Top 10 câu chuyện thời sự Việt Nam 2009

Những tờ lịch cuối cùng của năm 2009 đang từ từ rơi xuống. 365 ngày đi qua với nhiều sự kiện, biến cố xảy ra trên khắp thế giới. Bên ly cà phê cuối năm này là bản tổng hợp tin tức - hay còn gọi là TOP 10 câu chuyện thời sự Việt Nam.

Không giống với những danh sách TOP 10 của bất kỳ một tờ báo, trang mạng hoặc blog nào khác - TOP 10 này chỉ xoay quanh các vấn đề liên quan đến Việt Nam và điểm đặc biệt là - chỉ tập trung vào những chủ đề mang tính hệ thống, tức là có sự lặp lại với 2 sự kiện trở lên. Mỗi sự kiện trong cùng chủ đề sẽ được tóm tắt trong một cái gạch đầu dòng, hoặc đơn giản chỉ là một liên kết, hay một đoạn video clip...

Sau đây là danh sách TOP 10 vấn đề thời sự Việt Nam 2009:

1. Con Đường Dân Chủ còn lắm chông gai

Vấn đề nổi bật nhất trong năm 2009 có lẽ là việc bắt giam và khởi tố một loạt các nhà đấu tranh dân chủ trong nước.

- Đợt 1 gồm Ô. Lê Công Định, một luật sư có tiếng ở Sài gòn, và nhóm nghiên cứu Chấn do Ô. Trần Huỳnh Duy Thức thành lập.
Ô. Lê Công Định được biết đến như là một luật sư đã tham gia nhiều vụ án nổi tiếng như các vụ kiện tranh chấp thương mại về cá tra, ba-sa với nước ngoài; các vụ bào chữa cho những nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân. Ngoài ra, luật sư Lê Công Định còn là tác giả của nhiều bài viết kêu gọi canh tân, cổ vũ dân chủ đăng trên BBC, Tia Sáng và Tuổi Trẻ.

Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức


Ô. Trần Huỳnh Duy Thức là kỹ sư Công nghệ Thông tin, chủ Công ty TNHH Một Kết Nối, khởi xướng "Nhóm nghiên cứu Chấn" trên cơ sở dự đoán cho rằng năm 2010 sẽ năm vong và tiếp đến 2020 sẽ là năm tận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó thực hiện kế sách "Đoài đánh Đoài" nhằm lợi dụng mâu thuẫn giữa 2 phe cấp tiến và bảo thủ trong nội bộ Đảng CS triệt tiêu lẫn nhau, mở đường cho thể chế đa đảng sau này, và nhóm Chấn sẽ là một trong số các tổ chức chính trị thuộc thể chế đó.

- Đợt 2 gồm Ô. Nguyễn Tiến Trung và Ô. Trần Anh Kim. Cả hai đều là cựu quân nhân thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ô. Nguyễn Tiến Trung đã tốt nghiệp cao học ngành Công nghệ Thông tin tại Pháp. Từ nhiều năm trước đã công khai tham gia Đảng Dân chủ và điều hành Tổ chức Tập hợp Thanh niên Dân chủ. Về nước và "được" gọi đi nghĩa vụ quân sự đầu năm 2008. Trong thời gian tại ngũ, đã khẳng khái không đọc lời thề "Trung với Đảng (Cộng sản)", đây cũng là hành động dễ lý giải vì trong lý lịch nhập ngũ Ô. Trung đã ghi rõ là đảng viên Đảng Dân chủ. Ngoài ra, còn một điều mà bất kỳ một công dân nào cũng nhận thấy là "Trung với Nước" hoàn toàn khác xa "Trung với Đảng", bởi lẽ đảng phái chỉ là một tổ chức chính trị KHÔNG ĐƯỢC PHÉP ĐẠI DIỆN CHO QUỐC GIA, DÂN TỘC.

Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim


Ô. Trần Anh Kim mang quân hàm Trung tá trong QĐND Việt Nam, đã nghỉ hưu và thường xuyên tham gia các cuộc tranh đấu cho dân oan.

* Trong những ngày cuối năm này, nhà nước CHXHCN Việt Nam bất ngờ chuyển tội danh truy tố cho các nhà hoạt động dân chủ từ vi phạm điều 88 sang điều 79 (Luật Hình sự). Hình phạt cao nhất nhắm đến tội danh "lật đổ chính quyền nhân dân" ở điều 79 là mức án tử hình! Việc cho phổ biến "dọn đường" bản cáo trạng trên các phương tiện truyền thông trước khi xét xử càng chứng tỏ sự yếu kém và phi nhân quyền của pháp luật Việt Nam hiện hành.

