tạng bên trong bình thường. Quan pháp y phụ trách lại phán.

– Bọng đái sao nó xẹp vậy? Lẽ ra nó phải có nước bên trong mới phải? Người nhà nạn nhân nhao nhao hỏi.

– Khi nạn nhân dẫy chết, nước đái một phần vãi ra, một phần được điều tiết cấp cứu nuôi cơ thể nên bọng đái cạn kiệt nước. Quan pháp y phụ trách lại giải thích.

– Thôi tốt nhất là không nói với bọn này nữa, để lát nữa nó kết luận cuối cùng thế nào! Người nhà nạn nhân tự bảo nhau.
Các vết mổ được khâu lại cẩn thận. Cuộc khám nghiệm kết thúc. Quan pháp y phụ trách thông báo:

– Cuộc khám nghiệm đã xong, chúng tôi sẽ đưa biên bản này về để trình hội đồng kết luận rồi sẽ thông báo cho gia đình sau. Bây giờ gia đình ký vào biên bản rồi đưa nạn nhân về mai táng.

– Chúng tôi yêu cầu trả lời về nguyên nhân cái chết của người nhà tôi. Người đại diện gia đình nạn nhân kiên quyết.

– Chúng tôi chỉ có trách nhiệm ghi biên bản trung thực qua khám nghiệm, còn kết luận phải có ý kiến của trên. Quan phụ trách lại giải thích.

– Gia đình chúng tôi không chấp nhận được cuộc khám nghiệm này và chúng tôi không ký biên bản.

Quan đồn trưởng từ nãy đến giờ chỉ đứng vòng ngoài quan sát, nay đến lượt phải ra tay. Ông ta đến sát người đại diện gia đình ôn tồn:

– Bác ký vào biên bản đi, vì bất cứ cuộc làm việc nào đều phải có biên bản, và các bên phải cùng ký. Còn việc bác chưa đồng ý với cuộc khám nghiệm này thì đó lại là việc khác.

– Tôi nói là tôi không đồng ý với cung cách làm việc này, vì thế tôi nhất định không ký, đến đâu thì đến.

Mọi người xúm lại lấy vải cuốn lấy người nạn nhân của nhà mình rồi cứ thế đưa nạn nhân về nhà.

Bỗng có một chiếc xe bán tải chở chiếc quan tài sơn son, thiếp vàng đi vào. Người nhà nạn nhân ngơ ngác hỏi nhau:

– Chúng nó định làm gì vậy? Nó định mai táng con nhà mình tại đây sao?

Quan đồn trưởng giải thích:

– Nghĩa tử nghĩa tận, dù sao thì cháu cũng đã mất. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu các nhà chức trách sẽ làm rõ. Chúng tôi đã chuẩn bị xe, quan tài, đề nghị gia đình cho liệm cháu rồi xe chúng tôi đưa cháu về. Để thế này trông tội nghiệp, thương xót lắm!

– Cảm ơn về sự tốt lòng của các ông! Chúng tôi không cần sự giúp đỡ đó, chúng tôi tự lo liệu được.

– Quan tài đã mua, xe chúng tôi đã chuẩn bị, đề nghị gia đình chấp nhận cho về sự quan tâm của chúng tôi!

– Cảm ơn các ông! Quan tài đó để chôn thằng khác, người nhà tôi không cần. Chúng tôi yêu cầu sáng sớm mai, các ông đến gia đình chúng tôi làm việc tiếp. Bây giờ chúng tôi đưa người nhà tôi về.
Hai thanh niên khoẻ, một người trước, một người sau dùng hai xe máy cáng nạn nhân về. Các quan, sĩ của đồn nhìn theo cho đến khuất mắt, rồi cũng rã đám ra về.
Bà con lối xóm, anh em họ hàng tụ tập chật ních đón người thanh niên xấu số về nhà, tiếng khóc, tiếng gào thét, tiếng chửi độc inh ỏi, suốt cả đêm cái làng bé nhỏ, yên tĩnh, những người dân hiền lành, chất phác, hay lam, hay làm bỗng sục sôi lòng căm phẫn, uất hận...