2. Sự thành công của người gốc Việt trên xứ sở Tự Do

Trước đây, số người gốc Việt thành công trên xứ người còn rất hiếm, chỉ vài người được biết đến như nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, doanh nhân Trần Đình Trường, ...

Năm 2009 được xem là năm rạng rỡ của dòng dõi Lạc Hồng trên khắp năm châu. Ít ai ngờ vài chục năm trước, nhiều người trong số họ đã phải liều mình vượt hiểm nguy, từ bỏ quê cha đất tổ để mưu cầu Tự Do trên xứ lạ, trong thân phận của người tỵ nạn:

Cao Quang Ánh, Ngô Bảo Châu, Trịnh Xuân Thuận, Lê Bá Hùng,
Philipp Roesler, Thảo Nguyễn, Jacqueline Nguyễn


- Dân biểu Joseph Cao Quang Ánh giành thắng lợi trên chính trường nước Mỹ

- Giáo sư Ngô Bảo Châu có công trình toán học được Tạp chí Time của Mỹ bình chọn là một trong 10 khám phá tiêu biểu của khoa học Thế giới năm 2009

- Khoa học gia Trịnh Xuân Thuận cùng nhận Giải thưởng về phổ biến khoa học Kalinga năm 2009 với giáo sư Yash Pal người Ấn Độ.

- Trung tá Lê Bá Hùng, hạm trưởng khu trục hạm USS Lassen, vừa có chuyến viếng thăm cảng Đà Nẵng đầy bất ngờ và lý thú.

- Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Roesler (được một gia đình người Đức nhận con nuôi từ nhỏ nên không tìm thấy tên Việt của ông)

- Giáo sư Thảo Nguyễn lọt vào danh sách 100 nhà khoa học trẻ được nhận giải thưởng của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong năm 2009

- Thẩm phán liên bang, bà Jacqueline Nguyễn, là người gốc Việt đầu tiên được vinh dự tham gia hệ thống hành pháp cao cấp của Hoa Kỳ

3. Số phận hẩm hiu của văn nghệ sĩ trí thức trong nước

- Đầu năm, nữ đạo diễn Song Chi (nổi tiếng với bộ phim truyền hình nhiều tập Nữ Bác Sỹ) đã phải xin tỵ nạn ở Na Uy. Nguyên nhân là bị trù dập tại nơi làm việc do đã tham gia biểu tình đòi chủ quyền cho Hoàng Sa, Trường Sa và viết blog cổ võ Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền ở Việt Nam.

Hoàng Tụy, Song Chi


- Kế tiếp là Viện Nghiên cứu IDS tự giải thể để phản đối Quyết định 97 của Thủ tướng Chính phủ.

- Sau đó không lâu thì tờ báo Tia Sáng bị đình bản, dập tắt những hy vọng mong manh của giới trí thức Việt Nam theo xu thế canh tân. Giáo sư Hoàng Tụy - người có công trình toán học được thế giới công nhận (có lẽ là duy nhất trong hằng hà sa số "tiến sĩ" Việt Nam thời XHCN) - đã phải tuyên bố:
Vậy xin các bạn thông cảm và lượng thứ nếu thấy tôi "im lặng đáng sợ" trong thời gian tới!

- Chưa hết, khi không khí đón Giáng Sinh và năm mới đang đến gần thì có tin trang mạng BauxiteVietNam - tiếng nói phản biện của tri thức Việt Nam - đã bị "tin tặc" tấn công phá hoại.

4. Tam Tòa và Bát Nhã

- Câu chuyện Thái Hà chưa nguôi thì vấn đề tranh chấp đất đai lại tái diễn ở giáo xứ Tam Tòa.

- Nhưng sự kiện tôn giáo bi hài nhất năm 2009 lại diễn ra tại vùng cao nguyên Bảo Lộc. Khi hàng chục "giang hồ xã hội đen" tham gia đập phá nơi tu học của 200 thiền sinh thuộc pháp môn Làng Mai - đang tu tập tại Tu viện Bát Nhã. Điều kỳ quái và tội lỗi nhất là hành vi này diễn ra trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Vài tháng sau thì 200 tăng sinh phải rời tu viện Bát Nhã đến tá túc tại chùa Phước Huệ ở thị xã Bảo Lộc. Được biết ngày 31/12/2009 này là hạn chót họ buộc phải rời khỏi chùa Phước Huệ.

5. "Lề phải" nhàm quá, sang "lề trái" tìm kiếm Sự Thật nào!

- Tiếp nối một loạt hồi ký và tự truyện của những người từng đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam (như Nhật Ký Rồng Rắn của cố Trung tướng Trần Độ, Hồ Ức Và Suy Nghĩ của cựu Ngoại trưởng Trần Quang Cơ, Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh...) - việc ra mắt cuốn "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn" đã gây nên một sự kiện đình đám của làng văn nghệ trong và ngoài nước. Có lẽ chính cái tựa đề "không đụng hàng" của một ông nhạc sỹ đã ngoại bát tuần tự nhận mình là HÈN. Nhạc sỹ Tô Hải còn được biết đến như là một blogger cao tuổi nhất Việt Nam hiện nay, với những bài Tuần ký đều đặn đầy chất dí dỏm nhưng không kém phần sắc sảo trong lý luận, đúng là gừng giá quá cay!

- Suốt mấy chục năm dày công xây dựng huyền thoại Hồ Chí Minh, có lẽ Đảng CSVN không thể lường được sự phát triển vượt bậc của kỹ nghệ thông tin trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. DVD "Sự Thật về Hồ Chí Minh" xuất hiện không gây bất ngờ nhiều lắm đối với những ai đã theo dõi thông tin đa chiều trên Internet. Có những câu chuyện về Ô. HCM người ta đã xầm xì bàn tán nơi quán nước vỉa hè cả chục năm nay. Giá trị của cuốn DVD là tổng hợp và hệ thống hóa tất cả những nhân chứng, vật chứng có liên quan nhằm mục đích vạch trần huyền thoại HCM mà bộ máy tuyên truyền nhồi sọ của Đảng CSVN đã thực hiện trên đất nước Việt Nam qua nhiều thế hệ.

- Giáo sư Phan Huy Lê đã chính thức xác nhận sự thật về huyền thoại Lê Văn Tám, "ngọn đuốc sống" giờ đây đã trở thành viên sạn khó nhai nhất trong giáo trình lịch sử Việt Nam thời XHCN.

6. Những vụ kiện vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam trong năm 2009

- Sống dưới chính thể độc tài ngót 35 năm qua, người dân Việt có lẽ đã quen với suy nghĩ "những gì báo đài nhà nước loan tải đều là chân lý tuyệt vời". Chân lý ấy đã và đang lung lay dữ dội dưới sức mạnh của mạng thông tin toàn cầu. Các giáo dân Thái Hà đã đệ đơn khởi kiện Đài Truyền Hình VTV và báo Hà Nội Mới với cáo buộc rằng các cơ quan này đã loan tin không đúng sự thật. Cụ thể là đã đăng tin "họ cúi đầu nhận tội trước tòa", nhưng sự thật thì họ đã không làm chuyện đó!

- Vụ kiện động trời nhất là lá đơn của Ô. Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng về việc ký phê chuẩn dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Vị tiến sỹ tốt nghiệp ngành Luật ở Pháp này đã viện dẫn 3 vi phạm nghiêm trọng của dự án Bauxite Tây Nguyên, đó là vi phạm các luật Bảo vệ môi trường, luật Di sản văn hóa và luật Quốc phòng. Tòa án Nhân dân Hà nội tất nhiên là không thể và không dám thụ lý, nên đã cho nó vượt cấp lên đến Tòa Tối cao. Tòa án Nhân dân Tối cao sau hơn cả tháng trời "ngâm cứu" cũng mời bên nguyên đơn lên để trả lại, vì "trong pháp luật Việt Nam không có quy định nào về việc công dân kiện thủ tướng" !!!

7. "Đỉnh cao trí tuệ" và những phát ngôn ấn tượng

Còn gì để nói sau khi xem 3 đoạn video sau đây?







8. Sai sót có chủ ý hay lỗi kỹ thuật đơn thuần? (còn được gọi là giai thoại "cậu đánh máy")

Truyền thông lề phải năm 2009 đưa ra nhiều thuật ngữ mới và ...ngây ngô đến ngớ ngẩn.

- Trong sự kiện hoàng loạt thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu có vũ trang của Trung Quốc bắt giữ, đụng chìm... một số tờ báo dè dặt đưa tin là bị va chạm với "tàu lạ"! Cư dân mạng ưa khôi hài bèn lấy ngay cái từ "lạ" đặt trong ngoặc kép này để viết tắt cho 2 từ Trung Quốc. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng có một tiểu phẩm hài Làm sao cho khỏi lọa để châm biếm sự việc này.