Viên quan đồn trưởng huyện rút điện thoại báo cáo vụ việc với quan đồn trưởng tỉnh:

– ...Thưa! Họ mang xác nạn nhân về rồi ạ. Họ không chấp nhận kết quả khám nghiêm tử thi, họ không cho liệm ở đây! Họ yêu cầu sáng mai đến nhà làm việc tiếp ạ.

– Sáng mai trước giờ làm việc, ông lên gặp tôi để bàn. Giờ đã khuya, với lại nói qua điện thoại không tiện.

– Dạ vâng, sáng mai em lên ạ.
Sáu giờ sáng hôm sau, quan đồn trưởng huyện đã có mặt tại phòng làm việc của quan đồn tỉnh trưởng.

– Sao! Đầu đuôi câu chuyện thế nào?
Quan đồn trưởng huyện kể ngọn ngành cho quan đồn tỉnh trưởng. Nghe xong quan đồn tỉnh trưởng phán:

– Ông quản lý lính thế này thì chết rồi! Xui xẻo cho cái ngành của ta, hết vụ Đống Đa Hà Nội, đến vụ Hà Đông, vụ Cồn Dầu... nay lại đến vụ này. Bây giờ đối phó làm sao! Ăn nói thế nào với bàn dân thiên hạ! Ông có phương án gì để đối phó với tình hình nói tôi nghe!

– Dạ thưa sếp, ban đầu tụi em tìm cách phủi tay, khẳng định nó chết do cảm hoặc chích choác đột tử. Em đã bố trí cho các quan pháp y của mình khám nghiệm kết luận không có dấu vết gì khả nghi bị đánh đập. Đến khi tiến hành khám, gia đình họ không nghe, không chịu ký biên bản. Họ không thừa nhận kết quả khám nghiệm. Chắc chắn hôm nay đến gặp họ, họ sẽ yêu cầu khám nghiệm lại, bây giờ tính sao đây quan anh?

– Kiểu gì cũng phải chịu tai tiếng rồi. Cái chính là đừng để nó loang ra, đừng để nó tạo ra điểm nóng, đừng để các phần tử xấu lợi dụng cơ hội gây mất trật tự anh ninh chính trị. Đặc biệt là cảnh giác với các thế lực thù địch kích động gây hận thù giữa quần chúng nhân dân với lực lượng ta. Bây giờ gia đình gay gắt nhất là về chuyện gì?

– Dạ họ yêu cầu phải trả lời bằng văn bản cho họ về nguyên nhân gây ra cái chết của con họ. Họ đòi có biên bản hiện trường. Em giải thích cho họ là khi xảy ra anh em cấp tốc mang đi cấp cứu nên không có biên bản. Họ lại yêu cầu có báo cáo chính thức của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này. Bây giờ em không biết làm sao nữa thưa quan anh!

Tăng cường động viên, làm công tác tư tưởng để gia đình đem chôn cất, xong xuôi sẽ tính. Đó là biện pháp tốt nhất.

– Dạ thưa quan anh, họ không nghe đâu ạ, họ tuyên bố khi nào làm rõ nguyên nhân cái chết của con họ thì họ mới an táng. Em đã giải thích là phải chờ kết quả khám nghiệm tử thi thì mới có kết luận nhưng họ không nghe.

– Vậy thì cố gắng dây dưa kéo dài thời gian ra, buộc họ phải chôn cất. Chắc họ không thể để dài ngày được. Xong xuôi việc đã rồi ta sẽ làm công tác tư tưởng, vận động gia đình từ bỏ việc kiện cáo, tăng mức bồi thường cho gia đình là xong hết ấy mà. Tôi sẽ có ý kiến bên pháp y để họ xử lý theo hướng của ta khi phải tiến hành khám nghiệm lại.

– Vâng, em sẽ triển khai theo chỉ dẫn của quan anh.

– Mấy phi vụ Hà Nội, Hà Đông, Cồn Dầu người ta còn dẹp được, huống chi vụ này thấm vào đâu! Tôi tin ông sẽ dẹp được yên.

– Dạ em chào sếp em về.

- Tôi cử một tổ sĩ quan xuống cùng ông xử lý vụ này, chu đáo với họ nhé!

– Dạ cảm ơn sếp ạ.