- Việc trang web hợp tác www.chinavietnam.gov.vn bị phía "bạn" lợi dụng đưa tin bất lợi về chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được xem là sự kiện mở màn cho sự cố "lỗi kỹ thuật"

- Lỗi kỹ thuật được nói đến tiếp theo là hình ảnh binh lính hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được đưa lên minh họa cho bài báo "Những chú lính ở sân ga" của nhà văn Dạ Ngân đăng trên báo Báo Phụ nữ TpHCM số 23, ra ngày 21/6/2009 (số kỉ niệm 84 năm Ngày Báo chí CM Việt Nam)

- Ngày 4/9/2009 website của báo Đảng Cộng sản Việt Nam (cpv.gov.vn) đã đăng lại một bài đưa tin tập trận của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông. Điều đáng nói là bài dịch đăng lại theo quan điểm của tờ Hoàn Cầu, Phượng Hoàng của Trung Quốc. Qua đó, người đọc cảm nhận sự xúc phạm đến chủ quyền và độc lập của Việt Nam. Lối bao biện vụng về của Ô. Tổng Biên tập Đào Duy Quát nhằm đổ trách nhiệm cho "cậu đánh máy" càng gây thêm sự bất bình của cư dân mạng.

- Một blogger đã phát hiện hệ thống quảng cáo trên xe buýt và các siêu thị ở TpHCM (do một công ty Trung Quốc trúng thầu đảm nhiệm) - đã đưa hình bản đồ Việt Nam mà không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa!

- Ngày 22/12/2009, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, một số pa-nô cổ động dựng tại những nơi công cộng ở TpHCM lại tái diễn màn sử dụng hình ảnh binh lính Trung Quốc để minh họa!

9. Tự do ngôn luận bị đàn áp

- Chỉ vì lên tiếng đòi chủ quyền cho 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; vận động giữ màu xanh và an ninh cho Việt Nam mà một số blogger đã bị bắt giữ và tra vấn trong nhiều ngày. Đó là các blogger Mẹ Nấm, blogger Người Buôn Gió, blogger Sphinx và nhà báo Đoan Trang.

- Nhà văn và nhà hoạt động dân chủ Trần Khải Thanh Thủy bị bắt giữ vì tội "cố ý gây thương tích", trong đó hình chụp nạn nhân được cư dân mạng phanh phui là giả mạo. Còn Tiến sỹ luật học Cù Huy Hà Vũ thì nhận định có thể là "một hành vi bẫy người khác phạm tội".

- Mạng xã hội Facebook bị ngăn chận tại Việt Nam. Điều đáng chê trách là tất cả các ISP của Việt Nam đều thực hiện theo kiểu "ném đá giấu tay", thể hiện sự lúng túng và không chính danh trong việc thực thi sứ mệnh bưng tai-che mắt-bịt miệng này.

10. Tham nhũng vs Anh hùng

- Tham nhũng được xem là quốc nạn, thế nhưng việc xử lý tệ nạn này còn nhiều khuất tất. Từ việc các nhà báo đưa tin bị sách nhiễu, bỏ tù cho đến việc bẻ lái tội danh ăn hối lộ thành "cố ý làm trái" hoặc "lợi dụng chức vụ"... Tất cả đều gây nên tâm lý bất an và hứa hẹn tương lai ảm đạm về một xã hội kém minh bạch đi kèm với nền kinh tế theo định hướng XHCN ở Việt Nam.

- Đối nghịch lại với chuyện xử nhẹ tội tham nhũng hối lộ, là những vụ kết án quá nặng nề cho nhiều nhà hoạt động dân chủ chỉ vì những lời kêu gọi và hành động ôn hòa của họ. Đó là các vụ xét xử nhà giáo Vũ Hùng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Nguyễn Văn Tính, ông Nguyễn Kim Nhàn, ông Nguyễn Văn Túc, sinh viên Ngô Quỳnh, ông Nguyễn Mạnh Sơn, kỹ sư Phạm Văn Trội...

- Riêng phiên tòa xét xử cô Phạm Thanh Nghiên ngày 17/12/2009 vừa rồi đã phải hoãn lại. Không biết án sẽ kêu thế nào khi thời gian giam giữ cô Nghiên đã quá nhiều so với "tội" tọa khán tại nhà với những biểu ngữ bảo vệ chủ quyền biển đảo?

- Bên cạnh những vụ án dân chủ, còn có một vụ gây nhiều nghi vấn là chuyện kết án nặng bà Ba Sương - người từng được phong tặng anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

---------------------------
Ghi chú:

* Hình ảnh và phim minh họa được sưu tầm từ Internet
* Chú thích bên dưới các bức ảnh xin mạn phép lược bỏ đại từ nhân xưng (ông/bà/chức danh...) để bớt rườm rà.

.
◄◄ Home

0 comments:

Post a Comment

Lời nói không mất tiền mua.
Làm ơn comment theo tinh thần tôn trọng sự thật và tự trọng bản thân!