*


Đến tám giờ sáng, một tốp quan gồm quan đồn trưởng huyện dẫn đầu cùng một số quan đồn của tỉnh và huyện đến gia đình nạn nhân theo yêu cầu của phía gia đình.

– Chúng tôi phản đối cung cách khám nghiệm tử thi hôm qua! Người của các ông làm việc tắc trách, vô trách nhiệm, các ông coi thường dân chúng tôi, lừa bịp chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu tổ chức khám nghiệm lại và phải thay đổi hội đồng khám nghiệm. Phía gia đình của nạn nhân yêu cầu.

– Vâng, chúng tôi sẽ đáp ứng yêu cầu của gia đình! Quan đồn trưởng miễn cưỡng trả lời.

Buổi chiều, 14h cuộc khám nghiệm lần hai bắt đầu. Lần này các quan khám nghiệm mổ rộng đầu nạn nhân về phía sau gáy kiểm tra vết rách sau gáy, xác định vết tím bầm ở cổ và vết rách sau gáy có tác động từ phía bên ngoài, rạch lại bụng của nạn nhân kiểm tra bên trong. Tất cả đều lấy mẫu để đi kiểm tra, xét nghiệm.

– Đề nghị kiểm tra kỹ bọng đái. Người nhà nạn nhân yêu cầu.
Tức thì quan pháp y dùng dao cắt phăng bọng đái lấy ra ngoài đặt lên trên ngực của nạn nhân.

– Đây, bọng đái đây! Quan pháp y nói vẻ bực tức.

– Bọng đái sao bên trong không có nước? Kiểm tra xem có bị vỡ không? Người nhà nạn nhân nhao lên hỏi.
Quan pháp y nhấc lên kiểm tra cho xong chuyện, rồi tuyên bố:

– Không có vết thương, không có bị vỡ.
Cuộc khám nghiệm lần hai kết thúc chóng vánh. Các vết rạch, mổ lại được khâu lại cẩn thận. Quan pháp y phụ trách thông báo:

– Chúng tôi sẽ đưa các mẫu này đi xét nghiệm, khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo ngay cho gia đình. Hiện giờ chúng tôi không có phát biểu gì, đề nghị gia đình yên tâm. Chúng tôi sẽ trung thực, khách quan.

Quan đồn trưởng tiếp lời:

– Bây giờ gia đình cứ tổ chức mai táng cho cháu, mọi việc sẽ được sáng tỏ sau khi có kết luận của hội đồng khám nghiệm tử thi.

– Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu ông đồn trưởng gửi cho chúng tôi một biên bản tại chỗ khi xảy ra cái chết của con tôi tại cơ quan ông.

– Chúng tôi đã thông báo nhiều lần với gia đình là lúc xảy ra, mọi người lập tức đưa cháu đi cấp cứu ngay nên không có biên bản, mong gia đình thông cảm cho.

– Chúng tôi cũng đã yêu cầu nếu không có biên bản, các ông phải gửi cho gia đình chúng tôi một báo cáo về toàn bộ sự việc diễn ra ngay tại lúc đó, để chúng tôi biết nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của con tôi.

– Vâng, chúng tôi sẽ có báo cáo gửi gia đình.

– Ngay chiều tối nay các ông phải có báo cáo đưa cho chúng tôi để chúng tôi yên tâm tổ chức mai táng cho cháu. Chừng nào chưa làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu thì gia đình chưa tổ chức mai táng. Mọi việc phụ thuộc vào các ông!

– Vâng, chúng tôi sẽ cố gắng có báo cáo sớm gửi gia đình.

– Sớm là lúc nào? Chúng tôi yêu cầu ngay chiều tối nay, liệu các ông có đáp ứng được không? Người nhà nạn nhân tỏ thái độ rứt khoát.

– Vâng chúng tôi sẽ cố gắng.

Nói rồi các quan, sĩ bỏ ra về. Mấy người họ hàng của gia đình nạn nhan chửi với theo sau:

– Đồ khốn nạn, nó lừa ta đấy! Nó định dây dưa kéo dài để có cớ phủi tay vô tội đấy mà! Được lắm. Hãy đợi đấy!


...

Xem tiếp: Phần 7-8

---------------------------------
Nguồn: Thông Luận

.
◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!